Jean Paul Gaultier: Cái đẹp là gì và cái gì không phải cái đẹp? (P2)

Ngày đăng: 24/09/17

Gaultier kể đã gặp Madonna năm 1987, sau đó concer tại Parc de Sceaux ngoại thành Paris. Ông đã trở thành người hâm mộ từ lần đầu trông thấy Madonna hát “Holiday” trên tivi. “Tôi nghĩ, ồ, Chúa ơi! Đúng rồi, đó là tinh thần đồng điệu với những gì tôi đang làm, đôi chút nổi loạn. Khi tôi thấy cô ấy trên giải thưởng MTV hát vang “Like a Virgin” mặc bộ áo cưới, với những động tác khiêu khích… show diễn gây sốc dữ dội tuy nhiên cô ấy thật tuyệt vời!”.

Khi điều đó diễn ra, Madonna trở thành người hâm mộ Gaultier. Madonna mặc một chiếc đầm đen của ông năm 1985 trong giải thưởng American Music Awards và mấy tháng sau là một chiếc màu trắng tương tự trong buổi ra mắt phim “Desperately Seeking Susan”. Vào thời gian đó, Gaultier thu hút được những khán giả cuồng nhiệt – năm 1985, bốn ngàn người đã xếp hàng để xem bộ sưu tập tại cửa hàng đầu tiên của ông ở Paris. Madonna ngưng lại sau buổi concert. “Tưởng tượng được không?” Gaultier nói với tôi bằng chất giọng trầm. “Sau đó, những ngôi sao lớn thực sự mua chúng chứ không chỉ mượn”.

Bộ body suit của Gaultier mùa Thu Đông 1991 1992 và bản vẽ thiết kế cho Madonna đã đi vào lịch sử thời trang

Vài năm sau đó, ông ra mắt bộ sưu tập đầm corset đầu tiên – boned, bra-topped corset phủ qua mông như trang phục đường phố đầy quyền uy. Lần đầu tiên ông thấy corset là của bà mình. Nó màu hồng salmon, và ông bị cuốn hút bởi chất liệu lấp lánh cũng như đường khâu tỉ mỉ: “Tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ nó. Bà tôi lý giải với tôi rằng bà mặc nó để có eo thon, rằng bà uống dấm để thắt dây thật chặt. Như thế đó!”. Ông ấy hít vào thật sâu để diễn tả làm thế nào mà hóp bụng lại. “Cứ như diễn xiếc!”. Ông rất thích Madonna, và nói rằng muốn làm chiếc váy corset cho cô ấy.

Alix Malka Telegraph Magazine 2008 Haute couture autumn winter 2008 2009

Ngày nay, lộ dây áo lót hay đồ lót kiểu cách là thứ khá phổ biến, nhưng vào những năm 1980 thì không. Trang phục lót chống lại tính nữ cùng thuần hóa, và không được phô bày lúc mặc chúng. Nhưng corset của bà ông và chiếc áo lót Gaultier lại giống như là để tán dương, hơn là hạn chế hoạt động, như những đề tài của trang phục chuyển tải ý nghĩa của hình thế hay của xác thịt, đặc biệt là nếu nó vấp phải những quan điểm bình thường về giới tính – mặc dầu thời trang thời đó với những nhóm nhà thiết kế người Nhật, bao gồm Yohji Yamamoto và Rei Kawakubo, những người tài trí, tạo nên kỹ thuật trang phục chống lại sự phô bày xác thịt cũng như phi giới tính.

