[Behind the Label] NTK Đỗ Mạnh Cường: 10 năm từ vô danh trở thành thương hiệu dẫn đầu ngành thời trang Việt

Ngày đăng: 09/05/19

Năm 2007, Đỗ Mạnh Cường về nước sau nhiều năm theo học ngành thời trang tại Pháp. Đón nhận anh lúc đó là nền thời trang nội địa vẫn còn khá sơ khai với chưa nhiều cái tên nổi bật. Giờ đây, sau hơn 10 năm tạo dựng thương hiệu DMC, Đỗ Mạnh Cường đã có thể tự hào nhìn lại những chặng đường đã qua, để ngẫm, để nghiệm, và để vạch hướng đi cho chặng đường thiết kế trong thời gian sắp tới.

Những lời chia sẻ của NTK Đỗ Mạnh Cường dành riêng cho Style-Republik trước thềm show diễn Back to Nature (sẽ diễn ra vào ngày mai, 10/05 tại Sydney, Úc) trong chuyên đề Behind the Label* kì này. 

Chào anh, rất vui vì anh đã nhận lời thực hiện buổi phỏng vấn hôm nay. Anh có thể chia sẻ một chút thông tin về việc tạo dựng thương hiệu DMC được không, cụ thể là anh đã gặp những khó khăn gì khi trở về Việt Nam khởi nghiệp sau quãng thời gian học tập và làm việc tại Pháp?

Lúc mới về, tôi có chút bỡ ngỡ vì mình chưa quen biết ai trong giới thời trang. Vào thời điểm đó, tôi làm thời trang theo bản năng nhiều hơn, như một cậu sinh viên mới ra trường. Khó khăn lúc này là thiếu kinh nghiệm: tôi chưa hiểu thị trường và đối tượng khách hàng, chưa biết mình muốn gì và thị trường cần gì. Mọi thứ lúc ấy rất mông lung.

Sau đó, tôi được mời tham gia Đẹp Fashion Show 7, trở lại Pháp làm việc một năm, và quyết định về Việt Nam để mở thương hiệu riêng. Tuy nhiên, phải mất vài năm, tôi mới bắt đầu có hướng đi riêng. Bước ngoặt chính thức là từ chương trình Elle Fashion Show, khi tôi cho ra mắt BST ứng dụng đầu tiên và tìm được hướng đi cho thương hiệu của mình, cũng như đối tượng khách hàng mà mình muốn.

Đồng hành cùng anh trong thương hiệu DMC còn là doanh nhân Huy Cận. Từ khi nào anh nhận ra rằng mình cần có một người đồng hành để hỗ trợ việc kinh doanh?

Trước đây, anh Huy Cận không phải là người làm trong ngành thời trang mà là ngành ẩm thực, nhưng cách làm ẩm thực của anh rất thời trang. Có thể nói, việc hợp tác giữa chúng tôi giống như cái duyên vậy. Tôi cũng không biết từ khi nào lại nhận ra việc cần có người đồng hành trong kinh doanh, nhưng ngay từ khi mới bắt đầu, tôi đã có sự đồng hành của anh Huy Cận rồi.

Bản thân là một nhà thiết kế, tôi không thể ôm đồm tất cả mọi việc mà điển hình là ngoại giao bên ngoài. Vì nói thật, tôi không có thời gian và không có đủ khả năng. Có anh Huy Cận, tôi có thêm một người san sẻ việc kinh doanh, người hiểu công việc tôi đang làm và hỗ trợ bản thân tôi hết lòng. Nhờ đó, tôi mới được giảm được bớt lượng công việc mà tập trung thiết kế.

Tôi cũng không biết từ khi nào lại nhận ra việc cần có người đồng hành trong kinh doanh, nhưng ngay từ khi mới bắt đầu, tôi đã có sự đồng hành của anh Huy Cận rồi.

