Câu chuyện thương hiệu: Chàng rể Hà Thành nâng tầm thời trang cho những đôi dép lốp cao su kinh điển
Ngày đăng: 30/07/22
Là con rể của “Vua dép lốp” Phạm Quang Xuân, anh Nguyễn Tiến Cường đã thổi hồn vào những đôi dép lốp cao su tưởng chừng cũ kỹ trở nên thời thượng, bắt mắt, vươn ra thế giới như một thương hiệu độc đáo của Việt Nam.
Trong ký ức của bao thế hệ người Việt Nam, dép lốp cao su đã trở thành một phần ký ức, gắn với hình ảnh của người lính Cụ Hồ. Đôi dép cao su bền chắc của thời khốn khó đã theo bước chân người Việt trên khắp nẻo đường từ thời chiến đến thời bình.
Tưởng chừng chỉ là món đồ của những kỷ niệm xưa cũ, đôi dép cao su ngày nay đã trải qua một hành trình dài, học hỏi, thay đổi để trở thành một sản phẩm thời trang hiện đại cho nhiều đối tượng khách hàng. Và người viết nên câu chuyện này chính là “phò mã” Nguyễn Tiến Cường – truyền nhân của nghề làm dép lốp cao su.
Chàng rể bỏ việc nghìn đô để học… nghề hiếm
Ông Phạm Quang Xuân 80 tuổi (phố Nguyễn Biểu, quận Ba Đình, Hà Nội) được xem là người cuối cùng làm dép lốp ở miền Bắc. Ông là người đã 2 lần tái tạo đôi dép Bác Hồ để trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Lần đầu vào năm 1980 và lần 2 vào năm 2019, với mỗi lần làm 10 đôi.
Dù là thợ giỏi và làm nghề hiếm nhưng thực tế làm dép lốp cao su không đảm bảo được kinh tế gia đình, buộc ông phải làm thêm nhiều nghề khác nhau từ sửa đồng hồ, trang trí nội thất, đến dán để giày,… để mưu sinh. Vì tình yêu nghề, hễ ai đặt dù chỉ một hay 2 đôi, ông vẫn miệt mài làm.
Ông có hai người con, một trai – một gái nhưng không ai đi theo con đường làm dép lốp của ông vì nghề này vốn nặng nhọc, vất vả mà thu nhập thì rất bấp bênh. Không ít người tìm đến ông để học nghề nhưng rồi cũng bỏ vì việc mất nhiều công sức mà thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Rồi điều bất ngờ đã xảy ra, cách đây 8 năm, con rể ông Xuân là anh Nguyễn Tiến Cường, khi đó đang làm Phó Giám đốc một công ty về công nghệ với mức thu nhập hàng nghìn đô đã… ngỏ ý muốn học nghề.
“Tôi sang chơi thỉnh thoảng thấy ông đang làm dép. Tôi thấy hay hay nên tự mày mò, tìm hiểu và biết ý nghĩa của đôi dép. Sau đó, tôi nghĩ đến chuyện bán thử xem sao”, anh Nguyễn Tiến Cường chia sẻ.
Nói là làm, anh Cường vẫn đến văn phòng bình thường và bắt đầu thử nghiệm ý tưởng bán dép cao su qua trang depcaosu.com để giới thiệu sản phẩm của ông Xuân. Kết quả không ngờ, nhiều người thích rồi tự tìm đến tận nhà ông Xuân đặt dép.
Một biến cố xảy ra với anh khi năm 2014, bố đẻ đột ngột qua đời. Từ biến cố này khiến anh nhận ra cuộc đời quá ngắn ngủi để lãng phí vào những thứ nhàm chán. Vị trí phó giám đốc công ty phần mềm và mức lương hàng nghìn USD không còn đủ hấp dẫn để níu giữ một trái tim muốn rời đi. Anh chọn nghỉ việc, toàn tâm toàn ý theo nghiệp làm dép.
Thời điểm đó, ai cũng thấy khó hiểu với quyết định của anh, riêng bố vợ thì phản đối ra mặt. Một phần ông Xuân đã ở tuổi xưa nay hiếm nên không còn mặn mà với việc làm dép. Chưa kể ông cụ vốn kỹ tính, đồ đạc làm dép ông “giữ như vàng”, anh Cường muốn động vào cũng khó.