Jean Paul Gaultier Haute Couture SS16

Một trong những nhân viên của Gaultier đã mặc jacket Chanel, không có cúc, che phủ bên ngoài áo lót lacy, khiến ông nhớ đến bà ông chỉ ra ngoài sau khi thoa son. Ông quyết định thiết kế vài trang phục bên ngoài đồ lót. Vài thứ trong đó, được cường điệu hóa quả ngực, khiến chúng giống như những cúp kem úp ngược hay hình ảnh phồn thực Châu Phi. Ông ấy gọi bộ sưu tập là Dada, chúng là cảm giác trực tiếp. Chiếc váy corset đẩy đến những phân tích về khía cạnh chính trị – phụ nữ mặc corset là biến thành nô lệ hay được trao quyền lực? – đó là phản ứng đáng kinh ngạc. Gaultier nói rằng ông ngạc nhiên trước những phản ứng. “Tôi không biết là sẽ như thế. Tôi làm nó hoàn toàn tự nhiên!” – Pedro Almodóvar xác nhận rằng giải bày của Gaultier rất chân thành. “Anh ấy là một người lập dị. Nhưng anh ấy quá thật thà và vô tội để cố ý tạo nên cú shock tinh thần. Anh ấy bị hấp dẫn về tính dục nhưng không bao giờ làm chuyện dơ bẩn. Anh ấy có thể khiêu khích nhưng anh ấy không phải là một kẻ trơ trẽn, cố gắng tạo nên scandal”.

Anh ấy là một người lập dị. Nhưng anh ấy quá thật thà và vô tội để cố ý tạo nên cú shock tinh thần – Pedro Almodóvar

“The One” Grand Show tại Friedrich Stadt Palast Berlin 2016

Giữa những năm tám mươi, Gaultier từng hợp tác với một lượng họa sĩ. Ông thiết kế trang phục cho diễn viên Pháp Annie Girardot, và cho những màn trình diễn bởi Régine Chopinot. Nhưng ông chưa bao giờ hợp tác với ngôi sao lớn như Madonna, người yêu cầu ông thiết kế trang phục – ba trăm năm mươi tám trong số đó cho Blond Ambition. Tour diễn thành công trên toàn cầu, và trang phục của Gaultier được tung hô. Đặc biệt, bộ corset bodysuit màu hồng, với cúp ngực hình nón cường điệu, mà Madonna mặc với menswear trousers trở thành hình ảnh khó quên của thời đại.

Một ngày của mùa hè vừa qua, hai mẹ con Donna và Meghan Spears dừng chân tại showroom Aeffe tại trung tâm Manhattan. Aeffe là công ty hàng hóa xa xỉ của Ý chuyên sản xuất, phân phối, bán buôn và có mối quan hệ với dòng sản phẩm ready-to-wear của Gaultier tại Mỹ. Gia đình Spearses sở hữu cửa hàng Consortium, tại thành phố Oklahoma, và Gaultier là nhà thiết kế bán chạy nhất tại cửa hàng. Họ đến để đặt hàng cho mùa tới. Tôi thú nhận với gia đình Spearses rằng tôi không ngờ Gaultier có nhiều người yêu thích tại Oklahoma, Donna nói: “Thành phố Oklahoma phát triển hơn người ta nghĩ. Trong cửa hàng của chúng tôi, mọi người đều có hơn một căn nhà, nhiều hơn một chiếc máy bay. Trước đây, người ta hay đến Dallas hay Aspen hay La Jolla để mua sắm. Và giờ họ đến với chúng tôi. Ở cuối mùa mua sắm, chúng tôi chả còn gì của Gaultier”. […]

Jean Paul Gaultier

Sự đổi thay nhiều nhất từ Gaultier trong thời kì Blond Ambition là bằng cách nào đó, biến ông trở thành nhà thiết kế bán chạy nhất ở thành phố Oklahome. Sự kiện với Madonna đã giúp ông có được công nhận hiếm hoi dành cho một nhà thiết kế trang phục. Với dòng sản phẩm ready-to-wear, ông bắt đầu thiết kế trang phục cho phim, bao gồm Almodóvar’s “Kika” và Luc Besson’s “The Fifth Element” từng đoạt giải César – giải thưởng của Pháp tương đương giải Oscar. Ông ra mắt nước hoa, gọi là Jean-Paul Gaultier với hình dáng như chiếc corset trong một chiếc lon nhỏ, và bán hơn sáu mươi lăm triệu chiếc. Bên cạnh thời trang ông còn thu âm một bài hát theo thể loại house-music, “Aow Tou Dou Zat” đã nằm trong Top 100 bảng xếp hạng những bài hát nhạc dance Châu Âu. Bìa đĩa CD với hình ảnh Gaultier mái đầu đinh dựng đứng và nụ cười nửa miệng. Vào những năm chín mươi, ông còn là host của chuỗi chương trình trên truyền hình của Anh gọi là “Eurotrash”.