Anh vốn có tư duy của một nhà thiết kế, trong khi anh Huy Cận lại có tư duy của một nhà kinh doanh. Liệu sự hợp tác giữa hai lối tư duy rất khác nhau có tạo nên mâu thuẫn? Đến nay, điều gì khiến anh cảm thấy tự hào nhất về sự song hành này?

Để nói là không có mâu thuẫn thì không đúng, nhưng thường mâu thuẫn chỉ xảy ra trong thời gian làm show, vì thời điểm đó tôi thường rất căng thẳng. Ngoài ra, anh Huy Cận không can thiệp vào việc thiết kế của tôi, mà thi thoảng chỉ cho vài lời khuyên về đối tượng khách hàng anh ấy đã gặp gỡ. Ngược lại, tôi để anh ấy tự do làm công việc của mình chứ không can thiệp sâu.

Điều khiến tôi cảm thấy tự hào nhất ở mối hợp tác 10 năm này chính là sự gắn bó và đoàn kết của hai người. Chính sự gắn bó ấy đã giúp thương hiệu đạt được sự vững mạnh và có những giá trị bền vững như ngày nay.

Như nhiều ngành nghề khác, việc tạo dựng thương hiệu riêng là điều không dễ dàng. Làm thế nào anh có thể định vị thương hiệu và tìm kiếm khách hàng tiềm năng vào thời điểm bắt đầu? Nhiều năm qua đi, lượng khách hàng của anh có thay đổi hay không?

Để xác định được đối tượng khách hàng ngay từ đầu là điều rất khó khăn. Nhưng sau khi ra mắt bộ sưu tập tại Elle Fashion Show, khách hàng tìm đến tôi nhiều hơn, và mua gần như toàn bộ BST. Lúc đó, tôi rất bất ngờ vì tôi đã không đạt được hiệu quả mong muốn trong những BST trước. Đó là lúc tôi nhận ra đối tượng mà tôi cần hướng đến, dòng thời trang mà tôi cần theo đuổi. Sau thời gian tiếp xúc, tôi dần hiểu khách hàng hơn, từ đó có những nhận định, linh cảm riêng để thu hút thêm đối tượng khách hàng mới.

Qua nhiều năm, lượng khách hàng của tôi dần thay đổi, vì giá thành sản phẩm từ thương hiệu của tôi cũng thay đổi theo thời gian.

Qua nhiều năm, lượng khách hàng của tôi dần thay đổi, vì giá thành sản phẩm từ thương hiệu của tôi cũng thay đổi theo thời gian. Thực ra, để tìm được đối tượng khách gắn bó trong thời gian dài là điều rất khó khăn, vì họ rất hay thay đổi, nhất là khi ngày càng có nhiều NTK mới xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những người khách luôn ở lại với tôi. Đó là những người thật sự thích gu thiết kế, thẩm mỹ và trang phục do tôi làm ra.

Bên cạnh đó, tôi cũng mở rộng lượng khách hàng nhờ sự phát triển của Internet, tương tác trên Facebook và cách làm marketing.

Điểm mạnh nhất của thương hiệu anh là gì? Vì sao DMC luôn là sự lựa chọn của những phụ nữ trung niên thành đạt và dư giả tài chính?

Điểm mạnh lớn nhất ở thương hiệu của tôi chính là việc khách hàng có thể mua vài chục cho đến cả trăm mẫu với cùng một thiết kế. Lúc mới làm thương hiệu, tôi chưa nhận ra được điều này, nhưng sau quá trình tiếp xúc, tôi bắt đầu nhận ra rằng khi khách hàng cảm thấy hợp với một kiểu nào đó, họ sẽ luôn muốn gắn với nó. Điều này càng đúng hơn với các doanh nhân không có nhiều thời gian để mua đồ, hay sở hữu thân hình kén trang phục.

Rất ít thương hiệu có thể làm điều này, kể cả các thương hiệu tầm cỡ trên thế giới. Vì khi tạo nên mẫu thiết kế nào đó, họ chỉ sản xuất với số lượng có hạn, họ không có nhu cầu làm thêm và cũng không có cách làm giống Việt Nam, tức điều chỉnh màu sắc và chất liệu của một mẫu thiết kế. Nhưng thương hiệu của tôi lại làm được điều đó và đạt hiệu quả cao. Đó cũng là cách làm riêng của tôi, là điểm mạnh so với thương hiệu khác.

