Chanel Paris – 31 rue Cambon 2019/20 Métiers d’art: Cuộc đối thoại cùng tinh hoa nhà nghề giữa lòng một di sản

Ngày đăng: 12/12/19

Trước khi show diễn Paris – 31 rue Cambon 2019/20 Métiers d’art được thắp sáng dưới vòm kính Grand Palais vào ngày 4 tháng 12, nhà Chanel đã làm xao xuyến trái tim giới mộ điệu khi tung ra những đoạn phim ngắn giới thiệu về quá trình làm ra một vài thiết kế đặc sắc sẽ xuất hiện trong BST. Hình ảnh từng chi tiết thêu, đính kết đều được làm thủ công bằng tay bởi người nghệ nhân tài hoa của nhà thêu Lesage danh tiếng đan xen cùng cuộc trò chuyện thú vị giữa giám đốc sáng tạo Virginie Viard và Hubert Barrère, giám đốc thời trang tại Chanel và cũng là hậu duệ tiếp quản toàn bộ di sản xưởng thêu nhận lấy từ gia đình.

Đến nay đã 17 năm kể từ khi BST Métiers d’art được trình diễn thường niên từ năm 2002, Chanel một lần nữa đưa nó trở về trái tim nước Pháp sau cuộc hành trình du ngoạn khắp thế giới, từ Bombay (2011), Hambourg (2017) hay với năm 2018 vừa qua là New York. Cứ đến gần tháng 12, các tín đồ Chanel nói riêng và giới thời trang nói chung lại hướng mắt về nhà mốt và trông chờ nhìn ngắm những tuyệt tác vĩ đại đến từ đôi tay nhỏ bé của các nghệ nhân nhà Lesage, Atelier Montex, Studio MTX, Lemarié, Causse, Goossens, Maison Michel, Massaro. Dẫu được mua lại và nhận quyền bảo trợ của Chanel, các nhà nghề thủ công này vẫn được khuyến khích phục vụ cho các thương hiệu lớn nhỏ khác một cách độc lập, đây là cách Chanel tôn trọng và thật sự gìn giữ các nghệ thuật may đo đỉnh cao đang dần biến mất, cùng với việc xây dựng khu bảo tồn 19M tọa lạc tại ngoại ô Paris với sức chứa 600 nghệ nhân làm việc.

Không gian 31 rue Cambon được tái hiện tại Grand Palais

Được đánh giá là BST vô cùng phát triển cả về mặt thương mại lẫn nghệ thuật của thương hiệu, cộng với triết lí về sự hoàn hảo trong từng chi tiết vốn là dấu ấn riêng của Chanel, từng BST Métiers d’art là một kho tàng đồ sộ những tinh hoa nhà nghề của tất cả các xưởng thủ công. Đối với Paris – 31 rue Cambon 2019/20 Métiers d’art, nó còn mang rất nhiều ý nghĩa lịch sử quan trọng khác. Đây là BST Métiers d’art đầu tiên của tân nữ vương Virginie Viard sau sự thành công của các BST Ready-To-Wear.

Mặt khác, lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ căn phòng tại số 31 rue Cambon huyền thoại, nơi từng diễn ra những buổi catwalk khi Gabrielle Chanel còn ở đó cùng chiếc cầu thang Art Deco bằng kính biểu tượng nơi bà ngắm nhìn các thiết kế của mình đến với khán giả và lén xem phản ứng của quan khách dành cho đứa con tinh thần của mình.

Chắc chắn có nhiều nghi vấn về lý do Virginie Viard cho tái hiện một bản sao trong khi 31 rue Cambon vẫn còn đó. Chúng ta đều biết rằng từng chi tiết tại căn nhà đều vẫn giống y hệt ngày cuối cùng Chanel nhìn ngắm nó, nhất là căn phòng nơi bà làm việc với bức bình phong khảm xà cừ đã đi vào các thước phim của thiên tài Karl Lagerfeld. Việc tổ chức tại nguyên bản sẽ có thể gây phá hủy không gian hoặc làm thay đổi vật dụng,… Dẫu con số khoản chi trong năm nay của Chanel đã vượt ngưỡng 120% so với năm trước và tất nhiên việc tái hiện hoàn toàn căn nhà số 31 là vô cùng tốn kém cộng với thời gian hoàn thành và đội ngũ chuyên gia rất lớn, nhưng Viard vẫn chấp nhận tái hiện lại nó ở Grand Palais để thể hiện sự tôn trọng và cảm phục đối với vị sáng lập, dẫu cái bóng về Karl và Chanel đè lên vai cô vẫn là quá lớn.