Ông ấy nghĩ về việc từ bỏ thời trang, nhưng quyết định ở lại với nó, và tiếp tục cả dòng thời trang couture, điều mà Menuge luôn thúc giục vào những ngày họ ở bên nhau.

Khi Gaultier làm việc cho Blond Ambition, Francis Menuge bị mắc một chứng bệnh liên quan đến aids. Menuge đã phụ trách mảng kinh doanh cho Gaultier kể từ show diễn đầu tiên và họ gắn bó với nhau suốt mười lăm năm trời. Khi ông ấy mất, năm 1990, Gaultier gặp khó khăn khi tiếp tục sự nghiệp mà cả hai đã cùng tạo dựng. Ông ấy nghĩ về việc từ bỏ thời trang, nhưng quyết định ở lại với nó, và tiếp tục cả dòng thời trang couture, điều mà Menuge luôn thúc giục vào những ngày họ ở bên nhau. Đó là cam kết rất lớn thách thức hơn rất nhiều so với việc thiết kế trang phục ready-to-wear. Để được chính thức phê chuẩn bởi hiệp hội thời trang, một nhà thiết kế phải tạo ra trang phục theo cầu của riêng khách hàng, có ít nhất mười lăm người thợ lành nghề làm việc chính thức, và mỗi năm hai lần, giới thiệu ít nhất ba mươi lăm bộ trang phục trong bộ sưu tập cho ngày lẫn đêm. Nhà mốt couture hầu như hoạt động trong sự mất mát; họ tồn tại chỉ để cho thấy khả năng tưởng tượng không bị ràng buộc của những nhà thiết kế. Rất ít người chi tiền để mua bộ trang phục couture, khi mà giá một chiếc váy lên đến năm mươi ngàn đô la. Hầu như khách hàng chỉ có thể mua thứ gì đó của dòng sản phẩm ready-to-wear từ nhà thiết kế – hay nước hoa – những thứ mà thương hiệu làm ra để gia tăng giá trị cho thiết kế couture.

Jean Paul Gaultier tại National Gallery of Victoria

Vào giữa những năm chín mươi, số lượng khách hàng couture ngày càng ít đi, và cảm giác ngành kinh doanh này ngày càng chết dần chế mòn. Thoạt nhìn, Gaultier – người làm chiếc vòng tay từ chiếc hộp thức ăn cho mèo – có vẻ như là người cuối cùng hứng thú với việc làm một nhà couture, nhưng vì đã lớn lên với giấc mơ “Falbalas”, và dù tiếng tăm vô lại, thì lòng kính trọng với truyền thống vẫn vẹn nguyên. “Khi chúng tôi đến Paris, ông ấy dắt tôi đến một nhà hàng, không sang trọng không hợp thời, nhưng ẩm thực lại theo truyền thống Pháp” – Pedro Almodóvar kể lại. Sau đó, ông gặp Bernard Arnault, chủ tịch tập đoàn LVMH sở hữu những thương hiệu như Dior, Fendi, Givenchy, Céline… Gaultier nghĩ rằng mình sẽ đến Dior, nơi đang kiếm tìm một đầu lĩnh couture. Nhưng Arnault muốn John Galliano, người đã thành công với Givenchy gia nhập Dior và Gaultier ngồi vào chiếc ghế tại Givenchy. Gaultier kinh hoàng: “Tôi nghĩ Givenchy rất là trưởng giả. Tôi yêu Saint Laurent, Dior, Cardin. Givenchy không phải là ước mơ của tôi. Vì vậy, tôi đã nói với ông Arnault không, tôi không muốn Givenchy”.

