[Fashion Insider] Trò chuyện cùng Giám đốc Sáng tạo Dzung Yoko: Luôn sáng tạo bằng sự trung thành với bản thân và một tinh thần ham học hỏi
Ngày đăng: 22/01/21
Để nhận xét về công việc sáng tạo của anh Dzung Yoko, tôi luôn xem đó là hành trình tìm về cội. Cội là quê hương, là nền văn hóa mà anh và những người con Việt Nam lớn lên như một phần trong tiềm thức. Cội cũng là bản ngã và con người mà anh đã cảm nhận từ lâu nhưng không thể diễn giải. Chỉ bằng những trải nghiệm của riêng mình, anh mới có thể gọi rõ tên và truyền tải nó vào từng khung hình.
Nhân dịp anh chuẩn bị giới thiệu đến những người đã và sẽ cùng anh chìm vào dòng suy nghĩ được diễn giải thông qua ngôn ngữ thời trang của cuốn art book “Nhị Nguyên”, tôi muốn mời bạn lắng nghe chia sẻ của anh về cơ duyên với quyển sách đầu tiên, cũng như những suy nghĩ của anh về sự cân bằng và thế hệ nhà thiết kế trẻ Việt Nam.
Trước khi bắt đầu với cuốn sách “Nhị Nguyên”. Tôi muốn hỏi về điều gì đã thôi thúc anh thực hiện những quyển art book?
Thời gian đầu, mọi thứ rất ngẫu nhiên. Hiệu sách mang tên Stylogy ngỏ lời mời tôi thực hiện một cuốn art book. Sách bán rất tốt và sau nửa năm là không còn để bán tiếp. Lúc ấy cảm thấy rất đẹp nhưng giờ nhìn lại thì rất ngây ngô và buồn cười, cứ thấy có gì hay là bỏ vô chứ không có chủ đề nhất định.
Ở cuốn 1, bản thân còn trẻ và rất thích lấy cảm hứng từ những nền văn hóa khác. Nhưng ở tập sách thứ 2, trong 1 lần đi Huế, tôi nhận ra rằng nền văn hóa Việt Nam và châu Á rất đẹp và tự hỏi tại sao mình cứ phải hướng ra ngoài mà không tìm về cái gốc của mình. Và khi làm về Việt Nam, tôi rất thích và cảm thấy hợp vô cùng, nó có một cái gì đó rất đặc biệt với bản thân. Nó đúng là cái bên trong mình mà ra.
Càng làm nhiều ta sẽ càng khám phá ra những điều mình chưa biết và cả những thiếu sót
Đến khi nào anh mới thật sự cầm máy ảnh và tự tay bắt lấy những khung hình?
Tôi bắt đầu chụp hình cách đây 3 năm. Cảm ơn những người bạn đã chỉ dẫn và giúp tôi hiểu cách sử dụng máy ảnh. Thật ra ban đầu tôi không nghĩ mình có khả năng đó, nhưng nhờ những động viên từ cô bạn nhiếp ảnh gia và nghe được lời chia sẻ của Tim Walker rằng: “Bạn nhìn về cuộc sống như thế nào thì tấm hình của bạn sẽ như thế đấy”, tôi đã có động lực để thử và học nó. Anh Monkey Minh là người rất kiên nhẫn, bỏ qua những khó khăn để dạy tôi cách chụp. Khi cầm máy hình, cảm giác rất hạnh phúc, nó cho ta một chân trời và tầm cao khác.
Và tôi chợt nghĩ tại sao mình không làm sách ảnh thường xuyên hơn. Vì ở Việt Nam, đa số mọi người sẽ xem hình ảnh qua tạp chí, nhưng nó có quá nhiều nội dung, tính ứng dụng cao và hướng đến số đông thay vì mang tính nghệ thuật thuần túy. Từ bắt đầu với “LOVE”, rồi “Mindfulness” và giờ là “Nhị nguyên”.
