A-Z: 24 cái tên lừng lẫy trong ngành công nghiệp thời trang (Phần 2)

Ngày đăng: 21/07/18

Ngành công nghiệp thời trang cho đến ngày nay đã vận hành với một guồng quay khắc nghiệt, qua bao năm tháng thăng trầm, lịch sử ghi nhận nhiều nhân vật với sự cống hiến to lớn cho nền thời trang và tầm nhìn của họ đã trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ tiếp theo.

Từ A đến Z, 24 chữ cái, đại diện cho 24 cái tên lừng lẫy, từ nhà thiết kế, người mẫu, nhiếp ảnh gia cho đến night club, mà tên tuổi đã ghi dấu ấn to lớn trong giới thời trang.

Iman

Iman

Sinh ra ở Somania, bà được phát hiện bởi nhiếp ảnh gia Peter Beard khi bà vẫn còn đang theo học tại trường Đại học Kenya ở Nairobi. Vào những năm 70 và 80, Iman đã toả sáng trên sàn diễn và xuất hiện trên nhiều tạp chí thời trang danh tiếng. Tiêu biểu là tác phẩm được chụp bởi nhiếp ảnh gia Althur Elgort cho Vogue (1976), đây được coi là sự tiên phong cho vai trò của những người mẫu da màu trong làng thời trang thế giới. Khi sự nghiệp của bà bắt đầu khởi sắc, Iman đã có một cuộc chiến không cân sức với một đối thủ nổi tiếng cùng thời, Beverly Johnson. Vào năm 1994, sau khi nghỉ hưu, Iman thành lập thương hiệu mỹ phẩm của riêng mình. Bà kết hôn với David Bowie, ở bên nhau 24 năm, cho đến khi ông qua đời vào năm 2016.

Jerry Hall

Jerry Hall

Một trong những siêu mẫu đời đầu của những năm 1970, Hall là một “bomb-shell” kinh điển. Vẻ đẹp Texas bắt đầu sự nghiệp của mình khi mới 17 tuổi tại Paris và bắt đầu khẳng định tên tuổi sau ấn phẩm được chụp bởi Helmut Newton. Sau cuộc tình với nghệ sỹ người anh Bryan Ferry, bà bắt đầu hẹn hò với Mick Jagger của Rolling Stones. Họ sống với nhau 20 năm và có chung bốn đứa con. Hall dường như có một sự kết nối vô hình với sự hào nhoáng và thời thượng của những năm 70, 80 khi bà và Mick Jagger đều là những tên tuổi gắn liền với sự tồn tại ngắn ngủi nhưng cực kỳ rực rỡ của Studio 54. Thời gian sau đó, bà đã có một bước ngoặt trong sự nghiệp khi đá sân sang điện ảnh. Nghiệp diễn của Hall cũng gắn liền với những vai diễn trong các bộ phim đình đám như Batman của Tim Burton hay các tác phẩm sân khấu như The Graduate và Absolutely Fabulous: The Movie.

Katharine Hamnett

Katharine Hamnett

Trong những năm 80, Hamnett đánh dấu tên tuổi của mình là nhà thiết kế thời trang và hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực: bảo vệ quyền lợi cho người đồng tính, phản đối nghiên cứu phát triển hạt nhân, bảo vệ môi trường, vì hoà bình. Những chiếc áo T-shirt kinh điển của bà thường được gắn với những dòng chữ như: “Choose Life”, “Stop Acid Rain”, “U.S Go Home”. Bà cũng thường cho ra những bộ sưu tập ready-to-wear với những chủ đề liên quan tới chính trị như “Post Materialism” và “Cancel the Third World Debt”. Thêm vào đó, những chiến dịch quảng cáo mang tính châm biếm của bà cũng gây ảnh hưởng đến tư duy quảng cáo đến tận ngày nay.

Vào tháng chín năm 2017, nhà hoạt động xã hội đầy nhiệt huyết này cũng cho ra mắt một bộ sưu tập có tính bền vững mà hầu hết những hoạ tiết trên đó đều mang đậm dấu ấn của bà. Một vài những mẫu Tshirt mới nhất của nhà thiết kế bao gồm “Cancel Brexit” và “Stop Killing Whales”. Bà cũng mới cho ra mắt mẫu áo “Choose Love” – một sản phẩm trong dòng “Choose Life” – đồng hành cùng với tổ chức phi lợi nhuận Anh giúp đỡ những người tị nạn.

Lauren Hutton

Lauren Hutton

Sau khi chuyển đến New York, cô gái gốc Charleston làm bồi bàn tại Playboy Club trong vòng 3 tháng trước khi bắt đầu sự nghiệp người mẫu. Chiếc răng thưa và cá tính mạnh không giống ai chính là cách mà Hutton lọt vào mắt xanh của Richard Avedon và Irving Penn. Từ năm 1960, đánh dấu thời điểm bà bắt đầu sự nghiệp diễn xuất. Vào giữa những năm 90, talkshow của riêng bà kéo dài 2 năm với 150 tập được phát sóng. Vào năm 1973, bà ký một hợp đồng lớn với hãng mỹ phẩm Revlon, được coi là thương vụ lớn trong lịch sử người mẫu đại diện. Hợp đồng đó đã giúp nâng mức thù lao trung bình của người mẫu, mở đường cho những hợp đồng có giá trị cao giữa người mẫu và những hãng mỹ phẩm lớn ngày nay. Sau 10 năm hợp tác, Revlon chia tay Hutton vì lí do tuổi tác của bà (lúc đó bà 40 tuổi). Năm năm sau, Hutton trở lại làng người mẫu với màn ‘comeback’ hoành tráng để chứng tỏ một điều rằng, nên luôn có một cơ hội cho những người mẫu được cho rằng đã qua thời huy hoàng.

