Những siêu mẫu “thống trị” làng mốt qua bao từng thập kỷ, họ là ai? (phần 1)

Ngày đăng: 22/08/23

Từ Carla Bruni đến Bella Hadid, Cindy Crawford đến Kaia Gerber, Naomi Campbell đến Adut Akech, từ 1930 cho đến nay, dưới đây là những nàng siêu mẫu đã và đang thống trị “địa hạt” thời trang. 

Tóm tắt nội dung

Siêu mẫu – một danh xưng cao quý mà “chân dài” nào cũng phấn đấu đạt được, là mỹ từ dành cho những nàng mẫu tài năng và quyến rũ nhất thế giới. Họ đẹp và tỏa sáng một cách tự nhiên. Cốt cách của họ có lẽ sẽ chẳng có ai thay thế được. Những người phụ nữ đấy dường như có trong tay tất cả mọi thứ, và cả một cuộc sống mà ai cũng đều mơ ước. Tất nhiên, trước khi thưởng thức được “mật ngọt” cuộc đời, họ cũng đã phải nỗ lực hết mực và trải qua một chặng đường phấn đầu không ít chông gai. Khi nhắc đến “siêu mẫu”, chúng ta chắc chắn sẽ nghĩ ngay đến những huyền thoại như Cindy Crawford, Naomi Campbell hay Gisele Bündchen. Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của họ vài chục thập kỷ, thế giới thời trang đã “ám ảnh” những người phụ nữ khác. “Who run the world? Girls”, như lời bài hát của Beyoncé, mỗi thời kỳ hoàng kim của làng mốt luôn có sự cống hiến vĩ đại của những nữ siêu mẫu giỏi giang. Nhân dịp series phim tài liệu về cuộc đời của các siêu mẫu đình đám thời thập niên 90 – The Super Models sắp sửa ra mắt, cùng Style-Republik điểm lại những siêu mẫu quyền lực đã và đang “thống trị” thế giới thời trang qua từng thập kỷ!

1930s – 1950s

Dù bắt đầu bùng nổ từ những năm 90, nhưng danh xưng siêu mẫu lần đầu tiên được gắn liền với mỹ nhân Lisa Fonssagrives. Trước khi chinh phục “ống kính” thời trang, người mẫu gốc Thụy Điển đã từng là một vũ công và nhà điêu khắc tài năng. Lisa vươn đến hào quang của sự nghiệp làm mẫu bằng những bức ảnh đẹp vượt thời gian, được chụp bởi nhiếp ảnh cũng là chồng của cô – Irving Penn. Penn đã biến vợ của mình thành một biểu tượng vĩnh cửu trong làng mốt thông qua những tác phẩm nghệ thuật. Chẳng hạn như bức ảnh Lisa đội một chiếc mũ làm bằng lông gà hoặc nép mình trong chiếc áo choàng trong một cung điện Ma-rốc. Không chỉ sau máy ảnh, phong thái quý phái, thanh lịch khác thường của Fonssagrives cùng những sải bước thần thái và sự am hiểu về cơ thể, đã khiến cô trở thành ngôi sao mỗi khi xuất hiện. Vẻ đẹp quyến rũ của Lisa Fonssagrives đã đặt ra một tiêu chuẩn mới về cái đẹp và mở đường cho những người mẫu tương lai.

Dovima, tên thật là Dorothy Virginia Margaret Juba – tài năng được phát hiện vào năm 1949 khi cô ấy bước ra khỏi một chiếc Automat gần văn phòng Vogue. Một ngày sau khi biên tập viên tạp chí Vogue chặn cô lại trên vỉa hè, Dovima có buổi chụp hình đầu tiên với nhiếp ảnh gia đình Irving Penn. Chẳng mấy chốc, cô ấy là một trong những người mẫu được trả cat-xê cao nhất trong ngành vào thập niên 1950. Ở những buổi chụp hình, Dovima chẳng cần đạo cụ đặc biệt nào để tôn lên vẻ thanh lịch đặc biệt, gần như cực kỳ tinh tế của cô ấy. Bồng bềnh trong một chiếc kén bằng voan, hay chỉ với một chiếc mũ lưỡi trai nhỏ, Dovima đã thống trị thế giới thời trang. Với sự kiêu kỳ và quý phái, cô ấy chính là tiêu chuẩn, biểu tượng cho vẻ đẹp đặc trưng từ những nữ hoàng băng giá của những năm 50. Nhiếp ảnh gia Richard Avedon đã mô tả Dovima là “vẻ đẹp khác thường và đặc biệt nhất lúc bấy giờ”

Bằng nét đẹp yêu kiều, yểu điệu, và quyến rũ, trong suốt những năm 1950s, Suzy Parker – một cô gái người Mỹ, đã trở thành ngôi mặt sáng giá trên loạt trang bìa tạp chí. Trong thời kỳ ngay sau Thế chiến thứ hai, người mẫu đã trở thành người nổi tiếng trong xã hội. Thời trang cũng dần mở rộng tệp khách hàng từ tần lớp thượng lưu sang xã hội rộng lớn hơn. Và Suzy Parker, cùng với những người mẫu khác như Dovima và Lisa Fonssagrives, đã mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho thời trang thời hậu chiến. Suzy là một người phụ nữ đa tài, một người mẫu đầu tiên kiếm được hơn 100 đô la một giờ và 100.000 đô la một năm, cũng từng là một nhiếp ảnh gia và biên tập viên chuyên nghiệp. Từ New York đến Hollywood, từ siêu mẫu đến diễn viên, huyền thoại siêu mẫu này cũng từng góp mặt trong nhiều chương trình truyền hình và phim ảnh. Cô nhanh chóng trở thành gương mặt đại diện của Revlon. 

