Beate Karlsson: “Mẹ đẻ” của những thiết kế nằm ở bờ vực giữa trí tưởng tượng và đời thực
Ngày đăng: 27/04/22
Bạn có bao giờ thử tưởng tượng bàn tay sẽ trở thành bàn chân chưa? Hãy để NTK Beate Karlsson chứng minh cho bạn xem nhé!
Beate là một nhà thiết kế người Thụy Điển, nói đúng nhất thì cô là một người nghệ sĩ đứng sau hàng loạt tác phấm không chỉ thời trang mà cả nghệ thuật, không chỉ quần áo mà còn phụ kiện, giày dép. Karlsson theo học ngành thiết kế thời trang tại Trường Thiết kế Parsons và Central Saint Martins. Hiện tại, cô đang là Creative Director của thương hiệu AVAVAV và NTK cho thương hiệu PYERMOSS.
Dù làm việc ở cả hai thương hiệu khác nhau nhưng Avavav có lẽ là nơi cô tập trung nhiều hơn hiện nay. Avavav là một thương hiệu thời trang bền vững được thành lập bởi Linda và Adam Friberg. Avavav đã tiếp cận Karlsson để thuyết phục cô về “đầu quân” cho thương hiệu, sau khi được giới thiệu bởi một ngươi bạn cũng như xem những sản phẩm ấn tượng của cô trên Instagram.
Karlsson lần đầu gây ấn tượng với làng mốt với chiếc mông “The Bum” bằng silicon được lấy cảm hứng từ vòng ba của Kim Kardashian, năm 2020 với đôi giày The Claw “kỳ dị” với hình 2 bàn tay khổng lồ được làm bằng silicon và tạo tiếng vang khi giọng ca Doja Cat diện đôi giày “chân chim” điên rồ hay đôi giày “quái vật” trên lễ trao giải MTV Video Music Awards vừa qua.
Tất nhiên, với vẻ đẹp “điên rồ, nổi loạn và vô thực” những thiết kế của cô không thể tránh khỏi những ý kiến trái chiều vào những ngày đầu. Tuy nhiên, dần theo thời gian, chạy theo thời đại thời trang cởi mở ngày nay và sự ảnh hưởng của Metaverse trong thời trang, Beate Karlsson đã nhận được nhiều đánh giá cao cũng như sự quan tâm của hội tín đồ ngày nay, đặc biệt là Gen Z. Không chỉ ấn tượng từ thiết kế, màu sắc, mà những đôi giày của Karlsson đều được làm từ vải thừa trong quá trình sản xuất. – góp phần bảo vệ môi trường, ủng hộ thời trang bền vững.
Những kinh nghiệm từ các trải nghiệm của bản thân, những đài truyền hình nhiều màu sắc thời thơ ấu và văn hóa DIY đã truyền cảm hứng lớn lao cho Karlsson để có thể tạo ra những phiên bản mới cùng câu chuyện, ý nghĩa mới cho các thiết kế của mình từ quần áo, phụ kiện đến tác phẩm điêu khắc.
“Tôi có xu hướng xem những sáng tạo của mình như những nhân vật hữu cơ với cấu trúc phức tạp. Mục tiêu của tôi là luôn cố gắng tìm ra thứ gì đó khiến mọi người phải thốt lên vì sự mới mẻ của chúng. Từ nhỏ tôi luôn bị thu hút và được truyền cảm hứng từ thế giới hoạt hình quái dị – điều buộc bản thân phải phát triển tư duy mới về thế giới.” – Karlsson chia sẻ với truyền thông. Họa sĩ truyện tranh Hayao Miyazaki, là người cô luôn ấn tượng và yêu thích. Tôi muốn thể hiện óc thẩm mỹ trẻ con của chính mình qua những thiết kế quái dị, mới mẻ và thậm chí có phần hơi thô tục.”
Chúng ta có lẽ sẽ khó có thể đoán trước những gì mà Karlsson sẽ làm, hay thiết kế của cô có hình dáng, phom dáng gì. Những thiết kế của Karlsson cũng sẽ không dành cho một người phụ nữ hay một kiểu người cụ thể nào cả, cô ấy tin rằng bộ sưu tập của mình có thể “nói chuyện” với “nhiều người cùng một lúc”. Có người ghét thì chắc chắn sẽ có người hâm mộ, “Tôi nghĩ đó là một phần của công việc. Đối với tôi, nhiệm vụ của một nhà thiết kế là làm cho một tác phẩm nào đó mới mẻ hơn và cải thiện nó tốt hơn.”
Các thiết kế của Karlsson được cho là thiết kế của thời trang tương lai, một minh chứng cho tầm quan trọng của thời trang kỹ thuật số. Là một nhà thiết kế đi trước thời đại, Karlsson chia sẻ rằng cô đánh giá cao việc thiếu giới hạn trong metaverse: “Trong vũ trụ thời trang Metaverse có lẽ sẽ không có sự tồn tại của sự thoải mái và bất kể quy tắc cụ thể nào. Đó cũng là giấc mơ của nhiều nhà thiết kế.”
Vừa qua, cô nàng đã cho ra mắt BST Metaverse đầu tiên của mình với thiết kế boots bốn ngón cùng chiếc áo phao tựa như được làm từ những chiếc bong bóng bay.
Thực hiện: Huỳnh Trân