Đối thoại cùng người trẻ LGBT+- Một thế hệ cởi mở, đầy bản lĩnh và yêu thời trang secondhand

Ngày đăng: 21/06/22

Dịp Pride Month, 9 người trẻ GEN- Z thuộc cộng đồng LGBT+ yêu thời trang đã chia sẻ cùng Rose về bản dạng giới, hành trình khám phá bản thân, tình yêu dành cho nghệ thuật, và lý do họ lại mặc thời trang secondhand. 

Tháng Sáu là tháng tôn vinh cộng đồng LGBT+ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Pride Month vẫn chưa phải là một hoạt động quá rầm rộ và được tôn vinh quá mức như ở nhiều quốc gia phát triển khác, nhưng không phải vì thế mà cộng đồng LGBT+ không cảm thấy tự hào và có những hoạt động đa dạng để tôn vinh cộng đồng của mình.

Rose, đại diện cho Style-republik, chắc chắn là một đồng minh ủng hộ nhiệt thành của cộng đồng LGBT+ và luôn cảm thấy trân quý những nỗ lực, cống hiến bỏ ra của các bạn cho ngành thời trang và văn hóa người trẻ tại Việt Nam. Chính bởi lẽ đó, Rose đã dành thời gian để gặp gỡ, đối thoại cùng những bạn trẻ yêu thời trang thuộc cộng đồng LGBT+ và lắng nghe những câu chuyện thú vị của họ.

Tiên (@_20.tinkkk) và Nghi (@dophnghi), sinh viên/ tiểu thương đá năng lượng và đồ secondhand

Tiên và Nghi đều sinh năm 2003, và là một cặp đôi đã bên nhau hai năm. Tiên là non-binary (pronoun: he/him), trong khi Nghi là lesbian.

Đối thoại cùng người trẻ LGBT- Một thế hệ cởi mở, đầy bản lĩnh, yêu đồ si
Tiên (bên trái), Nghi (bên phải) (Ảnh: Tuna/Piktina)

Em chưa come out với gia đình. Em gái em đôi lúc còn hỏi mẹ em là con trai hay con gái. Mẹ em thì còn nói rằng cái giai đoạn này của con gái chỉ là nhất thời thôi và hy vọng rằng sau này em sẽ cưới chồng. Em thì biết em đã là như vậy (thuộc LGBT+) từ khi còn học lớp 12. Lúc đầu em nghĩ mình là trans cơ, nhưng giờ thì em tự tin rằng mình là non-binary”, Tiên chia sẻ.

Trước đây, Tiên rất nổi tiếng trong trường, và được xem là một “hot girl” và thường xuyên hẹn hò cùng các chàng trai cộm cán trong trường. Tuy vậy, Tiên không hề cảm thấy thực sự có cảm xúc với các bạn trai đó. Từng “hun hít”, từng nắm tay, Tiên cảm thấy không động lòng cho đến khi quen người bạn gái đầu tiên và cũng là hiện tại của mình là Nghi. Trong khi đó, Nghi thì chia sẻ rằng bản thân ngay từ bé đã biết mình không có cảm xúc với con trai, mà sớm nhận diện được mình là một lesbian.

(Ảnh: Tuna/Piktina)

Khi Tiên công khai hẹn hò Nghi, bạn bè cũ hết mực dèm pha và nói rằng Tiên giả “bê đê” để lấy “tiếng”. Tiên, bởi vì thế, mà hạn chế chia sẻ hay trở nên kín tiếng hơn trong cuộc sống. Pride Month chính là một dịp phù hợp nhất để cả hai cởi mở chia sẻ về bản thân.

Vượt qua những định kiến và dèm pha trong cuộc sống. Tiên giờ đây tập trung vào việc học và kinh doanh đá năng lượng (healing crystal). Cá nhân Tiên mê đắm vẻ đẹp của những viên đá năng lượng và chia sẻ sở thích này tới những người xung quanh. Cũng tương tự là sở thích mê thời trang secondhand của cô. Quê Tiên ở Buôn Ma Thuột, một vựa quần áo đồ si cực rẻ. Xuất hiện ở buổi gặp gỡ, Tiên nói rằng quần áo mặc trên người của mình chỉ nằm trong ngân sách 100 nghìn đồng.

