Nhà thiết kế Công Trí: “Là bản sao tức khắc sẽ trở thành trò hề”

Ngày đăng: 22/05/18

Chương trình Công Trí Xuân Hè 2018 tại Vietnam International Fashion Week đã kết thúc, các chất liệu được lựa chọn cùng cách xâu kết hạt và nghệ thuật thêu thùa của đội ngũ Công Trí đã khiến giới truyền thông và các con chiên mộ đạo đưa ra những nhận xét tích cực về cách chuyển tải linh hồn của một biểu tượng đại diện cho phong cách thanh lịch Tây phương và làm mới lại theo tinh thần Đông phương, như thể lời Công Trí từng nói, là một câu chuyện cổ tích mà anh muốn viết để gửi tặng cho quý bà Coco.

Công Trí đã sử dụng năng lượng và niềm đam mê của mình để giữ giấc mơ của Coco hiện diện lên tà áo dài Việt Nam như một minh chứng nói lên tính “nữ quyền” trong nghệ thuật đương đại ngày nay. Trả lời phỏng vấn của Style-Republik, nhà thiết kế nói về quá trình thiết kế, góc nhìn thương mại cùng với những chia sẻ rất thật về bộ sưu tập mới nhất “Coco yêu dấu” của anh.

Là bản sao tức khắc sẽ trở thành trò hề

Vốn dĩ thời trang luôn đặt tính cầu toàn lên hàng đầu, tuy nhiên trong các show diễn trong và ngoài nước suốt bao năm qua, có bao giờ anh không hài lòng với việc giới thiệu một tác phẩm hay một sản phẩm làm ra?

Cho đến trước giờ bộ sưu tập được trình diễn, tôi kỹ lưỡng hết sức có thể để đạt được những tiêu chí mình đề ra về chủ đề, thẩm mỹ, khuynh hướng,… Còn sau đó, những bộ sưu tập sẽ hoàn toàn thuộc về công chúng, tôi hoàn toàn tôn trọng đời sống mới và tính riêng tư này của chúng.

Đóng vai trò là một nam thiết kế, anh có tự tin rằng mình đủ khả năng để hiểu và nắm chiếc chìa khoá nói về người phụ nữ đương đại? Rõ ràng bởi trên thế giới, thương hiệu bạt ngàn Dior dưới thời John Galliano hay ở thời Raf Simons cũng chưa có khả năng khuếch trương về mảng kinh doanh tốt như sau khi nhãn hàng mời Maria Grazia Chiuri.

Thật sao? Tôi lại không nghĩ giới tính nhà thiết kế quyết định khả năng để hiểu và nắm bắt chìa khóa về phụ nữ đương đại. Vấn đề nằm ở chỗ ai biết làm chìa khóa. Phụ nữ rất hay ở chỗ góc nào cũng sẽ có chìa khóa riêng, và đôi khi chẳng cần chìa khóa.

Tôi lại không nghĩ giới tính nhà thiết kế quyết định khả năng để hiểu và nắm bắt chìa khóa về phụ nữ đương đại. Vấn đề nằm ở chỗ ai biết làm chìa khóa. Phụ nữ rất hay ở chỗ góc nào cũng sẽ có chìa khóa riêng, và đôi khi chẳng cần chìa khóa.

Ở các thương hiệu nổi tiếng thế giới đều có sự bảo hộ về các mặt hàng xa xỉ như Kering và LVMH, và có quyền áp đặc về doanh thu lợi nhuận hàng năm cho những Giám đốc sáng tạo. Nếu lợi nhuận mang về không khả quan, các ông lớn vẫn ngưng ký kết hợp đồng và sa thải. Thế nên một nhà thiết kế đi làm thuê cho những thương hiệu danh tiếng cần phải nhạy bén trong thẩm mỹ và cách điều hoà sản phẩm.

Song, một chút mâu thuẫn khi anh lại chia sẻ rằng, thị trường thời trang trong nước, các nhà thiết kế phải đóng cả vai trò nhà sáng tạo lẫn nhà kinh doanh, và anh tự nhận mình không có khiếu về kinh doanh. Nếu vậy, thì quả thật đó là một trở ngại lớn cho anh trong một thị trường mang tính cạnh tranh như ngày nay, hay anh vẫn có vị quân sư đứng phía sau?

