Jenny Kim & Cashew: “Kinh doanh thời trang doanh thu không tăng theo cấp số nhân”

Ngày đăng: 16/01/19

Vốn là Giám đốc một công ty chuyên cung cấp phụ liệu cho ngành dệt may xuất khẩu, chị Jenny Kim – người đứng sau sự phát triển của thương hiệu Cashew, đã từng bước tạo dựng cho thương hiệu một chỗ đứng trong thị trường thời trang Việt Nam.

Nhờ đánh bắt tâm lý khách hàng, những sản phẩm thời trang của Cashew thể hiện được sự đơn giản, tươi trẻ và thanh lịch, chất lượng mặt hàng tương đối với giá cả hợp lý giúp Cashew trở thành một trong những thương hiệu nổi bật của dòng thời trang ứng dụng.

Người kinh doanh và đam mê cái đẹp!

Chào Jenny Kim, dường như theo cảm nhận cá nhân, bản tính của chị là một người rất nhiệt huyết khi giao thiệp với khách hàng, thích bận rộn nhưng đôi lúc cũng là một người thích lãng mạn và yên tĩnh?

Thật vậy! Trước kia, xuất phát điểm của tôi chủ yếu hoạt động kinh doanh cung cấp các nguyên phụ liệu cho ngành dệt may nên khả năng giao tiếp, nói chuyện lưu loát với các đối tác cũng được cải thiện theo thời gian. Tôi không thể nào tự nhốt mình suốt ngày trong bốn bức từng mà không có kế hoạch hay ý tưởng, tôi cố gắng vận động mỗi ngày dù đó là dự án nhỏ hoặc lớn.

Đối với cá nhân, tôi là người có bản tính theo kiểu nghệ sĩ nên tôi luôn thích những gì thiên về mộng mơ và lãng mạn. Những lúc thư giãn, tôi luôn tìm cho mình một không gian tĩnh lặng để có thể cân bằng lại nhịp điệu cuộc sống chốn đô thị. Đôi khi cuộc sống nơi thị thành chỉ là nơi để tôi hoạt động làm việc, còn chốn yên bình mới chính là nơi để thả lỏng tâm hồn mình.

Jenny Kim – người đứng sau sự phát triển của thương hiệu Cashew

Chị thích mình trở thành một nhà thiết kế hay một nhà kinh doanh thời trang nhiều hơn?

Kế hoạch ban đầu của tôi chỉ định hướng làm người kinh doanh thời trang, nhưng dần dần theo tháng năm cứ tiếp xúc, cập nhật, tìm hiểu các chuyển động xu hướng trên thế giới đã cuốn tôi vào vòng xoáy của cái đẹp từ khi nào mà không hay. Từ từ đam mê và bắt đầu yêu những công sức mình đã đổ dồn vào các bộ sưu tập; bởi đó là những vết hằn theo cảm xúc với cái tôi của riêng mình.

Jenny Kim có thể nhắc lại quá trình khiến mình đã tìm đến với việc kinh doanh thời trang?

Xuất phát điểm của tôi đến từ cung cấp nguyên phụ liệu cho may mặc xuất nhập khẩu; thế nhưng, trong thời điểm khủng hoảng kinh tế ở nước ngoài vào năm 2008 kéo dài đến 2010 dẫn tới việc kinh doanh bị giảm sút vì tình trạng khủng hoảng chung của toàn cầu. Và sau giai đoạn chẳng ai muốn đó, tôi bắt đầu lên ý tưởng khác là xây dựng và mở một thương hiệu đẩy mạnh ở trong nước.

Có những bản  kế hoạch cần phải thay đổi

Chị xuất thân từ phía cung cấp nguồn phụ liệu cho ngành dệt may. Điều đó có tạo nhiều thuận lợi khi rẽ hướng qua kinh doanh thời trang ứng dụng?

Tất nhiên! Việc tiếp xúc với bản vẽ và các bản kỹ thuật của các thương hiệu chuyên sản xuất đồ ứng dụng thường xuyên tạo cho tôi như đó là cảm giác của mình vậy, như một thoái quen, và tôi rất may mắn vì những gì tôi làm và tích luỹ kinh nghiệm từ trước đó.

Khó khăn lớn nhất vướn phải của chị khi chỉ mới là nhà khởi nghiệp thời trang và chị đã vượt qua như thế nào?

Vốn dĩ tôi công tác có thâm niên với hàng xuất khẩu nên khi quay lại thj trường trong nước thì tôi không quen biết với ai cả – đó là sự thật! Trong khi bản thân mình muốn các bạn trẻ tiếp cận các sản phẩm dễ ứng dụng nhưng cá tính hay thanh lịch với giả cả hợp lý và chất lượng.