Không học được từ bố vợ, anh tìm cách đi “đường vòng”. Anh đến khắp các bảo tàng để tìm hiểu đâu là đôi dép Bác Hồ, đâu là đôi dép bộ đội ta đi trong thời chống Pháp, chống Mỹ. Anh cũng lặn lội khắp các tỉnh thành trên toàn quốc, nghe ở đâu có thợ làm dép cao su là anh tìm tới học hỏi.
Sau đó, anh thấy yêu thích nghề thủ công này nên quyết định bỏ việc, lặn lội đi Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, tìm những người biết làm dép lốp, mời về Hà Nội vừa làm vừa học nghề của ông Xuân.
Dần dần tình yêu của anh với dép lốp đã lay động được bố vợ. Ông Xuân đồng ý đi cùng anh trong những chuyến hành trình về các tỉnh để tìm thợ. Ông cũng trực tiếp đứng ra đào tạo, để những người thợ trước nay chỉ quen với mấy đôi dép thô kệch, nắm được kỹ thuật làm hàng “tuyển”. Năm 2014, Công ty cổ phần tập đoàn Depcaosu.com cùng thương hiệu sản phẩm “Vua Dép Lốp” chính thức ra đời.
Tham vọng tạo nên “đôi dép quốc dân” và những thăng trầm
Khi đã xây dựng thành công công ty và có sản phẩm, nhưng câu hỏi lớn đặt ra cho anh Cường la bán ở đâu, bán cho ai, bán như thế nào. Học hỏi miệt mài trong nước, anh lăn lội ra cả nước ngoài. Anh sang Thái Lan, Trung Quốc, xem vf học hỏi cách người ta buôn bán, xây dựng thương hiệu.
Cuối cùng, anh nhận ra mình cần phải bán kèm theo câu chuyện phía sau thì đôi dép mới trở nên có hồn và giá trị.
Trở về, có thể nói anh là người đầu tiên có ý nghĩ táo bạo chưa từng có tiền lệ: đề xuất với Bảo tàng Hồ Chí Minh (gần Lăng Bác) để được tổ chức biểu diễn miễn phí quy trình làm dép ngay trong khuôn viên bảo tàng. Tại đây, anh cũng chia sẻ về những câu chuyện lịch sử xoay quanh đôi dép cao su. Đó là con đường đầu tiên anh đưa sản phẩm của mình đến với khách ngoại quốc. Đa phần đến xem, ai cũng khen. Tuy vậy, khó khăn vẫn chưa hết, họ xem vì hiếu kỳ chứ mua sản phẩm thì không. Họ thích những đôi dép mỏng, nhẹ, thời trang hơn.
“Ban đầu, tôi cứ nghĩ dép cao su phải là đôi dép ngày xưa, đôi dép Bác Hồ, bác Giáp, không thể khác được”.
Rồi anh quyết định “thay máu” cho sản phẩm vào đúng… phút 89 của cuộc chơi. Khi đó, Bảo tàng ra hạn định, đề nghị anh… dọn đi nơi khác vì mãi thấy anh vẫn không bán được hàng. Trong tuần cuối cùng trụ lại, anh quyết định làm một bước ngoặt lớn, lên ý tưởng để thay áo mới hoàn toàn cho sản phẩm của mình. Anh quyết phải làm được những đôi dép có đế mỏng hơn, thời trang hơn.
Lập tức anh bán được mười mấy đôi. Anh hớn hở xin Bảo tàng cho ra ngoài góc sân mở cửa hàng dép và được phê duyệt. Nhưng thành công không đến với anh ngay. Sản phẩm bán được vẫn đếm trên đầu ngón tay, thu không đủ chi. Anh Cường vẫn quyết không từ bỏ. Anh lại nảy ra ý tưởng mới. Mỗi đôi dép bán ra, anh đều cần mẫn gửi kèm theo một bức thư viết tay giới thiệu về câu chuyện ý nghĩa phía sau những đôi dép lốp cao su huyền thoại.