Các nhà thiết kế nội địa vẫn đang tự bươn chải mọi mặt – đó là hiện trạng thật. Tôi tự thấy mình không có khiếu về kinh doanh nên tôi giao việc này cho êkíp của mình và họ đã làm tốt hơn tôi rất nhiều.

Trong một cuộc phỏng vấn cách đây bốn năm, anh thừa nhận mình rất thích tính cách của Vivienne Westwood. Đối với bà đầm già ấy, có lẽ hướng đi thời trang được định hình từ trong tính cách nên yếu tố Punk là tiếng nói thương hiệu. Nhưng đa phần các bộ sưu tập anh giới thiệu đến giới mộ điệu và khách hàng thì tính Punk hoang dại lại không hiện hữu; thay vào đó là sự cộng hưởng của Vintage, Urban, và chủ nghĩa vị lại nhiều hơn. Anh có thể giải thích thêm?

Tôi chỉ có một ý thế này, thích một người hay thích phong cách một ai đó không hẳn mình phải có điểm gì giống họ, làm như kiểu của họ để thể hiện tình cảm đó. Kiểu như có những bạn thích một nhà văn, hay thích nhà phê bình nào đó rồi khi cất tiếng lên thì  giọng nói và hơi thở y chang, chỉ có khuôn mặt là khác. Điều đó không hề gây thiện cảm cho tôi.

Làm sáng tạo, không phải nhân vật đi rao giảng triết học

Rõ ràng anh lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của quá khứ nhưng qua đó cũng cho thấy rằng anh rất thích thú khi sống trong hiện tại. Làm thế nào để anh dễ nắm bắt liên lạc? Mong muốn này là gì? 

Tôi luôn để cho mọi người tự hiểu và cảm nhận về những điều mình làm khác nhau, không bị đóng khung trong câu trả lời của tôi. Để dễ nắm bắt liên lạc ư? Cảm hứng luôn luôn vô tận, điều để tạo cảm hứng thì luôn hiện hữu xung quanh ta. Hãy chắt lọc và cho ‘nó’ xuất hiện đúng thời điểm.

Còn về quá trình thiết kế của Công Trí, anh có một nơi nào đó cùng đội ngũ của mình để tập trung phát huy sức sáng tạo?

Là công ty hiện tại của tôi thôi! Một nơi làm việc theo tinh thần đơn giản, khang trang, hiện đại và thoải mái.

Không đến xưởng thời trang kiểm tra trong một ngày thì nơi lý tưởng anh muốn tìm đến?

Ngắn ngọn thôi! Tôi sẽ loanh quanh trong nhà mình.

Thời trang ngoài việc giúp khách hàng trở nên đẹp hơn thì còn ngụ ý gì khác – giống như trong công việc của anh; chẳng hạn đó là ngôn ngữ truyền đạt một tuyên ngôn phản ảnh đến hình thái xã hội?

Với người khác thì tôi không nắm rõ, nhưng tôi rất ‘ sợ’ tuyên ngôn, chỉ thích là người kể chuyện thông qua miêu tả hơn. Có khi ngụ ý người truyền tải muốn thể hiện tuyên ngôn, mà người xem không thấy nó ở đâu trong bộ sưu tập của mình thì ngại lắm. Giống như bạn gặp một người thích chứng tỏ kiến thức và khả năng dùng từ ngữ để nói về một vấn đề gì đó, nhưng thực chất vấn đề đó đơn sơ vô cùng. Cảm giác rất muốn cười, tôi sợ sệt với điều này lắm!

Với người khác thì tôi không nắm rõ, nhưng tôi rất ‘ sợ’ tuyên ngôn, chỉ thích là người kể chuyện thông qua miêu tả hơn.

Một khái niệm “giới tính trung lập” đã phát triển nhanh chóng trong thiên niên kỷ mới, đứng đầu là những khách hàng trẻ tuổi thuộc thị trường tiềm năng Châu Á; đặc biệt khu vực Đông Bắc Á. Nói về sự thay đổi thái độ, chúng ta phải nói về toàn bộ tác động của việc pha trộn giới tính – một cầu nối quan trọng trong năm 2018 ở trên sàn diễn quốc tế – đặc biệt là London và Milan. Anh có thực sự muốn kết hợp và làm mờ ranh giới đó trong tương lai? 

