Bảo tàng Fashion for Good đóng cửa sau 6 năm với nhiều bài học về thời trang bền vững
Ngày đăng: 11/06/24
Bảo tàng Fashion for Good sắp đóng cửa. Sau 6 năm truyền tải những câu chuyện về thời trang và dệt may bền vững, tổ chức Fashion for Good sẽ tập trung vào các sáng kiến khác.
Mặc dù vậy, sáu năm đó đã mang lại cho Fashion for Good rất nhiều bài học sâu sắc về việc làm sao để tính bền vững trở nên dễ tiếp cận hơn.
Ngày 30/3/2017, quyết định thành lập Fashion for Good đã được Quỹ C&A (sau này đổi tên thành Quỹ Laudes) công bố. Sáng kiến này tập trung vào việc thúc đẩy những sự thay đổi trong ngành thời trang.
Fashion for Good được chỉ định địa điểm hoạt động tại tòa nhà Rokin 102 ở Amsterdam. Tháng 10/2018, Bảo tàng Fashion for Good chính thức mở cửa.
Bảo tàng Fashion for Good hoạt động như một loại ‘phòng thí nghiệm về các hoạt động bền vững’. “Trong sáu năm, chúng tôi đã phát triển vô vàn dự án, triển lãm, chương trình giáo dục, hợp tác và sự kiện. Anne-Ro Klevant Groen, giám đốc marketing và truyền thông của tổ chức chia sẻ.
“Chúng tôi đã thực hiện điều này theo nhiều cách khác nhau để tìm ra phương pháp thành công nhất”. Bảo tàng cho rằng họ có vị thế độc đáo trong lĩnh vực văn hóa để tiến hành các thử nghiệm.
Thêm vào đó, đội ngũ nhân viên tại Fashion for Good có chuyên môn đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cho phép họ thực hiện nhiều thử nghiệm.
Thông qua nhiều triển lãm và chương trình đa dạng mà Fashion for Good đã tổ chức trong sáu năm qua, bảo tàng cũng đã tích lũy được nhiều bài học giá trị về việc trưng bày thời trang bền vững và những cải tiến về vật liệu.
Trước hết, các thuật ngữ về thời trang bền vững phải được giải thích rõ ràng để tất cả mọi người đều có thể hiểu được. “Các thuật ngữ này rất phức tạp và khó hiểu. Việc giáo dục công chúng về điều này là rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng greenwashing”.
Thời trang bền vững vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển. Do đó, hầu hết các sáng tạo chỉ tồn tại dưới dạng mẫu vải. Để minh họa các giải pháp bền vững trông như thế nào, hãy hợp tác với những nhà thiết kế sử dụng thời trang bền vững trong các tác phẩm của họ.
Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các ngành cũng là điều cần thiết. “Để làm cho các chủ đề liên quan đến thời trang bền vững trở nên dễ hiểu, chúng tôi đã học cách trưng bày theo các chuyên ngành khác nhau trong bảo tàng, nơi công chúng có thể dễ dàng tìm thấy mối liên hệ với chuyên ngành của mình”.
Tiếp đến, bạn có thể gặp khó khăn trong việc thu hút các đối tượng quan tâm đến thời trang bền vững. Klevant Groen thừa nhận rằng thời trang bền vững không phải là ưu tiên hàng đầu đối với đa số mọi người vì họ còn có những mối bận tâm khác. “Bạn chỉ quan tâm đến chủ đề này khi những khía cạnh khác trong cuộc sống đều ổn.” Klevant Groen cho biết thêm rằng ngay sau khi bảo tàng mở cửa, hầu hết khách tham quan là phụ nữ từ 18 đến 35 tuổi, có kiến thức về tính bền vững và thời trang.
“Ban đầu, chúng tôi nhắm đến những du khách đã có nhận thức về thời trang bền vững, nhưng sau đó nhận ra rằng cần tập trung vào những người ‘tò mò’ và ‘chưa có ý thức’ về vấn đề này để mang lại sự thay đổi lớn hơn. Đây là những người có thể học được nhiều nhất từ những kiến thức và câu chuyện đằng sau ngành thời trang và từ đó có động lực thay đổi thói quen tiêu dùng của họ.
Do đó, Fashion for Good đã phân loại kỹ lưỡng từng nhóm mục tiêu cho từng dự án, triển lãm và chương trình cộng đồng. Ưu đãi trong bảo tàng được điều chỉnh theo từng nhóm cụ thể, thay vì cố gắng thu hút đối tượng khán giả chung chung. “Điều này đã chứng minh sự thành công, đặc biệt là trong triển lãm Knowing Cotton Otherwise, bao gồm nhiều sự kiện khác nhau và một chương trình giáo dục.
Trong suốt sáu năm, Fashion for Good đã mở rộng phạm vi tiếp cận của mình theo cấp số nhân, bằng cách kết nối với nhiều cộng đồng, trường học ở mọi cấp độ và các tổ chức địa phương. Bảo tàng cũng đã chào đón nhiều người đến thăm quan và mang đến cho các chuyên gia thời trang và người tiêu dùng nhiều cơ hội và hiểu biết sâu sắc về thời trang bền vững.
Chuyển ngữ: Thanh Mai
Theo Fashion United