(Ảnh: Tuna/Piktina)

Em thích mặc đồ secondhand, vừa tiết kiệm, vừa độc lạ, mà nó cũng là cơ hội để kinh doanh nữa. Bạn bè thân thiết xung quanh em ai cũng mặc đồ si. Mỗi lần về quê là em mua theo đơn đặt hàng của chúng bạn, từ đó mới nảy ra ý tưởng kinh doanh quần áo cũ”. Tiên nói về sở thích tiêu dùng đồ cũ của mình.

Tiên nói rằng là non-binary, thời trang là công cụ để thể hiện tính giới của bản thân rất hiệu quả. Nhiều khi đi mua đồ mới thì lại gặp phải tình trạng quần áo không phù hợp với sở thích của bản thân, hoặc quá rộng nếu là đồ nam. Chính vì thế mà thời trang secondhand là một sự lựa chọn có chủ đích của Tiên ngay từ đầu.

Phúc (@iamfhuc), sinh viên thời trang

Phúc sinh năm 2000, đang là sinh viên thời trang tại trường Đại học Hoa Sen. Sớm nhận diện mình là đồng tính nam, thời trang dường như là một ngành nghề phù hợp đối với Phúc và điều này đã được nhận thức rõ bởi Phúc ngay từ khi còn đang học cấp 3. Cá nhân Phúc tự nhận mình thuộc tuýp người khép kín, hướng nội và trầm tĩnh, điều này khiến cho cộng đồng LGBT+ xung quanh Phúc không quá nhiều, nhưng lại lấy chất lượng bù cho số lượng.

Phúc diện trang phục của Piktina (Ảnh: Tuna/Piktina)

Em chưa come out với gia đình, nhưng chắc ba mẹ em biết. Em cảm thấy tự tin với giới tính, con người mình và Pride Month là một thời điểm phù hợp để em kết nối với nội tại, giới tính và con người của mình nhiều hơn”.

Phúc hiện tại đang làm kỹ thuật sản phẩm tại thương hiệu Etu Handkraft – một thương hiệu phụ kiện thời trang thủ công phát triển theo tuyến tính bền vững. Trong vai trò là một người thiết kế chính cho một thương hiệu phụ kiện thời trang bền vững, Phúc cũng đem tư duy và hành vi ủng hộ thời trang bền vững hay secondhand vào cuộc sống thường nhật.

Phúc mang túi thân thiện môi trường của Etu Handkraft. (Ảnh: Tuna/Piktina)

“Em hay mua đồ si ở chợ Hoàng Hoa Thám, mà gu của em mặc đồ si là không dễ để người khác nhận thấy rõ là mình mặc đồ si, tại em tuyển lựa đồ kỹ lắm. Em thích phong cách smart casual, nên để phối cho ra thì đồ nhìn cũng phải nhìn lạ mắt một chút, mà những món như vậy đi tìm đồ cũ mới có”, Phúc nói về gu đồ si của mình.

Trung (@ytrung_), sinh viên trường ĐH Kinh tế (chuyên ngành kinh doanh quốc tế)

Trung sinh năm 2001, là đồng tính nam và đã có một quá trình dài để khám phá ra bản dạng giới của bản thân. Khi còn học cấp hai, Trung vẫn cảm thấy mình bị thu hút bởi phái nữ. Nhưng đến khi lên cấp ba, Trung lại cảm thấy mình phát triển cảm xúc với nam giới, cũng mạnh mẽ như là đối với nữ. Khi đó Trung nghĩ rằng mình là lưỡng tính. Cho đến khi Trung hẹn hò với nam giới lần đầu tiên vào mùa hè năm lớp 11, Trung đã thực sự nhận diện ra rằng mình là một người đồng tính nam.