Tôi nghĩ đây là một gợi ý thú vị! Nhưng “kết hợp và làm mờ” với mục đích gì khác hơn là “mới mới lạ lạ” thì… tôi chưa nghĩ ra nên tạm thời cứ xem đó là câu chuyện của tương lai.

Công Trí, anh suy nghĩ gì về chiến dịch #MeToo? Bởi bộ sưu tập lần trước mang tên “Thứ Sáu của chị” dường như càng làm thêm tính thúc đẩy chủ nghĩa nữ quyền; mặc cho đây là góc nhìn liên kết riêng của một ký giả thời trang.

Tôi ủng hộ chiến dịch #MeToo. Hôm nay, tôi cảm thấy như phụ nữ đoàn kết rất tốt; có một tình bạn vô cùng thân thiết. Và hơn hết, tôi chỉ nghĩ đơn giản là phụ nữ thì hãy tạo cho mình cơ hội thoải mái để vui vẻ tận hưởng thời trang.

Tính thức thời và tư duy trong quãng đường sự nghiệp

Anh có dành nhiều thời gian cho trực tuyến? Truyền thông xã hội ngày nay ít nhiều có làm ảnh hưởng đến tính bảo toàn sự “sang trọng” của thời trang?

À! Một câu hỏi mang tính tiếp thu văn minh công nghệ đây! Thời trang là những trang phục biến chuyển theo thời. Cho nên, cách để sống và cùng tồn tại với văn minh công nghệ cũng vậy, cũng phải theo thời thế. Sự “sang trọng” của thời trang nó nằm sâu ở cốt lõi, không phải vỏ bọc hình thức, như hoa sen mọc trên bùn mà chúng ta vẫn cảm nhận “nó” cũng đẹp và toả sáng đó sao.

Dù sao hai từ “thời trang” nếu được giao vào bộ óc có tư duy thông thái thì công cụ internet sẽ trở thành đối tác giúp mọi người dễ ý thức trong cách thức ăn vận và dễ dàng hợp thức hoá kinh doanh.

Sự “sang trọng” của thời trang nó nằm sâu ở cốt lõi, không phải vỏ bọc hình thức, như hoa sen mọc trên bùn mà chúng ta vẫn cảm nhận “nó” cũng đẹp và toả sáng đó sao.

Những năm gần đây, Công Trí đã giới thiệu nhiều bộ sưu tập của riêng mình, nhưng có lúc nào anh nghĩ nếu định hướng và hoạt động như thế sẽ dẫn đến “cạn kiệt” ý tưởng, không thể kiến tạo nên những điều mới mẻ?

Đã gần hai thập kỷ trôi qua, kể từ ngày tôi chạm tay vào cái đẹp, và dốc lòng để làm thời trang thì thực sự đã bàn bạc hoạch kế chiến lược một cách kỹ lưỡng về những gì mình sẽ làm trong tương lai. Đối với nhiều người phía ngoại giới, người ta có lẽ làm trong ngành một thời gian sẽ mệt mỏi khiến ý tưởng vơi bớt đi. Nhưng thực tế, đối với tôi, tôi tin chắc mình không bao giờ hao mòn về cái gọi ý tưởng trong sáng tạo. Những thứ thuộc về “sáng tạo” là vô biên, là tự do. Một giá trị không bao giờ đưa vào danh sách điểm tận cùng. Ở từng giai đoạn, từng điểm mốc, tôi sẽ có một cảm quan khác nhau về hơi thở cuộc sống xung mình, về những nhân vật hay đối tác làm việc. Và đó chính là những điều giúp tôi làm tốt trên chặng đường khó tính mà cực kỳ thú vị này đấy.

