John Galliano, Tomo Koizumi và cách các nhà thiết kế giao tiếp thông qua sáng tạo
Ngày đăng: 10/08/21
Khi Rihanna sải bước trên thảm đỏ của MET Gala 2018 được tổ chức bởi Viện Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan với chủ đề “Heavenly Bodies: Fashion and the Catholic Imagination”, cô đã truyền tải hình ảnh về nghệ thuật Công giáo với bộ váy cùng áo choàng nạm ngọc trai và pha lê lộng lẫy được thiết kế bởi John Galliano cho Maison Margiela Artisanal cùng chiếc mũ mitra được chế tác bởi Stephen Jones.
Hình ảnh đó đã truyền cảm hứng đến rất nhiều người, trong số đó có cả nhà thiết kế Tomo Koizumi, một người ngưỡng mộ John Galliano từ năm 14 tuổi, khi anh lần đầu tiên nhìn thấy tác phẩm của John Galliano cho Dior. Anh nhớ lại cảm giác nhìn thấy hình ảnh của Rihanna trong thiết kế tại MET Gala 2018: “Nó vượt ngoài sự kỳ vọng của tôi theo một cách tôi không thể tưởng tượng.” Vì thế, anh vừa vui mừng nhưng cũng vừa lo lắng khi John Galliano giao lại bộ mẫu làm bằng vải mộc của thiết kế ấy như một phần trong sự kiện 2021 Forces of Fashion edition được khởi xướng bởi Anna Wintour và Vogue nhằm khuyến khích các nhà thiết kế giao tiếp với nhau thông qua công việc của họ.
Khi nhận được mẫu nháp với các bức thêu chần bông thô của Margiela, Tomo Koizumi đã liên tưởng đến cách anh sẽ sử dụng kỹ thuật sơn mới được phát triển trong bộ sưu tập tiếp theo. “Tôi đã cố gắng tạo ra một nhóm gồm ba thiết kế như ba tác phẩm độc lập nhưng hài hòa khi ghép lại với nhau.” Anh chia sẻ. Việc mở rộng ở cánh tay tạo cảm giác chiếc váy phồng to hơn – lấy cảm hứng từ nghệ thuật Rococo của thế kỷ 18 – cùng với đó là việc điểm tô các hàng nhún bèo xen kẽ nhau theo tinh thần mà anh ấy gọi là “tái tạo” (reconstructive design) của Maison Margiela.
Tomo Koizumi còn đính thêm các dải ruy băng màu sắc neon rực rỡ trên mẫu corset như cách để nhớ lại những thử nghiệm nổi loạn thời thiếu niên được truyền cảm hứng từ John Galliano. Sau quá trình biến đổi mẫu trang phục kéo dài ba tuần với sự tham gia của 50 cộng tác viên và xưởng may váy cưới của Treat Maison, chiếc váy nhuốm màu tôn giáo và uy nghiêm của Rihanna đã mang một tinh thần vui tươi kawaii của Tomo Koizumi. “Tôi thích những chiếc váy lớn và những chiếc đầy màu sắc,” Tomo Koizumi chia sẻ về kết quả tuyệt vời này, “và tôi muốn mang lại cho nó một cảm giác độc đáo hơn.”
“Cảm giác tốt nhất là sự ngạc nhiên,” anh ấy nói thêm. “Tôi muốn khơi dậy những cảm xúc tích cực, để mọi người có thể vui vẻ”.
Trong khi đó, khi chiếc váy cưới của Koizumi lần đầu tiên được ra mắt tại xưởng may Maison Margiela ở Paris, Galliano nhớ lại, “Đó là một ngày thực sự kỳ diệu: ánh sáng của Chúa chiếu qua, và sau đó chiếc váy cưới tuyệt đẹp này đã được giới thiệu cho tôi, Gypsy và Coco” – những chú chó giống Griffon Brussels của anh ấy. “Gypsy là người hâm mộ những thiết kế trường phái cũ,” Galliano giải thích, “thời trang cao cấp (haute couture) – và thực sự thích tác phẩm của Tomo Koizumi vì tất cả những thứ lông tơ và sự rườm rà. Và đó là thời điểm tôi cảm thấy mình có thêm một trách nhiệm rất lớn.”
John Galliano đã suy nghĩ về cách nâng cấp chiếc váy cưới trở thành thứ gì đó đại diện cho “một trong những ngày trọng đại nhất của cuộc đời bạn. Tách rời mọi thứ.” John Galliano nói thêm khi nhớ lại những hạn chế thời sinh viên của mình, khi anh ấy phải sử dụng lại những bộ quần áo mà bản thân đã tìm thấy trong các khu chợ cổ. “Đó là người thầy tuyệt vời nhất mà ta có thể học. Đúng là một niềm vui khi được đưa bản thân trở lại thời gian đó, và có thể tiến xa hơn nữa. Khi gia nhập Margiela, tôi đã mất một vài mùa để ngừng trau chuốt và nắm lấy cảm giác tự do đó.” Anh ấy bắt đầu bằng cách tỉ mỉ bóc từng nếp nhún do Tomo Koizumi tạo ra — một quá trình mất hai người trong năm ngày — sau đó duỗi thẳng và cuộn chúng thành những quả bóng len, đan thành một chiếc áo len quá khổ để “những ký ức này có thể được mặc. Tôi tưởng tượng ra một cặp vợ chồng dưới ánh trăng,” John Galliano miêu tả “Họ cùng chia sẻ những câu chuyện về quãng thời gian tươi đẹp mà họ đã có với nhau và những ký ức đó xoa dịu tâm hồn phiền muộn của họ — hành động đan len cũng giống như vậy, vì nó gần như mang tính thiền định”. Cặp đôi mà Galliano đã nghĩ đến tình cờ là cặp người mẫu in-house của nhà Margiela – Valentine Charasse và Thomas Riguelle. Mỗi bộ quần áo mà nhà thiết kế tạo ra đều phù hợp với cả hai, “thì tôi nghĩ đó là một món đồ tuyệt vời để có trong bộ sưu tập,” Galliano giải thích, “và nó được thiết kế không theo một giới tính nào.”
Xưởng may Margiela đã phải sản xuất một số mẫu đan để đảm bảo độ căng và vừa vặn cơ thể một cách chính xác, “để nó có cảm xúc, trông không quá mới mẻ và nó phải có một linh hồn,” Galliano nói. “Thật là hờ hững,” anh ấy nói thêm về chiếc áo len đã mất 11 ngày hoặc 90 giờ để đan, “nhưng tôi nghĩ nó là một chiếc áo khá sang trọng.”
John Galliano cũng chú ý đến lớp lót. “Tôi không thể không làm điều gì đó với nó,” anh nhớ lại. “Vì vậy tôi đã làm một chiếc áo phông nhỏ, sau đó tôi đã biến thành một chiếc mũ ca-lô nhỏ. Tôi thích phối nó với chiếc khăn và một chiếc túi màu vàng — để đi dạo trong công viên. ”
Sáng tạo vẫn luôn cần được duy trì, bất kể những rào cản của đại dịch. Thông qua sự kiện 2021 Forces of Fashion edition, các nhà thiết kế đến từ những nền văn hóa khác nhau đã có những trải nghiệm mới và gắn kết với nhau thông qua các tác phẩm.
Chuyển ngữ: Hiếu Lê
Ảnh và video: Vogue