Nghề stylist – Góc nhìn thực tiễn về công việc stylist dành cho các bạn trẻ

Ngày đăng: 21/06/22

Chuyên đề People in Fashion: Những hướng đi trong ngành thời trang, mang đến cho các bạn trẻ một cái nhìn tổng quan về ngành thời trang, để từ đó các bạn có thể tìm được con đường riêng phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. 

Nhiều người trẻ hiện nay cảm thấy hứng thú với nghề stylist, qua bài viết này Style-republik sẽ cung cấp cho bạn đọc góc nhìn hữu ích, dựa trên kinh nghiệm của người viết về công việc này, cũng như gợi mở về những cơ sở đào tạo stylist chuyên nghiệp tại Việt Nam hiện nay.

Những công việc hiện nay mà stylist có thể đảm nhận tại thị trường Việt Nam

  • Commercial Stylist (thương mại): làm việc cùng/ tại agency quảng cáo (TVC, Key visuals, promoting plans…), làm việc cho các chương trình truyền hình thực tế, phim ảnh, sitcoms hay làm việc tại đài truyền hình. Tính chất công việc của stylist thương mại sẽ rất vất vả, nhiều trách nhiệm, tuy nhiên bù lại thu nhập cho công việc này rất tốt.
  • Fashion brand stylist: tư vấn phong cách cho khách hàng của thương hiệu, đảm nhiệm các công việc liên quan đến sản xuất hình ảnh, lookbook, styling cho KOLs, influencer hợp tác cùng thương hiệu… Tính chất của công việc là làm full-time tại các thương hiệu thời trang.
  • Fashion/ editorial stylist: làm việc tại các tòa soạn tạp chí để sản xuất hình ảnh trong các ấn phẩm thời trang; sản xuất hình ảnh mỹ thuật theo định hướng thời trang cao cấp. Lên ý tưởng về trang phục và làm việc trực tiếp cùng giám đốc hình ảnh, giám đốc sáng tạo của tạp chí. Fashion stylist cũng có khả năng lên ý tưởng cho một bộ hình thời trang cho khách hàng, đối tác của tạp chí hay ở bên ngoài. Lợi thế lớn nhất của fashion stylist làm cho tạp chí là có mối quan hệ thân thiết với các nhiếp ảnh gia, chuyên gia trang điểm hàng đầu trong ngành thời trang.
  • Personal stylist: tư vấn và định hình phong cách cho các cá nhân có nhu cầu. Để làm personal stylist thì cần có nhiều kinh nghiệm lâu năm trong nghề, mối quan hệ rộng mở, nhiều kiến thức chuyên sâu về thời trang để có thể đưa ra những tư vấn xác đáng cho khách hàng. Personal stylist là công việc tự do, mang tính chất linh động, thu nhập phụ thuộc vào năng lực và mức độ hài lòng của khách hàng. Khách hàng của personal stylist có thể là người nổi tiếng hay người bình thường có thu nhập cao.
  • Ngoài ra các stylist có nhiều kinh nghiệm hiện nay cũng bắt đầu đảm nhiệm thêm vai trò giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho sinh viên hay những người muốn được tiếp nhận kiến thức chuyên môn về công việc này.
Stylist của nhóm nhạc BlackPink được biết tới rộng khắp nhờ khả năng sáng tạo vượt ngoài khuôn mẫu thường thấy của công việc stylist. Hàn Quốc cũng là thị trường thời trang đầu tiên tại châu Á gần như xóa nhòa khoảng cách giữa công việc stylist thương mại và fashion stylist.

Góc nhìn thực tiễn về công việc stylist tại Việt Nam

Đối với công việc stylist tại thị trường Việt Nam thì đòi hỏi lớn nhất không phải là yếu tố thẩm mỹ hay tinh nhạy về xu hướng mà là kỹ năng ngoại giao và xây dựng hình ảnh cá nhân. Rất nhiều stylist trên thị trường hiện nay đều là tay ngang chứ không phải được đào tạo bài bản về kiến thức chuyên môn nhưng vẫn thành công mà phần lớn là nhờ họ xây dựng hình ảnh cá nhân thuyết phục và có kỹ năng giao tiếp khéo léo, rộng khắp. Kiến thức chuyên môn của họ được bồi đắp thêm hơn trong quá trình làm việc, tự trau dồi, và có thể là được tiếp nhận từ người hướng dẫn mình đã có kinh nghiệm lâu năm trong nghề.