Một điều nữa, điểm mạnh khác chính là cách tôi thực hiện 2 show diễn mỗi năm. Điều này thể hiện hướng đi riêng, độc lập và khác biệt. 10 năm qua, những show diễn của tôi ít nhiều đã mang đến những ấn tượng khó quên trong lòng giới mộ điệu trong nước. Có thể trang phục của tôi tạo nên những ý kiến trái chiều, nhưng cách tôi làm show thì ít nhiều cũng đã được công nhận, rằng những điều tôi làm, khó có ai làm được.  

Có thể trang phục của tôi tạo nên những ý kiến trái chiều, nhưng cách tôi làm show thì ít nhiều cũng đã được công nhận, rằng những điều tôi làm, khó có ai làm được.  

Theo anh, một thương hiệu như thế nào thì có thể được gọi là thành công?

Tôi nghĩ, một thương hiệu thời trang thành công khi có định vị khách hàng rất rõ ràng. Thương hiệu đó phải có bản sắc riêng mà mỗi khi nhắc đến phải là thứ mà người ta nhớ đến, chứ không phải là thứ họ không biết là của ai, đến từ đâu, như thế nào. Tôi nghĩ, đó là điều thất bại của một nhà thiết kế. Mọi người đều có thể tạo nên một sản phẩm đẹp. Điều đó không hề khó. Nhưng để sản phẩm tuy đơn giản lại có dấu ấn riêng là điều mà không phải ai cũng có thể làm được.

Một điều khác nữa là nếu một thương hiệu thành công, lẽ tất nhiên việc kinh doanh phải tốt. Mình không thể tuyên bố mình là nhà thiết kế thành công trong khi không ai sử dụng sản phẩm của mình cả. Bởi vì, một thương hiệu thành công phải có sức ảnh hưởng nhất định đến thị trường, xu hướng thời trang, và việc kinh doanh phải tốt.

Để làm được điều đó, theo anh, một NTK cần hội đủ những tố chất và khả năng gì?

Rất khó để nói về điều này, vì đó là khả năng riêng của mỗi người. Cần gì, như thế nào, thật sự mà nói, bản thân tôi cũng không hiểu. Tôi chỉ biết rằng tôi làm thời trang theo bản năng, suy nghĩ và nhận định riêng, mà trong quá trình tiếp xúc với khách hàng và thị trường tôi đã tự nhìn ra. Điều này cũng giống như khả năng trời cho vậy.

Đương nhiên, để làm trong ngành này, NTK cần có những khả năng nhất định. Nhưng những người nổi trội hơn sẽ có những linh cảm, dự báo và cách nhìn đặc biệt hơn. Ví dụ như cách làm của riêng tôi chẳng hạn. Từ rất lâu, tôi đã nhìn ra được nhu cầu của khách hàng là muốn sở hữu ngay sản phẩm sau khi xem show diễn, mà giờ đây mọi người hay gọi là See Now Buy Now. Lúc đó, rất nhiều người thắc mắc vì sao tôi không làm như các nhà mốt trên thế giới vẫn làm. Tôi chỉ giải thích rằng đó là nhu cầu của khách hàng, tôi nhìn được chuyện đó và tôi thay đổi.

Để làm kinh doanh tốt, tôi nghĩ chúng ta cần thay đổi và thích ứng tuỳ theo môi trường. Tôi hiểu cách làm của các thương hiệu nước ngoài, nhưng khi áp dụng điều đó ở Việt Nam thì sẽ không hiệu quả. Nếu như không hiệu quả, tại sao mình phải theo để được gắn mác là nước ngoài hay chuyên nghiệp? Mục đích cuối cùng của một thương hiệu cũng là để đạt hiệu quả kinh doanh tốt. Nếu làm được điều đó, tất cả những thứ khác tôi đều không quan tâm.

