Chanel 2022: Vẫn không có thương mại điện tử và “metaverse là một phần của Chanel”
Ngày đăng: 26/01/22
Trong một buổi phỏng vấn trước thềm show diễn Chanel Métiers d’Art, Bruno Pavlovsky, chủ tịch mảng thời trang của Chanel đã có những chia sẻ xoay quanh NFTs và những chiến lược của Chanel nhằm đối phó với biến thể mới của COVID-19 trong năm 2022.
“Chanel không theo đuổi metaverse, metaverse là một phần của Chanel” – Trước buổi trình diễn Chanel Métiers d’Art, ông Pavlovsky đã chia sẻ quan điểm của Chanel về câu chuyện NFT cũng như thế giới metaverse.
Bứt tốc bất kể đại dịch
Chanel là một trong những thương hiệu đã vượt qua đại dịch tốt nhất cho đến nay. Doanh thu năm 2020 của Chanel đạt 10,1 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2019 (nhưng vẫn thấp hơn con số của toàn ngành là 22%). Pavlovsky khẳng định: “Chúng tôi đạt mức tăng trưởng hai con số ở mọi quốc gia với khách hàng địa phương.”
Mario Ortelli, giám đốc điều hành của công ty tư vấn đầu tư hàng xa xỉ Ortelli & Co., cho biết: “Chanel đã có sự tăng tốc mạnh mẽ vào năm 2021. Thương hiệu này đã chú trọng gấp đôi vào việc kết nối trong đại dịch, đầu tư nhiều hơn vào việc tiếp cận khách hàng và chuẩn bị chu đáo cho những sự kiện trọng đại như dịp kỷ niệm 100 năm thành lập No.5. Chanel cũng áp dụng nhiều đợt tăng giá khác nhau để giữ được tính độc quyền và khẳng định giá trị.”
Chính sách giới hạn số lượng túi
Chanel đang đặt giới hạn cho những chiếc túi xách bán chạy nhất của mình vì nhu cầu đang vượt xa lượng cung ở một số thành phố. Chanel, người đã tăng giá túi của mình lên tới 20% theo ước tính của Morgan Stanley, cũng đang âm thầm bổ sung hạn ngạch cho những chiếc túi xách mang tính biểu tượng của mình ở một số thị trường để phù hợp. Pavlovsky nói rằng chúng không phải là những hạn chế mới, mà nó phụ thuộc vào “tình hình của mỗi thành phố.”
“Bối cảnh rất khác nhau giữa các thành phố. Ví dụ, khi bạn ở Hàn Quốc, bạn cần phải nhất quán trong khắp thủ đô Seoul. Đó là lý do tại sao khi họ thực hiện kiểu tiếp cận thương mại này, họ đang cố gắng trở nên hợp lý hoặc nhất quán nhất có thể với tất cả các cửa hàng, tất cả các cố vấn thời trang và tất cả khách hàng”, ông Pavlovsky giải thích về chính sách giới hạn số lượng túi có thể mua được của khách hàng ở một số thị trường của CHANEL.
Liệu động thái này có nằm trong chiến lược biến những chiếc túi của Chanel trở thành biểu tượng của sự khao khát và khan hiếm, vốn là đặc trưng của Hermès từ trước đến nay?
Chanel không theo đuổi metaverse, metaverse là một phần của Chanel
Trước buổi trình diễn Chanel Métiers d’Art vừa rồi, ông Pavlovsky đã chia sẻ quan điểm của Chanel về câu chuyện NFT cũng như thế giới metaverse.
“Chanel không bao giờ là hãng đi đầu. Metaverse là một cuộc cách mạng trong thế giới kỹ thuật số. Nhưng bây giờ chúng tôi đã sẵn sàng; chúng tôi có thể sẽ tham gia vào thế giới này bằng sự đóng góp của riêng mình. Như mọi người cũng biết, Chanel đầu tiên và trước hết vẫn đánh giá cao tầm quan trọng của thế giới thực. Nhưng ngày nay, công nghệ blockchain này đang được Chanel sử dụng trong quá trình sản xuất. Công nghệ rất quan trọng nhưng sẽ không thể thay thế được Chanel. Chúng tôi cần tiếp tục có được những bộ sưu tập phù hợp và đảm bảo Virginie sẽ được truyền cảm hứng để hạnh phúc với những gì chúng tôi đang làm.
Chúng tôi cần tìm ra những gì có ý nghĩa với thương hiệu. Công nghệ là một phần trong cuộc sống hàng ngày. Và chúng tôi sẽ dành thời gian để đảm bảo rằng mình đang sử dụng chúng đúng theo cách của Chanel”.
Con đường của Chanel ngay từ đầu đã không phải là thương mại điện tử. Thương hiệu đã chống lại việc bán các mặt hàng thời trang và đồ da trực tuyến bất chấp đại dịch toàn cầu buộc các thương hiệu phải đóng cửa các cửa hàng. Thay vào đó, cách của Chanel là thu hút khách hàng bằng các công cụ kỹ thuật số. “Chúng tôi đang kết nối khách hàng của mình bằng các danh sách yêu thích, chúng tôi có thể đến và giao hàng đến tận nhà cho họ, chúng tôi có thể chào đón họ trong các cửa hàng từng người một, chúng tôi đã phát triển một loạt các dịch vụ phù hợp với các tình huống đa dạng và nó đã hoạt động khá tốt”.
