Tương lai của thời trang: Từ thời trang bền vững đến ‘nhà thiết kế AI’?
Ngày đăng: 07/01/19
Ngành công nghiệp thời trang đã luôn mang đến những bộ trang phục được cải tiến, và những tiến bộ của ngành công nghiệp may mặc kết hợp cùng công nghệ đã thay đổi cách mà chúng ta tương tác cùng trải nghiệm, từ đó thời trang mang lại một ý nghĩa mới với nhân loại.
Nhà thiết kế Stella McCartney từng phát biểu tại hội thảo thời trang được tổ chức bởi tạp chí Vogue năm ngoái: “Công nghệ thật sự rất quyến rũ”. Nói về đề tài thời trang bền vững, Stella đã nhấn mạnh rằng cần ghi nhận về sự hao phí của ngành công nghiệp này, các chất độc hại và ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất mà nó mang lại. Với cô, ứng dụng của công nghệ hiện đại trong thời trang là bắt buộc chứ không chỉ là chọn lựa. “Thế hệ trẻ hơn sẽ có những mong muốn khác biệt. Chúng ta cần tiếp cận theo một cách khác nếu muốn tiếp tục kinh doanh trong tương lai” – Stella nhấn mạnh.
Từ những ứng dụng sinh học hay đưa công nghệ vào may mặc, người ta đã tạo nên những sản phẩm tiên tiến kết hợp công nghệ AI (Artificial Intelligence: trí thông minh nhân tạo) hay AR (Augmented Reality), đồng thời cho phép con người có nhiều chọn lựa hơn. Sự tiến bộ này cũng giúp đẩy mạnh sự phát triển của thời trang bền vững. Và trong tương lai, có thể AI sẽ đảm nhiệm vai trò một nhà thiết kế thời trang. Cùng điểm qua những ứng dụng công nghệ đặc biệt vào lĩnh vực thời trang.
1. Thời trang duy chỉ một size vừa với tất cả
Nhà sáng tạo Ryan Jasin đã phát minh ra loại trang phục gọi là “quần áo thích ứng” – loại trang phục có thể “phát triển” cùng với cơ thể người mặc theo năm tháng, có thể tăng đến bảy size.
Mẫu rập tiên tiến của Ryan được làm từ chất liệu xếp li có trọng lượng nhẹ, có thể tạo nên những bộ trang phục mang khả năng chống thấm, giặt được bằng máy và quan trọng nhất là có thể tái chế được.
2. Thay đổi hình dáng/ công năng
Một phát minh của trường Royal College of Fashion cho phép hình dáng trang phục biến đổi. Ý tưởng này dựa trên việc những người dân di cư phải mang theo rất nhiều đồ dùng đi hàng ngàn dặm. Tuy nhiên, khái niệm về “hình dáng và thay đổi chức năng” của trang phục cũng dần thu hút các nhà thiết kế theo phong cách tối giản (minimalist) hay các thương hiệu thời trang bền vững, những người đang muốn giảm đến mức tối thiểu hao phí trong quá trình sản xuất.
3. Chất liệu may mặc làm từ vỏ cam
Một loại chất liệu bền vững cho ngành may mặc đó là vỏ cam, về cơ bản người ta đã có thể làm ra các loại vải vóc từ thân cây chuối, tre, dứa… Những loại vải này có khả năng phân hủy tự nhiên. Salvatore Ferragamo là một trong những thương hiệu tiên phong sản xuất áo thun và khăn làm bằng vải dệt từ vỏ cam. Giờ đây các nhà thiết kế khác cũng đang nghiêm túc cân nhắc loại chất liệu đặc biệt này.
4. Thời trang từ rong biển
Algae Apparel là sản phẩm đạt giải thưởng H&M Global Innovation Awards 2018 vì tính độc đáo của nó. Công ty đã sản xuất ra chất liệu sinh học từ rong biển và thân thiện với người dùng. Đặc biệt là loại trang phục này có thể cung cấp dưỡng chất cho cơ thể người mặc, như các loại vitamins và khoáng chất trong suốt cả ngày.
5. Từ những bộ ‘Power suits’ đến áo quần thông minh
Yves Béhar, nhà sáng lập của ‘Fuseproject’, người đã nảy sinh ý tưởng tạo nên những bộ quần áo siêu việt cho những người tàn tật – giúp họ có thể đi đứng hay hoạt động chứ không chỉ trông đẹp mắt. Khái niệm này thu hút các nhà thiết kế thời trang tiên tiến phát minh ra những thiết kế giúp phục hồi chức năng của con người thông qua trang phục.
6. Trang phục biết thu thập dữ liệu
Được chế tạo bởi nhà thiết kế người Hà Lan Pauline van Dongen, một chiếc áo khoác cardigan mang tên gọi ‘Vigour Cardigan’ kết hợp với các sợi cảm biến linh hoạt cho phép thu thập và thống kê các dữ liệu thời tiết và xác định các bài tập thể dục hiệu quả cho cơ thể.
