Dù khoảng cách giữa giàu và nghèo ngày càng lớn, thị trường xa xỉ vẫn sẽ luôn phát triển mạnh mẽ

Ngày đăng: 27/03/23

Và chính những thương hiệu tầm trung sẽ phải trả giá cho cuộc khủng hoảng giai cấp này.

Với việc khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu và rộng hơn, người ta cho rằng ngành công nghiệp xa xỉ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi rất nhiều vấn đề đang đè nặng lên nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, đây không phải là một mối lo: Doanh thu của Tập đoàn Kering đã tăng 15% lên 20 tỷ vào năm 2022, của LVMH là 23%, lên 79 tỷ, thậm chí Prada Group tăng 21%, lên 4,2 tỷ trong khi của Chanel tăng 22,9%, lên 15,6 tỷ USD.

Dòng người xếp hàng dài để được bước vào cửa hàng Prada

Và cũng thật kỳ lạ khi những điều này xảy ra trong khi giá cả của bất kỳ loại hàng hóa nào, đã tăng đáng kể trong năm qua. Thời trang nhanh cũng đang tăng trưởng mạnh: Lợi nhuận của Zara đã tăng lên 23 tỷ mặc dù giá sản phẩm tăng, điều tương tự cũng xảy ra với H&M, với báo cáo doanh thu hơn 19 tỷ mặc dù tăng trưởng chậm hơn nhiều, trong khi các thương hiệu như Shein, Temu và Primark đang khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nếu các thương hiệu ở trên cao nhất và ở dưới cùng của tháp thời trang đang phát triển mạnh, thì chính các thương hiệu tầm trung hiện đang phải gánh chịu tất cả.

Sự thay đổi trong doanh thu này ảnh hưởng đến các công ty như Gap Inc., Kohl’s, Abercrombie & Fitch, Nordstrom và Macy’s, nhưng các nhà bán lẻ như Zalando và SSENSE cũng đang gặp vấn đề. Vans dự kiến ​​sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn trong năm nay. Guess cũng đã phải duy trì “một cách tiếp cận thận trọng” cho dự báo tài chính của mình, xét đến mức tăng trưởng kém cỏi trong năm qua mà CEO của hãng cho là do “sự gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng, tình trạng thiếu thốn các sản phẩm sáng tạo và chi phí tăng chóng mặt”, cộng với bầu không khí chùng xuống của khách hàng do lạm phát đè nặng. Điều đó đã gây áp lực lớn lên tất cả các thành phần cấu trúc của thương hiệu.

Trong báo cáo “Tình hình thời trang năm 2023” của McKinsey cũng có nội dung: “Chúng tôi dự đoán rằng lĩnh vực hàng xa xỉ sẽ tăng trưởng vượt trội so với phần còn lại của ngành, khi những người giàu có tiếp tục mua sắm và chi tiêu, đồng thời do đó được cách ly nhiều hơn khỏi tác động của siêu lạm phát”. Cũng theo McKinsey, hàng xa xỉ sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 5 đến 10% trong năm nay, nhưng ngoài thị trường này, ngành thời trang “sẽ phải vật lộn để mang lại mức tăng trưởng đáng kể”.

Và cụ thể, thị trường thời trang châu Âu sẽ bị thu hẹp, với mức giảm từ 1 đến 4% trong khi “Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ có kết quả tốt hơn, tăng trưởng lần lượt từ 2 đến 7% và từ 1 đến 6%”. Trên tờ Le Monde của Pháp, người ta đã nói về một cuộc khủng hoảng bán lẻ: các thế hệ tiêu dùng mới đang có xu hướng mua hàng trực tuyến, thường là đồ cũ và các thương hiệu nội địa đang đối mặt với sự suy giảm doanh số, trong khi ở Ý, theo Corriere, có tới 59,7% người Ý sẽ giảm mức chi tiêu cho quần áo.

Theo Vogue Business, sau đó, các cửa hàng bán lẻ đa thương hiệu độc lập đang gặp khó khăn ở Anh, với trung bình 47 cửa hàng đóng cửa mỗi ngày trong năm qua. Đối với các thương hiệu, điều này có nghĩa là thêm một cuộc đại tu lớn về cách họ vận hành kho hàng tồn kho, sau các vấn đề về chuỗi cung ứng xảy ra vào năm ngoái. Kho hàng giờ chứa đầy hàng hóa chất đống, rất khó di chuyển, tạo ra một phản ứng dây chuyền của các đơn đặt hàng bị hủy bỏ, giảm giá, dẫn đến lợi nhuận sụt giảm, gây tác động ngược trở lại trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Trong khi cuộc khủng hoảng bán lẻ ảnh hưởng đến hàng tồn kho và nguồn cung cấp, thì công chúng lại có sự phân chia giữa những người thích mặc cả và những người tìm kiếm cơ hội “đầu tư”: một người mua những sản phẩm thời trang nhanh với giá hời, một người mua đồ cũ với giá tốt và rẻ nhất, và một người mua hàng cực kỳ sang trọng – nhưng những thương hiệu từ những trung tâm không còn hấp dẫn, quá nhiều người sử dụng hàng ngày để trở nên đáng mơ ước, và lại còn quá đắt.

Và những người mua hàng tại các trung tâm thương mại cũng có xu hướng đầu tư vào những thương hiệu lưu trữ giá trị của họ, những thương hiệu có thể đảm bảo sự chắc chắn về giá trị, chất lượng, vì ngay cả trong hệ sinh thái xa xỉ, các thương hiệu non trẻ hoặc mới ra mắt vẫn không thể ngay lập tức ổn định. Giữa số lượng khổng lồ các thương hiệu mới chưa từng được biết đến tràn ngập khắp thời gian biểu của tuần lễ thời trang, nhiều thương hiệu độc lập chưa bao giờ được nhắc đến nhưng đã đạt doanh số bán hàng mạnh mẽ trong nhiều năm. Nhưng những thương hiệu khác, chẳng hạn như Trussardi hay Victoria Beckham, có cửa hàng ở trung tâm thành phố và giám đốc sáng tạo nổi tiếng, lại ở trong tình trạng khủng hoảng tài chính triền miên. Ta có thể thấy rằng, mọi thứ ngày càng trở nên khó hiểu. Một yếu tố nghiêm trọng khác là giá cả trong thị trường đồ xa xỉ có thể khác hơn rất nhiều so với các sản phẩm có chất lượng tương đương, nếu không muốn nói là cao hơn, và có giá bằng một nửa hoặc ít hơn một phần ba, tùy thuộc vào việc người mua bước vào cửa hàng nào.

Rõ ràng là trong bối cảnh chi tiêu giới hạn, chi phí tăng cao và thị trường bão hòa, toàn bộ thế giới bán lẻ đang cảm thấy hoang mang vì liên tiếp gặp phải thất bại. Mặc dù vậy, hai mô hình kinh doanh cũ và đối lập: sự sang trọng độc quyền, không thể tiếp cận – việc hạ giá thấp đến mức điên rồ, vẫn sẽ tiếp tục hoạt động song song vì sự đơn giản cơ bản, mang tính bản năng của chúng. Sự tồn tại của hai mô hình này sẽ dẫn đến một thế giới ngày càng phân cực, và chia thành các phe đối lập.

Thực hiện: Lexi Han

Theo NSS Magazines