Triết lý kinh doanh của ông chủ Tadashi Yanai sở hữu thương hiệu Uniqlo
Ngày đăng: 15/01/22
Tadashi Yanai là tỷ phú người Nhật, người sáng lập và chủ tịch của Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo. Tính đến tháng 10 năm 2021, ông là người giàu nhất Nhật Bản, với tài sản ròng ước tính là 33,4 tỷ đô la Mỹ.
Ngày nay, Fast Retailing là một tập đoàn khổng lồ với quy mô toàn cầu. Điều này có được nhờ sự phấn đấu và nỗ lực của ông Tadashi Yanai. Từ năm 30 tuổi, nhà điều hành của Fast Retailing đã rút ra “23 nguyên tắc quản lý” để thực hành và chiêm nghiệm chúng mỗi ngày. Những nguyên tắc ấy cũng đã được in thành những tấm thẻ nhỏ bỏ túi dành cho các nhân viên thuộc công ty. Theo tờ Business of Fashion, cứ mỗi một năm, ông lại thêm vào danh sách một triết lý kinh doanh, những điều mà ông tự mình rút ra được trong quá trình một cửa hàng nhỏ mang tên Ogōri Shōji (mà ông kế thừa từ cha mình) rồi phát triển nó thành một đế chế khổng lồ trên toàn cầu.
Ông Yanai đã gọi nguyên tắc là “linh hồn” của công ty. Ông nói với giáo sư Hirotaka Takeuchi tại hội thảo Harvard Business School năm 2012 rằng: “Linh hồn là thứ quý báu nhất ta có trong cuộc đời. Nếu không có một linh hồn, một công ty hay một con người cũng chỉ là một cái vỏ rỗng”. Nhìn chung, 23 nguyên tắc quản lý của ông Tadashi Yanai có thể chia làm 8 triết lý cơ bản mà chúng ta có thể tham khảo và học hỏi.
Khách hàng là trên hết
Nguyên tắc hàng đầu trong cách quản lý của Yanai là : “Mang đến thứ khách hàng cần và tạo ra khách hàng mới”. Đây là những điều ông đã rút ra từ kinh nghiệm làm việc trong cửa hàng của cha mình. “Chỉ khi có khách hàng chúng ta mới có công việc. Vì thế, khách hàng là trung tâm của những việc ta làm. Điều này rất hệ trọng đối với chúng tôi” ông giải thích. “Luôn luôn phục vụ cho nhu cầu của khách hàng. Với tôi, Steve Jobs là biểu tượng tiêu biểu cho tính trung tâm của khách hàng cũng như tính thân thiện với người dùng. Trừ phi bạn phục vụ vượt quá sức mong đợi của họ, bằng không khách hàng sẽ không hài lòng.
Đóng góp cho xã hội
Đối với Yanai, giá trị của một công ty phải gắn liền với giá trị mà nó mang lại cho toàn xã hội. Các công ty thành công phải phục vụ xã hội, nếu chỉ theo đuổi những lợi ích cá nhân cuối cùng công ty sẽ không tồn tại được. Để được nhân viên, nhà cung cấp và người tiêu dùng chấp nhận, một công ty phải đóng góp cho xã hội.
“Khi kinh doanh phát triển và chúng tôi có nhiều nhà cung cấp, nhiều nhân viên, và nhiều quản lý khác nhau, tôi nhận ra rằng chúng tôi phải khao khát trở thành một công ty đóng góp vào xã hội, nếu không chúng tôi không thể bền vững”, Yanai nhớ lại. “Chỉ sau khi tạo ra một sự khác biệt tích cực trong xã hội, bạn mới có thể trở thành nhà điều hành một doanh nghiệp đúng đắn”.
Luôn giữ tinh thần lạc quan
Ông Yanai tin rằng các doanh nghiệp phải luôn kì vọng vào tương lai và khuyến khích các nhà quản lý của Fast Retailing luôn nghĩ tích cực và chủ động. “Nếu cứ bi quan thì chẳng được gì” ông nói. “Nếu bạn ngồi một chỗ và đợi may mắn đến, sẽ không có gì. Đừng thụ động. Không ai có thể dự đoán được tương lai. Vậy tại sao bạn không mạo hiểm tự tạo cho mình cơ hội? Những người tạo ra tương lai sẽ được chúc phúc”.
