How to make a local fashion brand: Công thức xây dựng thương hiệu thành công của các nhà thiết kế Việt
Ngày đăng: 26/08/17
Nếu như nhiều năm trước,“nhà thiết kế thời trang” vẫn là một điều gì quá xa lạ ở Việt Nam, thì giờ đây, nhiều người đã tạo dựng thành công thương hiệu với chính danh xưng ấy.
Vài năm trở lại đây, với sự gia tăng ngày càng nhanh của những nhà thiết kế đa tài đã làm thay đổi góc nhìn về một nhà thiết kế. Vượt khỏi giới hạn của một người thợ may tài ba, họ chính là các nhà hoạch định chiến lược, để dẫn đầu xu hướng, tạo nên một trào lưu riêng biệt. Và đây, chính là cách mà họ đã lựa chọn để đạt được thành công, trong nền thời trang vốn vẫn còn non trẻ.
Tận dụng những đặc trưng truyền thống: Li Lam, Thuỷ Nguyễn
Hầu hết các thương hiệu thời trang đều tập trung vào những xu hướng mới hay thiết kế đương đại. Chỉ có một vài nhà thiết kế đi ngược dòng chảy đó, để đưa nhiều ý tưởng hiện đại vào chất liệu và trang phục truyền thống. Ý tưởng ấy, trên thực tế, lại vô cùng khôn ngoan vì tạo được hiệu ứng tích cực. Một mặt, nó đánh vào tình cảm ẩn sâu trong mỗi con người về quê hương và ý thức nguồn cội. Mặt khác, việc sử dụng phục trang truyền thống trong cuộc sống hiện đại giúp cho các hình thức nghệ thuật cổ mãi hiện diện và tiếp nối, vô hình trung tạo nên ý thức trân trọng và gìn giữ.
Giờ đây, ngày càng nhiều nhà thiết kế thời trang đang làm nên trang phục từ chính chất liệu và phục trang quê hương họ. Một trong những nhà thiết kế nổi tiếng nhất với cách làm này chính là Slava Zaitsev. Trên nền trang phục cổ nước Nga, ông tạo ra thiết kế mới mang đậm chất cá nhân. Nhà thiết kế Sarshi Keerthisena đến từ Sri Lanka lại dùng kỹ thuật in màu batik để làm thời trang. Và haute couture Trung Quốc đã lên tầm cao mới sự xuất hiện của Guo Pei, người đưa nghệ thuật thêu truyền thống đến với toàn thế giới. Ở Việt Nam, hai cái tên đủ sức làm điều này chính là nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn và Li Lam.
Với dòng máu Việt luôn chảy trong huyết quản, những thiết kế của Thuỷ Nguyễn có cách phối màu sặc sỡ, được thêu, đính và xếp lớp cầu kỳ. Với cảm hứng từ những câu chuyện lịch sử hay giai tích, truyền kỳ, những bộ váy áo của Thuy Design House luôn được làm kỹ lưỡng, công phu đến từng chi tiết nhỏ. Ở đó, bao nét đẹp đậm chất Á đông đã được phục dựng, như hoạ tiết gấm thêu, hoa văn gốm sứ, hay thậm chí là mũ mấn và quạt nan.
Với cảm hứng từ những câu chuyện lịch sử hay giai tích, truyền kỳ, những bộ váy áo của Thuy Design House luôn được làm kỹ lưỡng, công phu đến từng chi tiết nhỏ.
Trong khi đó, Li Lam lại đưa vẻ đẹp femme fatale lên đến tận cùng, với những mẫu thiết kế bay bổng, phóng khoáng làm trên nền chất liệu truyền thống. Chiêm ngưỡng những cô gái của Lam, người xem không thể không nghĩ tới những quý cô thượng lưu của lớp xã hội cũ, với mái tóc buông xoã hững hờ và vẻ ngoài mong manh yểu điệu. Không bó hẹp trong phom dáng truyền thống, những thiết kế của Lam mang đến ý niệm về sự tự do vô cùng tận, và những cơn cực khoái của bản năng được bung xoã, tràn đầy. Truyền thống nhưng không truyền thống. Hiện đại nhưng không hiện đại. Lam đã trở thành một thương hiệu thành công, với cách đi hoàn toàn ngược lại với đại chúng.
