Câu chuyện về mái tóc vàng óng đặc trưng của Marilyn Monroe

Ngày đăng: 07/12/22

Kỷ nguyên vàng của Hollywood không thiếu những cô gái với mái tóc vàng bạch kim: Jean Harlow, Veronica Lake, Carole Landis, Jayne Mansfield và Grace Kelly…. Nhưng mái tóc vàng mang tính biểu tượng của Marilyn Monroe là sự phản ánh hoàn hảo của thời đại này, và đã trở thành một trong những biểu tượng tiêu biểu nhất của thế kỷ 20.

Khi nghĩ về Marilyn Monroe, bạn sẽ hình dung ngay đến vẻ ngoài đặc trưng của nữ diễn viên: mái tóc vàng hoe, đôi môi đỏ mọng và hàng mi đen dày. Đó là một “nhân cách” mà Norma Jeane trước đây đã cẩn thận tạo ra thông qua các bộ phim, buổi chụp ảnh và cuộc sống của cô ấy trong mắt công chúng. Nhưng vẻ ngoài của cô ấy – đặc biệt là màu tóc – không hề tự nhiên và phải mất nhiều năm để có được.

Thời niên thiếu

Monroe được sinh ra với cái tên là Norma Jeane Mortenson vào ngày 1 tháng 6 năm 1926. Trong suốt thời niên thiếu của mình, Norma Jeane sẽ sử dụng nhiều họ khác nhau thay thế cho nhau: Baker (cho người chồng đầu tiên của mẹ Gladys), Mortenson (cho người chồng thứ hai của Gladys) và Monroe ( tên thời con gái của Gladys).

Gladys không chắc về bố của con gái mình, và ngày nay hầu hết các nhà viết tiểu sử Marilyn Monroe đều đồng ý rằng Gladys không biết ai là cha của Marilyn. Câu chuyện thường được kể nhất là Gladys ngoại tình với sếp của cô, C. Stanley Gifford, tại phòng thí nghiệm điện ảnh nơi cô làm việc, và anh ta đã cắt đứt mọi chuyện khi biết cô đang mang thai. (Gifford đã từ chối liên lạc với Marilyn trong những năm sau đó, ngay cả sau khi cô ấy trở nên nổi tiếng.)

Năm 1934, Gladys mắc chứng bệnh lúc đó được mô tả là suy nhược thần kinh, và được đưa vào viện sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng. Norma Jeane đã trải qua tuổi thơ đầy khó khăn của mình trong 12 trại trẻ mồ côi (nơi cô bị tấn công tình dục nhiều lần và bị hãm hiếp năm 11 tuổi). Khi cô ấy không sống trong trại mồ côi, Norma Jeane sống với họ hàng hoặc trong những ngôi nhà khác nhau của bạn mẹ cô ấy, Grace McKee (sau này là Goddard), người cuối cùng trở thành người giám hộ của Norma. Nhưng tình huống này trở nên phức tạp hơn khi Grace tái hôn.

Ngay cả khi Grace không thể nuôi Norma Jeane, bà vẫn rất quan tâm đến cuộc sống của cô. Trên thực tế, chính Grace là người đã gieo vào lòng Norma Jeane giấc mơ trở thành ngôi sao Hollywood. Grace đã bị quyến rũ bởi cô gái tóc vàng nổi tiếng của Hollywood, Jean Harlow, và nỗi ám ảnh đó đã hình thành niềm say mê của Norma Jeane với điện ảnh và những nữ diễn viên quyến rũ của Hollywood.

Ở tuổi 16, cô gái tóc nâu có khuôn mặt tươi tắn Norma Jeane quay lại sống với Grace. Sau đó, cô bỏ học cấp ba và quyết định kết hôn với James Dougherty, 21 tuổi vào ngày 19 tháng 6 năm 1942, chỉ vài tuần sau sinh nhật lần thứ 16 của cô. Một năm sau, vào năm 1943, anh gia nhập Lực lượng Thương gia Hoa Kỳ, còn cô nhận công việc tại một nhà máy hàng không ở Burbank, đầu tiên làm công việc kiểm tra dù và sau đó là thợ phun sơn.

