Khi gương được mang lên những sàn diễn thời trang đẳng cấp
Ngày đăng: 06/05/23
Nếu theo dõi thời trang đã lâu, giới mộ điệu ắt cũng nhận ra được sự xuất hiện “tích cực” của những tấm gương trên hàng loạt sàn diễn thời trang đi cùng với đó là những thông điệp vô cùng ý nghĩa đến từ nhà thiết kế.
Đối với một show diễn thời trang thành công và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người thưởng thức, chắc chắn không chỉ có những thiết kế độc đáo, được chế tác tỉ mỉ từ tư duy đầy sáng tạo của các nhà thiết kế mà nó còn phụ thuộc vào sự hoành tráng và độ đầu tư của các nhà mốt vào đường catwalk cũng như cả runway set. Đối với các thương hiệu, có lẽ những tuyệt tác bằng vải vóc vẫn chưa đủ để họ thể hiện hết được toàn bộ thông điệp đầy ý nghĩa mà các nhà thiết kế muốn truyền tải đến người xem, và để hoàn thiện mong muốn đó thì các đường băng chính là một hình ảnh hoán dụ cho các gửi gắm đặc biệt của người là sáng tạo. Khác với các sàn diễn, khung cảnh show diễn đầy riêng tư của những ngày đầu của thời trang, những đường băng ngày nay dần dần được cải tiến hơn theo sự biến đổi của dòng chảy thời trang và sự cải tiến của thời đại.
Trong xuyên suốt bề dày lịch sử thời trang, chúng ta đã có không ít những sàn diễn hoành tráng với độ sáng tạo vượt ngưỡng. Trong số đó, không chỉ được đính kết lên vải vóc, gương có lẽ là một trong những yếu tố được nhiều nhà mốt lựa chọn để bố trí cho các sàn diễn của họ. Đương nhiên, tất cả những nhà thiết kế tạo ra hay đem lên sàn diễn đều chứa đựng những ý nghĩa đặc biệt. Quay ngược dòng thời gian, cùng Style-Republik điểm lại những thời khắc mà những tấm gương thắp sáng đường băng của các nhà mốt trên khắp thế giới cùng đó là những ý nghĩa được gửi gắm!
Alexander McQueen Spring 2001
Nói không ngoa, nếu theo dõi tất cả những sàn diễn và các thiết kế trước đây của Alexander McQueen thì chẳng có lý do nào để phủ nhận khi nói rằng nhà thiết kế người Mỹ này chính là “cha đẻ” của vẻ đẹp rùng rợn và những lẽ dị thường. Vào đầu thế kỷ 21, Alexander McQueen được xem là một trong những nhà thiết kế nổi tiếng nhất trong ngành thời trang. Anh ấy luôn là cái tên luôn khiến khán giả và các nhà phê bình thời trang kinh ngạc và sửng sốt. Và đương nhiên McQueen yêu thích điều này.
Những dấu ấn sáng tạo mà ông làm ra luôn gây ấn tượng một cách đẹp đẽ, lập dị và rất giống McQueen. Vào năm 2001, Alexander McQueen đặt tên cho bộ sưu tập Xuân/Hè của mình là VOSS, tên của một thị trấn ở Na Uy nổi tiếng với môi trường sống hoang dã. Đây cũng là một trong những sàn diễn đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của chính nhà thiết kế người Mỹ cũng như cả thế giới thời trang hào nhoáng. VOSS (2001) được McQueen đặt vào một chiếc hộp tráng gương trong suốt và khi show diễn chưa bắt đầu, khối lập phương khổng lồ này chính là hình ảnh phản chiếu của dàn người xem. Trong khối lập phương đấy, McQueen đã tạo dựng nên một bối cảnh không khác gì căn phòng của các bệnh nhân tâm thần cùng những vẻ đẹp lập dị trứ danh, cùng với đó là sự tương phản đặc biệt giữa thiên nhiên và sự dị thường của chính McQueen để lại nhiều suy tư cho người xem. Bên trong khối lập phương xung quanh được tráng gương đấy, những người mẫu sẽ không thấy được bất cứ gì bên ngoài, như thể họ đang đối mặt với bản thể khác biệt của chính mình. Và từ bên ngoài, người xem cũng sẽ phải trải qua những khung bậc cảm xúc từ đau đớn đến thấu cảm.