“Ngày trước em cứ nghĩ mình là bisexual, nhưng giờ thì chắc chắn mình là gay rồi. Em sống chung với một đại gia đình bốn thế hệ. Nhà em cũng không biết em là gay, vì em kín lắm, mà em cũng chẳng muốn come out làm gì, tại nhà em không cởi mở lắm. Em chỉ mong sớm ra trường, có việc làm ổn định, tự chủ tài chính để dọn ra ở riêng thôi”, Trung chia sẻ.

Đối thoại cùng người trẻ LGBT- Một thế hệ cởi mở, đầy bản lĩnh, yêu đồ si
(Ảnh: Tuna/Piktina)

Muốn tự lập nên Trung đã sớm đi làm nhân viên bán quần áo cho các shop thời trang để kiếm thêm thu nhập kể từ khi trở thành sinh viên Đại học. Kể từ đó mà Trung tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm liên đới đến thời trang, cũng như cảm thấy bản thân trở nên yêu thích ngành công nghiệp này hơn.

Cá nhân Trung sở hữu một gu thời trang đặc trưng, khi theo đuổi theo phong cách punk, grunge nhưng có chừng mực. Còn thời trang hàng ngày, Trung chuộng phong cách trẻ trung, năng động, nhưng vẫn có điểm nhấn ở phụ kiện hay chi tiết thiết kế của áo quần. Những món đồ Trung mặc đa phần là đồ secondhand, bởi là sinh viên, kinh tế không dư dả nhưng vẫn muốn trở nên nổi bật thì đồ cũ vẫn là giải pháp hợp lý nhất.

Phong cách thời trang đồ secondhand đậm nét cá nhân của Trung. (Ảnh: Tuna/Piktina)

“Cá nhân em trước đây hay đi mua đồ si cùng bạn bè, ở cả Sài Gòn lẫn Đà Lạt. Nhưng giờ đây em chuộng mua sắm đồ si trên Piktina – một ứng dụng mua bán thời trang secondhand. Em cũng có ký gửi để bán đồ cũ của mình trên nền tảng này”, Trung chia sẻ.

Nathan (@nathanmcollis), Ngọc (@theveryngoc), Châu (@chaulichi)

Nathan, Ngọc và Châu là ba người bạn có nhiều hoạt động nghệ thuật trong cộng đồng của mình. Cả ba cũng là những nhân tố thường xuyên tích cực tham gia vào các hoạt động nghệ thuật văn hóa đa dạng hay tôn vinh cộng đồng LGBT+ tại Sài Gòn.

Đối thoại cùng người trẻ LGBT- Một thế hệ cởi mở, đầy bản lĩnh, yêu đồ si
Nathan (ở giữa đằng sau), Ngọc (bên trái đằng trước), Châu (bên phải). (Ảnh: Rose/Piktina)

Nathan Collis, thiết kế đồ họa/ nghệ sĩ đương đại (điêu khắc và hình ảnh)

Nathan sinh năm 1996, đến từ Melbourne (Úc), đã có hơn ba năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Nathan tự nhận mình là một non-binary có lối sống cách biệt công nghệ, hướng nội và đam mê nghệ thuật.

“Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi đến Việt Nam và được đón nhận bởi cộng đồng LGBT tại đây, cho dù tôi không nói được tiếng Việt. Nhất là những người thuộc giới tính queer và nonbinary giống như tôi. Họ thực sự khiến tôi cảm kích”.

Đối thoại cùng người trẻ LGBT- Một thế hệ cởi mở, đầy bản lĩnh, yêu đồ si
(Ảnh: Rose/Piktina)

Nathan nói rằng phong cách thời trang của anh nói lên rất nhiều về con người của mình. Là một người làm nghệ thuật, lẫn là một non-binary, dụng ý về sự lựa chọn trang phục sẽ luôn là thứ tạo nên ấn tượng ban đầu khi Nathan gặp gỡ một ai đó. Đối với Nathan, phong cách mà anh thích là grunge và hobo.