Ngoài ra, trong show diễn của tôi lúc nào cũng có 3, 4 hoặc 5 BST. Không ai hiểu tại sao tôi phải làm nhiều trang phục đến thế. Câu trả lời đơn giản là hiệu quả kinh doanh, khi khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Trên thực tế, cách làm này khiến tôi cảm thấy rất áp lực, nhưng bù lại, điều đó mang lại cho tôi hiệu quả kinh tế cao.

Điều cuối cùng là tôi bán sản phẩm cho khách VIP trước show. Thông qua việc này, tôi biết được khách hàng thích gì, muốn gì ở BST, để phát triển theo hướng đó chứ không bị lan man.

Mục đích cuối cùng của một thương hiệu cũng là để đạt hiệu quả kinh doanh tốt. Nếu làm được điều đó, tất cả những thứ khác tôi đều không quan tâm.

Theo anh, thị trường thời trang Việt Nam mang đến cho các nhà thiết kế thuận lợi và khó khăn như thế nào?

Thực ra, tôi thấy việc là một NTK Việt Nam làm thời trang tại Việt Nam đã là thuận lợi lớn nhất rồi. Thị trường Việt Nam còn thiếu nhiều NTK có khả năng định hướng thời trang trong nước. Nên khi có chỗ đứng và có khả năng đó, công việc kinh doanh sẽ trở nên hiệu quả.

Thuận lợi thứ hai là chúng ta có cách làm riêng, cùng đội ngũ nhân công có thể đáp ứng được nhu cầu lớn của khách hàng. Tôi có một người khách chỉ muốn một kiểu trang phục thôi nhưng phải là 100 mẫu, theo 3 tông màu phong thuỷ của chị ấy. Yêu cầu như thế này rất khó được đáp ứng ở nước ngoài, nhưng tại Việt Nam, chúng ta có khả năng làm được.

Như tôi đã nói, thuận lợi khi làm thời trang ở Việt Nam chính là đối tượng khách hàng rất chịu chi. Có những người mua quần áo chỉ để mặc một lần. Bản thân tôi là người yêu thời trang nhưng cũng không tiêu tiền cho thời trang như thế. Tôi từng đi nhiều nơi, và nhận thấy không phải nơi nào cũng có những khách hàng như vậy.

Trong khi đó, với cường độ cạnh tranh khốc liệt ở nước ngoài, chắc chắn mình sẽ không làm được như vậy. Vì thế, tôi cảm thấy rất hài lòng vì có nhiều thuận lợi khi làm thời trang tại Việt Nam.

Nói như vậy có nghĩa là anh không hề có ý định sẽ đưa các bộ sưu tập trình diễn ở nước ngoài, hay mở rộng thị trường ra quốc tế?

Nếu tôi thực sự có ý định tham gia các Fashion Week trên thế giới, tôi đã tham gia từ lâu, vì điều đó không khó đối với tôi. Nếu xét về khả năng và tài chính, tôi không thua kém nhiều lắm. Nhưng tôi có quan điểm rất thực tế, nghĩa là nếu làm show ở nước ngoài, tôi phải kiếm được tiền. Tôi không làm để quảng bá hình ảnh. Tôi nghĩ, việc tìm kiếm khách hàng quốc tế bây giờ rất khó, không như khách hàng tại Việt Nam. Khi làm show ở Mỹ, tôi đã nói rõ rằng tôi phục vụ cho cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Show diễn ở Sydney cũng tương tự như vậy.

Đó chính là con đường tôi đã chọn, chứ không phải vì tôi muốn đưa thời trang của mình ra thế giới. Tôi không bao giờ muốn đưa thời trang của mình ra thế giới, vì tôi không đại diện cho gì cả. Tôi chỉ đại diện cho chính bản thân tôi, nên nếu có tham gia một tuần lễ nào đó cũng là cho cá nhân chứ không phải đại diện cho một điều gì cả. Đó là cách làm của riêng tôi, và tôi hài lòng với bản thân mình của hiện tại.