Truyền thống nhưng không truyền thống. Hiện đại nhưng không hiện đại. Lam đã trở thành một thương hiệu thành công, với cách đi hoàn toàn ngược lại với đại chúng.
Thuật toán cân bằng giữa thời trang và kinh doanh: Lâm Gia Khang, Chung Thanh Phong
Áp dụng hình thức “see now buy now” ngay thời kỳ đầu thuật ngữ này xuất hiện, hai nhà thiết kế trẻ Chung Thanh Phong và Lâm Gia Khang chính là minh chứng cho thấy sự phát triển trong tư duy của nhà thiết kế mới, để cân bằng được cả hai yếu tố thời trang, kinh doanh trong cùng một thương hiệu.
Phát triển từ hình thái thời trang minimalism, các thiết kế của Lâm Gia Khang chưa bao giờ đơn điệu mà luôn có sự cách tân vừa phải. Linh hồn “basic” trong các thiết kế mẫu cho phép người mặc đáp ứng linh hoạt mọi nhu cầu cuộc sống. Nhờ đó, những phục trang của Khang được số đông ưa chuộng, vì vẻ thanh lịch, tinh giản nhưng vô cùng đẳng cấp. Nhìn vào bộ sưu tập của Lâm Gia Khang, có thể thấy hơi thở cuộc sống được toát ra mạnh mẽ. Hơi thở ấy đến từ sự tổng hoà hoàn thiện giữa cả phục trang và phụ kiện. Và đó, cũng chính là cách mà “ông trùm” thời trang như Zara, H&M đã đặt ra ban đầu.
Phát triển từ hình thái thời trang minimalism, các thiết kế của Lâm Gia Khang chưa bao giờ đơn điệu mà luôn có sự cách tân vừa phải.
Nổi tiếng với chất ren đối xứng đã trở thành thương hiệu, Chung Thanh Phong chọn cho mình một hướng đi tương tự, khi hướng đến số đông làm nền tảng thiết kế. Anh luôn đặt cao sự tương thích giữa định nghĩa và mục đích sử dụng, để từ đó tạo ra những món đồ được nhiều người ưa chuộng. Và với tư duy đó, anh không chủ trương phải đón đầu xu hướng, hay làm ra những sản phẩm độc, dị. “Các bạn thường thắc mắc tại sao các nhà may lớn trên thế giới đôi lúc có thể làm haute couture. Bởi họ có đủ lực để tạo xu hướng, tạo ra trào lưu và định hướng cho khách hàng. Còn với các nhà thiết kế Việt, chúng ta chỉ nên đi theo xu hướng chung”, anh trả lời trong một bài phỏng vấn.
Sự cân bằng giữa thời trang và kinh doanh, giữa nghệ thuật và cuộc sống, để đưa ra cái “đủ” cho những người đang “cần”, cũng chính là tư duy trong thiết kế của hai nhà tạo mốt. Không bàn đến yếu tố đúng, sai, sự thành công của cả hai thương hiệu đã là điều bảo chứng. Trong thời điểm mỗi ngày đều có thương hiệu mới, phép cân bằng trên là lựa chọn lý tưởng. Vì thời trang ngày nay, không đơn thuần chỉ là việc may mặc. Đó là cả một phép tính dài về vấn đề thiết kế và xây dựng thương hiệu, để đảm bảo thành công trong thời gian ban đầu.
Nổi tiếng với chất ren đối xứng đã trở thành thương hiệu, Chung Thanh Phong chọn cho mình một hướng đi tương tự, khi hướng đến số đông làm nền tảng thiết kế.