Nathan chỉ mặc đồ si. Hành vi này có ngay từ khi Nathan còn trẻ, bởi chi phí mua quần áo mới tại Úc là vô cùng đắt đỏ. May mắn thay, khi đến Việt Nam, anh nhận diện được rằng việc mặc đồ secondhand tại đây cũng không phải quá xa lạ, và chi phí thậm chí còn rẻ hơn. Đáng buồn là người Việt vẫn sính chuộng đồ mới của các thương hiệu thời trang nhanh, nhưng anh tin rằng đồ si có giá trị của riêng nó, và rất đáng để ủng hộ.

“Ở Úc, tiêu dùng đồ si là một hành vi được ủng hộ. Depop là nền tảng mua bán quần áo cũ phổ biến nhất tại đó. Khi tới Việt Nam, tôi rất tận hưởng cảm giác đi mua đồ si bởi vì hàng hóa rất đa dạng, và tôi có cơ hội được khám phá Sài Gòn nhiều hơn”.

Nathan mặc trang phục của Piktina. (Ảnh: Rose/Piktina)

Ngọc, người mẫu/ thực nghiệm trình diễn đương đại

Trong giới hoạt động nghệ thuật và thời trang của cộng đồng LBGT+ thì Ngọc không phải là một cái tên quá xa lạ. Ngọc sinh năm 1997, sinh trưởng tại Sài Gòn. Sự “kỳ quặc” và tính giới của Ngọc luôn được cậu tự hào bộc lộ nó ra bên ngoài, trở thành một phần bản sắc riêng, hài hòa, đồng nhất, tự nhiên nhất – đến mức Ngọc không thật sự muốn dán nhãn cho bản thân khi nói về bản dạng giới.

“Em không muốn định dạng mình là gì cụ thể cả. Em có thể là gay hay queer, vì em chỉ hẹn hò với người đồng giới. Nhưng em sống hài hòa, trọn vẹn với giới tính của mình. Em tin rằng giới tính của mình là tự nhiên, và chưa từng ngờ hoặc tính giới của mình xuyên suốt quá trình phát triển của bản thân”.

Đối thoại cùng người trẻ LGBT- Một thế hệ cởi mở, đầy bản lĩnh, yêu đồ si
Ngọc hiện là một người mẫu kiêm nghệ sĩ thực nghiệm nghệ thuật biểu diễn đương đại. (Ảnh: Rose/Piktina)

Ngọc từng bị hiểu nhầm về tính giới của bản thân bởi chính những người trong cộng đồng của mình. Vì Ngọc thích mặc đầm, đánh son nên cậu thường bị hiểu nhầm là người chuyển giới. Nhưng Ngọc cho rằng nhãn dán không có ý nghĩa gì nhiều với bản thân cậu.

“Em tự hào khi được sống là chính mình. Nhiều người bạn bè xung quanh bày tỏ ngưỡng mộ vì em dám tự tin sống và bộc lộ bản thân theo cách tự nhiên, và thật với chính bản thân. Đây là điều khiến em cảm thấy cuộc sống của mình thật may mắn”.

Ngọc luôn tự tin với phong cách thời trang mang đậm nét cá nhân, và bộc lộ được tính giới của mình. (Ảnh: Rose/Piktina)

Ngọc cũng mặc đồ si rất nhiều. Ngọc từng mua, mặc và kinh doanh đồ si ngay từ còn học cấp ba. Cho đến hiện tại, tủ đồ của Ngọc vẫn là đồ si. Sự tự tin và phong cách cá nhân được định hình rõ nét khiến cho Ngọc rất dạn dĩ khi phối trang phục cũ, từ đó cũng giúp nâng tầm giá trị của đồ secondhand.

Châu, nghệ sĩ đương đại (hình ảnh nghệ thuật thị giác)

Châu, tuy không chia sẻ quá nhiều về giới tính của bản thân, nhưng lại cởi mở để chia sẻ nhiều hơn về đam mê với thời trang, nghệ thuật, và đồ secondhand.

Châu sinh năm 2002, chỉ mới 20 tuổi, là lesbian, và từng có thời gian học ngành thiết kế thời trang. Thích thời trang nhưng có lộ trình phát triển riêng, Châu theo đuổi việc thực hành nghệ thuật thị giác từ sớm và tạm gác việc học thời trang. Châu chia sẻ rằng tuy cô ngừng việc học thiết kế, nhưng tư duy sáng tạo và khiếu thị thời trang của Châu vẫn rất giàu có. Điều này được thể hiện qua phong cách ăn mặc đáng chú ý của Châu. Đáng nể hơn là phần lớn trang phục của Châu đều là đồ secondhand, hoặc được chế tác lại từ đồ cũ.

