Dior Cruise 2020 x Pathé’O: Tôn vinh nghệ thuật thủ công châu Phi

Ngày đăng: 02/05/19

Nhà tiên phong Pathé Ouédraogo hay còn được biết đến với thương hiệu Pathé’O, thông qua sự hợp tác nghệ thuật trong BST Dior Cruise 2020, đã nhắc người ta nhớ lại hình ảnh của cố tổng thống Nelson Mandela, về việc ông mặc sản phẩm cộp mác 100% Made in Africa, song song đó là sự vinh danh nghệ thuật thủ công của châu Phi trong ngành công nghiệp thời trang xa xỉ.

Dior Cruise 2020

Xuyên suốt 114 mẫu thiết kế trong BST mang mật mã Dior, như một đoạn đối thoại nghệ thuật đa ngữ. NTK Maria Grazia Chiuri mang di sản của Yves Saint Laurent như thiết kế jacket Marrakech 1960 trở lại với họa tiết kính vạn hoa trên nền tailor sử dụng chất ren quý gia toile de Jouy hay chiếc đầm ren trắng cầu kì tinh xảo. Chiếc áo khoác Bar jacket cũng được đính kết phức tạp, trang phục cưới của Wales Bonner chú trọng sâu về kỹ thuật may đo… đều khiến cho giới mộ điệu phải trầm trồ. Nhưng có một chi tiết khiến người ta chú ý nhiều hơn nữa, mẫu 68 được hợp tác với nghệ sĩ tiên phong đến từ châu Phi Pathé’O.

Mẫu 68 trong bộ sưu tập Dior Cruise 2020 tưởng nhớ cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela

Là một trong những thiết kế hàng đầu châu Phi, Pathé Ouédraogo – sở hữu Pathé’O – có tiếng nói đầy thuyết phục và mạnh mẽ trong ngành, dù rằng sản phẩm chủ đạo của ông là sơ mi. Kể từ khi ông ra mắt thương hiệu của riêng mình vào đầu những năm 90, những khách hàng của ông thường là những nhân vật hàng đầu, có thể kể đến tổng thống hay những tài năng nghệ thuật đương đại. Và giờ đây ông là nhà thiết kế cho mẫu 68 trong bộ sưu tập Dior Cruise 2020, được trình diễn bởi người mẫu Imari Karanja, chiếc áo họa tiết kết hợp bởi hai loại chất liệu, phối cùng chân váy xếp li, là một trong những điểm nhấn của BST.

NTK Pathé Ouédraogo

Sinh ra tại Burkina Faso và nguồn gốc từ Côte d’Ivoire, những thiết kế của Pathé vì vậy luôn được cộp mác Made in Africa. Đó là một cách thể hiện niềm kiêu hãnh của nhà thiết kế về cội nguồn của mình. Và đó cũng là điểm chung giữa ông và cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Vào giữa những năm 90, những chiếc áo sơ mi do ông thiết kế đã trở thành biểu tượng của châu Phi cũng như thể hiện được sự đa dạng của các nền văn hóa. Họ đã cùng với nhau, theo cách riêng của mình, thể hiện sức mạnh thực sự của châu Phi đến với thế giới.

Trong sự hợp tác lần này, NTK Maria đã mời ông sáng tạo một chiếc áo sơ mi đặc biệt để tưởng niệm lần làm việc của ông với cố tổng thống Nelson Mandela và nhắc nhở mọi người rằng Made in Africa luôn luôn tồn tại trong ngành thời trang xa xỉ.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ về sự hợp tác như vầy…” Pathé nói trong khi người mẫu đang trình diễn trên sân khấu trong show diễn tại El Badi Palace. “Sau khi được giới thiệu bởi Anna [Grosfilley, nhà nhân chủng học], Maria và đội ngũ của cô ấy đã đến mời đội ngũ thủ công tại Abidjan để thảo luận về sự hợp tác…” Đội ngũ Dior đã dành một buổi chiều để tham quan kho lưu trữ của ông, và Maria nhanh chóng vẽ nên phác thảo về hình ảnh Mandela mặc một trong những chiếc áo sơ mi biểu tượng của Pathe’O. “Ý tưởng đến một cách tự nhiên về một chiếc áo sơ mi trong bộ sưu tập dành để tưởng niệm Mandela” – ông cho biết thêm. “Chúng ta đã không biết gì hết chỉ trong một cú nhấp chuột.”

“Không cần biết sự khác biệt văn hóa bao xa, điểm chung có thể được tìm thấy, có lẽ thủ công và nghệ thuật sáng tạo trên bề mặt chất liệu là những công cụ tuyệt nhất để hợp nhất chúng ta” – Maria lý giải trong một cuộc phỏng vấn trước đây. Sau khi tìm thấy điểm chung, Pathé nhanh chóng bắt tay vào quy trình in ấn và thử màu, hợp tác chặt chẽ với Uniwax để tìm ra bản in cuối cùng.

“Không cần biết sự khác biệt văn hóa bao xa, điểm chung có thể được tìm thấy, có lẽ thủ công và nghệ thuật sáng tạo trên bề mặt chất liệu là những công cụ tuyệt nhất để hợp nhất chúng ta.”

“Bản in sáp ong phản ánh được hành vi xã hội” Pathé lý giải. Khắp châu Phi, họa tiết in sáp ong được sử dụng như một công cụ giao tiếp không lời và người ta thường hiểu được, nó được dùng bởi phụ nữ để giao tiếp với phụ nữ và những họa tiết tương tự cũng mang nghĩa khác biệt trong những nền văn hóa khác nhau.

NTK Pathé Ouédraogo x NTK Maria Grazia Chiuri

Vậy những gì Pathé hi vọng mọi người nhận thấy trong những họa tiết của ông? “Chúng tôi muốn nhắc mọi người rằng, ông Nelson Mandela là tổng thống châu Phi đầu tiên mặc sản phẩm 100% Made in Africa và cũng chính là người đã quảng bá lục địa này khắp toàn cầu”, ông cho biết. “Bằng việc mặc những thiết kế thủ công châu Phi, ông cho mọi người nhận thấy nghệ thuật thủ công của chúng tôi và khôi phục lại niềm kiêu hãnh ấy. Sau cùng, đó là một lời nhắc nhở, chúng ta có quyền và nên tự hào về nghệ thuật thủ công của châu Phi, những gì được làm 100% Made in Africa cũng có chỗ đứng trong ngành xa xỉ”.

Dior Cruise 2020

Như tổng thống Mandela từng làm khi diện thiết kế của Pathé’O để quảng bá cho tính nghệ thuật của lục địa mình vào những năm 90 và 2000, Dior ngày nay đã làm điều tương tự. Show trình diễn vào năm tới tại thủ đô văn hóa của châu Phi, thời điểm diễn ra thật hoàn hảo. Khi mà sự chú ý dành cho nghệ thuật thủ công trên toàn cầu, đối với chất lượng và tính sáng tạo trong ngành thời trang ngày càng mở rộng, bắt đầu tạo nên thế hệ sáng tạo tiếp theo trong tương lai, thì những đôi mắt nhìn về châu Phi mở ra nhiều triển vọng.

Thực hiện: Khôi

Theo i-D