Pierpaolo Piccioli rời Valentino: Ngành thời trang dần không còn chỗ cho những kẻ mộng mơ?

Ngày đăng: 10/05/24

‘Chất người có phải đang dần trở nên lỗi thời không?’ – đó là câu hỏi được đặt ra sau sự ra đi của nhà thiết kế Valentino và Dries Van Noten.

Kể từ khi tin tức Pierpaolo Piccioli – Giám đốc sáng tạo của Valentino rời thương hiệu nổ ra, chúng ta vô số lần bắt gặp những lời tán dương về tài năng của ông trên rất nhiều mạng xã hội. Nhưng trong tất cả những từ được dùng để mô tả tác phẩm của ông Piccioli – “thiên tài”, “ma thuật” và “tầm nhìn”, “sự mộng mơ” và “vẻ đẹp” thì đặc biệt nhất vẫn là “tính nhân văn”.

Khoảng thời gian gần đây, có vài nhà thiết kế đã rời bỏ sân chơi này, không phải vì mối đe dọa tiềm ẩn là AI mà bởi vì nhiều lí do khác nhau và nghệ nhân người Ý Pierpaolo Piccioli lại là người thứ 3 trong danh sách này. Người đầu tiên là Sarah Burton, nhà thiết kế của Alexander McQueen. Bà Burton rời thương hiệu này vào tháng Mười khi đã đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo trong 13 năm sau cái chết của nhà sáng lập và hơn 20 năm sau khi gia nhập với tư cách là trợ lý cho ông McQueen.

Người thứ hai là Dries Van Noten, người đã tuyên bố nghỉ hưu sau 40 năm trong nghề và tin tức này chỉ xuất hiện vài ngày trước tin tức của Valentino. Và bây giờ là ông Piccioli, người đã làm việc tại Valentino được 25 năm và giữ chức Giám đốc sáng tạo trong 8 năm.

Dries Van Noten W SS/15 - villa eugénie
Người mẫu ngả lưng trên thảm cỏ sau show diễn mùa xuân 2015 của Dries Van Noten

Tất nhiên, việc các Giám đốc sáng tạo của các thương hiệu lớn từ chức có thể được coi đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Không thể phủ nhận rằng thời trang đang trong thời kỳ bất ổn vì các yếu tố như chính trị và kinh tế. Sau một thời gian thì mọi thứ đã dần ổn định trở lại nhưng vẫn không ngăn được những mong muốn thay đổi của một số nhà thiết kế. 

Cũng có thể sự thay đổi này chỉ đơn giản là sự chuyển giao thế hệ. Ông Van Noten rời thương hiệu khi 65 tuổi, ông Piccioli từ chức khi đang ở độ tuổi 56 tuổi và bà Burton chỉ vừa mới 49 tuổi khi rời McQueen. Rất hiếm khi các nhà thiết kế gắn bó hơn 10 năm với một thương hiệu, trừ khi họ là những nhà sáng lập nó. Như ông Van Noten đã làm việc cho đến năm 2018 khi ông bán phần lớn cổ phần cho tập đoàn Puig của Tây Ban Nha.

Rất hiếm khi các nhà thiết kế gắn bó hơn 10 năm với một thương hiệu, trừ khi họ là những nhà sáng lập nó.

Mặc dù ba người tạo nên xu hướng – ông Piccioli, ông Van Noten và bà Burton – không giống nhau về xuất thân hay gu thẩm mỹ nhưng tất cả những thiết kế của họ đều mang “tính nhân văn”. Vậy vì điều gì mà tính nhân văn của họ không còn hợp thời trang nữa?

“Con người” trong trường hợp này mang ý nghĩa gì?

Thật kỳ lạ khi trong một ngành công nghiệp mà các sản phẩm được tạo ra bởi con người và dành cho con người, nhưng lại có sự xuất hiện của chủ nghĩa nhân văn có từ thời Phục Hưng. Tinh thần hào phóng đã ‘len lỏi’ vào mọi việc mà những nhà thiết kế này làm, từ quần áo họ thiết kế cho đến cách họ tiến hành kinh doanh. Điều này mang đến cảm giác như họ không chỉ quan tâm đến những gì họ làm ra mà còn cả đời sống nội tâm đầy cảm xúc của những người mặc nó. Thế hệ sau phải chăng cần hiểu rằng họ đang kế thừa di sản của những người khổng lồ đi trước và nhiều người đã truyền cảm hứng cho giấc mơ của họ thành hiện thực nên họ phải có trách nhiệm với từng sản phẩm làm ra. 

45 Looks From the Alexander McQueen Spring 2017 Show - Alexander McQueen Runway Show at Paris Fashion Week
BST Xuân 2017 của Alexander McQueen cho ra mắt những chiếc váy cưới mang tính biểu tượng từ Quần đảo Shetland

Ví như cựu giám đốc sáng tạo của Alexander McQueen – Sarah Burton, bà đã không chỉ gắn kết xưởng may và nhân viên với nhau mà còn tiếp tục di sản của ông McQueen về sự sáng tạo phi thường và trí tưởng tượng hoang dã, đồng thời thêm vào một chút dịu dàng và duyên dáng. Nhà thiết kế ấy đã cộng tác với các nhà xưởng và thợ thủ công trên khắp Vương quốc Anh, tổ chức các buổi triển lãm để vinh danh họ. Bà ấy cũng giới thiệu hàng loạt bộ cánh mới với nhiều kiểu dáng người mẫu khác nhau trên sàn diễn của mình từ rất lâu nhằm ‘đập tan’ định kiến dáng người mẫu là những người thon gầy.

