Chiến dịch quảng bá mới của Balenciaga nhận sự chê bai quá khích từ cư dân mạng Trung Quốc do tâm lý đám đông?
Ngày đăng: 12/08/20
Nhằm kỷ niệm ngày Thất Tịch (lễ tình nhân theo văn hóa Trung Hoa), thương hiệu Balenciaga đã ra mắt 4 phiên bản mới từ chiếc túi xách Hourglass nổi tiếng, những phiên bản giới hạn này ra mắt trên nền tảng Tmall thuộc Alibaba.
Trên bức ảnh quảng bá, một chàng trai đang tặng một chiếc túi Hourglass màu đỏ thắm với dòng ký tự tiếng Trung mang ý nghĩa “Anh ấy yêu tôi” cho một cô gái, người đang nhìn chằm chào món quà với sự kinh ngạc và thích thú. Hai người họ đang đứng trước bức phông nền thác nước với biểu tượng hoa hồng và trái tim.
Bốn mẫu túi trong chiến dịch được khoác màu trắng, đỏ, đen, hồng với phông chữ theo phong cách graffiti. Tuy nhiên, hình ảnh quảng bá bị đánh giá là quê mùa, dẫn đến mẫu túi còn bị nhiều cư dân mạng gắn mác “vô vị” hoặc thậm chí xúc phạm bằng tiếng Trung Quốc vì nó xấu xí và thiết kế quá đơn điệu
Tính đến cuối ngày thứ Ba tại Trung Quốc, chủ đề #BalenciagaChineseValentineCampaignTasteless (# 巴黎 世家 七夕 广告 土) đã thu hút hơn 210.000 lượt bình luận và 170 triệu lượt xem trên Weibo. Chủ đề #BalenciagaInsultsChina (# 巴黎 世家 辱 华) cũng đã có hơn 15 triệu lượt xem và hơn 6.000 bình luận.
Cư dân mạng tại châu Á ngày càng phản ứng gay gắt với các thông tin được chia sẻ trên mạng, trong đó các thương hiệu xa xỉ trở thành mục tiêu thường xuyên.
Cư dân mạng tại châu Á ngày càng phản ứng gay gắt với các thông tin được chia sẻ trên mạng. Ví dụ như tại Trung Quốc, rất nhiều cuộc tranh luận không lành mạnh với các lời lẽ xúc phạm đã nổ ra: Từ các vấn đề về chủ quyền đối với Hồng Kông, Ma Cao, Tây Tạng hoặc Đài Loan (Versace, Marc Jacobs, Coach) cũng như các định kiến hoặc phân biệt chủng tộc ngầm (Dolce & Gabbana, Philipp Plein). Thậm chí, những chi tiết rất nhỏ và không đáng bàn như đốm tàn nhang tự nhiên trên khuôn mặt người mẫu Trung của Zara và tính thẩm mỹ của chiến dịch này cũng bị đem ra mổ xẻ, phê phán vượt quá giới hạn.
Với lòng “yêu nước” ở một mức độ lớn chưa từng thấy được hình thành bởi sự căng thẳng giữa các quốc gia, cộng hưởng với chủ trương nói không với chủ nghĩa tiêu dùng ngày càng gia tăng trong nền kinh tế đang phục hồi sau COVID-19. Các thương hiệu xa xỉ hiện là mục tiêu thường xuyên của cư dân mạng. Mặc dù thương hiệu chỉ giới thiệu hình ảnh này trên Tmall, dành cho một nhóm đối tượng cụ thể chứ không phải toàn bộ cư dân mạng, nhưng các hình ảnh ấy lại bị chia sẻ và bình phẩm khắp các kênh Weibo và WeChat.
Theo Jing Daily, để trở nên nổi bật giữa thị trường trong mùa Thất Tịch, Balenciaga đã có những nỗ lực đáng khen ngợi khi nghiên cứu rất tốt tâm lý của giới trẻ Trung Quốc và sáng tạo những thứ mới mẻ thay vì dùng lại kiểu chữ cũ. Dù rằng điều một thương hiệu cần làm, là lắng nghe khách hàng và rút ra bài học từ những sai lầm của các thương hiệu khác, nhưng tốt hơn chúng ta hãy bỏ qua những ồn ào. Bởi một thương hiệu xa xỉ được sinh ra không phải để bị “dắt mũi” bởi dư luận – mà sứ mệnh của nó là tạo ra xu hướng trong ngành thời trang.
Còn bạn thì sao, bạn nhận thấy chiến dịch quảng bá lần này của Balenciaga thế nào? Thương hiệu oan ức khi nhận sự chê bai quá khích từ đám đông hay đơn giản đây là một chiến dịch quảng bá nhạt nhẽo và không gây được ấn tượng?
Biên dịch: Hiếu Lê