Có ai mà không mơ ước được bước lên chiếc cầu thang Art Deco huyền thoại tại 31 rue Cambon, Paris, bước vào căn hộ của Gabrielle Chanel, khám phá một không gian baroque ấm áp chứa đầy sách và đồ vật yêu thích của bà, trước khi xuống cầu thang để tham dự một buổi trình diễn trong tiệm? Viard đã biến ước mơ tưởng chừng như xa vời ấy thành sự thật, được dựng lên giữa lòng Grand Palais, căn nhà số 31 phố Cambon lung linh bởi sự khúc xạ ánh sáng tuyệt vời từ chiếc cầu thang kính, từng hàng ghế khách mời thẳng tắp chạy dài đến cuối đường băng, chính giây phút người mẫu đầu tiên bước ra, lịch sử sống lại và trở thành bản hòa phối tuyệt vời của những sáng tạo, di sản mà Viard kế thừa.

“Thật dễ chịu khi quay trở lại với các giá trị Chanel nguyên bản. Chúng ta không cần phải thay đổi quá nhiều.” Virginie Viard tâm sự. “Tôi nghĩ “Tại sao chúng ta phải đi đến những nơi xa xôi như các BST trước?”. Tôi muốn ở lại Paris. Vì vậy chúng tôi cố gắng tạo ra một chút mới mẻ từ các sáng tạo của Coco Chanel, thành quả lao động của Karl Lagerfeld và tôi sẽ hòa quyện chúng lại với nhau. Đó phải thật sự là công trình để đời.”

Sự đa dạng chất liệu trong BST thể hiện vốn hiểu biết của Virginie Viard và tay nghề bậc thầy của các aterlier của Chanel

BST mang tinh thần hiện đại với biểu tượng thanh lịch như bộ jumpsuit bằng vải tweed đặc trưng, nhưng mềm mại như đồ len, hay áo khoác cổ tròn đi cùng váy thấp eo, được xẻ tà phía trước giúp giải phóng đôi chân tự do sải bước cùng chiếc thắt lưng tinh xảo chế tác từ pha lê và ngọc trai

Lấy cảm hứng từ bộ suit bằng vải tweed màu hồng được sáng tạo bởi Gabrielle Chanel vào năm 1960, với lớp lót được nhuộm màu đen, xanh, hồng và màu tím hoa cà đẹp mắt phong cách tie-dye, kiểu nhuộm này cũng xuất hiện trên các loại áo khác. Bên cạnh đó, Ombre cũng được ưu ái trong BST lần này khi liên tiếp chuất hiện trên chiếc áo thun đơn giản đến những kiểu đầm dạ hội bằng chiffon bay bổng hay chiếc áo khoác quyền lực nhưng bắt đầu phá cách trên chất liệu da bóng mới lạ. Cùng với đó không thể không nhắc đến những mẫu túi IT bag kinh điển như 11.12 và 2.55. Đặc biệt là mẫu túi Boy Chanel hay Gabrielle Chanel với kích thước cực kì nhỏ tựa như món trang sức đẹp đẽ trên tay người mẫu.

Cảm xúc dâng trào khi Vittoria Ceretti bước xuống những bậc thang màu beige với viền trắng của cầu thang lớn và sải bước qua các hàng ghế. Những chiếc áo khoác cài nút bằng vải cashmere màu đen siêu mịn với thắt lưng bằng ruy băng vải voan được thêu đính bằng cườm, pha lê, ngọc trai theo hình ảnh bông lúa mì. Tiếp sau đó là những bộ suit cầu kỳ được thêm thắt bằng chiếc đai lưng đính pha lê.

Những người mẫu mảnh mai nhẹ nhàng lướt qua trong chiếc váy thêu ren đen, với phần đường viền cổ áo đính lông vũ, hoặc chiếc váy duyên dáng bằng ren màu ngọc trai phủ bằng vải tuyn thêu hoa nổi 3d, được trang trí bằng một chiếc minaudière (túi xách) hình chiếc lồng vàng gợi nhớ chiếc lồng chim nhỏ có trong căn hộ của Mademoiselle Chanel.