Giới phê bình từng nhận xét tôi rằng, qua các bộ sưu tập, Công Trí đem lại một dấu ấn riêng, không có mạch DNA rõ. Tôi biết chứ! Tôi làm nghề nên phải tìm hiểu, thăm dò thật nhiều. Song, tôi muốn thử sức hết với những ý tưởng nảy sinh để làm những điều hay ho. Thiết kế thời trang có hai trường hợp. Trường hợp một: những người đào tạo bài bản từ trường lớp. Trường hợp còn lại là từ trau dồi, học hỏi kinh nghiệm. Nghệ thuật phải thể hiện sự vô tư, hồn nhiên mới mang đến xúc cảm nhiều hơn là gò bó trong khuôn khổ học đường. Tựu chung, tôi như gã thư sinh có tâm hồn nghệ sĩ, chạy đến những thớ vãi  để vẽ nên nhiều ước mơ bay bỗng hiện hữu trong trí não. Một giấc mơ bay bỗng nhưng vẫn đáp cánh – đó là tính sáng tạo đáp ứng được thực tế.

Nhưng nhiều thương hiệu thời trang ngày nay đã không kiếm được lợi nhuận từ quần – áo, thay vào đó, các nhãn hàng trụ vững trên thị trường nhờ vào việc kinh doanh nước hoa và phụ kiện. Vì thời trang vốn dĩ sinh ra là để hướng chủ yếu vào giới thượng lưu, mà tầng lớp đó ngày nay lại càng bị thu hẹp. Thế thì phía thương hiệu Công Trí thì điều hoà hoạt động ra sao? Đối tượng mà anh hướng đến có gặp phải trở ngại?

Tôi nói thế này nhé! Thời trang ở Việt Nam chỉ mới sôi nổi trong vài năm nay thôi, làm sao chúng ta có thể so sánh về mức độ quy mô hay cách thức tổ chức ở những kinh đô tiếng tăm. Chúng ta đã cách biệt họ quá xa. Họ đã gầy dựng nên thương hiệu và kinh doanh bằng chính tên tuổi mình. Họ có đủ bộ phận tham gia vào chương trình điều hoà dây chuyền sản xuất và buôn bán nên có thể bù đắp lợi nhuận từ nhiều mặt hàng gắn mác nhãn hàng.

Tất nhiên, thời trang là sự giao hoà giữa thẩm mỹ và kinh doanh. Mà đã là kinh doanh thì có cầu “ắt” sẽ có cung; dù ở phạm vi rộng hay hẹp! Tôi đã có đối tượng khách hàng trung thành và tiềm năng riêng. Tôi xác định được mọ muốn gì từ cảm quan cá nhân, từ đó có thể tạo nên những điều khiến họ thích và mua ngay.

Hơn nữa, với tôi, đến giờ phút này, tôi kiếm thu nhập qua việc kinh doanh quần – áo thiết kế và có ba dòng sản phẩm chính như: ‘Nguyen Cong Tri’, ‘Cong Tri’, ‘Kin Concept’. Dòng mang tên ‘Nguyen Cong Tri’ chẳng hạn như “ Lúa”, “Em hoa” là cuộc chơi nghệ thuật vị thuật, nó là những gì chất chứa bên trong nội tâm tôi về tình yêu thiên nhiên, và sự cường điệu giúp thăng hoa hơn. ‘Cong Tri’ được đong đếm tính nghệ thuật và thương mại hoá giúp khách hàng của tôi có thể ứng dụng trong những buổi tiệc tùng sang trọng. ‘Kin Concept’ lại hướng đến giới trẻ, dòng đồ mang tính chất thực dụng, phù hợp túi tiền mọi công nhân viên chức làm công ăn lương.

Mảng phụ kiện ư? Dù đã định hướng triển khai rõ ràng nhưng… tôi   chưa đủ cơ sở vật chất để hoạt động qua mảng phụ kiện. Song, chuyện dự án trên tôi vẫn có “ấp ủ” để mở rộng thêm thị phần, nhưng có lẽ sẽ không hoạt động tại thị trường nội địa – đó là kế hoạch chưa được cụ thể hoá trong tương lai.

Bức thư gửi đến quý bà Coco Chanel

Có thể nói Công Trí là thương hiệu làm đồ ổn định nhất trong tình hình nền thời trang trì trệ ở Việt Nam. Và bộ sưu tập “Coco yêu dấu” vừa giới thiệu tại Vietnam International Fashion Week Spring/summer 2018 tạm gọi là khá tốt. Tuy nhiên, vì sao lại mạo hiểm vay mượn hình ảnh Coco Chanel – một nhân vật mang tính tượng đài của ngành công nghiệp thời trang, không phải hình bóng của một biểu tượng điện ảnh hay những Đệ nhất Phu nhân?