Trong các bức thư tay, anh giới thiệu dép được sản xuất từ lốp của những chiếc xe siêu trường, siêu trọng, thậm chí từ lốp máy bay. Đây cũng là yếu tố khiến sản phẩm được khách du lịch nước ngoài đánh giá cao, tốt cho môi trường. Anh Cường cho biết, tuổi thọ của các đôi dép cao su rất cao, một đôi có thể mang ít nhất 3 năm, bất chấp nắng mưa.
Nhưng để thu hút khách, không thể chỉ dựa vào sự bền chắc. Anh lại nghĩ tới câu chuyện đa dạng hóa sản phẩm, và đó cũng là một hành trình dài với nhiều ý tưởng sáng tạo và cả táo bạo của chàng rể Hà Thành. Đến nay, anh và đội ngũ tự hào vì thương hiệu Vua Dép Lốp đã có đủ các mẫu khác nhau phù hợp với nhu cầu đi làm, đi chơi, đi biển… Màu sắc của dép cũng rất đa dạng, ngoài màu đen trơn truyền thống, còn có đỏ, xanh dương, xanh lá, vàng, tím,…
Nếu trước đây, anh không biết sản phẩm làm ra bán cho ai, thì nay khách hàng đến với anh đa dạng, từ nam giới đến chị em, người trung niên và cả trẻ em.
Hiện tại, giá trung bình của mỗi đôi dép cao su là 250.000 đồng. Những đôi làm từ nguyên liệu đặc biệt như lốp máy bay hay những mẫu dép theo hướng cá nhân hóa thì có giá cao hơn, khoảng vài triệu đồng. Khách hàng của anh có cả các đại sứ Anh, Pháp, Mỹ, Nhật…, người nổi tiếng như Giáo sư Ngô Bảo Châu, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, Nguyễn Thành Nam (FPT), các nghệ sĩ như Chí Trung, Công Lý,…
Dép lốp cao su thời trang, thích hợp cho mọi nhà
Dấu ấn về dép cao su trong tâm trí của đa số người Việt vẫn là một thứ gì đó cũ kỹ, không hợp thời. Đó là sản phẩm rẻ tiền, có bán giá bao nhiêu cũng vẫn đắt. Anh Cường cho biết, anh muốn thay đổi quan niệm này, biến dép cao su trở thành “đôi dép quốc dân” mà mọi người Việt Nam đều yêu thích và tự hào có.
Nhưng cái khó nhất của anh khi quyết định phát triển nghề của bố vợ chính là làm thế nào để thay đổi suy nghĩ nói trên của nhiều người. Anh vẫn quyết giữ lại giá trị lịch sử của sản phẩm vì anh cho đó là một thế mạnh, nhưng anh phải làm sao chinh phục được khách hàng bằng chất lượng, mẫu mã, sự thoải mái, bền đẹp.
Bằng một tình yêu và sự say mê kỳ lạ, anh Cường miệt mài phát triển nghề thủ công của bố vợ lên một tầm mới, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hơn khi cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Những đôi dép lốp cao su qua ý tưởng táo bạo của anh và đôi tay tài hoa của những người thợ, đã ngày một hoàn thiện, trở nên thời trang hơn, hợp với thị hiếu người dùng hơn.
Hiện thương hiệu của anh Cường có đến vài chục mẫu dép lốp cao su khác nhau, chia thành nhiều dòng. Có dòng truyền thống quai hậu, dép rọ, dép lê, xăng đan và cả giày cao gót vừa cho chị em… Nhiều dòng được nhuộm màu bắt mắt, xinh đẹp.
Để phát triển kinh doanh, bên cạnh việc mở cửa hàng ngay trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh, anh Cường còn quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử trong và ngoài nước. Anh dự định sẽ tổ chức lại những buổi trình diễn làm dép cao su phục vụ khách du lịch. “Mong muốn của chúng tôi là đưa dép lốp trở thành sản phẩm đặc trưng của Việt Nam được cả thế giới công nhận”, anh Cường bày tỏ.
Thực hiện: Bảo Lam
Theo Cafebiz, Tuổi Trẻ, Dân trí