Các thiết kế trang sức ngọc trai được thêm thắt chi tiết hoa trà, nơ đen thanh lịch

Một chiếc váy dài bằng vải satin màu trắng sang trọng với đường kẻ tinh tế mặc bên trong chiếc áo choàng, váy quây đen hai vạt và một bộ suit màu rượu sâm banh – lấy cảm hứng từ bức chân dung huyền thoại của Gabrielle Chanel được chụp bởi Cecil Beaton vào năm 1937 – nhắc nhớ về sự mềm mại gợi cảm ôm lấy cơ thể như làn da thứ hai.

Đi vào kho tàng di sản của nhà mốt, những bông hoa trà bằng thứ vải satin bóng quý giá được “ươm trồng” từ nhà nghề Lemarié đã đến kì khoe sắc trên sàn runway khi phủ kín các thiết kế áo khoác bomber dự tiệc: một chiếc màu đen kết hợp với quần sequin cùng tone, chiếc khác lại mang sắc trắng tinh khiết khoác lên người nàng Vittoria Ceretti để kết thúc show diễn. Ở phần nhụy từng bông hoa được kết những hạt ngọc quý lấp lánh, tô điểm cho trang phục.

“Two-tone”, một bộ mã nhận diện khác của Chanel, được áp dụng triệt để không chỉ trên váy áo mà còn cả phụ kiện, tiêu biểu là các mẫu giày “hai màu” được mang đến từ công xưởng Massaro. Ví như đôi giày cao gót với phần gót làm từ da nhũ vàng và phần mũi màu đen được trang trí bởi chiếc nơ nhỏ xinh xắn hay phiên bản Trắng-Đen huyền thoại.

Những tác phẩm thêu kết hình ảnh bông lúa từ ngọc trai, pha lê của nhà thêu Lesage được đặt trang trọng trên những mẫu váy, áo bằng vải lưới quyến rũ khiến cho trang phục toát lên vẻ quý phái của những cô gái Chanel.

Dù cho BST có bị phủ sóng bởi các sắc đen, trắng kinh điển hay vàng gold thời thượng, màu hồng vẫn được xem là chủ chốt với đa dạng các sắc độ khác nhau. Từ hồng nhẹ, hồng quả mơ, hồng đậm quả mâm xôi hay thậm chí là chuyển sắc gradient trên nền vải tweed của các mẫu váy, quần đến jumpsuit. Bên cạnh đó là sự nổi bậc của sắc hồng fuchsia thời thượng làm mưa làm gió từ sàn diễn New York Xuân Hè 2020 trên bộ cánh jacket mang những đường viền hồng đỏ và phần váy xếp li tung bay tự do theo từng sải chân người mẫu.

Thanh lịch và thời thượng, từng bộ trang phục gợi cho ta khung cảnh thời tiết mà chúng xuất hiện. Từ một bầu trời mùa hạ trong veo với chiếc áo lụa voan cùng váy xếp li tỉ mỉ vô cùng thoải mái đến những ngày thu lá rụng dưới chân cô nàng khoác áo bomber đính hoa trà trong chiếc quần ống rộng lấp lánh ánh kim sa.

Nhắc về Chanel mà không nhắc đến phụ kiện – trang sức thì vô cùng thiếu sót. Nhẹ nhàng ôm lấy cổ tay người mẫu, vòng tay to bản được làm từ vàng, bạc với họa tiết ngôi sao bao quanh logo Chanel đính kim cương, dây chuyền ngọc trai cổ điển nay đã đi cùng các hạt đá nhiều màu sắc, dây xích luồng da có đính hoa trà, hay phiên bản mô phỏng bông lúa vô cùng rực rỡ từ vàng và kim cương.

BST không chỉ giới thiệu các tuyệt tác thủ công tinh xảo ra đời bởi bàn tay nhỏ nhé của những bậc thầy, mà còn là cuộc đối thoại giữa Virginie Viard với các nhà nghề Métiers d’art sau hơn 30 cô năm làm việc tại Chanel. Với tầm nhìn dành cho nhà mốt, tại buổi giới thiệu BST Paris – 31 rue Cambon 2019/20 Métiers d’art nữ giám đốc sáng tạo Chanel một lần nữa đưa các giá trị di sản, tinh hoa mà vị sáng lập Gabrielle Chanel luôn cố gắng gìn giữ đến với công chúng yêu thời trang, những trái tim luôn thổn thức về một vẻ đẹp không dừng lại ở khái niệm thời thượng mà phải đạt đến sự thanh lịch, quyến rũ vượt thời gian của một quý cô Chanel.

Tổng hợp: Hiếu Lê