Các giám đốc sáng tạo nam “của phụ nữ, do phụ nữ và vì phụ nữ” trong địa hạt thời trang
Ngày đăng: 08/03/25
Nhiều giám đốc sáng tạo nam tài năng đã dành cả đời mình để tôn vinh vẻ đẹp nữ tính, từ sự thanh lịch của Dior, nét gợi cảm của Tom Ford đến tinh thần nổi loạn của McQueen. Nhưng liệu thời trang dành cho phụ nữ khi được tạo ra bởi nam giới có thực sự phản ánh đúng mong muốn và bản sắc của họ?
Trong thế giới thời trang, nơi phụ nữ là nguồn cảm hứng bất tận, không ít những nhà thiết kế nam đã dành cả sự nghiệp để tôn vinh vẻ đẹp nữ tính, tạo nên những biểu tượng phong cách vượt thời gian. Từ Christian Dior với “New Look” mang đậm chất nữ quyền, Tom Ford tái định nghĩa sự gợi cảm, đến Alexander McQueen với góc nhìn gai góc, phá cách, họ không chỉ thiết kế trang phục mà còn định hình hình tượng người phụ nữ qua từng thời kỳ.
Nhưng điều gì khiến một nhà thiết kế nam có thể thấu hiểu và kể câu chuyện về phụ nữ một cách chân thực nhất? Liệu thời trang dành cho phái đẹp, khi được sáng tạo bởi đàn ông, có thực sự phản ánh đúng khát khao, nhu cầu và sự giải phóng của phụ nữ hiện đại? Và đâu là ranh giới giữa việc tôn vinh nữ tính và áp đặt những chuẩn mực thẩm mỹ từ góc nhìn nam giới?
Hãy cùng khám phá cách những Giám đốc Sáng tạo nam đã và đang viết nên câu chuyện của phụ nữ, do phụ nữ và vì phụ nữ – từ những bộ corset thắt chặt vòng eo đến những thiết kế trao quyền tự do cho nữ giới.
Những hình tượng phụ nữ qua góc nhìn của các GĐST nam
Sự nữ tính cổ điển và thanh lịch
Xa hoa nhưng không phô trương, cổ điển nhưng không lỗi thời – vẻ đẹp nữ tính trong thời trang luôn là một sự chuyển động, bám rễ trong di sản nhưng không ngừng tiến về tương lai.
Suốt chiều dài lịch sử thời trang, nhiều giám đốc sáng tạo nam đã tôn vinh vẻ đẹp nữ tính thông qua hình ảnh người phụ nữ thanh lịch và tinh tế. Christian Dior, với “New Look” năm 1947, đã cách mạng hóa thời trang bằng những đường nét tôn vinh vòng eo con kiến, khắc họa sự quyến rũ truyền thống của phái đẹp. Ra mắt cùng thời điểm là dòng nước hoa đầu tiên của thương hiệu – Miss Dior, một biểu tượng mùi hương vượt thời gian. Cái tên Miss Dior không chỉ gợi nhắc đến sự lãng mạn kiểu Pháp mà còn là lời tri ân dành cho người em gái dũng cảm của Dior – Catherine Dior, một nữ chiến binh kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Đức Quốc Xã.
Sau này, Karl Lagerfeld tiếp tục tinh thần ấy tại Chanel, nhưng với góc nhìn của một người phụ nữ hiện đại hơn – mạnh mẽ nhưng không đánh mất sự thanh lịch mà Coco Chanel từng khởi xướng. Bộ sưu tập Chanel Xuân 2025 đã tái hiện lại di sản lẫy lừng của thương hiệu, tôn vinh những thiết kế khó quên của Lagerfeld và khắc họa hình ảnh người phụ nữ được giải phóng. Dù thời điểm BST ra mắt chưa có giám đốc sáng tạo chính thức, Chanel vẫn khẳng định vị thế của mình qua những không gian trình diễn đậm tính di sản. Grand Palais, sau nhiều năm cải tạo, đã một lần nữa trở thành sân khấu cho Chanel – như một chuyến trở về nhà với những những dấu ấn kinh điển của thương hiệu.
