Khách hàng mua sắm trong mùa lễ hội tăng mạnh ở phân khúc hàng hóa cao cấp “resale”
Ngày đăng: 28/12/20
Covid-19 đã khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong mùa lễ hội năm nay, tuy nhiên khách hàng ở phân khúc xa xỉ vẫn không ngần ngại chi tiền để mua sắm. Khi doanh số của ngành bán lẻ bị ảnh hưởng, thì ở thời trang cao cấp resale vẫn đang phát triển.
Cửa hàng ký gửi hàng hóa xa xỉ trực tuyến Tradesy vừa báo cáo doanh số bán hàng tăng vọt trong vài tuần qua. Khách hàng đang tìm mua những đôi giày, đồ trang sức và túi xách cao cấp đã qua sử dụng. Giám đốc điều hành Tracy DiNunzio của Tradesy (trụ sở tại Santa Monica, California) cho biết, công ty thường không thấy lượng mua tăng đột biến vào thời điểm này trong năm, trừ năm nay.
Theo ThredUp, thị trường đồ cũ sẵn sàng đạt 80 tỷ đô la vào năm 2029.
Khi đại dịch khiến cho các cửa hàng truyền thống phải đóng cửa, khách hàng có nhiều chọn lựa tốt hơn ở thị trường bán lại. Các cửa hàng chậm chạp mở cửa trở lại trong mùa Hè, DiNunzio cho biết khách hàng mới vẫn tiếp tục đổ xô đến trang web của cô và nhu cầu về đồ xa xỉ đã qua sử dụng vẫn mạnh mẽ.
Giám đốc điều hành Tracy DiNunzio của Tradesy cho biết: “Việc các khách hàng của ngành bán lẻ xa xỉ truyền thống chấp việc bán lại hàng hóa đã gia tăng nhiều. Họ tiếp tục hoạt động tích cực, bằng hoặc hơn hồ sơ người mua thông thường của chúng tôi.”
Được thành lập vào năm 2009, Tradesy ra mắt vào thời cao điểm của cuộc khủng hoảng tài chính, khi khách hàng vốn không thích thời trang bán lại trước đây bắt đầu nghĩ rằng họ có thể tiết kiệm tiền mà không phải hy sinh phong cách. DiNunzio nói: “Một quan điểm mới đã xuất hiện và đó thực sự là sự ra đời của loại hình “resale”.
Khoảng thời gian này, những khách hàng giàu có đang tham gia. Sự không chắc chắn về kinh tế trong thời kì đại dịch và suy thoái kinh tế kèm theo cũng khiến họ tập trung vào giá trị cao hơn.
DiNunzio cho biết: “Đó là sự chuyển hướng sang chất lượng cao cấp, những thiết kế sẽ giữ giá trị theo thời gian. Khách hàng đã trở nên hiểu biết và đang nghĩ về việc mua hàng xa xỉ như một khoản đầu tư.”
Được thúc đẩy bởi khả năng nhận diện thương hiệu lâu dài, tay nghề thủ công tỉ mỉ cũng như việc giảm giá các phiên bản giới hạn, các mặt hàng thời trang thiết kế có thể là biểu tượng của tính bất hủ với giá trị bán lại cao mà người mua có thể chấp nhận.
Những người mua những đôi giày sneakers và túi xách đã được hưởng lợi từ việc đầu tư. Chiếc ví Louis Vuitton Pochette có giá trung bình 1.300 đô la trên Tradesy, cao hơn gấp đôi giá bán lẻ của nó. Giá trị bán lại của đôi Yeezy Boost 350 cộp mác Kanye West đã tăng 157% trên cửa hàng ký gửi hàng hóa cao cấp trực tuyến RealReal Inc.
“Với việc mọi thứ trở nên bình thường hơn, những món đồ xa xỉ không chỉ khiến người mua sắm cảm thấy gắn kết hơn; đó là một cách để đối tốt với bản thân và biết rằng đó là thứ bạn có thể kiếm tiền dễ dàng”, Trưởng phân khúc thời trang nữ Sasha Skoda của RealReal cho biết.
Ngoài những người săn hàng hóa xa xỉ nhất định, những người trẻ cũng đang tăng trong thị trường hàng hóa xa xỉ bán lại.
Theo ThredUp, những người mua sắm Thế hệ Z đang săn lùng những món hời hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác. Karen Clark, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông tiếp thị của ThredUp cho biết: “Họ không chê những món quần áo đã qua sử dụng và quan tâm đến việc mua sắm một cách bền vững. Đó là một cách để thể hiện giá trị của họ.” Trong cơn lốc bài trừ thời trang nhanh vẫn diễn ra âm ỉ, Covid-19 đã thúc đẩy việc áp dụng mua sắm đồ cũ – đưa vai trò của các mô hình kinh doanh tuần hoàn lên hàng đầu trong nhận thức của người tiêu dùng. Tại RealReal, khoảng 1/3 khách hàng cho biết họ mua sắm trên nền tảng này như một sự thay thế cho thời trang nhanh.
Michael Stanley-Jones, cán bộ quản lý chương trình của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết: “Thời trang là một trong những ngành kém bền vững nhất trên hành tinh. Tất cả chúng ta đều trở thành những người quản lý rác thải của chính mình, tích trữ rác thải thời trang trong tủ quần áo của mình”. Ông cho biết những nỗ lực để tăng vòng đời của quần áo thông qua việc bán lại – và cuối cùng là giảm thiểu tác động đến môi trường – là đáng quý, nhưng đạt được các mục tiêu bền vững vẫn quan trọng hơn là việc tiết kiệm. Điều này đòi hỏi các công ty, nhà sản xuất, người tiêu dùng và các nhà đầu tư phải hành động nhất quán.
Thực hiện: Côn Quân
Theo BOF