Như đã nói, tôi không được đào luyện từ môi trường thời trang chính quy, nhưng tôi đủ tỉnh táo để biết mình làm gì và tạo gì để gửi đến giới mộ điệu lẫn khách hàng thân thiết. Thời trang là cái đẹp, và cái đẹp ấy không có thước đo xác định đúng hay sai. Tuỳ và đôi mắt của mỗi người. Người này cảm thấy thích nhưng người kề bên lại không cảm thấy hợp nhãn. Tôi không e dè trước nhiều ý kiến trái chiều. Nếu tâm trí tôi dễ bị chi phối thì tôi đã bị đào thải trong ngành này ngay từ thuở chập chững bước vào nghề. Tôi đã học cách chấp nhận và tập quen dần. Bạn biết không, đôi khi tôi còn tiếp thu để củng cố thêm hành trang kiến thức cho riêng mình đó.

Thời trang là cái đẹp, và cái đẹp ấy không có thước đo xác định đúng hay sai.

Và bạn hỏi tôi sao không mượn hình ảnh nhân vật mang tính điện ảnh, lại can đảm mượn hình tượng Coco Chanel? Tôi nghĩ theo hướng tích cực như vầy, “Coco yêu dấu” là một bức thư gửi đến Thần tượng mình nhân dịp sinh nhật Coco Chanel. Ý tưởng nuôi dưỡng, chăm bẵm hình thành và dần hoàn thiện cách đây 3 năm. Mà bạn có đọc lá thư tôi viết lên trang mạng xã hội trước khi giới thiệu cách đây vài hôm?

Thưa anh, tất nhiên là có, nhưng lại không hiểu sao anh lại muốn tái tạo cấu trúc và chi tiết kinh điển kia?

Để tôi trình bày cho bạn hiểu tường tận hơn, Coco Chanel là tấm gương để mọi người trong giới thời trang học hỏi, và khi trót yêu phẩm chất và công việc của ai đó mà không biết phải đáp thế nào nên bộ sưu tập thuộc dòng của ‘Cong Tri’ đợt này như bức thư, một món quà gửi lời tri ân, tái hiện những gì bà yêu thích lúc sinh thời. Tôi mượn nét đẹp văn hoá đặc thù của Việt Nam giao hoà với cốt cách bà để hình thành những gì trong tâm trí tôi để bà hiểu tâm sự tôi theo cách diễn giải “tâm linh” cho trang trọng. Với lại, những kiệt tác của Coco Chanel rất tỉ mỉ và kì công khó có nhãn hàng khác làm lại. Tôi làm theo kiểu cách của Công Trí, và đương nhiên chẳng thể nào đem ra “kèn cựa” được với sự tinh tuý đạt đến ngưỡng vọng thượng thừa.

Thời trang ngày nay đang gặp phải nhiều biến động lớn về hình thức phân chia kinh doanh. Liệu làn sóng thời trang thực dụng có sức bền bỉ hơn tính nghệ thuật?

Ôi! Thật tiếc khi tôi không biết thị trường thời trang thế giới đang gặp biến động như lời bạn nói, tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ sự phân cấp, chia dòng trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần đảm bảo sự cẩn thận, càng rõ ràng càng thể hiện một thị trường hướng đến sự chuyên nghiệp.

Vậy nếu mai này ở ẩn, số phận thương hiệu do chính Công Trí gầy dựng phát triển cũng kết thúc bởi bàn tay anh hay cần có người để kế thừa? Và nếu tính đến sự lựa chọn đó, thì nhân vật cần phải thế nào?

Tôi chưa hề nghĩ đến chuyện này trong tương lai. Nhưng tôi nghĩ người kế thừa trong ý giả định mà bạn nói trước hết cũng là một con người giàu tình yêu thời trang và cố gắng rèn giũa như tôi đã từng. Và chắc chắn nhân vật đó sở hữu ý chí kiên định và lối đi riêng. Có thể đến lúc đó, tôi sẽ trực tiếp gặp họ – người đã có duyên với tôi  và trao đổi những điều mình cần thực hiện ở thời điểm xảy ra.

Thực hiện: Phong

Photo: Tang Tang, Kiếng Cận