Những ngày làm mẫu

Cuối năm 1944, Norma Jeane gặp nhiếp ảnh gia David Conover, người đã được Đơn vị Điện ảnh của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ cử đến nhà máy nơi cô đang làm việc để chụp những bức ảnh động viên tinh thần cho những người phụ nữ làm việc trong nhà máy. Conover ngay lập tức bị thu hút cô gái tóc nâu xinh đẹp và chụp một vài bức ảnh màu khi cô ấy đang làm việc trên dây chuyền.

Conover sau này đã viết: “Tôi di chuyển xuống dây chuyền lắp ráp, chụp ảnh những nhân viên xinh đẹp nhất. Không có gì đặc biệt khác thường. Tôi đến chỗ một cô gái xinh đẹp đang đeo cánh quạt và đưa máy ảnh lên ngang tầm mắt. Cô ấy có mái tóc xoăn màu vàng tro và khuôn mặt lấm lem bụi đất. Tôi chụp ảnh cô ấy và bước tiếp. Rồi tôi dừng lại, choáng váng. Cô ấy đẹp. Nửa trẻ con, lại nửa trưởng thành, đôi mắt cô ấy ẩn chứa điều gì đó khiến tôi cảm động và thích thú.”

Sau ngày hôm đó, Conover muốn chụp Norma Jeane nhiều hơn, và những người bạn nhiếp ảnh gia của anh ấy cũng vậy. Trong mỗi buổi chụp, cô ấy sẽ hỏi về ống kính và ánh sáng, cũng như những gì cô ấy có thể làm để mỗi bức ảnh trở nên hoàn hảo. Ngay lập tức, Norma Jeane “mặc kệ” người chồng đi lính của mình, dọn ra ở riêng và vào tháng 1 năm 1945, nghỉ việc tại nhà máy. Đến tháng 8 năm 1945, cô ký hợp đồng làm người mẫu ảnh cho Blue Book Model Agency.

Khi Jim Dougherty trở lại vào tháng 12 năm 1945, sau 18 tháng xa cách, ông không nhận ra vợ mình. Vào mùa xuân năm 1946, cô ly hôn với Dougherty và sẵn sàng lao vào công việc mới.

Trở thành “vàng hoe”

Không lâu sau, Emmeline Snively, người đứng đầu Blue Book Model Agency, nói với Norma Jeane rằng nếu cô ấy muốn nhận được nhiều việc hơn, cô ấy sẽ phải tẩy tóc. Theo Snively, những cô gái tóc nâu chỉ có thể được chụp theo một số cách hạn chế, trong khi một cô gái tóc vàng có thể là bất cứ thứ gì.

Một buổi chiều năm 1946, Snively đưa Norma Jeane đến Frank & Joseph’s Beauty Salon, đối diện với Blue Book Agency. Các nhà tạo mẫu nổi tiếng tại salon này chịu trách nhiệm tạo kiểu tóc cho những nhân vật nổi tiếng của Hollywood như Rita Hayworth và Ingrid Bergman. Kỹ thuật viên Sylvia Barnhart ngay lập tức bắt đầu duỗi tóc cho Norma Jeane, mà Barnhart đã mô tả là “nâu và xoăn”. 

Trong vài tháng, Barnhart đã từ từ thay đổi màu tóc của Norma Jeane thành màu vàng mật ong bằng cách tẩy và nhuộm từng bước một. Norma Jeane cũng trải qua quá trình điện phân xung quanh chân tóc.

Giống như Harlow, mái tóc vàng của Norma Jeane lọt vào mắt xanh của Hollywood, Howard Hughes. Vào giữa những năm 40, Hughes (người đứng đầu RKO) đã phát hiện ra một tạp chí đã đăng ảnh của Norma Jeane, và yêu cầu tìm và đưa cô ấy đến để kiểm tra mức độ phù hợp cho một bộ phim. Công ty của Norma Jeane đã tận dụng sự quan tâm của Hughes làm đòn bẩy để mời khách hàng của họ gặp Ben Lyon, giám đốc casting của 20th Century Fox, và Norma Jeane nhanh chóng được thử việc với nhà quay phim Leon Shamroy.