Chanel Xuân 2025 không chỉ là một show diễn mà còn là tiếng vọng từ quá khứ, một lời nhắc nhở về kho di sản mà Karl Lagerfeld để lại. Khi tiếp quản Chanel vào năm 1983, ông đã táo bạo phá vỡ quy tắc Haute Couture lúc bấy giờ, mang đến những thiết kế suit bằng vải tweed mang tinh thần thanh lịch, thời thượng, nhưng đầy tính thực tế. Dù từng vấp phải hoài nghi, bộ sưu tập đầu tiên ấy đã đặt nền móng cho một Chanel hiện đại, tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ sau.
Người phụ nữ quyền lực và gợi cảm
Tom Ford, khi tiếp quản Gucci vào những năm 1990 đã định nghĩa lại hình ảnh người phụ nữ trong thời trang: mạnh mẽ, táo bạo và không ngại bộc lộ sự quyến rũ của mình. Những đường cắt xẻ sắc sảo, chất liệu bóng bẩy và tinh thần sexy đầy quyền lực đã giúp Gucci lột xác, đưa thương hiệu vào thời kỳ hoàng kim và làm rung chuyển cả ngành công nghiệp thời trang.
Nhìn rộng hơn, nếu đặt hình mẫu phụ nữ trong hệ quy chiếu sáng tạo của Tom Ford bên cạnh một tư duy thẩm mỹ đối lập như Haider Ackermann, ta sẽ nhận thấy những khác biệt rõ rệt. Ford là người theo chủ nghĩa sống nhanh, ồn ào, bộc trực và đầy khiêu khích. Trong khi đó, Haider Ackermann mang tâm hồn của , đào sâu vào cảm xúc và sự tinh tế. Tuy xuất phát từ hai thái cực khác nhau, cả hai nhà thiết kế đều chia sẻ một điểm chung – sự tôn thờ đường nét cơ thể và tinh thần phá vỡ quy tắc.
Dù không cùng thời điểm, không chịu ảnh hưởng lẫn nhau, Ford và Ackermann vẫn có những khoảnh khắc giao thoa thú vị trong lịch sử thời trang. Từ những phom dáng thanh thoát, vừa vặn ôm sát cơ thể cho đến cách kết hợp chất liệu đầy bất ngờ, cả hai đều biến thời trang thành một ngôn ngữ thị giác mạnh mẽ, nơi người phụ nữ vừa quyền lực, vừa gợi cảm theo cách riêng của họ.
Sự nổi loạn và phá vỡ chuẩn mực
Dù là McQueen hay Roseberry, những nhà thiết kế này đều hiểu rằng: nổi loạn không có nghĩa là từ bỏ sự nữ tính, mà là giành lại quyền định nghĩa nó theo cách riêng của mình.
Alexander McQueen là một trong số ít nhà thiết kế dám khắc họa hình tượng phụ nữ theo cách gai góc, dữ dội và không khoan nhượng. Ông không chỉ tạo ra những bộ trang phục mà còn kiến tạo nên những nhân vật nữ mạnh mẽ: những kẻ dám thách thức xã hội, vượt qua ranh giới của cái đẹp truyền thống. Alexander McQueen Fall 1996 – “Dante” là minh chứng rõ nét nhất, những người phụ nữ của McQueen khoác lên mình corset kết hợp quần ống rộng, hoặc chân váy bút chì ren gợi cảm, như thể họ đến từ tương lai, xuyên không về quá khứ để phá bỏ những rào cản cũ kỹ. Những người phụ nữ bước qua tranh cãi, dám diện các thiết kế xuyên thấu táo bạo, để thể hiện sự tự do tuyệt đối của chính mình.
Ba thập kỷ sau, tinh thần tôn vinh người phụ nữ độc lập vẫn tiếp tục lan tỏa qua những sáng tạo tại Tuần lễ thời trang Paris Thu Đông 2025. Daniel Roseberry với bộ sưu tập Schiaparelli Thu Đông 2025 mang tựa đề “Lone Star”, đã viết nên một áng thơ ca ngợi những người phụ nữ truyền cảm hứng, không chỉ với ông mà với cả thế giới. Lấy cảm hứng từ hình tượng Old Hollywood, Roseberry mang đến những bộ vest độn vai sắc sảo, những chiếc áo nịt ngực của vũ nữ, tái hiện vẻ đẹp mạnh mẽ nhưng đầy nữ tính. Nhưng “Lone Star” không đơn thuần là câu chuyện về những nữ cao bồi Texas. Đó là một bản giao hưởng về những người phụ nữ hiểu rõ bản thân, yêu sự mâu thuẫn nội tại của mình, cá tính nhưng dịu dàng, mạnh mẽ nhưng không đánh mất vẻ gợi cảm. Họ ăn diện không phải để làm hài lòng ai khác, mà vì chính họ.