Dưới góc nhìn của một độc giả, tôi cảm nhận rằng 5 quyển art book tựa như cuốn nhật ký ghi lại hành trình phát triển và thay đổi trong suy nghĩ và phong cách của anh. Anh có thể chia sẻ thêm về những thay đổi này không?
Tôi nghĩ mỗi quá trình tạo nên 1 quyển sách là những trải nghiệm về nghề và kỹ năng. Càng làm nhiều ta sẽ càng khám phá ra những điều mình chưa biết và cả những thiếu sót. Còn về cảm xúc, tôi được thăng hoa rất nhiều và ở mỗi hành trình là những cảm xúc khác nhau, nó phản ánh tâm trạng của người nghệ sĩ ngay khoảnh khắc ấy. Để khi nhìn lại, bản thân cảm nhận rằng mình đang sống trong từng giai đoạn của cuộc sống và tái hiện điều đó lên khung hình.
Thời điểm thực hiện cuốn sách mang tên “LOVE”, tôi nghĩ con người cuối cùng luôn cần sự yêu thương. Không chỉ là tình yêu đôi lứa mà tình yêu với thiên nhiên, gia đình, con người. Vì vậy, đây là bộ hình thể hiện rằng tình yêu là những cung bậc khác nhau mà con người trải qua trong cuộc sống.
“Mindfulness” ra đời vào năm mà tôi cảm thấy thật sự thăng hoa và yên bình. Đó là khi bản thân bắt đầu chụp hình nhiều hơn và tập trung năng lượng vào sáng tạo. Nhìn vào từng tấm hình, tôi cảm nhận sự hạnh phúc và quên hết mọi thứ xung quanh. Đối với tôi, đó là chánh niệm (Mindfulness). Khi mình soi gương, chỉ thấy được sự đẹp đẽ, cắm hoa thì chú tâm vào cắm hoa, ngủ chỉ nghĩ đến ngủ cũng là chánh niệm, không có gì cao siêu cả.
Mỗi lần viếng thăm chùa, tôi nhìn thấy Ông Thiện – Ông Ác, mặt trăng – mặt trời, vui – buồn, sự đối lập là những mảng khác nhau trong cuộc sống. Khi dịch xảy ra, bản thân lâm vào tình trạng hoang mang tột độ và sự bất ổn. Khi mọi thứ qua đi lại cảm thấy vui vẻ, đó là bản chất cuộc sống. Nhị Nguyên về cơ bản là không tốt, nếu ta cực đoan quá, phải phân chia rõ ràng mà không có sự dung hòa thì sẽ rất khổ.
Trong cái xấu cũng có cái đẹp, trong có lạnh có nóng, trong nóng có lạnh, đó mới là cuộc sống
Tôi luôn có những suy nghĩ về Nhị Nguyên từ rất lâu nhưng không biết diễn tả nó như thế nào. Với một người có nhiều tâm sự thì việc làm sách giúp tôi giải tỏa rất nhiều và tìm được hạnh phúc trong công việc của mình.
Trước cả khi thực hiện những quyển art book, các shoot hình của anh đều phảng phất chút gì đó rất Á Đông, trong khi rất nhiều người ưa chuộng nét thẩm mỹ phương Tây. Nguồn cảm hứng này đến với anh từ khi nào và anh đã bắt đầu tìm hiểu về nó ra sao?
Thật ra từ nhỏ tôi đã rất thích văn hóa phương Đông, nhưng trong quá trình lớn lên bị tư tưởng vọng ngoại, cứ nhắc đến Tây phương là thấy hay, còn Việt Nam hay châu Á thì không có gì mới lạ. Tôi nghĩ đa phần người trưởng thành ở Việt Nam cũng sẽ gặp điều tương tự, và tôi cũng là một trong số đó thôi. Dù thích từ bé, nhưng giống như mình cứ cố chối bỏ cảm thức về phương Đông, mà sau này khi tìm lại, tôi đã cảm nhận được cái hay và sâu sắc của nó.
