Điều gì thực sự xảy ra đối với quần áo cũ của bạn?
Ngày đăng: 06/04/22
Đã bao giờ bạn băn khoăn quần áo của mình sẽ như thế nào sau khi bạn bỏ đi hoặc mang đi từ thiện? Thật ra những món đồ cũ của bạn vẫn tồn tại sau khi tủ quần áo của bạn được dọn dẹp sạch sẽ.
Khi dọn dẹp tủ quần áo, chúng ta thường chia chúng thành 3 loại: loại để giữ lại, loại dùng để quyên góp và loại để bỏ đi. Trung bình, sẽ có 700.000 tấn quần áo đã qua sử dụng được xuất khẩu ra nước ngoài và 2,5 triệu tấn quần áo được tái chế. Nhưng hơn 3 triệu tấn được đốt và 10 triệu tấn đồ được gửi đến các bãi chôn lấp.
Việc đốt hoặc chôn lấp quần áo đã qua sử dụng sẽ gây ra khí thải nhà kính. Thêm vào đó, chi phí tiêu hủy hàng dệt may thường là 45 USD mỗi tấn, tương đương hàng trăm triệu đô la mỗi năm, một sự lãng phí không nhỏ. Vậy đâu là cách tốt nhất cho quần áo cũ của chúng ta?
Quyên góp Từ thiện
Quyên góp quần áo cũng có thể là một vấn đề. Việc đóng gói và bỏ những món đồ này có thể kết thúc câu chuyện của chúng trong tâm trí chúng ta, nhưng nó không có nghĩa là dòng đời của chiếc áo sơ mi hoặc quần của bạn đã kết thúc. Không nhanh đến như vậy.
Nhiều người quyên góp quần áo đã mặc của họ cho các cửa hàng từ thiện địa phương. Một chuỗi cửa hàng từ thiện phổ biến tại Mỹ là Goodwill. Theo báo cáo của cửa hàng mang lại nhiều cơ hội để quần áo được bán lại. Trong số quần áo được quyên góp: 5% được gửi trực tiếp đến các bãi rác do các vấn đề về nấm mốc có thể làm hư hỏng phần còn lại của quần áo; phần còn lại sẽ được giữ ở 3.200 kho trữ đồ trong bốn tuần trước khi được chuyển đến các cửa hàng Goodwill. Goodwill là chuỗi cửa hàng từ thiện có mặt ở 35 tiểu bang, nơi các mặt hàng được bán với giá 99 cent/nửa kg. Những gì không bán được tại các cửa hàng sau đó sẽ được gửi đến Goodwill Auctions, nơi các thùng “bí ẩn” khổng lồ chứa đầy các mặt hàng khác nhau được bán với giá chỉ 35 USD/thùng. Cuối cùng, phần quần áo còn lại được gửi đến các trung tâm tái chế đồ cũ, nơi chúng sẽ được cắt thành vải vụn, xử lý thành các loại sợi mềm hơn để dùng làm đồ nội thất và vật liệu cách nhiệt trong nhà, hoặc gửi ra nước ngoài.
Một cửa hàng giá rẻ nổi tiếng khác Buffalo Exchange đang hoạt động ở 19 bang cũng mua quần áo cũ từ các thành viên trong cộng đồng để bán lại trong các cửa hàng. Những bộ quần áo không thể bán được sẽ được quyên góp cho các tổ chức phi lợi nhuận địa phương. Hàng hóa sẽ được lưu trữ tại các cửa hàng đại lý ở Texas và Arizona. Thật không may, hầu hết các cửa hàng giá rẻ không quan tâm tới việc người ta sẽ làm gì với quần áo từ thiện sau khi họ cho đi giống như Goodwill và Buffalo Exchange.
Tái chế quần áo
Việc tái chế quần áo có thể giữ các loại vật liệu khỏi các bãi chôn lấp và lò đốt cũng như giảm nhu cầu về nguyên liệu sợi thô bằng cách kéo dài tuổi thọ của các loại sợi hiện có. Hàng dệt may được phân loại theo loại vật liệu và màu sắc. Phân loại theo màu sắc có nghĩa là các loại vải không phải phải nhuộm lại, giúp tiết kiệm năng lượng và thuốc nhuộm. Sau khi được phân loại, quần áo sẽ được cắt nhỏ. Dây kéo và nút áo được lọc ra bằng cách sử dụng nam châm.
Đối với các loại vải dệt tự nhiên, như bông hoặc len, được làm sạch và pha trộn bằng “máy chải thô”- một quá trình cơ học để phá vỡ kết cấu của sợi bông để thu được sợi đơn và sắp xếp các sợi riêng lẻ song song với nhau thành một khối đồng nhất. Sản phẩm sau đó được kéo sợi trở lại và sẵn sàng được sử dụng để dệt hoặc đan thành các sản phẩm mới.
Đối với các loại sợi tổng hợp như polyester hoặc acrylic, được xử lý thành các hạt polyster mà sau này là thành phần cơ bản của các loại sợi polyester. Các hạt này được nấu chảy và kéo thành sợi filament cho các loại vải polyester. Một vài doanh nghiệp nhỏ và các thương hiệu lớn cam kết sử dụng vật liệu tái chế trong hàng hóa của họ, ví dụ, Patagonia bán quần áo được làm bằng vải lông cừu, len và polyester tái chế. Ngay cả mác quần áo và dây khóa kéo cũng chứa đến 80% chất liệu được tái chế. Thương hiệu Ooloop một thành viên của Green Business Network sử dụng len tái chế, len cashmere, cotton và thậm chí cả lưới đánh cá tái chế trong quần áo của mình. Ooloop cũng sử dụng vật liệu dư thừa (loại bỏ từ ngành công nghiệp thời trang), cho các dòng quần áo của mình để giữ cho những vật liệu đó không nằm trong bãi chôn lấp.
