Bạn có thực sự hiểu đúng về “Prêt-à-Porter” và “Haute Couture”?
Ngày đăng: 24/09/21
Trong thế giới thời trang, “Prêt-à-Porter” và “Haute Couture” là 2 từ phổ biến nhưng cũng thường bị sử dụng sai hay lạm dụng nhiều nhất. Đề tài bàn luận về 2 thuật ngữ này cũng thu hút cả những nhà thiết kế dày dạn kinh nghiệm. Vậy khác biệt lớn nhất giữa hai thuật ngữ này là gì?
Đầu tiên, để nắm được tổng quan khái niệm, hãy bắt đầu bằng việc cắt nghĩa hai từ này trong tiếng Pháp trước.
“Prêt-à-Porter” theo tiếng Pháp là đồ may sẵn, trong khi tiếng Anh là “Ready to wear”. Tuy có nghĩa là đồ may sẵn, nhưng “Prêt-à-Porter” đề cập đến các trang phục cao cấp, sang trọng từ các thương hiệu như Gucci, Dolce & Gabbana…
Còn đối với “Haute Couture”’, Couture có nghĩa là may vá, thời trang. Haute biểu thị cho sự thanh lịch, đắt tiền, cao cấp và tinh xảo. Do đó, thuật ngữ này bị lạm dung để gọi bất cứ thứ gì mang tính “High Fashion” như thời trang cao cấp, đắt tiền.
Để làm rõ hơn sự khác biệt của 2 thuật ngữ này, cần phân tích hai cụm từ trên theo 3 khía cạnh: quy định về sản xuất, đối tượng khách hàng và sàn diễn thời trang.
1. Quy định chung về sản xuất
Haute Couture
Vogue từng mô tả Couture là “những tác phẩm nghệ thuật“. Quả thực điều này là hoàn toàn chính xác! Mỗi thiết kế Haute Couture là độc nhất vô nhị vì nó sẽ được làm riêng theo số đo của một khách hàng cũng như dựa theo phong cách và kích thước mà khách hàng yêu cầu. Sau khi nhà mốt nhận đơn đặt hàng, họ sẽ xem xét dựa trên địa vị và quan hệ với khách hàng mà nhận đặt hàng hay không. Nếu được chấp nhận từ thương hiệu Haute Couture, khách hàng là sẽ là người đến trực tiếp các nhà mốt tại Paris để được thử đồ và may đo.
Mặc dù Haute Couture được biết đến là những thiết kế thời trang có chất lượng và giá cả cao nhất. Nhưng để một tác phẩm thực sự được coi là “Couture” thì nó cần đạt được những tiêu chuẩn nhất định.
Thứ nhất, những thiết kế Haute Couture được thiết kế độc quyền cho vài hoặc chỉ cho một khách hàng duy nhất và sẽ cần sự thông qua của Chambre Syndicale de la Haute Couture (Nghiệp đoàn may đo cao cấp). Bất kể một sản phẩm độc quyền đến mức nào, nó không phải là Haute Couture cho đến khi nó được chấp thuận bởi Chambre Syndicale. Ngoài ra, theo luật của người Pháp, sau sự chấp thuận của nghiệp đoàn, một nhà mốt sẽ được xem xét để trở thành một thương hiệu Haute Couture.
Không dừng lại ở đó, nhà mốt cần phải đạt được một số điều kiện khác để được công nhận là Haute Couture: họ phải có xưởng may đo riêng (atelier) ở Paris với ít nhất 15 nhân viên làm việc toàn thời gian và thương hiệu phải thiết kế theo đơn đặt hàng riêng của khách hàng với ít nhất một mẫu thử. Những điều kiện này nhằm để đảm bảo các thiết kế Haute Couture sẽ được đến tay khách hàng là các sản phẩm phù hợp hoàn hảo.
Với những điều kiện khó khăn này, không khó để hiểu rằng hiện nay chỉ dưới 20 thương hiệu được công nhận là Haute Couture tại Pháp, bao gồm cả Chanel và Dior.