Công việc stylist hiện nay dễ dàng để có thể tìm kiếm những cơ hội việc làm, khi các chương trình truyền hình, phim ảnh, quảng cáo, TVC đều cần đến sự giúp sức của stylist. Hầu hết những phân mục này sẽ cần trang phục đi theo hướng thương mại, dễ nhìn và phù hợp với yêu cầu đề ra, nên việc tư duy sáng tạo hay tính chất hợp xu thế sẽ không quá đặt nặng. Đi theo hướng thương mại sẽ giúp stylist có được nguồn thu nhập tốt, nhiều và nhanh hơn hẳn.

Stylist thương mại sẽ vô cùng bận rộn, nhất là khi đi theo mảng truyền hình thực tế, TVC, phim truyền hình, sitcom hay làm việc trong agency quảng cáo.

Nếu những ai muốn đi theo thời trang cao cấp, tư duy sáng tạo thì nên đi theo hướng tạo hình styling cho ấn phẩm tạp chí, nhiếp ảnh, tư vấn và định hướng phong cách cho cá nhân (diễn viên, ca sĩ, doanh nhân…) hay thương hiệu thời trang. Công việc này sẽ cần đến kiến thức chuyên môn và nền tảng tư duy sáng tạo nhiều hơn, đồng thời cũng giúp tạo dựng tên tuổi và bảo chứng về chuyên môn, kinh nghiệm tốt hơn là phân mục đầu.

Stylist sẽ cần đến những kiến thức chuyên môn như thấu hiểu về màu sắc, chất liệu, phong dáng, lịch sử thời trang, xu thế, biết để chắt lọc cảm hứng,… Những kiến thức chuyên môn này tuy mang nhiều tính học thuật nhưng vốn quan trọng nếu như đi theo con đường làm stylist cho các tòa soạn báo, ấn phẩm thời trang, định hình và xây dựng phong cách cho thương hiệu thời trang hay là tư vấn phong cách cá nhân. Những yếu tố này giúp phân định kỹ năng và đẳng cấp của một người làm công việc tư vấn phong cách nhưng không nhất thiết là nền tảng chính để giúp họ thành công hơn những stylist tay ngang khác. Quan trọng nhất của công việc stylist vẫn là tính kỷ luật, cẩn thận, tỉ mỷ và khôn khéo trong việc ngoại giao.

Personal Shopper/ Personal Stylist là một công việc không quá nhiều cạnh tranh trong bối cảnh hiện tại.

Nếu là một sinh viên thời trang khi làm stylist thì lợi thế lớn nhất là bạn có thể làm ra được trang phục phù hợp với yêu cầu của công việc. Bên cạnh đó thì sinh viên thời trang khi muốn bắt đầu công việc stylist cũng dễ dàng được chấp thuận tốt hơn là những người tay ngang.

Để bắt đầu công việc này nên xây dựng mối quan hệ tốt trong ngành đối với những người làm thời trang ngay từ khi còn là sinh viên. Cũng có thể sau khi tốt nghiệp thì đi làm trợ lý cho những stylist đã có tên tuổi để học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng của họ. Hoặc làm thực tập sinh tại các tòa soạn tạp chí thời trang hoặc làm trợ lý cho giám đốc sáng tạo, nhiếp ảnh gia… Sinh viên thời trang cần phải nhắc nhở bản thân khi chọn lựa công việc stylist, rằng những kiến thức thời trang trong quá trình học tập tuy quan trọng nhưng sẽ không bằng kỹ năng giao tiếp, thương thảo và xây dựng hình ảnh cá nhân chuyên nghiệp.

Là stylist sẽ phải cần đến tính tỉ mỉ, khéo léo, nhanh nhạy bởi tính chất công việc khá áp lực, nhiều deadline, yêu cầu khắt khe. Sự cẩn trọng của stylist là luôn phải biết giữ gìn trang phục mượn từ thương hiệu và các nhà thiết kế (uy tín cá nhân sẽ quyết định rằng stylist đó có khả năng hành nghề được lâu dài và dễ dàng hay không). Việc giữ gìn mối quan hệ tốt với các thương hiệu và nhà thiết kế và đảm bảo quyền lợi với bên cho mượn trang phục là cũng là điều hệ trọng.

Làm stylist sẽ cần đến sự tỉ mỉ và kỷ luật rất cao.