Tính ứng dụng cốt lõi: Đỗ Mạnh Cường
Trái ngược với những mẫu phục trang “chỉ dành cho sân khấu”, thời trang của Đỗ Mạnh Cường đậm đặc tính ứng dụng. Với tư duy khoáng đạt, thiết kế thực tiễn, cùng khao khát đạt đến đỉnh cao của sự tinh tế đầy đẳng cấp, các bộ phục trang của NTK đang rất được ưa chuộng, đặc biệt đối với giới doanh nhân và nghệ sĩ trong nước.
Đỗ Mạnh Cường luôn tâm niệm, để tạo dựng thành công thương hiệu sau 10 năm ra mắt: “thời trang chẳng có nghĩa lý gì nếu không được con người chọn và mặc cả”.
Để làm được điều đó, thường NTK phải đặt bản thân vào vị trí khách hàng, để đưa ra mẫu chính xác phù hợp với nhu cầu của họ. Bên cạnh đó, còn phải biết nắm bắt nhịp thở thời trang chung, để mang đến những thiết kế mang tính ứng dụng cao, nhưng vẫn sành điệu và vô cùng sang trọng. Nhờ đó, nói đến thương hiệu Đỗ Mạnh Cường, cũng chính là nói đến:
Sự đơn giản. Đầm xoè, đầm maxi hay đầm suông… Không quá cách tân và táo bạo trong phom dáng, những thiết kế của Đỗ Mạnh Cường đều rất đơn giản và trường tồn cùng năm tháng.
Chất liệu thực tế. Không quá thô ráp hay cầu kỳ, các chất liệu đặc trưng gắn với NTK là những món cao cấp nhưng vô cùng dễ mặc.
Sự tập trung phong cách thay vì xu hướng. Đúng như những gì Coco Chanel đã từng nói, “thời trang không phải là thứ chỉ tồn tại trong những bộ váy. Thời trang nằm ở trên bầu trời, ngoài đường phố, thời trang chính là ý tưởng, cách sống, và những gì đang thực sự diễn ra”.
Và đó, cũng chính là điều Đỗ Mạnh Cường luôn tâm niệm, để tạo dựng thành công thương hiệu sau 10 năm ra mắt: “thời trang chẳng có nghĩa lý gì nếu không được con người chọn và mặc cả”.
Nâng tầm trang phục với ý tưởng đột phá: Công Trí
Trong một bài phỏng vấn, Công Trí từng cho biết một ngày dài của anh luôn bị công việc bao phủ. Tinh thần làm việc bền bỉ và có phần cực đoan này có chút gì đó giống với Karl Lagerfeld, khi ông nói với một tờ tạp chí: “Ai thích hút thuốc thì cứ việc. Còn tôi, tôi muốn được rảnh tay để vẽ phác thảo. Tôi không có thời giờ hút thuốc. Tôi cũng không có thời giờ uống rượu, vì tôi cần ngủ ngay lập tức”. Thái độ làm việc cần mẫn ấy, cùng sự nghiêm túc, cầu toàn đến khắc kỷ ấy, đã tạo nên một trong những nhà thiết kế tuyệt vời nhất Việt Nam.
Nói đến Công Trí, là nói đến các thiết kế mang đậm tính thành thị mang âm hưởng hiện đại, dù có lấy cảm hứng từ làng quê hay từ những giai kỳ xưa cũ. Trong các show diễn của Công Trí, người mẫu thường không mang nữ trang hay phụ kiện thông thường, để tập trung toàn bộ cho những set đồ thời trang. Anh nhất quán và cầu toàn đến mức, các thiết kế của anh đều luôn mang cùng tông trong một bộ sưu tập. Từ đường nét, kiểu dáng, kết cấu đến hoạ tiết, sự hài hoà trong tinh thần thống nhất ấy đã đủ sức nói lên cái tâm, cái tầm của một người nghệ sĩ.
Với việc vẽ nên những cung bậc cảm xúc từ chất liệu có sẵn, và làm mọi thứ khác biệt với tư duy thông thường, Công Trí đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ qua nhiều bộ sưu tập.