Mong muốn của tôi giờ đây đơn giản chỉ là mở được nhiều cửa hàng trên các tỉnh thành trong cả nước. Tôi biết, nhu cầu thời trang của người Việt Nam vẫn còn nhiều, tôi chưa phục vụ được thì chưa cần ra nước ngoài. Có thể, nhiều người cho rằng quan điểm của tôi quá thực dụng, nhưng đó là thực tế, tôi chấp nhận chuyện tôi không còn quá bay bổng, tìm kiếm vị trí hay nhu cầu thay đổi ngành thời trang Việt Nam như trước nữa.

Có thể thấy là anh đang khá hài lòng với những gì mà anh đã làm được. Tuy nhiên, thành công nào cũng cần sự đánh đổi. Để có được thành công của hiện tại, anh đã phải đánh đổi những gì?

Điều tôi cảm thấy phải đánh đổi nhiều nhất là thời gian dành cho những người xung quanh như gia đình, bạn bè, vì phải dành quá nhiều thời gian cho công việc. Đó có thể là một điều thiệt thòi, khi tôi không còn nhiều thú vui như ngày xưa, không có được những khoảnh khắc vui chơi bên bạn bè.

Trước mỗi show diễn, tôi thường phải tất bật lo toan cho mọi thứ. Sau khi show kết thúc, tôi lại làm trang phục cho khách hàng, đồng thời chuẩn bị cho bộ sưu tập mới. Nhiều người nói rằng chỉ cần tôi bớt lo công việc đi một chút, tôi sẽ giảm được rất nhiều gánh nặng. Nhưng thực ra một khi đã vào guồng, tôi không thể dừng lại. Nếu khách đã đặt hàng mà tôi lại không làm, tôi sẽ bị mất đi cơ hội. Nếu tôi không cố gắng, tôi sẽ bỏ lỡ các khách hàng tiềm năng.

Vậy sau hơn 10 năm thiết kế, điều gì khiến anh cảm thấy hạnh phúc nhất, và điều gì khiến anh cảm thấy nuối tiếc nhất?

Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là có công việc ổn định, có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân. Ngày xưa, gia đình tôi rất lo lắng cho tương lai của tôi, vì lúc đó tôi quá hiền lành, tự ti và sợ hãi đám đông, cũng không có khả năng gì đặc biệt. Thế nhưng, đến ngày nay, tôi đã trở thành niềm tự hào riêng của mẹ mình.

Tôi còn nhớ, khi mẹ cho tôi đi học thời trang, nhiều người đã nói rằng điều đó là vô ích, tôi không thể làm được điều gì cả. Mẹ tôi chỉ trả lời rằng bà coi đó như một cuộc đánh bạc. Nếu được, thì được hết, còn mất thì đành chịu. Điều mẹ tôi mong muốn là sau này, tôi có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân. Đến bây giờ, tôi đã làm được điều đó. Tôi không cần phụ thuộc vào ai cả, có nghề nghiệp, vị trí trong xã hội, có được chỗ đứng riêng, và đó là niềm hạnh phúc của riêng tôi.

Còn nếu nói về những điều tiếc nuối, tôi cho rằng điều đó không đáng kể. Việc thiết kế cho tôi nhiều thứ hơn. Cái mất, như đã nói, chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống, và tôi có thể chấp nhận được điều đó.

Tôi chấp nhận chuyện tôi không còn quá bay bổng, tìm kiếm vị trí hay nhu cầu thay đổi ngành thời trang Việt Nam như trước nữa.

Diana Vreeland từng nói một câu đại loại rằng thời trang là một phần của cuộc sống. Nó thay đổi theo thời gian, theo từng sự kiện xảy đến với chúng ta. Nhìn lại quãng đường hơn 10 năm thiết kế, anh nhận thấy những sản phẩm của anh đã thay đổi như thế nào, và điều đó thể hiện những bước phát triển nào của anh?