Châu là một cô gái nhẹ nhàng, trầm lắng đôi lúc, nhưng lại hết mực dạn dĩ trước ống kính máy ảnh. (Ảnh: Rose/Piktina)

“Quê em ở Huế, có hai chợ đầu mối đồ secondhand rất lớn. Từ nhỏ em đã mặc đồ secondhand nên quen rồi. Ở Huế, quần áo secondhand rẻ mà phổ biến lắm. Mặc đồ secondhand vừa tiết kiệm chi phí, vừa có những món đồ lạ lạ để phối mà không dễ đụng hàng với ai”, Châu chia sẻ.

Châu có cách biến tấu trang phục rất vui mắt. Chẳng hạn như cái túi đeo vai được bọc giấy xốp gói hàng và dây treo túi là bóng đèn dây điện được Châu tái chế một cách tài tình. Hay là cách Châu cắt xẻ và xếp lớp cho trang phục có chủ đích, để khiến cho trang phục xuyệt tông trắng đỡ nhàm chán.

Châu trong trang phục do tự mình chế tác từ đồ cũ của bản thân. (Ảnh: Rose/Piktina)

Một cá thể sáng tạo như Châu, chắc chắn, sẽ tạo thêm nhiều cảm hứng để hành vi tiêu dùng thời trang secondhand trở nên phổ biến hơn trong giới trẻ.

Anh Duy (@hellbebi), Hoài Nghĩa (@shyb0rg19)

Anh Duy và Hoài Nghĩa ở cùng một hội bạn chơi rất thân với nhau. Cả hai đều còn trẻ nhưng đã tự mình trang bị những kiến thức đa chiều về bản dạng giới, cũng như sở hữu phong cách thời trang lạ mắt, mang đậm nét văn hóa của Nhật Bản. Cả Duy và Nghĩa đều tự định danh mình là non-binary trans fem.

Transfeminine là những người sinh ra là nam giới nhưng lại có danh tính nữ nhiều hơn. Tuy vậy, những người thuộc Non-binary trans fem sẽ vẫn cho rằng mình không hoàn toàn là nam hay là nữ, và pronoun của họ sẽ là they/them hoặc she/her (trong trường hợp người đối diện bị hoang mang về tính giới của họ).

Anh Duy, sinh viên thiết kế đồ họa

Anh Duy sinh năm 2003, là người chuyển giới không hoàn toàn, đã tiến hành sử dụng hormone kể từ năm ngoái. Ở độ tuổi còn rất trẻ, nhưng Duy có cái nhìn rất sâu sắc về giới tính của bản thân, do Duy rất chăm đọc và tìm hiểu kỹ lưỡng những vấn đề liên quan đến giới tính và cộng đồng LGBT. Đối với Duy, thấu hiểu chính bản thân mình là một điều cần thiết bởi ngay từ nhỏ Duy đã không cảm thấy mình hoàn toàn là nam.

“Những người xung quanh em thường mơ hồ về giới tính của em, nên em đôi khi phải giải thích khá nhiều. Nhưng chí ít em cảm nhận thấy được sự quan tâm của họ. Em may mắn là bạn bè và những người xung quanh em đều ủng hộ con người em sống thật với giới tính của mình. Mẹ em chưa hiểu hết về con người em, nhưng có thể trong tương lai điều này sẽ thay đổi”, Duy chia sẻ.


(Ảnh: Rose/Piktina)

Đối với Duy, quần áo cũng như giới tính, đều chỉ được phân định giới tính bởi con người. Duy tin rằng quần áo cũng như con người, đều chẳng cần phân định giới tính rõ ràng, bởi điều đó chẳng để làm gì cả, bởi sự đa dạng về tính giới đã dần xóa đi ranh giới đó. Cá nhân Duy bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Nhật Bản và rất thích phong cách thời trang mang đậm nét văn hóa anime, manga khởi nguồn từ quốc gia này. Duy thích tìm mua và sưu tầm trang phục cũ cũng chỉ để phục vụ cho phong cách thời trang cá nhân. Bên cạnh đó, Duy cũng rất thích phong cách punk, grunge phá cách, nổi loạn.

