Dấn thân vào ngành công nghiệp thời trang: Nhà thiết kế không phải là con đường duy nhất

Ngày đăng: 12/06/21

Nếu bạn muốn thử sức ở lĩnh vực thời trang, đừng tự giới hạn bản thân chỉ vì chưa bao giờ hoàn thiện một bản phác thảo hay khâu được một chiếc cúc áo. Ngành thời trang vẫn còn rất nhiều vị trí thú vị đang chờ bạn khám phá.

Không thể chối cãi, trở thành nhà thiết kế là con đường ngắn nhất đưa bạn đến thành công trong ngành công nghiệp này. Đây là vị trí nhận được nhiều hào quang, nhưng đi kèm là áp lực luôn phải đổi mới, đồng thời giữ vững phong độ trong cả năng lực sáng tạo và kỹ năng xử lý. 

Thế nhưng, để có được một thế giới thời trang hào nhoáng ngoài kia, một mình nhà thiết kế thôi là chưa đủ. Cần rất nhiều công sức của những người đến từ những nền tảng tư duy khác nhau, với những vai trò khác nhau, để cùng xây dựng một đế chế thời trang đa sắc màu. Và bạn hoàn toàn có thể là một trong số họ, trở thành một phần của thế giới thêu dệt nên những giấc mơ này.

1. Quản lý và kinh doanh thời trang (Fashion Merchandising)

Sản phẩm của nhà thiết kế có đến được với khách hàng hay không, tất cả nhờ vào bạn. Một người quản lý và kinh doanh thời trang giỏi, với óc sáng tạo và lối tư duy quản trị, bạn cần thường xuyên theo dõi các xu hướng thời trang và nhu cầu của người dùng, để có thể tham mưu cho nhà thiết kế hướng đi phù hợp nhất. Nói một cách hài hước, bạn là người dung hòa giữa “cái tôi” của nhà thiết kế và “thị hiếu” của thị trường. 

Thật may, Quản lý và kinh doanh thời trang là “một chiếc giỏ với nhiều quả trứng”. 

Quản lý bán lẻ (Retail Management) là một “quả trứng” khá thú vị. Bạn cần có kiến thức tổng quát về thị trường và đối thủ, chiến lược tiếp thị tại điểm bán, quản lý nhân sự và tồn kho ở cửa hàng. Bạn là người cân bằng giữa đối nội và đối ngoại của doanh nghiệp. Đối với thương hiệu (đối ngoại), bạn là người chịu trách nhiệm cho trải nghiệm của khách hàng tại cửa hàng, là đại diện cho tinh thần của thương hiệu và sản phẩm. Đối với doanh nghiệp (đối nội), bạn là người thay mặt công ty truyền tải giá trị văn hóa, sản phẩm đến nhân viên, thay công ty quản lý nhân viên, hàng lưu trữ, và các công việc liên quan khác 

Mua hàng (Buying) là một vị trí khá thú vị trong ngành thời trang, vì nó đòi hỏi đồng thời bạn phải có hai yếu tố: yêu thích mua sắm và có một khả năng “deal” giá điêu luyện. Không những quen thuộc với các sàn bán lẻ, bạn cần phải cập nhật xu hướng thời trang liên tục, tìm nguồn cung ứng sản phẩm, phát triển mối quan hệ với các nhà cung cấp và quản lý đơn đặt hàng. Một buyer giỏi thể hiện rõ nhất ở việc bản thân hiểu thị trường cung – cầu như thế nào và quyết đoán trong việc thương lượng chi phí, đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu vào cho công ty với mức giá phải chăng nhất.

Ngoài ra, nếu năng khiếu sáng tạo và đam mê của bạn không dành hoàn toàn cho việc thiết kế sản phẩm, mà nằm ở những chiến dịch kinh điển, những bộ hình và những thước phim đẹp đẽ, thì Quảng cáo (Advertising) là một vị trí phù hợp với bạn. Trong kỷ nguyên chuyển đổi số như hiện nay, truyền thông là một ngành với những hoạt động không bao giờ cũ. Bạn có thể lựa chọn làm việc ở những tập đoàn lớn hoặc ở những chuỗi bán lẻ, và tha hồ xây dựng những thông điệp, những sản phẩm quảng cáo ấn tượng để thu hút người dùng về với thương hiệu của mình.

2. Quản lý sản xuất (Production Management)

Sản xuất là một khâu không thể thiếu trong ngành thời trang. Ở cương vị quản lý sản xuất, công việc của bạn chủ yếu sẽ là giám sát quá trình sản xuất ở các nhà máy, đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm, theo đúng kế hoạch đã có từ trước. .

Theo tờ New York Times, ngành thời trang đang từng bước chuyển mình để hướng đến một ngành công nghiệp bền vững, thông qua việc xanh hóa quá trình sản xuất và giảm thiểu tối đa rác thải thải ra. Điều này đặt ra một thách thức không nhỏ nhưng cũng đầy thú vị đối với những ai đam mê lĩnh vực này. 

Bắt đầu từ việc thiết kế lại quy trình và công thức sao cho hạn chế tình trạng rác thải nhưng vẫn đạt chất lượng đầu ra, cho đến việc đảm bảo dây chuyền sản xuất được diễn ra một cách trơn tru và đạt kịp tiến độ. Không chỉ môi trường, những quyết định được đưa ra ở giai đoạn sản xuất có thể mang lại hiệu quả lâu dài cho nền kinh tế chung.

