Đồ bơi bền vững: Tấm vé đưa bạn về gần hơn với môi trường thiên nhiên
Ngày đăng: 27/05/21
Có bao giờ bạn tự hỏi, những bộ đồ bơi quyến rũ – “đặc sản” trên những bãi biển được làm từ chất liệu gì không? Câu trả lời có thể sẽ làm bạn bất ngờ: Nylon – kẻ thù số một của đại dương.
Không muốn đi vào lối mòn sản xuất đồ bơi bằng Nylon của những thương hiệu đi trước, các thương hiệu đồ tắm mới nổi gần đây đang cố gắng đổi mới và cho ra đời những mẫu đồ bơi bền vững thân thiện với môi trường. Sử dụng lưới đánh cá cũ và thậm chí là rác thải đại dương, các thương hiệu này đang gây bão trên mạng xã hội bởi những thay đổi nhỏ trong chất liệu sản xuất nhưng đã đem lại nhiều điều tích cực cho môi trường và trải nghiệm của người dùng.
Tránh sử dụng nhựa nguyên sinh
Hơn 8,3 tỷ tấn nhựa nguyên sinh phủ khắp toàn cầu là một hồi chuông cảnh báo cho việc cần phải hạn chế sản xuất đồ bơi từ Nylon và Polyester. Vì vậy, nguyên liệu tái chế đang ngày càng được các thương hiệu để mắt đến, điển hình như Econyl – một loại vải được làm từ phế thải đại dương. Natalie Glaze – đồng sáng lập của thương hiệu đồ bơi Stay Wild chia sẻ: “Còn rất nhiều rác thải nhựa trôi nổi ngoài kia và thật tuyệt khi chúng ta có thể tận dụng chúng”.
Chọn sợi tự nhiên
Vì nylon tái chế vẫn có khả năng thải ra vi nhựa khi giặt, một số thương hiệu đã chuyển sang sử dụng vải dệt tự nhiên. Natasha Tonic, người sở hữu một nhãn hiệu mang tên mình tại LA chia sẻ: “Vải hemp (vải dệt từ sợi cây gai dầu) là một sự lựa chọn tuyệt vì nó là sợi tự nhiên và mang lại cảm giác dễ chịu trên cơ thể. Bên cạnh đó, trồng cây gai dầu cũng góp phần giảm thiểu tình trạng xói mòn đất và tốn ít nước hơn sợi bông (cotton).”
Cùng lúc đó, SLO Active – một thương hiệu với các sản phẩm dành cho môn thể thao dưới nước đã sử dụng Yulex – một loại cao su tự nhiên thay thế cho Neoprene (nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ). “Thương hiệu Patagonia đã phát triển Yulex và ứng dụng những đặc tính của chúng để sản xuất đồ lặn.” Người sáng lập thương hiệu này cho biết thêm, những cây cao su (hevea) này đạt chứng nhận Forest Stewardship Certified (FSC) đảm bảo tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng các giá trị bảo vệ môi trường và lợi ích xã hội. “Càng tìm hiểu, tôi càng khẳng định đây là sự lựa chọn mang tính bền vững nhất.”
Sử dụng thuốc nhuộm ít tác hại đến môi trường
Hãy ủng hộ những thương hiệu nói không với kim loại nặng và sản phẩm được Oeko-Tex Standard 100 chứng nhận không sử dụng các hóa chất độc hại. “Hãy tìm ra loại thuốc nhuộm đáng được sử dụng” – Tonic khuyên. “Chúng tôi sử dụng thuốc nhuộm thân thiện với môi trường và đồ bơi của chúng tôi được nhuộm bằng công nghệ garment-dyed (nhuộm quần áo sau khi được cắt may) ở Los Angeles để tiết kiệm nước trong quá trình nhuộm. Như vậy sẽ giúp tránh tình trạng lãng phí những khúc vải đã nhuộm xong nhưng không còn nhu cầu sản xuất.”
