[Brand To Know] TimTay: Làm thời trang bền vững là một hành trình phải trau dồi và thay đổi liên tục
Ngày đăng: 25/06/21
Chuyên mục Behind The Label của Style-Republik đưa đến cho độc giả những chia sẻ thú vị và hữu ích về những bài học kinh doanh, thiết kế… từ những người đứng sau các thương hiệu thời trang và làm đẹp tại Việt Nam. Tuần này, hãy cùng nghe những chia sẻ thú vị đến từ Co-founder thương hiệu thời trang TimTay.
Ra mắt vào năm 2014 ở thời điểm local brand vẫn còn là một khái niệm khá xa lạ ở Việt Nam, TimTay là thương hiệu thời trang thiết kế “thuần Việt” theo đuổi phong cách sống bền vững và thân thiện với môi trường được sáng lập bởi hai chị em Hoàng Tú và Hoàng Anh. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của Hoàng Anh – Co-founder TimTay về thương hiệu thời trang được lấy cảm hứng từ văn hoá cùng với câu chuyện xoay quanh các làng nghề thủ công, mỹ thuật, hội hoạ, âm nhạc, đời sống …
Xin chào Hoàng Anh, bạn có thể chia sẻ về câu chuyện của TimTay và tại sao lại là TimTay?
Ra mắt vào năm 2014, TimTay được sáng lập bởi Hoàng Tú và mình là Hoàng Anh. Chị Tú là người thiết kế chính cho các Bộ sưu tập và mình phụ trách xây dựng thương hiệu và phát triển kinh doanh. Chị Tú có tư duy thiết kế rất khác biệt vào thời điểm 2014 – cái thời mà khái niệm “local brands” còn khá xa lạ tại Việt Nam. Mình nhìn ra được vẻ đẹp, tâm tư & câu chuyện đằng sau những thiết kế đó nên hai chị em đã quyết định cùng nhau xây dựng nên một thương hiệu thời trang riêng.
TimTay là một cái tên thuần Việt và cũng là “kim chỉ nam” của thương hiệu. Tim là trái tim, Tay là bàn tay – hàm ý thể hiện những thiết kế làm ra đều xuất phát từ tâm, từ những đôi bàn tay yêu thích thủ công. TimTay muốn gửi gắm thông điệp về sự sáng tạo không ngừng nghỉ, một quan điểm sống chấp nhận sự khác biệt, góp phần nâng cao nhận thức và sự trân trọng của khách hàng, đặc biệt là khách hàng trong nước về sản phẩm nội địa.
Cảm hứng của TimTay thường đến từ văn hoá. Câu chuyện của TimTay xoay quanh các làng nghề thủ công, mỹ thuật, hội hoạ, âm nhạc, đời sống …
TimTay là một thương hiệu bền vững? Những cam kết của TimTay để đáp ứng tiêu chí của một thương hiệu bền vững?
TimTay chưa dám nhận mình là “một thương hiệu bền vững” mà chỉ xin nhận là “thương hiệu theo đuổi phong cách sống bền vững” hay “phát triển theo hướng bền vững”. Đối với chúng tôi đây là một hành trình trau dồi và thay đổi liên tục, trừ khi đạt được một chứng chỉ nào đó để xác nhận, nếu không sẽ là quá dễ dãi để tự xưng.
Sau 07 năm hoạt động, TimTay cũng rất tự hào vì đã tìm kiếm được hướng phát triển bền vững hơn để có thể duy trì những cam kết như sau:
- Tất cả thiết kế đều được cam kết sử dụng chất liệu có nguồn gốc tự nhiên như sợi lanh, sợi bông, tơ tằm nguyên chất … để quá trình phân huỷ trong môi trường có thể diễn ra nhanh nhất, cũng như đem đến sự thân thiện, nguyên bản với làn da của người mặc.
- TimTay lựa chọn những nguồn cung uy tín trong nước để giảm thiểu khí thải trong quá trình vận chuyển & ủng hộ những doanh nghiệp nước nhà.
- Chất lượng thành phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Sản phẩm phải có chất liệu bền, đường may chắc chắn để giúp kéo dài tuổi thọ sản phẩm và dễ dàng ứng dụng trong sinh hoạt thường ngày.
- Vải thừa trong quá trình sản xuất luôn được giữ lại để tái sử dụng, tái chế thành sản phẩm. Hầu hết các thiết kế của TimTay đều sáng tạo theo tiêu chí cắt không vải thừa (zero waste) để hạn chế tối đa sự lãng phí nguyên phụ liệu.
- Kế hoạch sản xuất của chúng tôi luôn được sắp xếp khoa học để nhân viên không bao giờ bị ép buộc tăng ca. Môi trường làm việc tập trung, hiệu quả để giảm áp lực, giúp khơi mở khả năng sáng tạo.
TimTay giáo dục (educate) khách hàng về thời trang bền vững như thế nào? Làm thế nào để thực hành bền vững đúng cách?
TimTay giáo dục khách hàng bằng sản phẩm. Kể cho họ nghe về câu chuyện đằng sau sản phẩm, thể hiện quan điểm của thương hiệu qua thiết kế, từ đó giúp khách hàng hiểu thêm về giá trị sản phẩm. Nếu họ chọn sản phẩm của TimTay, có nghĩa bên cạnh việc họ yêu thích thiết kế thì họ còn thích cả câu chuyện của nó nữa.
Để khuyến khích việc tiêu dùng bền vững, TimTay có dịch vụ sửa hàng miễn phí để khách hàng luôn nhận được những sản phẩm vừa vặn nhất. Trong trường hợp sản phẩm bị hư hỏng cũng có thể gửi TimTay để phục chế, bất kể bạn đã mua nó trong thời gian bao lâu. Chúng tôi cũng xây dựng một public group trên Facebook mang tên TimTay Exchange, khuyến khích khách hàng trao đổi quần áo TimTay mà họ không còn phù hợp để kéo dài vòng đời sản phẩm.