Khi Shamroy lấy lại bộ phim từ buổi kiểm tra, ông đã rất sửng sốt. Sau đó, ông nói rằng máy ảnh đã ghi lại được điều gì đó ở người phụ nữ tóc vàng này mà ông đã không nhìn thấy trong nhiều năm. 

Vào ngày 26 tháng 8 năm 1946, Norma Jeane được ký hợp đồng một năm, 125 USD/tháng với 20th Century Fox, với điều kiện cô phải tìm cho mình một cái tên mới. Lyon đề nghị Norma Jeane lấy tên là Marilyn, và cô ấy thêm tên thời con gái của mẹ mình (cái tên duy nhất mà cô chắc chắn rằng mình có thể coi là tên của chính mình), Monroe.

Khi Norma Jeane nhút nhát, rụt rè biến thành Marilyn Monroe quyến rũ hơn, mái tóc của cô tiếp tục thay đổi. Barnhart tiếp tục duỗi tóc và tẩy tóc của cô trong nhiều năm, và khi Barnhart chuyển đến một tiệm khác của Frank & Joseph trên Đại lộ Hollywood, Marilyn vẫn tiếp tục làm tóc tại salon của cô.

Trong vài năm sau đó, Marilyn vẫn hẹn gặp Barnhart hàng tuần vào các ngày thứ Bảy lúc 1:30 chiều. Barnhart nhớ lại: “Cô ấy đến muộn hai hoặc ba tiếng đồng hồ và vẫn mong được chăm sóc. Tuy nhiên, cô ấy trông thật tuyệt vời và cuốn hút.”

Barnhart đóng một vai trò quan trọng khác trong cuộc đời của Monroe. Nhiều năm sau cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ, Barnhart đã truyền cảm hứng cho Pola, nhân vật của Monroe trong How To Marry A Millionaire (1953).

Trở thành một ngôi sao

Việc thay đổi màu tóc đã khiến Marilyn Monroe từ từ leo tới đỉnh cao của sự nổi tiếng. Nhưng việc cô không ngay lập tức trở thành một ngôi sao. Marilyn giành được những hợp đồng làm phim ngắn hạn với 20th Century Fox và Columbia Pictures, và một loạt các vai phụ trong phim. Ngoài ra còn có nhiều hợp đồng làm người mẫu, phẫu thuật thẩm mỹ, một loạt các mối quan hệ thất bại và các lớp học diễn xuất. Cô ký hợp đồng mới với Fox vào cuối năm 1950 và cuối cùng bắt đầu tạo ra đột phá, với các vai diễn trong một số bộ phim hài và các bộ phim truyền hình.

Sau đó, Monroe trở thành trung tâm của một vụ bê bối vào tháng 3 năm 1952, khi tin tức nổ ra về một bộ lịch sắp được xuất bản. Golden Dreams tuyên bố đăng những bức ảnh khỏa thân của Monroe do nhiếp ảnh gia Tom Kelley chụp. Những người điều hành hãng phim đã cầu xin Marilyn Monroe chối bỏ câu chuyện để tránh làm hỏng sự nghiệp mới chớm nở, nhưng Monroe đã tự mình giải quyết vấn đề và trở nên “nổi loạn” trong một cuộc phỏng vấn. Cô đã khóc với nhà báo rằng đó thực sự là mình trong ảnh! Marilyn Monroe nhấn mạnh rằng bản thân đã thiếu tiền, thất nghiệp vào năm 1949 và đã tạo dáng chụp ảnh cho Kelley (vợ của ông cũng ở trong phòng) vì cô ấy cần 50 đô la để thanh toán tiền mua ô tô. Điều đó hóa ra lại là một động thái tiếp thêm cho ngôi sao này sức mạnh. Nó tạo ra sự đồng cảm và dẫn đến sự quan tâm ngày càng tăng đối với các bộ phim của cô.

“Trắng như vỏ gối”

Cuối cùng, mái tóc của Marilyn đã bị loại bỏ hoàn toàn sắc tố và mái tóc của cô ấy sáng lên thành màu vàng bạch kim rực rỡ – hay theo cách nói của cô ấy là “màu trắng như vỏ gối”.