Học từ những thất bại
Ông Yanai không lạ khi phải đối mặt với thất bại. Nhưng qua nhiều năm, ông đã nhìn nhận sự thất bại như là một cơ hội để học tập. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của ông là: “Phân tích kỹ thông tin liên quan đến thành công và thất bại. Hãy nhớ những gì bạn học và đưa nó vào thực hành trong thời gian tiếp theo”. Ông coi thất bại là hạt giống của sự thành công trong tương lai. “Nó có thể không hiệu quả – bạn cũng không thể thành công sau một đêm. Giải pháp duy nhất là tiếp tục thay đổi bản thân và tiếp tục thách thức chính mình”.
Chú tâm vào từng chi tiết
Ông Yanai có niềm tin với việc tạo nên những điều lớn lao bằng cách tập trung mạnh mẽ vào việc hoàn thiện từng chi tiết nhỏ: “Một milimet khoảng cách cũng tạo nên sự khác biệt khi nhân lên nhiều lần, hãy tiến về phía trước hết mức có thể”. “Bí quyết thành công là làm những điều cơ bản ngày này qua ngày khác, đến khi bạn cảm thấy mệt mỏi. Yanai từng nghĩ rằng ông sẽ nghỉ hưu vào khoảng 60 tuổi, nhưng ở tuổi 67, ông vẫn tiếp tục nắm quyền điều hành công ty.
Biết tự phê bình
Tầm quan trọng của việc tự phê bình đã được ghi nhận trong các nguyên tắc chính của Yanai: “Suy xét và nghĩ lại về hành động và cách tiếp cận của mình để cải biến và làm mới bản thân”. Ông thực hiện nguyên tắc này bằng cách thường xuyên tự đặt mình vào vị trí của một khách hàng sành điệu. “Bạn phải đặt mình vào vị trí của khách hàng, đứng bên ngoài của cửa hàng và đánh giá xem nó có thu hút không. Sau đó, bạn đi vào cửa hàng và đánh giá xem phần trình bày của hàng hóa có hấp dẫn không, liệu các nhân viên bán hàng có đủ tốt không”.
Kết nối với thế giới
Tương lai của Fast Retailing không chỉ gắn liền với doanh số bán ra tại Nhật Bản, và Yanai từ lâu đã muốn biến Fast Retailing thành một tổ chức toàn cầu thực sự, làm cho tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức của công ty và thiết lập các trung tâm đào tạo quản lý ở New York, Thượng Hải, Paris và Singapore. “Bây giờ, mọi người trên thế giới được kết nối với nhau.” Đặc biệt, ông cho rằng chúng ta nên ý thức kết nối với khách hàng và đáp ứng các nhu cầu cụ thể của họ”.
Thích nghi với sự thay đổi
Thích ứng với thay đổi là một chủ đề chính cho Yanai, người thích so sánh Uniqlo với một công ty công nghệ. “Thế giới đang thay đổi quá nhanh. Đây là một cuộc cách mạng công nghiệp mới” – ông Yanai nhận xét. “Sự gián đoạn đã từng chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ cao, nhưng hiện nay nó đang xảy ra với các ngành công nghiệp khác. Các ví dụ chính là Amazon, Alibaba, Uber” – ông tiếp tục.
“Vì vậy, chúng ta phải biến đổi bản thân. Ngành công nghiệp may mặc – liên quan đến sự ra đời của con người – đã trở nên lỗi thời. Có cơ hội để cải tạo toàn bộ ngành công nghiệp. Tôi tiếp tục nói với người của chúng tôi: “Làm cải tiến mô hình hiện tại.” Ngay cả khi làm việc cho một công ty quy mô lớn, bạn cần phải đưa ra phát kiến để tiến về phía trước.
Thực hiện: Koi
Theo BOF