“Món đồ si quý nhất mà em sưu tập được là chiếc vòng cổ của Vivienne Westwood. Em mất rất nhiều công theo dõi và sàng lọc các shop bán đồ si online chỉ để tranh mua được những món đồ vintage có giá trị và hiếm có như vậy. Đối với em, cảm giác săn lùng được những món đồ vậy thật là vô giá”, Duy chia sẻ về tình yêu dành cho việc săn lùng thời trang vintage.

Duy Anh yêu thích hai phong cách thời trang đối lập: phong cách grunge/punk nổi loạn, phá cách và dễ thương đi theo phong cách truyện tranh/anime Nhật Bản. (Ảnh: Rose/Piktina)

Hoài Nghĩa, sinh viên ngôn ngữ Anh

Nghĩa sinh năm 2003, là bạn thân của Duy Anh, nhưng hành trình của Nghĩa (pronoun là Kiki hoặc she/her hay they/them) có nhiều sự khác biệt. Trong quá trình sinh trưởng, Nghĩa từng xem mình là đồng tính nam, nhưng dần dần tự mình phát hiện và kết nối với khía cạnh nữ tính của mình và giờ đây định danh mình là non-binary trans fem.

“Ngày trước còn học cấp ba, cũng không rõ ràng lắm về tính giới của mình. Lúc đó em nghĩ mình là đồng tính nam, vì chỉ có cảm xúc với các bạn nam. Nhưng sau khi tốt nghiệp, em tự mình cập nhật thêm hơn nhiều kiến thức giới tính hơn, thì tự nhận thấy rằng mình không thiên về một giới tính nam hay nữ rạch ròi, nhưng về mặt cảm xúc và nội tại, em tự nhận thấy mình rất nữ tính”, Nghĩa chia sẻ.

Người trẻ LGBT+- Một thế hệ cởi mở, đầy bản lĩnh, yêu thời trang secondhand
(Ảnh: Rose/Piktina)

Nghĩa cũng đang tìm hiểu thêm về phương thức sử dụng hormone nữ để trở nên nữ tính hơn. Cả Nghĩa và Duy Anh đều tự giúp đỡ nhau để trau dồi thêm nhiều kiến thức về giới tính hữu ích. Cả hai chịu khó tham khảo ý kiến từ nhiều kênh thông tin xác thực, hay của những người đi trước để có được góc nhìn nhiều chiều, thực tế. Cộng đồng của những người chuyển giới tuy nhỏ, nhưng cởi mở, chia sẻ và gắn bó, hỗ trợ nhau rất thiết thực.

Nói về gu thời trang của mình, Nghĩa chia sẻ rằng bản thân rất thích phong cách thời trang đường phố của Nhật Bản, và thích cyborg (sinh vật cơ khí hóa) như một dạng cảm hứng trong cách ăn mặc và cảm thụ nghệ thuật của bản thân. Nghĩa thích tự may phụ kiện hay tái chế trang phục cũ thông qua việc chế tác chúng.

Đối thoại cùng người trẻ LGBT- Một thế hệ cởi mở, đầy bản lĩnh, yêu đồ si
Phong cách yêu thích của Nghĩa là streetwear Nhật Bản, và Y2K. (Ảnh: Rose/Piktina)

“Em mặc đồ si từ thời cấp ba, và em định sau này sẽ kinh doanh đồ si luôn. Em nghĩ rằng đồ si rất tốt cho kinh tế, môi trường và tương lai. Nó thiết thực và giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực của ngành thời trang. Ủng hộ thời trang secondhand chính là hành vi thân thiện với môi trường, và rất đáng để ủng hộ”.

Thực hiện: Fellini Rose

Sản xuất hình ảnh: Piktina