Vì sao hàng nhái mãi mà không hết thời?

Ngày đăng: 25/01/22

Gần đây, không hiếm các trường hợp những người nổi tiếng trên các mạng xã hội đăng tải những video “bóc tem”, “đập hộp” mà ngay sau đó cư dân mạng nhanh chóng phát hiện đó là hàng “fake”. Không chỉ vậy, họ còn diện trang phục nhái những thương hiệu xa xỉ để ngầm khẳng định vị thế của mình và đánh bóng tên tuổi. 

Chỉ mới nổi tiếng không được bao lâu, Song Ji A – cô nàng hot nhất trong show hẹn hò ăn khách Single’s Inferno (tựa Việt: Địa ngục độc thân) của Hàn Quốc đã vướng scandal ồn ào trong đó có diện trang phục nhái. Đã vào năm 2022, vì sao hàng nhái mãi không hết thời?  

Song Ji A – cô nàng hot nhất trong show hẹn hò ăn khách Single’s Inferno (tựa Việt: Địa ngục độc thân) của Hàn Quốc đã vướng scandal ồn ào trong đó có diện đồ nhái.

 

Song Ji A bị chỉ ra những điểm khác biệt trên trang phục mà cô mặc so với hàng thật

Trong những năm qua, hàng giả, hàng nhái đã tăng vọt trên thị trường thương mại điện tử. Gen Z có quá nhiều thời gian trong tay và trong khi đó những sản phẩm giả đã tràn ngập các trang mạng xã hội như TikTok và Instagram. Những mẫu túi hàng hiệu cứ bị làm giả và các nhà thiết kế đang tuyệt vọng muốn cứu vãn tình thế. 

Theo Charles Gross, một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và hiện là nhà cố vấn thời trang có 150.000 người theo dõi nói rằng, chuyện Gen Z sử dụng hàng nhái đã quá phổ biến. Có một nghiên cứu chỉ ra rằng 1/5 tổng số hàng hóa xa xỉ xuất hiện trên mạng xã hội là hàng giả. 

Trong bối cảnh thế giới được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng cao và các xu hướng, để có một chiếc *It-bag mới nhất không phải là điều dễ dàng. Trong khi đó để khẳng định giá trị thương hiệu, một số nhãn hàng xa xỉ như Hermes, Chanel còn giới hạn số lượng bán ra. Dễ dàng nhận thấy, những chiếc túi bị làm giả nhiều nhất thường là những chiếc túi mang tính biểu tượng như Louis Vuitton Neverfull, túi Hermès Birkin và Chanel flap bag… vì chúng giúp khẳng định địa vị xã hội cho người mang.  

Túi xách Chanel là một trong những mặt hàng bị làm giả nhiều trên thị trường

Những ông lớn trong ngành thời trang đã gặp không ít khó khăn trong việc tiêu diệt thị trường chợ đen. Vào năm 2012, cựu Giám đốc điều hành lâu năm, Patrick Hermès, đã tiết lộ có đến 80% sản phẩm rao bán trên Internet dưới tên Hermès là hàng giả. Hàng giả ngày càng được làm ra tinh vi hơn, thậm chí chúng khiến những người trong nghề trở nên bối rối trong quá trình giám định. Trong khi đó những người bán khoe về cách sản phẩm của họ được làm “y như thật”. Trớ trêu hơn, như trường hợp của Hermès bị chính nhân viên của thương hiệu dùng một số vật liệu chính thống để chế tác, sản xuất và tung ra bán để thu lợi khủng. 

Cựu Giám đốc điều hành lâu năm, Patrick Hermès, đã tiết lộ có đến 80% sản phẩm rao bán trên Internet dưới tên Hermès là hàng giả.

Với người mua hàng giả, họ coi đó là một thú vui tội lỗi. Họ vừa phấn khích vì tiết kiệm được tiền thay vì mua túi thật, trong khi tâm lý vẫn lo lắng về việc có thể bạn bè hoặc đồng nghiệp sẽ phát hiện ra việc bản thân dùng hàng nhái. Nhưng vì sao họ vẫn mua và sử dụng chúng?

“Bởi vì hiện nay có quá nhiều áp lực, đặc biệt là trên mạng xã hội, họ hay có tâm lý phải theo kịp trào lưu, việc sở hữu và chứng tỏ địa vị xã hội thông qua chiếc túi mà người nổi tiếng sử dụng, đặc biệt là khi chiếc túi đó cực kỳ khó tìm hoặc đắt đỏ đến mức khó tin, là điều cần thiết”, Charles Gross phân tích. “Chuyển sang thị trường hàng giả thực sự không dễ dàng, nhưng là một lựa chọn hợp lý hơn đối với nhiều người.”

Có vẻ như tiêu thụ hàng giả là một cách nhanh chóng để tiết kiệm tiền trong khi vẫn được sử dụng những sản phẩm mang tính biểu tượng, nâng cao địa vị xã hội. Tuy nhiên, nó vẫn đang gây tranh cãi và được đánh giá là hành vi phi đạo đức. Và thực sự không gì ê chề hơn việc bị phanh khui sử dụng hàng giả. Mặc dù đã đăng tải tâm thư viết tay xin lỗi sau khi bị “bóc phốt”, nhưng một số bộ phận netizen khác lại tỏ ra vô cùng thất vọng vì hành vi sử dụng hàng fake của Song Ji A.

Thực hiện: Kiri