Người phụ nữ từ kỷ nguyên đen và giấc mơ
Nếu có ai đó dám phá bỏ mọi ranh giới, vẽ lại bức chân dung người phụ nữ với một góc nhìn thô ráp nhưng đầy mê hoặc, thì đó chắc chắn là John Galliano – kẻ nổi loạn thiên tài của làng thời trang. Dưới bàn tay của ông, thời trang không chỉ là cái đẹp hào nhoáng, mà còn là sự phản chiếu của những câu chuyện bị bỏ quên, những nhân vật bị gạt ra ngoài lề xã hội. Galliano không ngần ngại đẩy Haute Couture vào vùng đất gai góc, nơi những điều bị xem là xấu xí lại hóa thành tuyệt tác.
Tại Maison Margiela Artisanal Spring 2024, Galliano đã vẽ nên một bức tranh mang đậm hơi thở bi kịch và lãng mạn, nơi những “con búp bê hỏng” lang thang trong đường hầm tăm tối của Paris, hiện lên với sự rách rưới, bẩn thỉu nhưng lại toát lên vẻ đẹp ma mị khó cưỡng. Sự tôn vinh tính nữ của Galliano không nằm trong những đường nét hoàn hảo hay sự trau chuốt lộng lẫy, mà ở chính cách ông định nghĩa lại cái đẹp từ những điều bất toàn.
Di sản của Galliano, dù gây tranh cãi, vẫn là minh chứng rõ ràng nhất cho thứ thời trang thách thức chuẩn mực. Ông biến những mảnh đời bị lãng quên thành những nàng thơ của mình, và bằng cách nào đó, khiến giới mộ điệu khát khao chạm vào những giấc mơ đầy khiếm khuyết ấy.
Liệu góc nhìn nam giới có giới hạn hình tượng phụ nữ?
Trong suốt nhiều thập kỷ, làng mốt đã chứng kiến vô số nhà thiết kế nam xuất sắc tôn vinh vẻ đẹp nữ giới, từ sự thanh lịch cổ điển của Christian Dior đến hình tượng quyến rũ táo bạo của Tom Ford. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn luôn được đặt ra: Liệu thời trang nữ, dưới lăng kính của đàn ông, có thực sự phản ánh trọn vẹn trải nghiệm của phụ nữ?
Không ít tranh cãi nổ ra xoay quanh việc góc nhìn nam giới có thể vô tình tạo ra những thiết kế mang tính lý tưởng hóa, hơn là phục vụ nhu cầu thực tế. Những bộ váy tuyệt đẹp trên sàn diễn có thể lộng lẫy, nhưng chúng có thực sự thoải mái? Chúng có phản ánh đúng cách người phụ nữ hiện đại sống, di chuyển và cảm nhận bản thân không?
Sự trỗi dậy của những giám đốc sáng tạo nữ trong những năm gần đây đã mang đến một làn gió mới. Maria Grazia Chiuri tại Dior đặt phụ nữ vào vị trí trung tâm với những thiết kế không chỉ đẹp mà còn thực dụng, truyền tải tinh thần nữ quyền rõ nét. Sarah Burton tại Alexander McQueen tiếp nối di sản của thương hiệu nhưng đồng thời mang đến cách tiếp cận mềm mại hơn, tôn vinh sức mạnh nội tại của phụ nữ thay vì chỉ nhấn mạnh vẻ ngoài mạnh mẽ.
Dù không thể phủ nhận đóng góp của những nhà thiết kế nam tài năng, sự xuất hiện của nhiều giám đốc sáng tạo nữ đang mở ra một chương mới trong thời trang, nơi phụ nữ được kể câu chuyện của chính họ bằng ngôn ngữ của chính mình.
Thực hiện: Lenna