“Khi chúng tôi đến Paris, ông ấy dắt tôi đến một nhà hàng, không sang trọng không hợp thời, nhưng ẩm thực lại theo truyền thống Pháp” – Pedro Almodóvar

Vì vậy, ông mở house couture mang tên mình, ra mắt bộ sưu tập đầu tiên vào năm 1997, Nicole Kidman mua một bộ đầu tiên. “Chúa ơi, Nicole Kidman!” ông nói “Tôi có khách nè!”. Ông đã nghĩ mình chỉ làm làm một bộ sưu tập, nhưng ông nhanh chóng khám phá ra tình yêu trong việc thiết kế những bộ couture đầy tính tự do, nơi mà những ý tưởng về một corset toàn thân bao phủ với ren Chantilly hay mảnh vải phủ bao quanh cơ thể với những chi tiết đính hạt cườm khiến cho người mặc trông như khỏa thân lấp lánh, và ông thực sự làm được điều đó. Ông yêu cảm giác là một nghệ nhân mỗi ngày, chỉnh chỉnh sửa sửa từng mảnh nhỏ, làm việc với những người thợ may và thợ mũ, thợ đính cườm và thợ corset. Ông là nhà thiết kế đầu tiên ra mắt couture dành cho nam giới. Cứ thế từng bộ sưu tập ra đời. Vài năm sau, con số lên đến hai trăm hai mươi bộ. “Tôi có khiếm khuyết”, ông ấy thú nhận mình đã khám phá quá nhiều ý tưởng, và ông ngưỡng mộ nhà thiết kế Rei Kawakubo, người mà mỗi một bộ sưu tập là một chủ đề riêng lẻ dù chúng rất khó. “Nhưng tôi yêu chúng. Những gì tôi muốn là quá trình! Tôi yêu chúng!”.

Jean Paul Gautlier

Sau tất cả, thời trang rơi vào giai đoạn ảm đạm, đặc biệt là với những người cùng thời Gaultier. Cuộc suy thoái đã đẩy Christian Lacroix từ bỏ công ty của mình, Yohji Yamamoto xém chút nữa phá sản nếu không có một nhà đầu tư tốt bụng. Những người khác tự hủy hoại hoặc gần như vậy. Marc Jacobs từng chìm đắm trong rượu và ma túy. Dior thì sa thải John Galliano khi ông ấy dính vào vụ bê bối vì chống lại Semitic, điều mà ông ta cho là vì rượu và đơn thuốc. Alexander McQueen tự vẫn vào năm 2010. Ron Frasch chủ tịch của Saks Fifth Avenue, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất của Gaultier tại Mỹ bảo rằng đôi lúc ông tự hỏi làm sao những thiết kế vui vẻ được với công việc ngày càng đòi hỏi nhiều hơn thay vì chỉ vẽ những chiếc váy đẹp. “Họ ở vị thế đầu não sáng tạo cho thương hiệu. Ý tưởng, phát triển cửa hàng, bao bì, nước hoa – có quá nhiều việc để làm so với cách đây mười năm. Và sự mong đợi những điều mới mẻ cứ lớn dần lên”.

Jean Paul Gautlier

Gaultier gặp khó khăn: cửa hàng duy nhất của ông tại Mỹ, ở Madison Avenue đóng cửa năm 2005, như những người khác trong giới thời trang xa xỉ trong thời kì suy thoái, đơn hàng ngày càng ít đi. Các cửa hàng yêu cầu ông bán nhiều đồ hơn như phụ kiện, và một số cửa hàng khác ngưng bán sản phẩm của ông. Nhưng ông cũng có sự phát triển. Từ năm 2003 đến 2010, ông vừa phát triển sản phẩm của mình, vừa trở thành nhà thiết kế chính của Hermès. Ông làm váy cho Juliette Binoche, Catherine Deneuve, Lady Gaga, Beyoncé và hàng tá ngôi sao khác, làm thêm phục trang cho hai phim Almodóvar, thiết kế đồ nội thất cho Roche Bobois và bộ sưu tập giới hạn cho Target, trong rất nhiều sản phẩm hợp tác. Frasch nói: “Anh ấy giữ cho mình tồn tại và tôi nghĩ anh ấy rất khôn ngoan”.

