Các phụ kiện viễn tưởng bước ra từ máy in 3D

Ngày đăng: 15/07/24

Sau công nghệ làm đẹp, giờ đây đến lượt các món đồ thời trang (đặc biệt là phụ kiện) được tạo ra bằng máy in 3D, một chân trời mới để khám phá.

Trong bối cảnh thời trang ngày nay, nơi mà sự đổi mới và bền vững ngày càng được chú trọng, các nhà thiết kế đang cạnh tranh với những ý tưởng để tạo ra các dự án “hybid”, tức là kết hợp sự sáng tạo của họ với công nghệ. Trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo xâm chiếm màn hình của chúng ta, sẽ thật thiển cận nếu nghĩ rằng sự tiến hóa kỹ thuật số chỉ liên quan đến một số lĩnh vực nhất định của cuộc sống hàng ngày.

Sau công nghệ làm đẹp, giờ đây đến lượt các món đồ thời trang (đặc biệt là phụ kiện) được tạo ra bằng máy in 3D, một chân trời mới để khám phá, nhưng từ góc nhìn bền vững.

Trang sức được tạo ra bằng máy in 3D

Máy in 3D được sử dụng để tạo ra những chiếc bông tai và nhẫn đến từ thiết kế tương lai, như những sản phẩm từ thương hiệu bijouets, dây chuyền cá nhân hóa, vỏ tai nghe và AirPods, thậm chí cả những chiếc vòng cổ siêu ngầu cho mùa hè này.

Các vật liệu thường được tái chế, với sự đóng góp từ ngành thời trang. Một ví dụ hoàn hảo là chiếc váy Magnum Vegan, ra đời năm 2022 từ sự hợp tác giữa Magnum Ice Cream và nhà thiết kế người Hà Lan Iris Van Herpen.

Chiếc váy làm từ hat cocoa trong sự hợp tác giữa Magnum Ice Cream và nhà thiết kế người Hà Lan Iris Van Herpen. Nguồn: Magnum Ice Cream

Việc lựa chọn các vật liệu bền vững, chẳng hạn như vỏ hạt cacao được biến thành một loại biopolymer hoàn toàn hữu cơ, nhấn mạnh cam kết của thương hiệu đối với thời trang có trách nhiệm và thân thiện với môi trường.Việc sử dụng in 3D để tạo ra chiếc váy này đại diện cho một bước tiến đáng kể trong lĩnh vực thời trang cao cấp, và cho thấy tiềm năng của công nghệ này để tạo ra những tác phẩm độc đáo và cá nhân hóa.

Nguồn gốc của in 3D: Nó hoạt động như thế nào?

Một loại phụ kiện đặc biệt đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng gần đây: túi xách in 3D. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn, bắt đầu ngọn nguồn của kỹ thuật này. Chuck Hull được coi là “cha đẻ” của in 3D. Năm 1986, ông đã cấp bằng sáng chế cho công nghệ stereolithography, một kỹ thuật sử dụng laser để làm cứng nhựa cảm quang từng lớp một.

Tuy nhiên, sự đóng góp cần được công nhận khác là từ S. Scott Crump, người đã phát triển phương pháp Fused Deposition Modeling (FDM) vào năm 1989. Phương pháp này, vẫn được sử dụng rộng rãi ngày nay, đặt các sợi nhựa nóng chảy để tạo ra các vật thể 3D.

Túi xách in 3D

Từ những hình dáng cứng cáp và tối giản đến những hình dáng độc đáo hơn, túi xách in 3D áp dụng công nghệ để tạo ra những phụ kiện độc đáo, có thể được thiết kế theo nhu cầu và có tính bền vững. Trong số những người tiên phong của cuộc cách mạng này là Edoardo Amoroso, một nhà thiết kế người Napoli đã tạo ra một bộ sưu tập túi xách in 3D với các hình học táo bạo và kết cấu sáng tạo, thu hút sự chú ý của người dùng TikTok.

Harmony 3dbag, một thương hiệu mới nổi, cung cấp những chiếc túi có thể tùy chỉnh với các ý tưởng rất độc đáo, tương tự như những tác phẩm điêu khắc, trong khi thương hiệu Mexico Cueva nổi bật chiếc túi bí mật mang thiết kế thân thiện môi trường trong diện mạo Gothic.

Ưu điểm và nhược điểm của túi xách in 3D

Túi xách in 3D không chỉ đẹp mà còn có nhiều ưu điểm. Công nghệ này cho phép tạo ra những hình dáng phức tạp và tinh xảo mà sẽ không thể đạt được bằng các kỹ thuật truyền thống, mang đến cho các nhà thiết kế sự tự do sáng tạo không giới hạn.

Ngoài ra, như đã đề cập, in 3D cho phép sử dụng các vật liệu sáng tạo và bền vững, chẳng hạn như PLA (axit polylactic) được làm từ các nguồn nguyên liệu tái tạo như nhựa sinh học bền vững và phân hủy sinh học từ đường bắp và củ cải đường, phù hợp với nhu cầu chú trọng bảo vệ môi trường khỏi tác động của ngành công nghiệp thời trang. Tuy nhiên, nếu bạn đang nghĩ đến việc mua một trong những món đồ này, điều quan trọng cần lưu ý là những thiết kế trọng lượng nhẹ cũng là những thiết kế mỏng manh nhất, vì vậy cần cẩn thận giữ gìn trong quá trình sử dụng.

Chuyển ngữ: Linh J.

Nguồn: NSS Magazine