Alexander McQueen S/S 99 No.13: “Show diễn duy nhất thật sự khiến tôi khóc”

Ngày đăng: 10/02/19

Show diễn No.13 của Alexander McQueen vẫn tồn tại trong tâm trí những con người đã gắn bó với nó, đã chiêm ngưỡng và thán phục bởi ý nghĩa mà nó tồn tại. Cái đẹp vốn dĩ không có ranh giới, không bị che phủ bởi những định kiến hạn hẹp, như McQueen từng nói “Ý định của tôi là chỉ ra rằng cái đẹp đến từ bên trong”. Thời trang đâu phải chỉ dành cho những con người nguyên vẹn hay đơn giản là những người mẫu sải bước vô hồn trên đường băng. Những show diễn còn có thể mang đến nhiều trải nghiệm hơn nữa.

No.13 – Show diễn của nghệ thuật của Alexander McQueen S/S 99 – những dấu ấn khó phai trong lịch sử thời trang.

Sự chối từ lịch thiệp 

Dù đã qua rất lâu, nhưng Susannah Frankel vẫn nhớ show diễn thời trang thứ 13 của nhà thiết kế tài năng người Anh, ấn tượng dành cho những bộ phận nhân tạo trên cơ thể vẫn còn đọng lại. Đặc biệt sự xuất hiện của 2 cỗ máy phun sơn vốn được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất xe hơi đã tạo nên dấu ấn thị giác sâu sắc.

Trong khi Alexander McQueen khiến cho công chúng trầm trồ, cảm thán bằng những buổi trình diễn tuyệt vời tại London: Bellmer La Poupee, Joan và The Overlook. Sau mỗi một show diễn, khám giả luôn tò mò và tự hỏi NTK sẽ làm gì tiếp theo. Nhưng trong các show diễn, riêng No.13 – McQueen nhận định rằng đây là “show diễn duy nhất thật sự khiến tôi khóc”. No.13 trình diễn bộ sưu tập Xuân Hè 1999, và cũng giống như các bộ sưu tập khác của ông, được tổ chức tại Gatliff Warehouse – nơi từng là bến xe bus ở Victoria.

“Show diễn duy nhất thật sự khiến tôi khóc” – Alexander McQueen nói về No.13

Hậu trường show diễn No.13 Spring Summer 1999 Alexander McQueen

Trên font-row không có các ngôi sao danh tiếng, và thiên tài của giới thời trang đã từ chối cả sự xuất hiện của Victoria Beckham vì ông cho rằng sự hiện diện của phu nhân Beckham có thể khiến khán giả giảm đi sự tập trung vào sự kiện chính. McQueen và đội ngũ đã làm việc hết sức chăm chỉ cho buổi diễn không phải để dành sự chú ý cho bất kỳ vị khách nào. Và câu chuyện về No.13 đặc biệt nhạy cảm như chủ đề chính của sự kiện. Sự kiện đã diễn ra với sự có mặt của bạn bè của McQueen, báo chí, và những khách hàng quan trọng hàng đầu, tại một không gian được sắp đặt một cách tự nhiên, đơn giản.

Buổi trình diễn độc nhất

Buổi trình diễn được đặt tên No.13 vì đó là lần thứ 13 McQueen tổ chức show, cũng là sự đóng góp của McQueen tới cuộc vận động “The arts and Crafts Movement”, cũng chính là tinh thần đã truyền cảm hứng trong suốt sự nghiệp của McQueen.

No13 Spring Summer 1999

Màu chủ đạo của các thiết kế là tông màu tự nhiên, như màu da (tan), be (beige) và ngà voi (ivory). Hầu hết các mẫu thiết kế dùng chất liệu vải Raffia (vải từ cây raffia) để tạo nên những chiếc áo cầu kì, hay những chiếc váy tua rua hoặc gỗ từ cây Balsa – 1 loài cây họ dừa, được cắt, ép và thiết kế thành những kiểu mẫu tinh tế.