“Anh ấy giữ cho mình tồn tại và tôi nghĩ anh ấy rất khôn ngoan”

Những bước tiến nguy hiểm của Gaultier đã được đền đáp xứng đáng. Ông là một trong những người ủng hộ đàn ông mặc váy, lần đầu tiên là vào năm 1984 với bộ sưu tập “Boy Toy”. Dĩ nhiên, hình ảnh các người mẫu nam điềm tĩnh, mặc chiếc váy là trái với quan điểm truyền thống từ trước đến nay. Gaultier nói rằng ông không có ý tạo nên phát ngôn hay hành động khiêu khích gì; ông lấy cảm hứng từ truyền thống, bao gồm những chiếc tạp dề dài mà những bồi bàn từng mặc trong các quán bia, các người mẫu của ông đã thể hiện được những hình ảnh vô cùng nam tính khi mặc sarong. Gaultier đã bán được ba ngàn chiếc váy, và tiếp tục thêm nó vào bộ sưu tập. “Đây không phải là tuyên ngôn về đồng tính – ngược lại, đàn ông đã thay đổi, họ không phải lúc nào cũng nam tính như trước. Vậy thì tại sao không?”.

“Đây không phải là tuyên ngôn về đồng tính – ngược lại, đàn ông đã thay đổi, họ không phải lúc nào cũng nam tính như trước. Vậy thì tại sao không?” – Jean Paul Gaultier

Vào mùa hè năm 2009, Nathalie Bondil, giám đốc và chief curator của Bảo tàng Nghệ Thuật Montreal Museum of Fine Arts tiếp cận Gaultier đề nghị triển lãm các tác phẩm của ông. Trước Gaultier, Bondil đã xem xét việc triển lãm Alexander McQueen. “Ông ấy cũng có thế giới thị giác rất mạnh mẽ. Jean Paul Gaultier như ánh mặt trời ấm áp. McQueen như vầng trăng u tối”. Gaultier hơi miễn cưỡng nhưng Bondil đã thuyết phục rằng triển lãm có thể phản ánh được cái nhìn của ông với thế giới. “Tôi muốn điều gì đó rất, rất sinh động. Tôi đã không muốn cái chết – một bảo tàng đầy những thứ chết chóc, những bộ quần áo rất cũ, nhìn cứ như đám tang”. Ông nghĩ rằng nếu triển lãm có thể phô bày cơn ám ảnh của ông – “nhục dục, sắc tộc, các vẻ đẹp khác biệt trên toàn cầu, điện ảnh, sự say đắm với Madonna, hình xăm, phụ nữ Paris, chủ đề nam giới, tất cả những thứ đó” – ông sẽ chấp nhận.

Jean Paul Gaultier như ánh mặt trời ấm áp. McQueen như vầng trăng u tối.

Thierry Loriot, người chịu trách nhiệm về các dự án thời trang và thiết kế tại bảo tàng và là người quản lý chính cho triển lãm, đã phỏng vấn gần như tất cả  cộng sự của Gaultier và bắt đầu tìm kiếm khoảng tám ngàn trang phục mà ông đã thiết kế nhiều năm qua. Loriot chọn một trăm bốn mươi bộ cho chương trình, cùng với phụ kiện, hình ảnh, tài liệu lưu trữ và bảy mươi đoạn video. Cho đến nay, hơn một trăm hai mươi lăm nghìn người đã đến xem triển lãm.