Mellen Polly

Mellen Polly

Nhà biên tập thời trang và stylist huyền thoại bắt đầu chân ướt chân ráo vào làng thời trang bằng công việc bán hàng cho hãng Lord & Taylor. Cô gái đến từ Connecticut trong thời gian làm việc cho Harper’s Bazaar và Vogue đã góp phần tạo nên hình ảnh mang tính biểu tượng trong làng thời trang dưới sự dìu dắt của Diana Vreeland và Grace Mirabella. Trong suốt sự nghiệp biên tập của mình, bắt đầu từ những năm 1950 với cương vị biên tập viên thời trang ở tạp chí Mademoiselle, Mellen có sự gắn bó mật thiết với những nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Richard Avedon, Helmut Newton và Irving Penn. Sau khi chia tay Vogue vào đầu thập niên 90, bà trở thành giám đốc sáng tạo của Allure trong suốt tám năm cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2001.

Norma Kamali

Norma Kamali

Được biết đến với những sáng tạo mang tính đương đại đậm chất riêng như “áo khoác túi ngủ” và giày sneaker cao gót – nhà thiết kế người New York, trước đó từng nuôi mộng thành hoạ sĩ. Norma Kamali mở cửa hàng quần áo đầu tiên vào năm 1968, bày bán sản phẩm của các thương hiệu của Anh. Về sau, bà cũng tự thành lập thương hiệu thời trang riêng mình. Kamali cũng góp phần rất lớn trong việc tạo nên mốt cầu vai lớn của những năm 80 và đi trước những người cùng thời rất xa khi theo đuổi xu hướng thời trang thể thao ứng dụng. Lúc bấy giờ, chỉ có bà và Donna Karan là những người thật sự mát tay và mạnh dạn đi theo hướng này. Vào năm 2016, bà đã được trao tặng giải thưởng cống hiến trọn đời Geoffrey Beene bởi CDFA – Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ.

Oliviero Toscani

Oliviero Toscani

Bắt đầu sự nghiệp từ những năm 1980, nhiếp ảnh gia tài năng là người đã cầm máy cho không biết bao nhiêu những chiến dịch quảng cáo mang tính biểu tượng và gây tranh cãi, kéo dài qua nhiều thập kỷ cho các tên tuổi lớn như Benetton hay Esprit. Ở những chiến dịch đó, ông đã gây xôn xao dư luận bởi những sáng tạo phản ảnh chân thực văn hoá của của thời đại, hoặc thậm chí có phần hơi thách thức quy chuẩn thuần phong mỹ tục của xã hội thời kỳ 1982-2000. Tấm ảnh chụp cha sứ hôn cô sơ là một ví dụ điển hình cho điều này, và cũng là một trong những sáng tạo nổi tiếng nhất của nhiếp ảnh gia tài năng. Những chủ đề khác mà ông cũng đưa vào tác phẩm của mình bao gồm bệnh nhân AIDS, tù chính trị, tử tù – những chủ đề có thể nói là vượt xa so với chuẩn mực quảng cáo truyền thống.

Năm 2015, Toscani xuất bản cuốn sách “Hơn năm mươi năm với những sai lầm tuyệt diệu”, bao gồm toàn bộ các tác phẩm độc đáo của mình ở hai mảng quảng cáo và ấn phẩm tạp chí cho Vogue, Elle và i-D. Ông cũng bắt đầu hợp tác lại với thương hiệu Benetton vào năm 2017.

Pierre Berge

Pierre Berge

Người hỗ trợ trong công việc kinh doanh và cũng là người yêu lâu năm của nhà thiết kế Yves Saint Laurent, Pierre Berge sinh ra ở thành phố biển của Pháp, sau đó chuyển đến Paris mang theo ước mơ trở thành nhà báo. Ông gặp Yves lần đầu tiên vào năm 1958 và cặp đôi cùng nhau xây dựng nên nhà mốt lừng danh vào năm 1961, ra mắt công chúng bộ sưu tập đầu tiên năm 1962. Pierre Berge và Saint Laurent đường ai nấy đi về mặt tình cảm từ những năm 80 nhưng cả hai vẫn cùng hợp tác trong công việc kinh doanh cho đến khi nhà thiết kế mất đi năm 2008. Berge có hướng tiếp cận tân tiến trong kinh doanh thời trang, nhận ra tiềm năng của phân khúc ready-to-wear, khôn khéo trong đầu tư, thương mại. Sau thời gian làm việc trong ngành với tài quản lý nổi bật (ông còn được cho là người có cá tính rất mạnh), Berge được chỉ định làm quản lý nhà hát opera ở Paris bởi tổng thống Francois Mitterand. Vào tháng chín năm 2017, Pierre Berge qua đời ở tuổi 86.

(Còn tiếp…)

Chuyển ngữ: Đạt Bùi

Theo V Magazine