Thiết kế của Cashew

Ngành thời trang đặc biệt ở điểm: muốn xây dựng lên một thương hiệu thành công luôn sẽ có một người chịu trách nhiệm mảng sáng tạo, người còn lại đảm trách mảng điều hành kinh doanh. Phía sau chị có người bạn nào đồng hành hợp tác hay tự chị lèo lái cả hai mảng của Cashew?

Tôi biết mình quá tham công việc và tự ôm lấy nhiều thứ trong cùng một lúc với cả hai bộ phận chính là “sáng tạo” và “điều hành”. Một thời gian dài, tôi đã cảm nhận mình có vẻ đuối sức khi chăm lo cho hai bên. Những lúc đầu tắt mặt tối với cả hai mảng của Cashew chưa chắc là hay nên thời gian sắp tới, tôi sẽ thay đổi mô hình phát triển so với trước – tôi sẽ chỉ tập trung cho bộ phận “sáng tạo” của Cashew nhiều hơn và sẽ có thời gian cho nhiều dự án nhỏ – lẻ khác.

Đối với kinh nghiệm của tôi để xây dựng nên Cashew, tất cả các khâu đều vô cùng quan trọng, nếu một khâu nào đó gặp phải trục trặc thì kể như việc phát triển của thương hiệu sẽ bị đình trệ.

Tính đến hiện tại, quy mô phát triển thương hiệu Cashew bao gồm bao nhiêu cửa hàng? Cách chị để xoay vòng điểm hoà vốn trong ngành này cũng như yếu tố thương mại của Cashew ra sao? Và mức vốn ban đầu bỏ ra và kiếm lại lợi nhuận sao bao lâu?

Dự định ban đầu của tôi để phát triển cho Cashew sẽ mở rộng hơn con số 4 cửa hàng, và tăng dần theo thời gian. Song, sau khi chính thức hoạt động và định hình tên tuổi cũng như sản phẩm thương hiệu thì tôi lại sửa đổi bản kế hoạch thực tế cho phù hợp bằng cách tập trung cửa hàng ở vị trí trung tâm để khách hành của Cashew thuận tiện di chuyển mua sắm.

Còn về việc kinh doanh kiếm lợi nhuận thì thật tình mà nói, tôi là người có máu kinh doanh nhưng khi làm ngành thời trang là bạn phải dành cả một tình yêu vô bờ bến với nó, chứ không hẳn là doanh thu tăng theo cấp số nhân hàng năm. Bạn biết mà! Đây là ngành nghề xếp vào dạng “high risk”, nên yêu nó, quyết tâm tạo dựng lên nó, cho nó duy trì hoạt động và sinh sôi nảy nở thêm là vui lắm rồi!

Thiết kế của Cashew

Đối tượng mà chị và Cashew đang hướng tới? Làm sao để Cashew có thể giữ chân được lượng khách hàng?

Tất cả những bạn trẻ yêu thời trang, yêu sự mới mẽ, thanh nhã và dễ mặc đều là những đối tượng tiềm năng của Cashew. Cashew có một lượng khách hàng trung thành và yêu phong cách trong sản phẩm của nhãn hàng. Giá cả rất tương đối, chỉ dao động từ 650 nghìn đến 3 triệu 500 ngàn đồng cho một sản phẩm.

Điểm khác biệt trong sản phẩm của Cashew?

Dễ ứng dụng trong mọi trường hợp, cá tính theo cái riêng đúng như tinh thần của Cashew.

Thiết kế của Cashew

Thế hệ Z ở Việt Nam đang giữ một vai trò vô cùng quan trọng đối với sức tiêu thụ các mặt hàng thuộc lĩnh vực chăm sóc làm đẹp. Theo một thống kê tổng hợp số liệu rằng, 79% Z thích một sản phẩm chất lượng, không nhất thiết phải là một sản phẩm có thương hiệu. 72% sẽ chuyển đổi nếu họ tìm thấy một sản phẩm tương tự với mức giá thấp hơn. Z muốn những sản phẩm chất lượng cao, thời trang và hữu dụng, trông có vẻ đắt tiền nhưng lại không đắt. Cashew đối mặt thế nào?

Đúng là các bạn trẻ ngày nay suy nghĩ thoáng hơn trong việc mua sắm, bản thân tôi cũng phải cố gắng cập nhật xu hướng để ngày càng trẻ hóa tinh thần để định hình được phong cách riêng của sản phẩm và quy ra mức giá phải chăng, không quá đắt đỏ – phù hợp người tiêu dùng.