Đầu tư cho một bộ đồ bơi có thể sử dụng lâu bền
Từ bỏ thói quen mua đồ bơi theo “trend” – những bộ chỉ mặc một lần vào mùa hè rồi bỏ đi là việc đầu tiên nên làm nếu bạn muốn giảm tác hại lên môi trường. Điều đó đồng nghĩa với việc nên tìm kiếm và đầu tư cho những bộ đồ có vòng đời lâu dài, đảm bảo chất lượng qua thời gian và tránh tình trạng bị giãn. Glaze, người điều hành thương hiệu Stay Wild Swim cho biết: “Chúng tôi không thiết kế sản phẩm theo mùa”. “Kim chỉ nam của chúng tôi là một món đồ vừa vặn và bền lâu, trái ngược với môi hình thời trang nhanh truyền thống”.
Hãy giặt tay nếu có thể
Để đồ bơi luôn bền và đẹp, chúng cần phải được bảo quản đúng cách. Các chuyên gia khuyên rằng nên giặt đồ bơi bằng tay và tránh phơi dưới ánh nắng trực tiếp để hạn chế việc phai màu sản phẩm. Glaze nói: “Chúng tôi luôn khuyến khích việc giặt tay, bởi vì quy trình mạnh mẽ trong lồng giặt sẽ giải phóng ra vi nhựa”. Tuy nhiên, nếu bạn định giặt đồ bơi bằng máy, đừng quên sử dụng túi giặt hoặc bộ lọc vi nhựa để ngăn các hạt có hại xâm nhập vào đường nước của chúng ta.
Tham gia các chương trình tái chế
Đừng vội bỏ đi nếu đồ bơi của bạn không còn sử dụng được nữa. SLO Active có một chương trình tái chế nơi bạn có thể gửi lại chúng nếu không còn nhu cầu sử dụng. Wilkins giải thích thêm: “Khi nhận đồ bơi đã qua sử dụng của khách hàng, chúng tôi có thể sửa lại chúng hoặc sẽ tái chế thành các bộ sưu tập mới trong tương lai.
Ủng hộ những thương hiệu mang lại giá trị tích cực
Hiện nay, có một vài thương hiệu đồ bơi cam kết rằng họ sẽ hướng đến những giá trị tích cực cho xã hội và môi trường thông qua những hoạt động từ thiện. Wilkins, người sáng lập SLO Active cho biết: “Đối với mỗi sản phẩm được bán ra, dựa trên lựa chọn của khách hàng, chúng tôi sẽ trích một phần để quyên góp cho các quỹ hoạt động vì đại dương. Chúng tôi đóng góp ít nhất 3% doanh thu mỗi năm cho dự án này. “Tính bền vững chỉ có khi ta nhìn thẳng và tìm hiểu xem môi trường cần những gì, và chịu hành động vì nó.”
Dưới đây là những thương hiệu đồ bơi với lý tưởng phát triển bền vững cho mùa hè này.
1. Ayla
Tham khảo tại Aylaswim.com
2. Hunza G
Tham khảo thêm tại Hunzag.com.
3. Away That Day
Tham khảo thêm tại Awaythatday.com.
4. Stay Wild
Tham khảo thêm tại Staywildswim.com.
5. Fisch
Tham khảo thêm tại Fisch.com.
6. Baserange
Tham khảo thêm tại Baserange.net.
7. Ohoy
Tham khảo thêm tại Ohoyswim.com.
8. Medina
Tham khảo thêm tại Medinaswimwear.com.
9. Peony
Tham khảo thêm tại Brownsfashion.com.
10. Prism
Tham khảo thêm tại Prismlondon.com.
11. ACK
Tham khảo thêm tại Ackswimwear.com.
12. Oceanus
Tham khảo thêm tại Oceanusswimwear.com.
Thực hiện: Diana Nguyễn
Theo Vogue Anh