Surrealist collection autumn winter 2006 2007

Những thứ Gaultier yêu thích – bên cạnh đường mật và couture – là phim ảnh và cuộc triển lãm kết thúc với “Falbalas” yêu thích của ông ấy. “Tại cuối ‘Falbalas’ là cảnh tượng rất đẹp – đó là giới thiệu những bộ sưu tập couture”. Rồi ông miêu tả về người thợ couture, người đã nổi điên nhìn chằm chằm vào mannequin như người phụ nữ mình yêu xuất hiện. Cái cách mà mannequin đến với cuộc đời Gaultier đem đến những ý tưởng tạo nên những mannequin cho show diễn trở nên sống động. “Tại sao không?”, ông nói rồi nhún vai.

Ông đã từng xem một buổi trình diễn tại Avignon sử dụng các chương trình video và gương mặt mannequin trống rỗng để tạo ra một ảo ảnh tương tự, do đó ông đã tiếp cận Denis Marleau và Stéphanie Jasmin, giám đốc của nhà hát thể nghiệm Ubu và cùng nhau tạo ra ba mươi hai mannequins đồ họa có thể nói chuyện, nháy mắt, cười và thở dài. Hiệu ứng chân thật đáng kinh ngạc, nhưng hơi đáng sợ. Mannequin đầu tiên ở show diễn là của Gaultier, tán gẫu và mỉm cười, la hét y như ông ấy.

Jean Paul Gaultier

Bản thân chương trình thật đáng kinh ngạc; có một chiếc áo choàng trông giống như da báo, được làm từ hạt hoàn toàn; quần tất làm từ vải satin Trung Quốc; trang phục nàng tiên cá được làm từ cuộn vải có chất liquid; váy dài với sọc mariner, làm bằng lông vũ rất nhỏ. Trong khi tôi đi quanh triển lãm, hầu hết là những lời tán tụng: “Thật là tuyệt vời!”. Những vị khách hôm đó khiến Gaultier rất hạnh phúc – rất nhiều phụ nữ trẻ đẹp ăn mặc thời trang, vài cặp đôi đồng tính, nhiều gia đình với trẻ nhỏ, và một số người lớn tuổi, người đã đẩy gọng kính không ngừng để có thể quan sát tỉ mỉ hơn về chất liệu vải. Một cặp đôi lớn tuổi dừng lại trước chiếc váy dành cho nam giới đầu tiên mà Gaultier thiết kế. Tôi hỏi họ nghĩ gì về trang phục. “Nó có một chút, bạn biết đấy, vượt quá nhận thức của tôi”, người phụ nữ đáp lại. Bà và chồng mình tiến đến khu tiếp theo, phần lớn trưng bày những bộ trang phục biến đổi từ chủ đề “bondage”. “Những thứ ngày nay là mix và match” người phụ nữ tiếp tục “Sẽ có ngày chúng ta không còn biết mình là ai”. Gaultier hồi hộp với cách mà triển lãm đưa ra. “Nó giống như mơ ước thành hiện thực, thành thực tế, với tôi, nó rất sống động, nó là câu chuyện, là bộ phim. Nó giống một giấc mơ!”.