Các dịch vụ này sẽ trở nên hữu ích khi thế giới bước vào thời kỳ hạn chế mới đối với biến thể mới, đặc biệt là với chính sách không khoan nhượng của Trung Quốc với Covid. “Chúng tôi đã đóng cửa ở Vienna, một tuần trước khi đóng thêm một cửa hàng ở Moscow. Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng này ở khắp mọi nơi. Tôi lạc quan cho năm 2022 nhưng cũng thực tế. Năm 2022 có thể sẽ khởi sắc dưới góc độ kinh doanh, nhưng vẫn còn tồn đọng nhiều khó khăn dưới khía cạnh cuộc sống và thói quen hàng ngày.”
Tập trung vào chất lượng tay nghề và thiết kế
Dưới mái nhà Le19M, một tòa nhà mới ở Paris do kiến trúc sư Rudy Ricciott thiết kế, không gian rộng hơn 25.000 mét vuông này được dự kiến sẽ trở thành căn nhà di sản mới của Chanel, với hơn 600 thủ công lành nghề sẽ làm việc tại đây. Le19M được quy tụ bởi những nghệ nhân xuất sắc nhất, từ thợ thêu Lesage và Atelier Montex, thợ làm lông và hoa của Lemarié, thợ xếp nếp Lognon, chuyên gia bột màu Paloma, bộ phận trang trí MTX, thợ làm mũ Maison Michel, cho đến thợ kim hoàn Goossens và thợ đóng giày Massaro. Chia sẻ về kế hoạch tương lai, Chanel cho biết sẽ thuê thêm 100 người thợ thủ công cho mỗi năm.
Bruno Pavlovsky chia sẻ về tương lai của Le 19M: “Họ là những xưởng may cho ngày hôm nay và cho ngày mai, bạn sẽ thấy những người trẻ ở độ tuổi 30, bạn sẽ thấy rất nhiều máy in 3D, máy mô phỏng 3D. Đây sẽ là nơi ra đời của những màn kết hợp giữa các kỹ thuật cũ và mới.”
Công ty con Paraffection, kiểm soát các xưởng sản xuất đặc biệt, được Chanel thành lập vào năm 1997 để tập hợp các nhà sản xuất thời trang lại với nhau và đảm bảo chất lượng của họ. Được tạo ra bởi Karl Lagerfeld vào năm 2002, bộ sưu tập Métiers d’Art, được giới thiệu hàng năm vào đầu tháng 12, giới thiệu kỹ thuật thượng thừa của những nghệ nhân tài ba. Theo Pavlosvky, lý do Chanel tạo ra hệ sinh thái các công ty sản xuất này là vì “chúng tôi xác định những công ty này trong 10 đến 15 năm tới sẽ là chìa khóa chủ lục cho sự phát triển của Chanel”. Chanel không phải là duy nhất trong lĩnh vực này nhưng tích hợp theo chiều dọc là chìa khóa cho chiến lược của hãng. Gần đây nhất, Chanel đã nắm giữ phần lớn cổ phần của công ty dệt kim Paima của Ý.
Theo Pavlovsky, các thiết kế của Viard đang đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi doanh số của CHANEL, kể cả trong thời gian thử thách của đại dịch. Ông cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ bán được nhiều quần áo may sẵn như trong hai năm qua. Đây là danh mục sản phẩm biểu tượng, nơi khách hàng thực sự kết nối với thương hiệu”. Ông nói thêm về show diễn Métiers d’Art vừa khép lại của Chanel: “Nếu chúng tôi đang phát triển tất cả những bộ sưu tập này – hãy nhớ rằng chúng tôi đang nói về 10 bộ sưu tập mỗi năm – đó là bởi vì chúng tôi có tất cả những nguồn lực cần thiết ở xung quanh”.
Métiers d’Art không chỉ là nghệ thuật, dưới thời của Pavlovsky và Viard, đó còn là kinh doanh. Năm ngoái, bộ sưu tập Chanel’s Métiers d’Art (được quay trong video lấy bối cảnh trang trí xa hoa của Chateau de Chenonceau, không có công chúng do tình hình vệ sinh) hóa ra là một trong những bộ sưu tập bán chạy nhất của Chanel tại các cửa hàng trong mùa xuân và mùa hè. Theo giám đốc điều hành, trang phục may sẵn chiếm đến 95%-96%, là doanh số bán lẻ tốt nhất tại Chanel cho một bộ sưu tập. “Chúng tôi đã thu hút khách hàng của mình thông qua cách kể chuyện – hình ảnh, video,… Chúng tôi đang cố gắng xây dựng một câu chuyện xuyên suốt ngay từ khi chúng tôi giới thiệu bộ sưu tập, cho đến khi bộ sưu tập được bày bán trong các cửa hàng”.
Thực hiện: Diana Nguyễn
Theo Vogue Business