Điểm nổi bật khác trong các thiết kế của Công Trí chính là ý tưởng. Anh lấy ý tưởng từ mọi thứ: những cô gái trùm kín mặt đạp xe hoa đi bán là cảm hứng cho Em Hoa, màu áo lính hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước khơi gợi nên Lá Xanh, và người đàn ông Việt từng trải cho quê hương cội nguồn ở trong Lúa… Với việc vẽ nên những cung bậc cảm xúc từ chất liệu có sẵn, và làm mọi thứ khác biệt với tư duy thông thường, Công Trí đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ qua nhiều bộ sưu tập. Để giờ đây, nhắc đến anh, là nhắc đến một trong những thế hệ nhà thiết kế thành công nhất đất Việt, người luôn biết cách nâng tầm mọi thứ để đặt đến đẳng cấp haute couture.
Tư duy mới về kết cấu và chất liệu: Võ Công Khanh
Sự giao hoà hoàn hảo giữa chất liệu và cấu trúc, đó chính là ấn tượng lớn nhất mà những thiết kế của Võ Công Khanh mang lại. Phảng phất đôi chút nét lịch sử, giao hoà cùng kỹ thuật cắt may hiện đại, những mẫu phục trang gây ấn tượng với phom dáng lạ mắt, kỹ thuật dựng phom cầu kỳ, và tay nghề xử lý chất liệu luôn thuộc hàng điêu luyện.
Nói đến các thiết kế của Võ Công Khanh, là nói đến những món đồ thời trang mang âm hưởng nghệ thuật. Rất nổi bật khi xuất hiện trên sân khấu, mỗi món đồ đều như một nốt nhạc kịch tích, của bản rock mạnh mẽ do chính anh sáng tác. Phô trương, tinh giản, siêu thực hay trần trụi, mỗi thiết kế trên đều đáng được chú ý. Chúng như mang trong mình một câu chuyện riêng biệt, mà chỉ có anh mới đủ sức để kể nên tất cả.
Là một nghệ sĩ “có máu điên trong người”, những tác phẩm của Võ Công Khanh luôn bay bổng như tính cách nghệ sỹ của chính anh, không theo phom dáng, cấu trúc hay quy luật cụ thể. Thiết kế của anh chưa bao giờ dễ mặc, vì chúng không mềm mại, thoải mái hay tôn dáng triệt để. Chính vì thế, nhắc đến anh, hai luồng dư luận luôn đối chọi gay gắt: hoặc thán phục trước sự thông minh cùng tinh thần duy mỹ, hoặc ngán ngẩm vì quá “điên” và không thể cảm được. “Thời trang là cuộc hành trình của sự tái sinh, mọi thứ phải luôn đuợc lột xác để trở thành 1 thực thể mới mang tính thời đại hơn. Tôi thích phá vỡ cấu trúc và mọi chất liệu nguyên thủy để tái sinh chúng trong thế giới mỹ quan của tôi một cách đặc biệt hơn”. Đó chính là quan điểm mà anh đã làm rõ, khi nói đến thời trang mang phong cách chính mình.
Là một nghệ sĩ “có máu điên trong người”, những tác phẩm của Võ Công Khanh luôn bay bổng như tính cách nghệ sỹ của chính anh, không theo phom dáng, cấu trúc hay quy luật cụ thể.
Để làm được điều đó, bản thân nhà thiết kế là một người mộng mơ và cuồng loạn. Đủ mộng mơ để hình dung ra sản phẩm, và đủ cuồng loạn để đưa chúng vào thực tế. Quá trình ấy đòi hỏi một tay nghề thủ công thuộc đến đỉnh thượng thặng, với cách trình bày như trình diễn nghệ thuật. Giữ vững nguyên tắc nhưng phá bỏ định kiến, hướng về truyền thống nhưng mang tính vị lai. Đó chính là những mật mã trong thương hiệu, mà Võ Công Khanh đã dày công gầy dựng trong 10 năm bước vào làng thời trang nước nhà.
Bài: Hai Yen Ho