Barnhart có thể là nhà tạo mẫu đã biến Monroe thành một cô gái tóc vàng, nhưng bà không phải là nhà tạo mẫu duy nhất trong cuộc đời của Monroe. Nhiều năm sau, khi Monroe đã là một ngôi sao thực sự, cô ấy sẽ làm việc với một nhóm luân phiên các nhà tạo mẫu tóc như Kenneth Battelle, Gladys Rasmussen và Pearl Porterfield – thợ làm tóc chịu trách nhiệm về những lọn tóc vàng nhạt của Jean Harlow. Theo tác giả Pamela Keogh, trong phần còn lại của cuộc đời Monroe, các nhà tạo mẫu tóc của cô đã thoa peroxide và thuốc tẩy highlight ba tuần một lần.

“Có một số vấn đề khi làm tóc cho Marilyn; tóc rất tốt và do đó khó quản lý,” Rasmussen từng nói trong một cuộc phỏng vấn. “Cách chúng tôi [có được] màu bạch kim của cô ấy là sử dụng hỗn hợp bí mật của riêng tôi gồm thuốc tẩy cộng với 20 volume peroxide và một công thức bí mật của dầu xả bạc bạch kim để loại bỏ màu vàng.”

Marilyn Monroe được cho là đã hạn chế tối đa việc gội đầu và che giấu vết đen mọc lại bằng cách chấm phấn rôm Johnson’s Baby lên chân tóc.

Marilyn Monroe và mái tóc bạch kim đã thống trị Hollywood. Với các màn trình diễn trong Gentlemen Prefer Blondes (1953), How to Marry a Millionaire (1953) và There’s No Business Like Show Business (1954), cô trở thành nhân vật được hâm mộ chưa từng có trên khắp thế giới. Năm 1954, cô kết hôn với ngôi sao bóng chày Joe DiMaggio, và trong khi cuộc hôn nhân kéo dài chưa đầy một năm, dư luận đã rất chú ý đến nó. Năm 1956, cô kết hôn với nhà viết kịch Arthur Miller. Vào cuối thập kỷ này, cô đã giành được sự hoan nghênh của giới phê bình (lần đầu tiên) với tư cách là một nữ diễn viên nghiêm túc cho Some Like It Hot (1959). Vai diễn cuối cùng của cô, trong The Misfits (1961), được viết bởi Miller, người mà cô đã ly hôn vào năm trước đó.

Năm 1962, Monroe bắt đầu quay bộ phim hài Something’s Got to Give, nhưng bị sa thải vào tháng 6 vì thường xuyên vắng mặt tại phim trường do bệnh tật. Tất nhiên, đó là sau khi Marilyn tới thành phố New York vào tháng 5 để tham dự một buổi dạ tiệc, nơi cô đã hát bài “Chúc mừng sinh nhật” nổi tiếng cho Tổng thống John F. Kennedy, người mà cô bị đồn là có quan hệ tình cảm.

Sau vài tháng sống ẩn dật, Monroe ra đi vì dùng thuốc ngủ quá liều tại nhà riêng ở Los Angeles vào ngày 5 tháng 8 năm 1962. Cái chết của cô được cho là “có thể là do tự sát”, mặc dù các thuyết âm mưu vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.

Lời kết

Ngày nay, Marilyn Monroe vẫn là biểu tượng của kỷ nguyên vàng Hollywood; tiểu sử của cô là một tập hợp các câu chuyện, một số có thật, một số sáng tạo về nhân vật tóc vàng bạch kim của cô ấy, do các hãng phim Hollywood tạo ra. Nhưng Monroe đã có những lời cuối cùng về mái tóc nổi tiếng của mình. Trong cuốn tự truyện để lại có tựa đề My Story (được phát hành 12 năm sau khi bà qua đời), cô viết: “Ở Hollywood, đức hạnh của một cô gái không quan trọng bằng mái tóc của cô ấy. Bạn được đánh giá bởi vẻ ngoài của bạn, không phải bởi những gì bạn đang có. Hollywood là nơi họ sẽ trả cho bạn một nghìn USD cho một nụ hôn và năm mươi xu cho linh hồn của bạn. Tôi biết, vì tôi đã thường xuyên từ chối lời đề nghị đầu tiên và cầm cố với năm mươi xu.”

Thực hiện: Lexi Han

Theo 29stories