Thương hiệu có đẩy mạnh việc kinh doanh ngành bán lẻ thông qua mạng xã hội hay chỉ tập trung tại hệ thống cửa hàng của mình. Vì thế hệ trẻ ngày nay, 46% người mua thông qua các ứng dụng truyền thông xã hội/ứng dụng trò chuyện. 56% ưa thích trả tiền mặt khi giao hàng.

Đây là cách tìm khách hàng của những thương hiệu lớn trên thế giới. Cashew cũng đang cố gắng đẩy mạnh việc kinh doanh thêm mô hình phát triển online, và chỉ còn một số ít cửa hàng còn lại của Cashew vẫn đi theo cách truyền thống.

Thế hệ trẻ ngày nay, 46% người mua thông qua các ứng dụng truyền thông xã hội/ứng dụng trò chuyện. 56% ưa thích trả tiền mặt khi nhận hàng.

Kinh nghiệm để duy trì kết nối với khách hàng

Đối với tầm nhìn một nhà kinh doanh thời trang từ: khâu sản xuất, giá bán, chi phí marketing, khách hàng và các dịch vụ chăm sóc khác,… thì quá trình nào là quan trọng hơn tất thảy?

Đối với kinh nghiệm của tôi để xây dựng nên Cashew, tất cả các khâu đều vô cùng quan trọng, nếu một khâu nào đó gặp phải trục trặc thì kể như việc phát triển của thương hiệu sẽ bị đình trệ.

Còn về hàng tồn kho, chị sẽ xử lý thế nào để hạn chế đến mức tối thiểu?

Vì tôi có xưởng sản xuất riêng nên tôi có thể chủ động được trong cách xử lý hàng tồn kho. Ban đầu sẽ là những đơn hàng thử, nếu tiêu thụ hết thì tôi cố gắng sản xuất thêm và đến giờ tôi vẫn thực hiện như thế!

Rủi ro thương mại khi thị trường mặt hàng thời trang ứng dụng Việt Nam đang ở đỉnh điểm bão hoà thì Cashew liệu có bị cuốn vào đó? Nếu có thị chị giải quyết thế nào để trụ vững được?

Chắc chắn là có! Cashew cũng ảnh hưởng khá nhiều ở giai đoạn này. Tuy nhiên, không vì thế mà nhãn hàng phải quá khó khăn; vì đâu đó, đội ngũ Cashew vẫn có những khách hàng tuyệt đối trung thành và luôn yêu thích sản phẩm của chúng tôi theo mỗi mùa.

Thiết kế của Cashew

Chiến lược bán sản phẩm theo từng giai đoạn của Cashew và đặc biệt là trong giai đoạn trọng tâm mùa lễ hội?

Mỗi mùa, Cashew đều cho ra những sản phẩm đáp ứng với người mua sắm. Hơn nữa, dịp mùa hè và mùa lễ hội cuối năm, Cashew luôn đẩy mạnh việc sản xuất và bán hàng hơn rất nhiều.

Dường như ở hiện tại, chị ít tập trung giới thiệu bộ sự tập ứng dụng của mình lên sàn diễn như trước. Thay vào đó, Jenny Kim và Cashew thường hay tổ chức một buổi “Trunk Show” nhỏ để khách hàng tiếp cận sản phẩm dễ dàng, cũng như mua sắm trực tiếp ngay khi ra mắt sản phẩm mới?

Thỉnh thoảng tôi cũng giới thiệu bộ sưu tập của mình lên sàn diễn, nhưng bạn đã thấy, tôi đã quyết định giảm hẳn tần số; vì khi đó công việc cũng bị hạn chế trong cả mảng hàng thiết kế, sản xuất đồ đồng phục. Cách kiểm soát hoạt động cửa hàng, bán trên kên online và xuất khẩu cũng chiếm hầu hết thời gian của tôi. Tôi thường tổ chức một buổi “Trunk show” bởi tính hiệu quả mang lại rất cao. Tôi có thể giới thiệu và bán hàng trực tiếp với những khách hàng quý. Đó cũng là cách gặp gỡ thân mật, cởi mở và trau đổi học hỏi lẫn nhau để hiểu rõ hơn với khách hàng mình.

Sai lầm mà các bạn trẻ sinh viên ngành thời trang mới ra trường chưa có kinh nghiệm, có ý định khởi nghiệp hay mắc phải. Chị có thể chia sẻ lại một số kinh nghiệm kinh doanh suốt  8 năm để đưa Cashew vào hoạt động mở rộng, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường?

Cứ tập trung hết sức mình, chịu khó trước những khó khăn đang chờ đón. Cố gắng cân bằng để thăng hoa sáng tạo có “chất” riêng của mình và trên hết là hãy sống thực tế!

Thực hiện: Phong

Ảnh: NVCC