NTK cũng sử dụng các vải ren lượn sóng, hay xếp nếp cho tới vải da cho BST của mình. Những chất liệu trên tạo thành những chiếc thắt lưng, áo corset bất đối xứng, hay tạo ra những chiếc áo thường có đường khâu “mạnh tay” được truyền cảm hứng từ các buổi hội thảo của của bệnh viện Queen Mary ở Roehampton – nơi tiên phong về việc lắp ghép những bộ phận cơ thể nhân tạo cho những người bị thương trong chiến tranh thế giới thứ nhất.

Các mẫu thiết kế trong show diễn No.13

Tất cả những chi tiết trên tạo nên chất lãng mạn, nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ, thậm chí có phần “đen tối” – những đặc điểm cấu thành nên những tuyệt tác của McQueen.  Thậm chí những đôi giày trông cũng giống như đã qua việc “chỉnh hình” một cách rất kì lạ. McQueen hẳn có những dụng ý riêng cho những điều đó.

Thử thách những định kiến

McQueen được mời làm người chọn chủ đề chính cho số báo tháng 9/1998 của tờ Dazed &Confused, số báo được xuất bản chỉ vài ngày trước khi No.13 diễn ra. Trên trang bìa, hình ảnh của vận động viên Paralympic Aimee Mullins được chụp bởi Nick Knight và tạo mẫu bởi giám đốc sáng tạo của McQueen – Katy England. Đó là bức hình Mullins đang đeo đôi chân “sprinting” (ý chỉ việc chạy) bằng kim loại với hình dáng mô tả bàn chân của những chú báo cheetah. Bên trong cuốn tạp chí cũng mô tả những người khiếm khuyết về cơ thể khác đang mặc những thiết kế của McQueen và cả những tên tuổi trong làng thiết kết thời trang như Hussein Chalayan, Roland Mouret, Owen Gaster, Philip Treacy và Comme des Garçons.

Hình ảnh vận động viên Paralympic Aimee Mullins lên trang bìa tạp chí trước show diễn

Mullins cũng chính là người mở màn cho No.13, cô mang đôi chân giả bằng gỗ được làm thủ công. McQueen đã đặt mẫu thiết kế từ nhà điêu khắc mang hai dòng máu Hà Lan và Anh, Grinling Gibbons. Trong một cuộc phỏng vấn cho tờ The Guardian, Mullins đã kể rằng cô rất quyết tâm thực hiện dự án, cô coi đó là sứ mệnh của mình khi cần thử thách những định kiến của mọi người về cái đẹp: “Tôi muốn mình được đẹp bởi vì sự khiếm khuyết của tôi. Mọi người vẫn hay hỏi tôi rằng tại sao tôi lại muốn bước vào thế giới khắc nghiệt đó, nơi mà có quá nhiều yêu cầu về một cơ thể hoàn hảo. Chính điều đó! Đó chính là lí do tôi muốn thực hiện việc này!”.

“Tôi muốn mình được đẹp bởi vì sự khiếm khuyết của tôi.” – Hình ảnh vận động viên Paralympic Aimee Mullins

Mullins mở màn No.13 với cặp chân giả được điêu khắc thủ công tỉ mỉ

Cuối cùng, có lẽ điều đáng nhớ nhất về sự có mặt của cô trong buổi trình diễn mà chỉ một vài người ở đó biết được, rằng đôi chân của Mullins bị cụt từ đầu gối trở xuống do một tai nạn từ ngày cô còn nhỏ. Một số khách tham dự thậm chí đã hỏi cô ngay sau khi buổi trình diễn kết thúc rằng họ có thể mượn “đôi giày” của cô được hay không. Có lẽ cả sứ mệnh của Mullins và McQueen tới đây đã hoàn thành một phần nào đó.

McQueen đã nói: “Tôi không làm điều này để cứu thế giới hay cố làm điều gì đó to tát. Ý định của tôi là chỉ ra rằng cái đẹp đến từ bên trong. Khi bạn xem các tờ tạp chí nổi tiếng từ GQ, Company tới Vogue, tất cả đều nói về những người đẹp, mọi lúc. Tôi sẽ không đổi những người mà tôi đang làm việc với một siêu mẫu. Họ có rất nhiều chân giá trị tốt đep, mà trong thế giới thời trang, thứ đó tồn tại không nhiều. Tôi nghĩ tất cả đều rất đẹp và tôi chỉ muốn họ được đối xử giống như những người khác”.

