Art director Fabien Baron chỉ ra 5 điểm quan trọng để thành công trong ngành thời trang
Ngày đăng: 20/09/20
Từ năm 1982, Fabien Baron đã bắt đầu đảm nhiệm vai trò art director (tạm dịch: chỉ đạo nghệ thuật) cho các tạp chí như Barneys New York, New York Woman Magazine, Harper’s Bazaar, Vogue Ý và Pháp… và chỉ đạo nội dung cho tạp chí Interview. Cho đến năm 1990 ông thành lập công ty Baron & Baron, một agency chuyên về quảng cáo dành cho các thương hiệu thời trang, nước hoa và mỹ phẩm cao cấp.
Suốt 30 năm qua, ông là người đứng sau nhiều thành công của các chiến dịch quảng bá, tạo dựng nên nhiều biểu tượng thời trang… Ông kiêm nhiệm nhiều vai trò có khi là giám đốc sáng tạo, có khi biên tập, có lúc là nhiếp ảnh gia và cả nhà thiết kế. Ông chia sẻ: “Ngày thứ nhất tôi làm gì đó mang tính thương mại, ngày hôm sau tôi làm film với vai trò nhà thiết kế, ngày hôm sau nữa tôi lại ở tạp chí Interview để bàn về layout và cover cho số tiếp theo…”
Ông từng nhận giải thưởng FiFi của Fragrance Foundation cho thiết kế và quảng cáo, giải ASME từ American Society of Magazine Editors cho thiết kế và hình ảnh xuất sắc, giải SPD vàng và bạc dành cho art director từ Society of Publication Designers, giải APPM lần thứ 22 của Advertising Awards dành cho quảng cáo nước hoa…
Là người với hơn 30 năm trong nghề, những giải thưởng không khiến ông trở nên kiêu ngạo, mà ngược lại Fabien Baron hiểu được rằng “tôi phải phát triển để có thể tiếp tục tồn tại” và việc mở rộng các kỹ năng là điều hoàn toàn cần thiết. Dưới đây ông chia sẻ 5 điều quan trọng để tạo dựng nên thành công đối với một “art director”.
1. Có tầm nhìn và quan điểm riêng
“Bạn phải là người độc đáo. Tôi tìm kiếm tìm những người có quan điểm riêng. Đó là điều quan trọng nhất. Đó là chìa khóa, bởi vì nếu bạn có chỗ đứng cũng như nơi chốn nơi mà bạn tin rằng “tôi thích điều này, tôi thích điều kia, cũng như tôi không muốn cái này, cái kia” rồi điều thứ nhất là ra quyết định, và điều thứ hai bạn có một ý tưởng thiên bẩm về thời trang. Tôi làm việc từ rất sớm. Tôi rõ ràng về những gì mình thích, tôi rất rõ ràng và cụ thể về những tôi thích, dù là ở mặt hình ảnh, thiết kế hay đồ họa. Và tôi bị mắc kẹt trong đó. Những gì tôi làm trong nhiều năm liền, đã phát triển những công cụ khác để tạo nên tiếng nói nhằm phục vụ tốt hơn cho khách hàng”.
2. Tập trung vào nhu cầu của khách hàng
“Khi tôi làm việc với khách hàng, những gì tôi muốn là phục vụ công việc của họ và cung cấp những họ cần và mong đợi. Tôi có thể ở văn phòng miệt mài làm campaign cho Coach hoặc làm tiếp campaign với Jennifer Lawrence cho Dior. Và tôi nhìn vào quyển sách mà tôi thiết kế cho Calvin Klein hay vỏ chai nước hoa và bao bì đi kèm với nó, nhưng với mỗi brand mà tôi làm việc cùng, kết quả cuối cùng vẫn là những gì đặc biệt mà thương hiệu muốn hay cần. Công việc cá nhân tôi thì rất “tôi, chỉ tôi và tôi’, nhưng khi tôi làm với khách hàng tôi thực sự nhận thức được những gì họ muốn, vì vậy tôi có điều chỉnh cách tiếp cận của mình cho phù hợp với mong đợi của họ và mang đến chính xác cái mà họ cần”.
3. Học hỏi từ thử thách, thách thức và sai lầm
“Các chỉ đạo nghệ thuật mới vào nghề cần được mài dũa tư duy để nói rằng: ngày mai tôi sẽ chỉ đạo một bộ phim, ngày kế tiếp tôi sẽ làm điều này, ngày kế nữa tôi sẽ làm điều kia. Nếu bạn muốn trở thành một nhà chỉ đạo nghệ thuật, bạn có thể làm ngay, đó là những gì một người làm chỉ đạo nghệ thuật cần có. Những nhà chỉ đạo nghệ thuật làm việc tại Baron and Baron, mặc dù họ chưa hề có kinh nghiệm làm phim, tôi vẫn cho họ tham gia. Bởi vì tôi tin họ có thể. Nếu họ có ý tưởng, họ nên có đề xuất. Tuy hơi đáng sợ, nhưng nó cần thiết. Thử nghiệm và sai lầm, ban đầu chẳng ai biết phải làm gì nhưng có thể học hỏi. Một chỉ đạo nghệ thuật có thể là nhà sản xuất, một ai đó có ý tưởng về mọi thứ, và quan điểm cụ thể về việc áp dụng các cách thức khác nhau. Đó là những gì một chỉ đạo nghệ thuật giỏi có thể làm.”
Thử nghiệm và sai lầm, ban đầu chẳng ai biết phải làm gì nhưng có thể học hỏi. Một chỉ đạo nghệ thuật có thể là nhà sản xuất, một ai đó có ý tưởng về mọi thứ, và quan điểm cụ thể về việc áp dụng các cách thức khác nhau.
4. Đừng “đóng hộp” bản thân
Thời gian mới vào nghề tôi làm việc cho tạp chí, vì vậy kĩ năng của tôi rất đặc thù. Tôi có thể biên soạn tài liệu, biên tập, làm hình ảnh, vân vân… và tạo nên hình ảnh cho tạp chí. Vì vậy tôi có thể làm tốt chuyện đó. Nhưng nếu bạn đóng hộp bản thân quá sớm trong vài kỹ năng điều này rất nguy hiểm. Tôi không muốn làm điều này với bản thân. [Một người chỉ đạo hình ảnh của tạp chí] cũng giống như là một ngôn ngữ, và ngôn ngữ đó có thể chuyển ngữ sang nhiều phương tiện khác. Ai cũng có thể nói “tôi không muốn ở trong một chiếc hộp, tôi không muốn là người ngồi cắm mặt với máy tính cả ngày, dàn trang và đặt text chỗ này chỗ kia. Tôi không muốn trở thành người chỉ chuyên thiết kế bao bì”.
5. Đừng ngừng học hỏi
“Tôi chưa bao giờ cảm thấy nhàm chán bởi vì tôi luôn tự tạo ra cơ hội để học bất kì thời điểm nào. Trong suốt quá trình làm nghề quan điểm của tôi cũng nhất quán, tôi đã kiên trì rất nhiều nhưng đồng thời cũng luôn thay đổi những gì có thể. Tôi học thêm kỹ năng khác – nhiếp ảnh, copywriting – rất nhiều thứ khác bằng nhiều phương tiện khác nhau. Bạn biết càng nhiều, bạn học càng nhiều, bạn càng có nhiều kiến thức, và điều hay là bạn càng biết cách giải quyết mọi vấn đề”.
Bạn biết càng nhiều, bạn học càng nhiều, bạn càng có nhiều kiến thức, và điều hay là bạn càng biết cách giải quyết mọi vấn đề.
Thực hiện: Hoàng Khôi
Theo BOF