1960s

Chúng ta không thể nhắc về những năm 1960 mà không nghĩ đến Twiggy. Đó là một người phụ nữ có một dáng người nhỏ nhắn, gầy gò, nói thẳng ra, cơ thể của Twiggy không đúng với chuẩn mực của một người mẫu. Tuy nhiên, chính sự khác biệt đấy cộng hưởng với mái tóc ngắn, đôi mắt to tròn cùng hàng mi vừa dài vừa cong, đã biến Twiggy trở thành một biểu tượng đại diện cho phong cách thời trang Mod. Trở lại thời điểm những năm 1960 tại xứ sở sương mù Anh Quốc, Swinging London trở thành xu hướng đại diện cho nền văn hoá của giới trẻ. Đây cũng là một thời đại mới của xã hội – hiện đại, phóng khoáng và nổi loạn, phản chiếu chân thật nhất tính cách của giới trẻ phương Tây. Và Twiggy chính là một trong những gương mặt được xã hội “ưu ái” trao cho danh xưng đại diện cho kỷ nguyên này. Không chỉ bén duyên với nghề mẫu, Twiggy còn thành công rực rỡ khi lấn sân sang màn bạc, với hai giải Quả cầu vàng cho vai diễn ấn tượng trong bộ phim “The Boy Friend” năm 1971. Siêu mẫu đình đám còn thể hiện tài năng trong con đường âm nhạc, nhạc kịch và viết sách. 

1970s

Beverly Johnson là một trong những siêu mẫu quan trọng nhất của thập niên 1970. Bởi lẽ, người mẫu Mỹ gốc Phi này chính là người phụ nữ da màu đầu tiên được xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue số tháng 8 năm 1974. Nhờ và tấm ảnh đó, tiêu chuẩn về cái đẹp cũng dần được thay đổi. Đến năm 1975, các nhà thiết kế Mỹ tên tuổi cũng bắt đầu sử dụng người mẫu da màu trong các show diễn trình làng bộ sưu tập của mình. Kể từ đó, Beverly trở thành cái tên được săn đón hết mực, và đã “góp mặt” trên trang bìa của hơn 500 tạp chí. New York Times đánh giá cô là một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 của làng mốt. Xa rời sàn catwalk, siêu mẫu còn tham gia một số tập phim truyền hình, viết sách và ca hát. 

Marisa Berenson đã tuyên bố rằng: “Tôi chính là người mẫu khỏa thân đầu tiên trên tạp chí Vogue.” Ở tuổi 16, “viên ngọc thô” được phát hiện bởi biên tập viên Diana Vreeland của tạp chí Vogue. Chính Diana là người đã biến thiếu nữ nhút nhát Marisa thành một biểu tượng của sự tự tin, lôi cuốn và là hình mẫu lý tưởng cho vẻ đẹp của những năm 60. Bắt đầu từ những năm 60 rồi đến những năm 1970, Marisa trở thành một trong những siêu mẫu đình đám lúc bấy giờ. Nhà thiết kế huyền thoại Yves Saint Laurent đã từng ví von Marisa như “cô gái của những năm bảy mươi.” Không những là một siêu mẫu đình đám, cô còn là nữ diễn viên sáng giá, khi bắt đầu sự nghiệp với vai diễn trong bộ phim “Death in Vencie” của nhà làm phim huyền thoại Luchino Visconti. Có thể nói, tài năng diễn xuất của Marisa là thiên bẩm, khi vai diễn trong bộ phim “Cabaret” (1972) đã giúp cô mang về đề cử giải Quả cầu vàng. 

Mặc dù phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc bạo lực trong thời gian đầu sự nghiệp, bao gồm cả việc bị Ford Models từ chối vì màu da của cô ấy, Pat Cleveland luôn được làng mốt công nhận với tư cách là một trong những người mẫu, siêu mẫu vĩ đại nhất từ ​​trước đến nay. Bà bắt đầu sự nghiệp năm 16 tuổi khi được Carrie Donovan – biên tập viên Vogue Italy, phát hiện trên tàu điện ngầm. Trước Naomi Campbell, Cleveland đã mở đường cho những người mẫu da màu được tỏa sáng. Siêu mẫu từng là gương mặt yêu thích của Valentino, Oscar de la Renta, Yves Saint Laurent, Thierry Mugler, Christian Dior… trở thành nàng thơ của nhà thiết kết Roy Halston vào những năm 1970. Cô còn nổi tiếng khi trở thành người mẫu da màu duy nhất được tham gia vào cuộc đọ sức kinh điển của làng mốt – “Battle of Versailles Fashion Show”. Cleveland nổi tiếng với phong cách trình diễn và catwalk không giống ai. Không mặt lạnh, cũng không sải bước thật đơn điệu, cô biến sàn diễn trở thành sân khấu của riêng mình, với những điệu múa tự tin, giải phóng cơ thể. Từ đây, danh xưng “nữ hoàng khiêu vũ” trên sàn catwalk của cô được ra đời. 

Thực hiện Dory