Khi mới bước vào nghề, tư duy thời trang của tôi là “không cần ai mặc”. “Lố” một chút, cầu kỳ một chút, kinh khủng một chút, mới được gọi là thời trang. Đó là quan niệm từ thời đi học, vì ngày xưa, tôi rất thần tượng John Galliano. Sau này, khi làm nghề, thực tế cuộc sống mới kéo tôi trở lại.

Đúng như lời Diana Vreeland đã nói, thời trang thực sự là đời sống. Những gì mình mặc thể hiện đời sống hiện tại của mình, chứ không phải là những gì trên sàn diễn, vì có những trang phục trên sàn diễn không được ai mặc cả, và không hề đại diện cho điều gì. Đối với tôi, thời trang phải gắn liền với cuộc sống. Khi thời trang được con người sử dụng, nó mới thực sự sống động và có đời sống riêng. Đây chính là sự thay đổi lớn nhất trong tư duy thời trang của tôi suốt 10 năm vừa qua.

Ngày xưa, tôi rất thần tượng John Galliano. Sau này, khi làm nghề, thực tế cuộc sống mới kéo tôi trở lại.

Trở lại show diễn Back to Nature lần này, anh có thể giải thích lý do anh lựa chọn Sydney mà không phải là một không gian nào khác gần gũi với thiên nhiên không? Liệu điều này có mâu thuẫn với tinh thần bộ sưu tập mới là “Back to Nature”?

Quyết định chọn Sydney của tôi rất ngẫu hứng. Khi đặt chân đến đây, tôi nhận thấy Sydney là vùng đất rất đẹp và có khí hậu tốt. Cảnh sắc và con người Sydney khiến tôi có cảm giác muốn làm show diễn tại nơi này. Bên cạnh đó, tôi cũng có khá nhiều khách hàng tại đây.

Trên thực tế, không gian trình diễn bộ sưu tập lần này khá phù hợp với chủ đề mà tôi đã đưa ra. Đó là một không gian ngoài trời và xung quanh là biển. Tại đó, hình ảnh nhà hát Opera được hiển hiện rõ nét, thể hiện nét đặc trưng của thành phố Sydney.

Trước thềm show diễn Back to Nature, anh có thể hé lộ thêm thông tin về bộ sưu tập này không?

Điểm đặc biệt nhất trong BST này chính là đây là lần đầu tiên tôi sử dụng linen cho thiết kế của mình. Trước đây, tôi không thích chất liệu này lắm vì đặc tính hơi nhăn, không phù hợp với nhu cầu khách hàng. Sở dĩ, khách hàng thích các sản phẩm đến từ DMC vì tôi thường sử dụng vải không nhăn, dễ sử dụng để mang đi nước ngoài, thuận tiện trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Tuy nhiên, lần này, tôi lại có hứng thú làm việc với linen. Tôi hy vọng chất liệu này sẽ được mọi người yêu thích.

Bên cạnh đó, bộ sưu tập vẫn giữ vững đặc trưng thương hiệu DMC, với chất liệu đặc biệt cùng nhiều đặc điểm khác. Phần 2 BST cũng được tôi dành riêng để giới thiệu các thiết kế bằng lụa có đặc tính không nhăn, những điều đã đem lại thành công cho tôi trong BST trước nữa.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này. Chúc show diễn của anh sẽ thành công tốt đẹp!

Thực hiện: Hải Yến

Ảnh: Samson Nguyen

Location: Opus Saigon

Behind the Label: Chuyên đề được thực hiện bởi đội ngũ Style-Republik về chiến lược kinh doanh đằng sau một thương hiệu thời trang. Những điều cần biết và những bài học rút ra từ những nhân vật cũng thương hiệu đang hoạt động trong ngành thời trang Việt Nam thông qua những bài viết cùng video được thực hiện độc quyền. Thông tin hợp tác vui lòng gửi về email info@2021.dmavietnam.com.