3. Stylist (Định hình phong cách)

Nhờ vào độ phủ sóng của các celeb, cũng như làn sóng Hallyu với các nhóm nhạc hàng đầu Kpop, nghề stylist dần được mọi người nhắc đến nhiều hơn và được các bạn trẻ đầu tư nghiêm túc để theo đuổi.

Tuy nhiên, có một điều không phải ai cũng biết, nghề stylist không chỉ gói gọn ở việc xây dựng, định hình phong cách cho một cá nhân hay một nhóm nhạc. Còn có rất nhiều khía cạnh trong ngành thời trang cần đến sự chuẩn bị của một stylist, bạn có thể tìm hiểu thêm tại ĐÂY

Đối với công việc này, bằng cấp là điều không thật sự cần thiết. Ngoài óc sáng tạo và tinh thần duy mỹ, sự nhạy bén về các xu hướng của thị trường và kỹ năng giao tiếp mới là yếu tố làm nên thành công. Do tính chất công việc đòi hỏi sự phối hợp khéo léo để tạo nên một tổng thể hài hòa, cũng như có một nguồn tài nguyên phong phú để bất kỳ lúc nào cũng có thể thực hiện hóa những ý tưởng, kinh nghiệm thực tập và xây dựng các mối quan hệ là yếu tố then chốt bạn buộc phải có nếu muốn nghiêm túc theo đuổi con đường này.

Một chiến dịch của Mulberry do stylist hàng đầu nước Anh – Edward Enniful thực hiện

4. Trưng bày sản phẩm (Visual Presentation)

Học viện Công nghệ Thời trang New York (FIT) mô tả nhiệm vụ chính của vị trí này là kể lại một câu chuyện trong không gian ba chiều, mang lại một trải nghiệm với những cảm hứng mới lạ và thông tin hữu ích, từ đó thuyết phục người xem đặt niềm tin và sự yêu thích vào thương hiệu của mình. 

Nếu có tư duy tốt về sắp xếp bố cục, nhạy cảm với các món đồ trang trí và yêu thời trang, đây chính là vị trí dành cho bạn. Cụ thể hơn, bạn là người chịu trách nhiệm chính cho không gian mua sắm và trải nghiệm tại cửa hàng. Bên cạnh đó, theo từng chiến dịch và quy mô của thương hiệu, bạn sẽ đảm nhận việc sắp xếp ô cửa trưng bày, hoặc những buổi triển lãm, các fashion show hoành tráng.

Một không gian nghệ thuật tại triển lãm “Cục im lặng” của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí

5. Quan hệ công chúng: Public Relations

Là cầu nối giữa sản phẩm và nhà bán lẻ hoặc người dùng, PR chịu trách nhiệm giữ cho hình ảnh của thương hiệu được xuất hiện một cách chỉn chu trên các phương tiện truyền thông và đúng ý đồ của nhà thiết kế nhất, đảm bảo rằng giới mộ điệu sẽ nhắc về bộ sưu tập lần này. 

Vì công việc chính là làm cho thương hiệu trở nên sinh động và lôi cuốn, tính cách cởi mở và thân thiện là điều thường thấy ở một người làm PR. Bạn cần thể hiện sự nhiệt tình và hiếu khách thông qua những sự kiện, những đối tác bạn gặp gỡ. Bạn mang lại cho họ cảm giác như thế nào, họ sẽ cảm nhận về thương hiệu của bạn y hệt như vậy.

6. Biên tập viên thời trang (Fashion Journalist)

Nếu yêu thích thời trang và muốn truyền tải chúng qua những con chữ, hãy cân nhắc về vị trí biên tập viên thời trang, nơi bạn có thể tìm hiểu, nghiên cứu và nêu lên quan điểm của mình về những sự kiện đang diễn ra trong ngành công nghiệp này. Nhờ vào sự phát triển của công nghệ, các tạp chí đang mở rộng thêm các kênh báo điện tử để cập nhật liên tục mọi chuyển động, nên thị trường đang cần một lượng lớn những blogger thời trang. Ngoài ra, bạn còn có thể cộng tác viết bài cho các trang thương mại điện tử, các agency hoặc thực hiện các ấn phẩm thương mại.

Để trở thành một cây bút nổi tiếng và quan điểm của mình có giá trị, trước tiên, bạn cần trau dồi kỹ năng viết của mình. Đừng quên thường xuyên cập nhật các kiến thức về lịch sử thời trang, cũng như các kỹ năng trao đổi và phỏng vấn để có thể khai thác những khía cạnh ít ai biết trong ngành thời trang cũng như những cá nhân xuất chúng trong lĩnh vực này. Kho kiến thức và thông tin của bạn càng phong phú, công việc của bạn sẽ trở nên dễ dàng và gặt hái được nhiều thành công.


Nếu đã chọn được một lối đi phù hợp mà vẫn chưa biết phải bắt đầu từ đâu, bạn có thể tham khảo qua các khóa học của SR Fashion Business School. Với đội ngũ giảng viên là những cái tên kỳ cựu có uy tín trong làng thời trang, SR Fashion Business School không chỉ trang bị cho bạn những kiến thức chuyên môn và nền tảng vững chắc, tham gia các khóa học còn là cơ hội để bạn mở rộng các mối quan hệ của mình, tìm kiếm những cố vấn, những người bạn đồng hành cho chặng đường xây dựng sự nghiệp thời trang của riêng mình.


 

Thực hiện: Diana Nguyễn

Theo Fashionista