Prêt-à-Porter
Prêt-à-Porter là thời trang chất lượng cao được sản xuất trong nhà xưởng. Mặc dù Prêt-à-Porter không nhất thiết phải được sản xuất hàng loạt, nhưng nó có sẵn cho nhiều đối tượng khách hàng và sẽ được may theo các kích cỡ khác nhau. Mặc dù chúng đa dạng về giá cả và chất lượng, nhưng đặc điểm chung của những bộ sưu tập này là được thiết kế với kích thước được tiêu chuẩn hóa. Điều này có nghĩa là kích cỡ sẽ không vừa vặn một cách hoàn hảo hoặc sẽ không có thợ may đo riêng, tuy nhiên nó được thiết kế theo thông số để phù hợp với đa số mọi người.
2. Khách hàng
Haute Couture
Như bạn đã biết ở trên, Haute Couture là những thiết kế yêu cầu khắt khe về chất lượng và độ hoàn hảo, hoàn toàn được làm bằng tay, đòi hỏi nhiều kĩ thuật vượt trội cũng như thời gian. Tùy thuộc vào độ tinh xảo, một thiết kế sẽ có thể mất đến 700 giờ làm việc để hoàn tất. Điều này cũng cho thấy rằng đối tượng khách hàng của Haute Couture là những người giàu có nằm trong top thế giới, những người sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm của Haute Couture – mức giá cao nhất trong ngành thời trang.
Các nhà mốt Haute Couture sẽ ra mắt bộ sưu tập mới của mình vào mỗi mùa hè và mùa đông. Haute Couture thường tạo tiền đề cho các xu hướng thời trang trong tương lai cho Prêt-à-Porter, vì những bộ sưu tập này thường lấy cảm hứng từ thời trang cao cấp.
Prêt-à-Porter
Thông thường bộ sưu tập Prêt-à-Porter ra mắt hai lần trong một năm. Các bộ sưu tập của Prêt-à-Porter thường được tung ra trước mỗi mùa mà không theo các đơn hàng. So với các bộ sưu tập Haute Couture, Prêt-à-Porter được sản xuất với thời gian nhanh và số lượng lớn. Mặc dù chúng có thể có chất lượng cao và lấy cảm hứng từ các dòng Haute Couture, nhưng những bộ sưu tập này thiếu tính độc quyền của Haute Couture. Khách hàng có thể tìm thấy những thiết kế này trong các cửa hàng bán lẻ hoặc cửa hàng trực tuyến.
3. Các sàn trình diễn thời trang
Haute Couture
Các nhà mốt Haute Couture buộc phải cam kết ra mắt bộ sưu tập hai lần một năm với ít nhất 35 mẫu thiết kế, cả trang phục ban ngày lẫn đêm. Các bộ sưu tập này được trình diễn trước nửa năm, 6 tháng một lần vào tháng 1 và tháng 7. Ví dụ, bộ sưu tập mùa hè sẽ được giới thiệu tại Paris vào tháng 1, trong khi bộ sưu tập mùa Đông sẽ được giới thiệu vào tháng 7. Các buổi trình diễn Haute Couture là những buổi biểu diễn mang tính thời trang kết hợp với nghệ thuật. Danh sách khách mời cũng bị hạn chế bởi những buổi trình diễn này cũng mang tính độc quyền như chính những tác phẩm Haute Couture.
Prêt-à-Porter
Các show thời trang Prêt-à-Porter được trình diễn trước một năm. Ví dụ, bộ sưu tập mùa đông 2016 đã được giới thiệu vào mùa đông năm 2015. Các thương hiệu Haute Couture như Chanel và Dior, cũng thường giới thiệu Prêt-à-Porter như một dòng sản phẩm. Những bộ sưu tập này được giới thiệu trong tuần lễ thời trang, khoảng thời gian mà mọi tên tuổi trong làng thời trang quy tụ tại các thành phố nhất định. Tuần lễ thời trang nổi tiếng nhất diễn ra ở New York, Paris, Milan và London. Các buổi biểu diễn của Prêt-à-Porter cũng sẽ được tổ chức công phu và nghệ thuật như Haute Couture, với danh sách khách mời là giới truyền thông, phóng viên, biên tập tạp chí thời trang, những người nổi tiếng…
Thực hiện: C.
Theo Mochni