7. Chất liệu sinh học giả da thuộc
Nếu như nguồn nguyên liệu da thuộc được sản xuất theo cách truyền thống là giết hại động vật, thêm vào đó quá trình tạo da thuộc và nhuộm màu da khá độc hại và nguy hại với môi trường, thì nay thương hiệu Modern Meadow đã tạo được loại chất liệu sinh học trong phòng thí nghiệm thay thế cho da thuộc thực sự.
8. Công nghệ in 3D tiến bộ
Ngày nay có nhiều nhà thiết kế thời trang sử dụng sự tiến bộ của công nghệ vào trong quá trình thiết kế. Thiết kế 3D và in ấn là hai trong số những công cụ phổ biến nhất hiện nay, NTK Iris van Herpen được xem là người dẫn đầu xu hướng này. Nhà thiết kế sử dụng máy cắt laser và máy in 3D để thiết kế nên trang phục. Thêm vào đó, ứng dụng của công nghệ in 3D cho phép sử dụng mực in sinh học để in ấn những bộ trang phục thân thiện với môi trường, tạo nên một môi trường thiết kế sạch sẽ.
9. Cá nhân hóa với AR
Tại các cửa hàng bán lẻ thời trang, ứng dụng của công nghệ như AR không quá xa lạ. Phiên bản thử nghiệm của Gucci với một cửa hàng trang phục xa xỉ – giới thiệu đến khách hàng trải nghiệm thương mại điện tử. Với một khu vườn đầy kim cương cùng những người mẫu quyến rũ và những tấm hình hấp dẫn trên tường, Zara cũng vận dụng tương tác AR với hơn 120 cửa hàng trên toàn cầu. Khách hàng của Zara có thể sử dụng smartphone của mình chiếu lên cửa sổ cửa hàng để thấy những người mẫu ảo bước ra từ màn hình từ thiết bị, sau đó đi dạo quanh và trình diễn trang phục cho khách hàng.
Ứng dụng của AR trong ngành thời trang đến thời điểm này vẫn chưa quá phổ biến, tuy nhiên theo Mathew Drinkwater, người đứng đầu Fashion Innovation Agency của London College of Fashion, thời trang là vùng đất nhiều triển vọng với công nghệ AR.
Một trong những điểm chính của thời trang, nhất là thời trang xa xỉ, là khiến người ta mơ ước. Để tạo nên những khát vọng, người ta tạo nên các show diễn hoành tráng, những người mẫu được photoshop nuột nà trên tạp chí, một thế giới lung linh đẹp đẽ hơn đời thường. Và đó là vì sao AR hoàn toàn thích hợp với thế giới thời trang. Người ta có thể tạo nên một ‘thế giới số’ bằng việc hòa lẫn ‘các góc nhìn thực tế’ với sự vô hình của truyền thông xã hội, thêm vào đó tính đời sống. Tuy nhiên khi ranh giới của hiện thực và ảo vọng bị xóa nhòa, điều gì sẽ xảy đến với ngành thời trang, câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngỏ.
10. Thế hệ nhà thiết kế AI?
Ứng dụng của AI trong ngành công nghiệp thời trang có thể tìm thấy ở lĩnh vực chăm sóc khách hàng, dự đoán xu hướng, lên kế hoạch và thu mua, đón tiếp tự động và quản lý đầu tư, sản xuất hàng hóa… Tuy nhiên, YOOX đã và đang nâng cấp hệ thống AI để cho ra mắt thương hiệu thời trang mà công nghệ AI đảm nhiệm vai trò đồng thiết kế với các nhà thiết kế truyền thống.
Điều này làm lu mờ đi ranh giới giữa công nghệ, con người và sáng tạo. Câu hỏi được đặt ra là liệu khách hàng sẽ chọn lựa những gì? Sản phẩm được làm ra bởi AI hay những nghệ nhân haute couture? Sản phẩm của được con người làm nên bao gồm tính thủ công, di sản, trải nghiệm, quá khứ, lịch sử, kí ức, chọn lựa, so sánh và cả cảm xúc của người làm nên. Nhưng công bằng mà nói, AI gần như toàn năng với sở hữu toàn bộ lịch sử nhân loại. Các “nhà thiết kế AI” sẽ chọn lựa vật liệu thích hợp theo niềm cảm hứng sáng tạo, công nghệ ứng dụng liên quan và AI cũng lấy cảm hứng như cách sáng tạo của con người. Niềm cảm hứng có từ “nỗi đau hay sự đấu tranh”, như trong âm nhạc, hội họa và khoa học. Tương lai của thời trang – một câu trả lời thật phức tạp!
Tác giả: Laurenti Arnault/ Chuyển ngữ: Hoàng Khôi
Theo Wtvox