Xuất khẩu nước ngoài
Ở Mỹ, nếu quần áo cũ không bán được hoặc không mang đi tái chế dệt thường được mang đi xuất khẩu. Khoảng 700.000 tấn quần áo đã qua sử dụng được xuất đến các quốc gia khác hàng năm. Báo cáo này tạo ra một thị trường lớn và góp phần trong việc tăng trưởng việc làm nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về việc tác động thương mại của việc xuất khẩu này đối với các nền kinh tế địa phương mang lại kết quả có lợi hay có hại.
Khối lượng lớn quần áo xuất khẩu đã kìm hãm ngành công nghiệp may mặc tại các nước nhập khẩu và gia tăng sự phụ thuộc vào các quốc gia khác. Tại Kenya, chi phí để mua một bộ quần áo cũ chỉ bằng 5% giá một bộ quần áo mới sản xuất. Có nghĩa là các ngành công nghiệp địa phương không thể cạnh tranh với dòng quần áo giá rẻ đã qua sử dụng.
Vào năm 2016, Cộng đồng Đông Phi (EAC) đã đồng ý lệnh cấm hoàn toàn đối với quần áo nhập khẩu đã có hiệu lực hoàn toàn vào năm 2019. Chính quyền Trump đã gây áp lực buộc các nhà lãnh đạo hủy bỏ lệnh cấm này. Một loạt các kết quả có thể xảy ra đã được thảo luận trong cuộc thảo luận kéo dài nhiều năm về lệnh cấm. Kenya cho biết họ sẽ không thể thực thi theo thời hạn của lệnh cấm, vì nước này thiếu khả năng đáp ứng nhu cầu nội địa về quần áo và nhu cầu xuất khẩu đối với hàng dệt may của mình. Các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương cần phát triển và mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu. Cách đây vào thập kỷ, ngành công nghiệp may mặc mới của Kenya đã từng có nửa triệu công nhân nhưng giờ chỉ còn hàng chục nghìn người.
Những người phản đối lệnh cấm cho rằng nó vi phạm các hiệp định thương mại quốc tế, làm giảm hàng trăm nghìn việc làm và làm thất thoát hàng triệu USD thu nhập cho người dân. Quần áo quyên góp trước đây đã được phát miễn phí ở Đông Phi nhưng sau đó, nó trở thành một mặt hàng để mua bán. Mặc dù, việc nhập khẩu quần áo cũ đã kìm hãm ngành dệt may trong nước nhưng đồng thời tạo ra kế sinh nhai trên thị trường quần áo thứ cấp. Trong tương lai, chính phủ Hoa Kỳ có thể làm việc với các quốc gia Đông Phi để hỗ trợ sự phát triển của các ngành dệt may địa phương trong khi giảm lượng hàng may mặc từ thị trường thứ cấp.
Cắt giảm, tái sử dụng và tái chế
Với gần 2/3 số quần áo bỏ đi được đưa vào cái bãi chôn lấp, có một điều rõ ràng là ngay từ đầu chúng ta đã sản xuất quá nhiều quần áo. Với ảnh hưởng của thời trang nhanh, giờ đây chúng ta nhận thấy quần áo được sản xuất chia thành 50 “mùa nhỏ” thay vì là 2 mùa như trước tập trung vào Xuân Hè hoặc Thu Đông.
Dưới đây là ba bước bạn có thể thực hiện đối với tủ đồ của mình để làm giảm tác động lên Trái đất:
– Giảm mua quần áo và nghĩ tới sự lãng phí lớn hơn đằng sau những bộ quần áo mà chúng ta mua. Mặc dù chúng ta có thể quyên góp quần áo và chúng ta biết quyên góp quần áo tốt hơn nhiều so với việc chôn lấp nó nhưng điều đó cũng không thể xóa bỏ tác động trên quần áo chúng ta mua và bỏ chúng đi.
– Khi mua quần áo, hãy chọn đồ cũ. Bạn có thể tìm thấy quần áo đã qua sử dụng được bán ở các cửa hàng giá rẻ ở địa phương hoặc trực tuyến.
– Đối với các mặt hàng mới, hãy tìm kiếm các sản phẩm có “nội dung tái chế” để đảm bảo chúng ta đang tạo ra nhu cầu về hàng dệt may có thể tái chế. Điều này dẫn đến nhiều động lực hơn cho các công ty để đóng vòng lặp và mang lại “cuộc sống mới” cho hàng dệt đã qua sử dụng.
Ngoài những thói quen cá nhân này, chúng ta có thể ủng hộ việc giảm thiểu lãng phí trong toàn bộ hệ thống thời trang như tổ chức các buổi trao đổi quần áo để xây dựng cộng đồng và phát triển ý thức về tầm quan trọng của việc giảm lãng phí. Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và email để liên hệ với các công ty quần áo và bày tỏ tầm quan trọng của việc thiết kế một vòng lặp tái chế, tái sử dụng cho một món đồ thay vì ném chúng vào bãi rác. Yêu cầu chính quyền địa phương cải thiện hệ thống thu gom tốt hơn đối với hàng dệt đã qua sử dụng để đảm bảo chúng được tái sử dụng hoặc tái chế. Tuyên truyền về tác hại và sự lãng phí gây ra bởi ngành công nghiệp thời trang nhanh không bền vững. Đối với tất cả chúng ta, những người sử dụng hàng dệt may, có nhiều cách để chúng ta có thể làm để mang lại sự tốt đẹp đến cộng đồng và Trái Đất.
Thực hiện: C.
Theo Greenamerica