Kate Middleton Two Wedding Dresses Sarah Burton
Chiếc váy cưới của Catherine, Vương phi xứ Wales là thiết kế đến từ bà Sarah Burton

Không những thế, nhà thiết kế người Anh đã từng tham gia vào việc thiết kế và chọn trang phục cho các dịp đặc biệt của hoàng thất xứ Wales. Bà Burton đã thiết kế không chỉ chiếc váy cưới của Công nương mà còn có trang phục lên ngôi của bà và công chúa Charlotte.

Trở lại năm 2014, ông Van Noten đã từng tổ chức triển lãm tại Musée des Arts Décoratifs vừa để tôn vinh bản thân, đồng thời lan toả sự chú ý cho những nhân vật và tác phẩm đã truyền cảm hứng cho ông. Đó là những người thợ thêu có tay nghề cao đến từ Ấn Độ và những người mà ông đã làm việc cùng qua nhiều thập kỷ. Tương tự như vậy, trong buổi trình diễn thứ 100 của ông vào năm 2017, thay vì tổ chức một bữa tiệc lớn để vinh danh nghệ nhân này, ông mời các người mẫu đã từng tham gia buổi trình diễn của ông đến góp vui. Về việc tại sao lại bán thương hiệu của mình cho Puig vào năm 2018, thì ông đã trả lời rằng mục đích của việc này là để đảm bảo việc làm cho tất cả nhân viên ở đó cũng như ông muốn lấy số ấy để an hưởng tuổi già. 

Pierpaolo Piccioli Is Exiting Valentino | GQ
Pierpaolo Piccioli cùng những người thợ may chung thương hiệu xuất hiện sau buổi trình diễn mùa thu năm 2022 tại Spanish Steps ở Rome

Ông Piccioli, người luôn gây ấn tượng mỗi khi dẫn theo các nhân viên ở xưởng may của mình ra và cúi chào khán giả sau mỗi buổi trình diễn. Không những thế, ông ấy thường đặt tên những chiếc váy thời trang cao cấp của mình theo tên những người phụ nữ và đàn ông đã tạo ra chúng. Vào năm 2019, ông ấy đã tái hiện lại bức ảnh nổi tiếng của Cecil Beaton về những người phụ nữ ngoài xã hội trong những bộ váy dạ hội của Charles James và chỉ có những người mẫu da màu mới được mời để trình diễn.

Vào năm 2022, bộ sưu tập thời trang cao cấp được ra mắt tại địa danh Spanish Steps bởi vì đã sử dụng loại vải mịn và cực kì trơn trượt nên ông đã cho phép người mẫu có thể tự do lựa chọn loại giày của mình. Về vấn đề này, giám đốc sáng tạo của Valentino đã tránh sử dụng tính từ “đa dạng” để ủng hộ “tính cá nhân”. Điều này có nghĩa là ông cực kì tôn trọng và ưu tiên sự độc nhất vô nhị của từng cá nhân hơn là chỉ nhắm đến khía niệm đa dạng chung chung. 

Front Row Report: Valentino's Spectacular Haute Couture Show on Rome's Spanish Steps | Tatler Asia
Tại buổi trình diễn Valentino ở Spanish Steps, người mẫu có thể tự chọn giày dép

Không phải là ông Piccioli và công ty không tin có thể đạt được một kết quả kinh doanh tốt khi tập trung vào tính nhân văn. Mà là ngược lại họ tin rằng kinh doanh, vẻ đẹp, sự sáng tạo và chức năng đều có giá trị ngang nhau và có thể cùng tồn tại. 

Cho dù cuối cùng, tại sao họ lại rời thương hiệu, liệu rằng họ bị sa thải hay chỉ đơn giản là không đồng tình với những quan điểm của những thành viên khác trong công ty của mình (ông Van Noten dường như đã lên kế hoạch ra đi từ lâu), thì rõ ràng là mỗi nhà thiết kế này đều cảm nhận được rằng dòng chảy thời trang đã không đi theo hướng của họ. Do đó, cảm xúc và tình cảm đối với thương hiệu đã hết nên thay vì thỏa hiệp và tiếp tục ở lại, họ đã chọn phương án rời đi. 

Hôm thứ Hai sau khi rời đi, ông Piccioli đã đăng một bức ảnh chia tay các nhân viên của mình, tất cả đều mặc áo phông đen có dòng chữ “Cảm ơn PP” và trong bức ảnh đó còn có một tấm biển có câu trích dẫn của Pasolini (bằng tiếng Ý), “Chúng tôi không muốn bỗng dưng trở thành những người không còn ước mơ”. Câu này ám chỉ việc giữ cho mình hoài bão và hy vọng trong cuộc sống sẽ tốt hơn thay vì trở nên cảm thấy bế tắc và không có mục tiêu.

Chuyển ngữ: Mỹ Tâm

Theo “Is Humanity Out of Fashion?” viết bởi Vanessa Friedman đăng tải trên Nytimes