Là những người sáng lập của thương hiệu, hai bạn phải chuẩn bị những gì để có thể phát triển thương hiệu thành công?
Trau dồi kiến thức liên tục, vì thị trường thời trang rất khốc liệt và vất vả. Tuy nhiên cái bạn cần chuẩn bị đó là tâm lý vững vàng, hiểu thương hiệu và đặt dịch vụ khách hàng lên hàng đầu.
Khó khăn thường gặp khi thương hiệu mới bắt đầu là gì và làm sao để vượt qua những khó khăn đó?
Cái khó khăn của mình năm 2014 sẽ khác với những bạn thành lập thương hiệu vào năm 2021. Cụ thể là năm 2014 sẽ không có nhiều đối thủ kiểu “local brands” nhưng lại khó khăn vì khách hàng thời điểm đó chưa thực sự quan tâm, trân trọng những thiết kế thời trang nội địa. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng mới chớm phát triển ở Việt Nam.
Lúc đó TimTay khá đơn độc trong việc truyền tải câu chuyện thương hiệu tới khách hàng để họ có đánh giá đúng về giá trị của các sản phẩm sáng tạo, thủ công Việt. Rất may mắn, các thiết kế ra mắt trong thời điểm đó được nhiều khách hàng đón nhận và trung thành với thương hiệu cho đến bây giờ. Họ chính là động lực để TimTay tiếp tục sáng tạo và phát triển với nhiều tham vọng hơn nữa.
Thời trang có tính đào thải cao vì thế làm thế nào để một thương hiệu có thể sống sót và cạnh tranh giữa thị trường khốc liệt, nhất là khi đi theo con đường bền vững thì tệp khách hàng sẽ “niche” hơn và thường không đi theo xu hướng?
Đối với mình, thương hiệu để tồn tại cần giữ vững lập trường, tìm được bản sắc riêng và đặc biệt quan tâm đến khách hàng. Nếu sản phẩm bạn làm ra chỉ tập trung vào xu hướng hoặc sao chép vô hồn thì bạn sẽ sớm bị đào thải. Nếu bạn không tìm hiểu, không lắng nghe và xây dựng mối quan hệ trung thực với khách hàng thì bạn cũng sẽ sớm bị khách hàng lãng quên.
Chiến lược của thương hiệu để luôn giữ identity (cá tính thương hiệu) mà vẫn luôn mới mẻ dù không theo xu hướng là gì?
Thực ra TimTay vẫn luôn quan tâm, cập nhật xu hướng vào những thiết kế của mình. Quan tâm đến xu hướng giúp các thiết kế của TimTay dễ dàng được khách hàng đón nhận hơn. Không đóng khung vào một công thức sáng tạo, mỗi Bộ sưu tập của TimTay là một câu chuyện hoàn toàn mới, có thể collab với nhiều nhân vật đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính vì vậy, TimTay tạo được tâm lý tò mò và mong chờ mỗi khi có Bộ sưu tập ra mắt.
Một thương hiệu thời trang bền vững cần đầu tư, chú trọng vào những yếu tố gì để phát triển thương hiệu tốt nhất? (Vd: mẫu mã, câu chuyện, dịch vụ, cửa hàng, quy mô, công nghệ, logistic, nền tảng thương mại…)
Theo mình bước đầu phải là sản phẩm. Sản phẩm của phải bạn được tạo ra dựa trên những cam kết về “thời trang bền vững”. Sau đó là câu chuyện & dịch vụ chăm sóc khách hàng. Đây là những nền tảng mà mình nghĩ phải nghiêm túc xây dựng rõ ràng ngay từ ban đầu.
Dịch COVID đã ảnh hưởng thế nào đến thương hiệu? Thương hiệu đã làm gì để duy trì kinh doanh, giữ mối quan tâm của khách hàng… để vượt qua đại dịch?
Điều mà mình cảm thấy khó khăn nhất trong dịch COVID đó là mọi kế hoạch kinh doanh luôn phải thay đổi liên tục, thay đổi theo từng ngày từng giờ. Đòi hỏi cả công ty phải tự chuẩn bị rất nhiều kịch bản để có thể duy trì doanh số. Tuy nhiên nhìn theo hướng tích cực thì COVID đã giúp cho TimTay phải có những thay đổi quyết liệt hơn về việc xây dựng các kênh online, trải nghiệm sản phẩm qua mạng.
Một số hành động cụ thể như: Cắt giảm các chi phí offline để chuyển qua phát triển online. Cải tiến quy trình chăm sóc khách hàng qua mạng, ra mắt dịch vụ thử đồ tại nhà … Ưu tiên bán các sản phẩm tồn kho & giảm chi phí, số lượng sản xuất.
Nhận định của TimTay về tiềm năng của thời trang bền vững tại Việt Nam sắp tới?
Khái niệm “thời trang bền vững” đang là xu hướng trên toàn thế giới và mình nghĩ chắc chắn đây sẽ là hướng đi của rất nhiều bạn xây dựng thương hiệu thời trang sắp tới. Đối với mình, thời trang bền vững là cam kết trách nhiệm của doanh nghiệp dành cho cộng đồng, cho xã hội sau những hệ luỵ mà ngành thời trang đã gây ra chứ không chỉ là một trào lưu hay xu hướng. Các bạn trẻ cần tìm hiểu cặn kẽ và đúng đắn về khái niệm này trước khi bắt tay xây dựng một thương hiệu thời trang bền vững.
Cám ơn TimTay vì những chia sẻ vô cùng thú vị!
Thực hiện: Mỹ Đỗ