Dita Von Teese trình diễn trong show của Jean Paul Gaultier

Ngày nay, Gaultier sống một mình tại Paris, ông có một bạn trai đang sống tại Hy Lạp, và gặp nhau những khi có thể. Ông ấy không nghĩ đến việc gần gũi với ai như đã từng với Menuge. “Ông ấy và tôi làm mọi thứ cùng nhau. Chúng tôi mở công ty. Đó cũng như con chúng tôi”. Hầu hết các ngày, Gaultier làm việc, xem phim, đọc sách, và làm vài thứ khác. Trong ngày sinh nhật sáu mươi, với triển lãm vòng quanh thế giới, nó mang đến đôi chút suy ngẫm. Ông hồi tưởng lại những bộ sưu tập cũ nhiều hơn. Với những bộ sưu tập couture, giờ ông thiết kế khoản bốn mươi lăm bộ – nhiều hơn con số ba mươi lăm theo yêu cầu, nhưng không nhiều như những gì ông từng làm ở bộ đầu tiên. Ông có đội ngũ nhân viên may vá và quan hệ công chúng, cũng như người trợ giúp, nhưng ông vẫn tự mình thiết kế: couture, ready-to-wear, trang sức, trang phục nam giới, phụ kiện, dòng du lịch, bao bì cho nước hoa, như chai đựng cho Piper-Heidsieck phiên bản giới hạn, trang phục đan, đồ lót và quần áo trẻ em. Người trợ lý đắc lực nhất của ông là Martin Margiela, đã rời đi cách đây hai mươi năm trong sự trợ giúp của Gaultier để ra mắt bộ sưu tập của riêng mình. “Trong tương lai, thật lòng mà nói, tôi sẽ ủy quyền một số công việc. Nhưng tôi không thể dạy ai đó. Tôi cần phải tìm ai đó phù hợp với tính tình của tôi”.

Người trợ lý đắc lực nhất của ông là Martin Margiela, đã rời đi cách đây hai mươi năm trong sự trợ giúp của Gaultier để ra mắt bộ sưu tập của riêng mình.

Tôi tự hỏi người đã thiết kế quá nhiều trong suốt nhiều năm liền liệu có thể nhớ hết từng mảnh mà mình đã làm. Trong trường hợp đó, tôi thầm hỏi liệu ông có nhớ chiếc váy mà tôi đã mua cách đây mười năm. Đó là chiếc váy dài có chiều dài tới mắc cá oversized dạng T-shirt, trang trí với bức ảnh âm bản. Nổi bật trong tấm ảnh đó là một thế giới không có thực. Một người Mongolian đứng giữa đàn hưu cao cổ, bên cạnh ai đó y như Marlon Brando trong phim Bố Già, đang nhìn chằm chằm vào cây kèn trombone. Ngoài ra còn bức ảnh của gia đình du mục trong sa mạc.

Nhà thiết kế Jean Paul Gaultier

“Tôi nhớ chiếc váy này” – Gaultier nói, khi tôi miêu tả nó. Tôi hỏi ông nghĩ gì khi thiết kế nó. “Tôi nghĩ đường viền dài của chiếc váy đen, nó rất đẹp; nó rất đẹp cho một người phụ nữ khi mặc một độ dài đến thế” ông đáp lại. Và về những bức ảnh? Ông bắt đầu cười và nghiêng đầu sang một bên “Tôi làm những gì tôi muốn và đó là những gì tôi thích, tôi mang chúng lại với nhau. Tôi rất thích thế giới kỳ ảo của mình. Điều đó bất khả, tôi biết chứ, nhưng đó là thế giới nhiệm màu của tôi”.

“Tôi làm những gì tôi muốn và đó là những gì tôi thích, tôi mang chúng lại với nhau. Tôi rất thích thế giới kỳ ảo của mình. Điều đó bất khả, tôi biết chứ, nhưng đó là thế giới nhiệm màu của tôi” – Jean Paul Gaultier

Susan Orlean/ Bài viết ra mắt vào 26/12/2011

Susan Orlean là cây bút của The New Yorker, trước đó bà từng viết cho Rolling Stone, Vogue, Times Magazine, Spy, Esquire và Outside. Bà là tác giả của tám cuốn sách như “The Bullfighter Checks Her Makeup: My Encounters with Extraordinary People”; “My Kind of Place: Travel Stories from a Woman Who’s Been Everywhere”; “Red Sox and Bluefish”; “Saturday Night”… Bà từng là giám khảo của nhiều giải thưởng lớn như National Book Awards, the Association of Writers and Writing Programs Award Series, the Bakeless Prize, the Bellevue Literary Prize…

Chuyển ngữ: Hoàng Khôi

Nguồn: The New Yorker

Ảnh: Sưu tầm