Bị phản đối khi hủy sản phẩm không bán được, Burberry tuyên bố chính sách mới nói không với lông thú
Ngày đăng: 06/09/18
Việc thà rằng tiêu hủy sản phẩm không bán được sau mỗi mùa chứ không hạ giá bán là hành động không hiếm gặp của các nhà mốt lớn để giữ vững bản sắc xa xỉ của thương hiệu. Tuy nhiên, vào tháng Bảy vừa qua, Burberry vấp phải loạt chỉ trích của truyền thông khi tiêu hủy các sản phẩm chưa bán được với trị giá lên đến 28.3 triệu bảng.
Làng sóng phản đối đã khiến Burberry phải xem xét lại chính sách của mình, đi kèm với đó là ban hành tuyên bố không sử dụng lông thú thật trong các thiết kế cộp mác thương hiệu. Theo một báo cáo được tiết lộ với truyền thông, Burberry trong 5 năm qua đã tiêu hủy số lượng hàng hóa không bán được có trị giá khoảng 105 triệu bảng, bao gồm quần áo, phụ kiện và nước hoa.
Burberry không phải là thương hiệu duy nhất tiêu hủy sản phẩm không bán được. Và đây không phải là việc làm mới lạ trong ngành thời trang, nhất là với các thương hiệu xa xỉ, việc hạ giá thành có thể khiến cho danh tiếng của thương hiệu bị giảm sút. Việc tiêu hủy sản phẩm không bán được sau mỗi mùa giúp bảo vệ cho quyền sáng chế, nhận diện thương hiệu và tránh hàng hóa giả mạo.
Trong một bức thư ngỏ mà nhà bán lẻ ThredUp gửi cho thương hiệu đề cập: “Chúng ta đang ở giữa một cuộc khủng hoảng môi trường ngày càng trầm trọng hơn bởi ngành công nghiệp thời trang. Ngành công nghiệp chịu trách nhiệm cho 10% lượng khí thải carbon toàn cầu và dự kiến đến năm 2050 chiếm ¼ lượng khí thải. Chúng tôi tôn trọng mong muốn bảo vệ hình ảnh của thương hiệu nhưng việc giảm giá sản phẩm không đáng sợ bằng việc đốt cháy chúng”.
Một điều đáng mừng là tuyên bố mới nhất của Burberry cho biết, thương hiệu sẽ cấm sử dụng lông thú – bao gồm thỏ, cáo, chồn và gấu trúc.
Một điều đáng mừng là tuyên bố mới nhất của Burberry cho biết, thương hiệu sẽ cấm sử dụng lông thú – bao gồm thỏ, cáo, chồn và gấu trúc. Chính sách này sẽ được áp dụng từ bộ sưu tập đầu tay của nhà thiết kế Riccardo Tisci ra mắt 17/9 tới đây tại Tuần lễ thời trang London. Các sản phẩm bằng lông thú hiện có sẽ dần dần được loại bỏ, chỉ có sản phẩm lông cừu tiếp tục được sản xuất.
Giám đốc điều hành Marco Gobbetti nhấn mạnh: “Sang trọng ở hiện đại có nghĩa là đi kèm với trách nhiệm đối với môi trường và xã hội. Chúng tôi tin tưởng điều này mang ý nghĩa cốt lõi với Burberry và là chìa khóa mang đến thành công lâu dài cho thương hiệu”.
Theo ông Marco Gobbetti, Burberry sẽ có chính sách mới để xử lý các sản phẩm chưa bán được, điều này đi kèm với chiến lược kinh doanh mới của thương hiệu. Công ty tiết lộ đang hướng tới một mô hình phân phối mới cho các sản phẩm của thương hiệu, có thể là thêm hơi hướm đường phố, tiếp cận cụ thể hơn đến nhóm khách hàng tiềm năng và tạo ra ít chất thải hơn trong khâu thiết kế. Chiến lược bán hàng mới này dự kiến sẽ là nền tảng cho tầm nhìn sáng tạo mới của Tisci cho Burberry.
Thực hiện: Siam
Theo BOF