Nếu phương Tây thường có sự rõ ràng trong cách thể hiện cảm xúc thì văn hóa Á Đông lại mượn những hình tượng ước lệ như chim muông, hoa cỏ để diễn tả tâm tư của con người. Anh có nghĩ đây là điểm giao với cách truyền tải thông điệp của những bộ ảnh thời trang?
Đó là thứ mà chỉ châu Á mới có! Văn hóa nơi đây rất ý nhị và sâu sắc. Như khi tôi thực hiện một bộ ảnh về thơ Kiều ở Sa Đéc, cử chỉ của nhân vật rất tinh tế, chỉ thổ lộ 1 nửa và người kia phải hiểu được ẩn ý mà nàng muốn nói. Đó là cốt lõi của văn hóa châu Á.
Người xem có thể cảm nhận về 2 phần con người của Dzung Yoko như thế nào qua “Nhị Nguyên”?
Cảm nhận 100% ở thời điểm hiện tại. Những quyển art book trong 2 năm qua phản ánh rõ nhất bản chất con người trong tôi từ lúc nhỏ cho đến hiện tại.
Có những mặt xấu nào bên trong mình khiến anh cảm thấy sợ hãi hay không?
Tôi có rất nhiều nỗi sợ lắm. Mà có lẽ là sợ cô đơn.
Anh có từng nghĩ đến ngày khán giả và những người yêu mến anh không còn muốn đón nhận những sáng tạo của anh không?
Bản thân tôi cũng thường tự hỏi đến khi nào thì người ta không còn thích những tác phẩm của mình, ngày đó sẽ như thế nào. Trước đây tôi còn sợ hơn nữa, giờ thì “đỡ” rồi (cười). Bởi tôi thấy có những người như Tim Walker năm nay đã 55 tuổi vẫn chụp hình những bộ hình vô cùng tuyệt vời, và có những nghệ sĩ lớn tuổi hơn tôi rất nhiều nhưng vẫn hoạt động và cho ra rất nhiều tác phẩm đẹp, dẫu có thể phạm vi khán giả của họ sẽ thu hẹp lại khi mạng xã hội phát triển, các cộng đồng khác nhau,…
Tôi hay nghe đến chữ “hết thời”, 1 mặt là người ta thường sợ nó, mặt khác là ta phải cập nhật xu hướng, cái hay của thời đại. Luôn luôn làm mới mình là 1 phần của quá trình sáng tạo.
Quay trở lại với bản chất của sáng tạo, nếu 1 thương hiệu hay cá nhân luôn kiên định với phong cách ban đầu, và khi thời thế thay đổi thì họ vẫn có thể duy trì được 1 cộng đồng riêng cho mình. Anh có nghĩ vậy không?
Tôi nghĩ là không. Ngành thời trang nói riêng luôn cần cập nhật xu hướng. Đáng buồn là có nhiều thương hiệu không còn được đón nhận nữa bởi vì họ không theo kịp những xu hướng mới và thích nghi với thị trường hiện tại. Vì thế, rất cần phải giữ được cốt lõi của mình, nhưng song song đó là tiếp thu những trào lưu và khuynh hướng của xã hội thì mới có thể tồn tại được. Xã hội đi lên trong khi ta cứ đứng 1 chỗ thì việc không còn được đón nhận là tất yếu phải xảy ra.
Ví như Tim Walker, ngày trước ông chụp hình rất mơ mộng và cổ tích, bây giờ những bộ hình của ông cũng vẫn huyền ảo nhưng theo 1 cái nhìn khác, có gì đó bạo hơn, đường phố và gai góc hơn. Nhìn là biết của Tim Walker ngay, nhưng đã được thổi hơi thở mới. Cốt lõi của sáng tạo là sự tươi mới, nếu chỉ dừng lại ở 1 điểm nào đó thì sáng tạo không còn ý nghĩa gì nữa.
Người nghệ sĩ, đặc biệt là các bạn trẻ, thường có cái tôi cao, có phải lúc nào cũng phải dung hòa cái tôi của mình hay không?