Gợi ý về một vài tổ chức giảng dạy cụ thể, chuyên sâu về công việc stylist

SR Business School

 Khóa học Fashion Stylist – Trở Thành Stylist Chuyên Nghiệp tại SR Fashion Business School sẽ mở lối cho bạn tiếp cận với thế giới của thời trang, sáng tạo và nắm vững những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành một Stylist chuyên nghiệp. Khóa học gồm 12 buổi, trong 6 tuần với giáo trình kết hợp giữa lý thuyết cơ bản và thưc hành thực tế, các bài tập nhóm hoặc cá nhân theo hướng dẫn, thảo luận và thuyết trình theo chủ đề để giúp học viên vừa có cơ hội thể thiện khả năng, vừa được nhận phản hồi, góp ý để cải thiện hơn từ giảng viên là các chuyên gia đầu ngành, có nhiều năm kinh nghiệm thực tế và kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực fashion stylist.

 

Trường đại học HUTECH

Trường ĐH HUTECH TPHCM là Đại học đầu tiên có môn học về công việc stylist chuyên biệt. Giảng viên đứng lớp là stylist Trần Đạt, người đồng sáng lập của agency stylist lớn nhất Việt Nam hiện nay là D2Styling. Trần Đạt có thâm niên lâu năm trong nghề stylist, kiến thức chuyên môn vững vàng, đồng thời có sự hiểu biết chuyên sâu về ngành stylist quảng cáo, thương mại, sẽ giúp các học viên khai thác được những lợi thế cần phải biết khi theo đuổi công việc stylist thương mại, cũng như chuẩn bị cho bản thân những phương cách ứng phó trước những áp lực, khó khăn của tính chất công việc này.

Điểm trừ là khóa học chỉ dành riêng cho các sinh viên học ngành thiết kế thời trang của trường Đại học HUTECH. Thực tế là bất kỳ một sinh viên thời trang nào cũng dễ để theo đuổi công việc stylist, dựa vào những kiến thức chuyên môn về ngành thời trang. Vậy nên học thiết kế thời trang rồi làm stylist cũng là một sự lựa chọn hợp lý, lâu dài. Một số trường giảng dạy thời trang khác có thể tham khảo là trường Đại học Tôn Đức Thắng, trường Đại Học Văn Lang, trường Đại học Hồng Bàng, trường Đại học Kiến Trúc, Học viện thiết kế thời trang London…

                                                                                  Sinh viên thời trang có rất nhiều thuận lợi và nền tảng tốt để trở thành một stylist chuyên nghiệp.

Học việc từ các stylist nổi tiếng

Những stylist nổi tiếng như Hoàng Ku, Mạch Huy, Kye Nguyễn, Trần Hoài Trang, Lê Minh Ngọc, Kenshj Phạm… đều sẽ cần đến những trợ lý đáng tin cậy để có thể hoàn thành đồng thời nhiều công việc khác nhau. Khi làm trợ lý của những stylist nổi tiếng thì bản thân stylist thực tập đó sẽ được đào tạo kỹ lưỡng về tính kỷ luật, kiến thức chuyên môn, lẫn tạo dựng được các mối quan hệ tốt đối với các nhà thiết kế thời trang trong nước, hay các thương hiệu thời trang nội địa. Sau quá trình làm việc lâu dài với các stylist trên thì bản thân những stylist thực tập có thể tự mình phát triển riêng và tiếp nhận những công việc khác với tư cách là một stylist chuyên nghiệp, chính thức.

Thực hiện: Fellini Rose

 


📍SR Fashion Career Talk quay trở lại với Episode 04: “Biết mặc đẹp và nghĩ bạn có thể thành Fashion Stylist?”

Trong buổi tọa đàm định hướng nghề nghiệp thời trang, các bạn sinh viên và những người tham dự sẽ cùng tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc phổ biến:
🔸Hào quang và đáng mơ ước, Fashion Stylist có là con đường dễ dàng để bất cứ cá nhân nào bước vào, rồi đạt được thành công và danh tiếng?
🔸Liệu mặc đẹp có là đủ để trở thành Fashion Stylist?
🔸Gen Z hay bất cứ ai muốn thử sức mình trong lĩnh vực sáng tạo nhưng cũng đầy cạnh tranh cần mài giũa kỹ năng ra sao?
 
👉Đăng ký tham gia miễn phí tại: https://bit.ly/Fashioncareertalkep4Fashionstylist
⏳Ngày giờ: 9:30AM -12:00PM, Chủ Nhật 03/07/2022
________________
SR Fashion Career Talk là sự kiện không bán vé và hướng tới các bạn sinh viên, những người hứng thú với ngành nghề trong thời trang
 
Tọa đàm được tạo ra bởi Style-Republik và Không gian giảng dạy thời trang SR Fashion Business School với mục đích mang đến cơ hội định hướng nghề nghiệp cho sinh viên cùng những người muốn tìm hiểu và bước chân vào ngành thời trang Việt Nam.