“Ý định của tôi là chỉ ra rằng cái đẹp đến từ bên trong.” – Alexander McQueen

Tầm ảnh hưởng sâu sắc

London Fashion Week từ giữa và cuối những năm 90 được biết đến như nơi sản sinh những show diễn thiên hướng về trình bày nghệ thuật hơn bất cứ buổi trình diễn thời trang truyền thống nào. Đó là những ngày hoàng kim của Brit Art, Brit pop và Britannia. Những show diễn của McQueen có tầm ảnh hưởng sâu sắc ngang với “Definitely Maybe” hay “Sensation” của ban nhạc rock trứ danh Oasis.

Và có lẽ, No.13 là buổi trình diễn có tầm ảnh hưởng nhất. Rất nhiều chi tiết trong buổi trình diễn thậm chí còn khá mới mẻ và chưa hề được thực hiện trong các show diễn so với những tiêu chuẩn ngày nay. Đó là cách những người mẫu đứng trên những chiếc đĩa có thể quay tự động được đặt ở 4 góc sân khấu, giống như những cô búp bê trong hộp nhạc quay tròn với bộ trang phục mềm mại bằng lụa hay những chiếc váy chất liệu kim loại lấp lánh dưới ánh đèn.

Shalom Harlow – cựu vũ công ba lê, đang múa trên một chiếc đĩa được đặt ở trung tâm, đứng giữa 2 robot thuê từ một nhà máy sản xuất ô tô.

Và No.13 sẽ luôn được nhắc đến với màn kết thúc hoành tráng, khi Shalom Harlow – cựu vũ công ba lê, đang múa trên một chiếc đĩa được đặt ở trung tâm, đứng giữa 2 robot thuê từ một nhà máy sản xuất ô tô. Khởi đầu là sự tương tác nhẹ nhàng giữa Harlow và 2 robot, sau đó nhịp độ được đẩy lên cao hơn và toàn bộ chiếc váy xoè màu trắng tinh khôi dần dần được phủ bởi lớp sơn đen – vàng từ 2 robot khi Harlow xoay tròn trên chiếc đĩa.

Shalom Harlow và màn trình diễn xuất thần

Thời khắc này được giới phân tích đưa ra những bình luận khác nhau. Một số cho rẳng Harlow chính là cô thiên nga đang chết dần của McQueen, chính bởi vì McQueen có sự ám ảnh với những con chim. Những người khác (hầu hết là nam giới) đơn giản liên hệ hình ảnh đó tới sự cực khoái. Thực tế, McQueen sau đó đã nói rằng anh được truyền cảm hứng bởi tác phẩm sắp đặt “High Moon” (1991) của Rebecca Horn. Trong đó có phần sắp đặt 2 khẩu súng đang bắn sơn màu đỏ như máu vào nhau.

Chiếc váy huyền thoại được đặt trong bảo tàng để quan khách chiêm ngưỡng

Hơn một năm sau khi Alexander McQueen mất, Harlow đã mô tả lại trải nghiệm của mình như sau: “Tôi bước tới và ngồi trên chiếc đĩa quay, và ngay khi tôi vừa đặt chân lên, chiếc đĩa từ từ quay chậm. Tôi cảm tưởng như những chú robot cơ khí đang bắt đầu luyện tập “cơ bắp”, dịch chuyển cơ thể sau một giấc ngủ dài không hoạt động vậy. Và ngay khi vừa có nhận thức, họ nhận ra được sự có mặt của một người khác, đó chính là tôi. Sự tò mò biến mất dần thay vào đó dần dần trở nên “hung hăng” hơn, điên cuồng hơn. Đó cũng là lúc “mối quan hệ” của tôi với chúng cũng thay đổi, tôi dần đánh mất sự kiểm soát và chúng thì đang chiếm áp đảo. Ngay lúc đó, chúng bắt đầu phun liên tục màu sơn để tạo thành một thiết kế futuristic trên một chiếc váy đơn giản. Khi chúng hoàn thành và từ từ hạ xuống cũng là lúc tôi bước đi, một cách lảo đảo về phía khán giả, với tâm thế như bị bỏ rơi và hoàn toàn đầu hàng”.

Chuyển ngữ: Blue

Nguồn: Dazed Digital