Cái tôi cao là thứ mà người sáng tạo bắt buộc phải trải qua. Nó như 1 giai đoạn vậy. Và đó cũng là điều tốt. Sau khoảng thời gian làm nghề đủ lâu họ sẽ tự điều chỉnh để bước đi vững vàng hơn. Nếu không có cái tôi sáng tạo, người nghệ sĩ rất nhạt nhòa. Nhưng cũng phải quan sát những gì đang diễn ra ở thế giới xung quanh chứ không thể bất chấp tất cả để thỏa mãn cái tôi không thôi.
Tôi để ý rằng tất cả hình ảnh từ cuốn “Những kẻ mộng mơ” đến “Nhị Nguyên” hôm nay luôn được dệt nên bởi những sáng tạo của các thương hiệu Việt. Sau nhiều lần hợp tác như vậy, anh có cảm nhận gì về thế hệ nhà thiết kế trẻ của Việt Nam?
Các nhà thiết kế của Việt Nam rất giỏi và sáng tạo, và các nhiếp ảnh gia Việt Nam chụp hình không thua gì các nước khác. Đây đúng là lúc mà các nhà thiết kế trẻ Việt Nam tỏa sắc với những thiết kế đẹp và sáng tạo. Tôi cũng thường đến xem những buổi giới thiệu của sinh viên. Các bạn có sự đầu tư nghiêm túc, không những về tác phẩm mà còn là concept chụp hình, giới thiệu bộ sưu tập thông qua những photoshoot rất có tư duy. Đây là điều vô cùng đáng mừng.
Các nhà thiết kế trẻ như Lâm Gia Khang có phong cách rất riêng, Trần Hùng từ 1 chàng trai trẻ, giờ đây đã có thể tạo nên những thiết kế đầy duy mỹ. Còn Đắc Thắng lại đầy nguyên bản và có cái tôi rất lớn. Bạn có mục tiêu rõ ràng để làm chứ không phải kiểu nhất thời, concept ấn tượng và sản phẩm bán rất tốt, ví dụ như corset, quần ống loe hay giày dép,…
Anh nghĩ như thế nào khi các nhà thiết kế trẻ như Nguyễn Hoàng Tú, Trần Hùng hay Lâm Gia Khang đang mang thời trang Việt ra xa hơn nơi những thị trường lớn?
Thật không dễ để trả lời câu hỏi này. Các nhà thiết kế Việt đều sẽ có cơ hội rất lớn khi bản thân định hình được một phong cách và dấu ấn rất riêng. Khách hàng đang khao khát những thiết kế mang tính cá nhân hơn bao giờ hết. Nhưng chúng ta cũng cần 1 cộng đồng mạnh hơn nữa cùng bắt tay nhau và đồng hành cùng các bạn. Thị trường thời trang Việt Nam vẫn còn đang hoạt động riêng lẻ.
Còn về bản thân của thương hiệu, các nhà thiết kế cần quan tâm đến điều gì để xây dựng thương hiệu vững chắc hơn, bên cạnh sự sáng tạo?
Vấn đề chính ở các nhà thiết kế là có tài và khả năng sáng tạo nhưng cái tôi quá lớn, dẫn đến khó hợp tác và tin tưởng. Thật sự, 1 nhà thiết kế thời trang cần người làm kinh doanh đồng hành với mình, tin tưởng họ và cần đường hướng kinh doanh bài bản để đưa thương hiệu đi xa. Vì thế, nếu không thể trau dồi kiến thức về kinh doanh và quản lý thì bạn cần phải có người hỗ trợ mình về khoản đó.
Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ cùng độc giả của Style-Republik. Chúc cho quyển artbook lần này sẽ càng được nhiều độc giả đón nhận hơn nữa. Và chúc anh thành công trên hành trình mình đã chọn.
—
*Song song với sự kiện ra mắt “Dzung Yoko Art Book 5: Nhị Nguyên” là triển lãm hình ảnh đã diễn ra từ ngày 22/01/2021 đến ngày 24/01/2021 tại S+ Studios (42 Tôn Thất Thuyết, Quận 4).
Thực hiện: Hiếu Lê
Ảnh: NVCC