Gucci Fall 2022
Dù chẳng còn là người “trị vì” ở vương triều sáng tạo Gucci như kỷ nguyên của Alessandro Michele tại nhà mốt Ý lừng danh vẫn luôn là kho di sản đồ sộ không dễ thay thế. Trong suốt nhiều năm tại Gucci, Alessandro Michele luôn để lại cho làng mốt những đường băng thời trang khó quên – Gucci Fall 2022 là một trong số đó – một show diễn phá tan ranh giới giữa nam giới và phụ nữ trong thời trang và cả màn bắt tay thú vị với adidas.
Trong những lần chia sẻ với truyền thông báo chí, Alessandro Michele luôn nhấn mạnh mối tương quan giữa ma thuật của những chiếc gương và thời trang. “Quần áo chính là những tấm gương phản ánh hình ảnh của chúng ta trong một chiều không gian được mở rộng và biến đổi…và khi khoác chúng lên người con người đã vượt qua ngưỡng biến đổi, bước đến nơi chúng ta trở thành một hình ảnh khác”. “Không gian ngưỡng” là chủ đề khiến Michele trở nên khác biệt, nổi bật trong thế giới thời trang lộng lẫy, và đây cũng không phải lần đầu anh ấy mang chúng lên sàn diễn – đường băng lần đầu ra mặt tại Gucci của Michele vào khoảng 2015 cũng được tráng gương. Vì thế chủ đề chính của show diễn lần này chính là: sự biến chất, được tạo ra bởi sức mạnh kỳ diệu của những tấm gương để bóp méo và biến đổi quần áo và chính chúng ta theo hình ảnh phản chiếu của chúng. “Tôi sử dụng phép ẩn dụ về chiếc gương ma thuật để tiếp cận sức mạnh ma thuật của thời trang. Một sức mạnh thiêng liêng tỏa ra từ bề mặt của các loại vải”. Michele đã mở rộng góc nhìn và kỹ thuật thời trang của mình để phóng đại những thiết kế lần này. Tại sàn runway được bao phủ bởi nhiều Anh tôn vinh những bộ quần áo như một phòng thí nghiệm quang học thực sự: quần áo chính là những cỗ máy ma thuật có thể khai sinh ra những câu chuyện cổ tích không có thật, đánh đố trí tưởng tượng của con người và đầy mê hoặc.
Dior
Tại Dior Fall 2013, Simons đã tạo ra một không gian thời trang xen kẽ nghệ thuật đầy mộng mơ và thơ mộng bằng những quả cầu gương phản chiếu khổng lồng cùng bản in của những đám mây lơ lửng. Hình ảnh phản chiếu của các người mẫu khi họ sải bước trên đường băng bị uốn cong đã mang đến bầu không khí siêu thực vô cùng đặc biệt cho show diễn, và chính chủ nghĩa siêu thực cùng những vẻ đẹp không thật này đã truyền cảm hứng cho bộ sưu tập Dior mùa này, được thêu dệt từ sự nhạy cảm của chính Simons cùng với các quy tắc thiết kế từ đoạn mã DNA sáng tạo của House of Dior.
Gương, theo định nghĩa, là một mảnh thủy tinh phản chiếu ánh sáng, theo khoa học là thế. Nhưng trên thực tế, một chiếc gương cũng có thể phản chiếu một loại ánh sáng khác biệt hoàn toàn – và đó là ánh sáng của một bộ óc sáng tạo. Và tại show diễn diễn mùa Xuân của Maria Grazia Chiuri tại Dior vào năm 2018 lúc đấy, làng mốt mới đã được chứng kiến điều đó. Nhân dịp lễ kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhà điêu khắc vĩ đại – Monsieur Rodin, Maria đã quyết định trình làng bộ sưu tập mới của Dior tại chính bảo tàng Musée Rodin của Paris – nơi đầu tiên mà ai ai cũng nhớ đến khi nói về di sản của ngài Rodin. Tại không gian kiến trúc đặc biệt, Maria đã tạo nên “sảnh” gương bị khúc xạ, phản chiếu bởi khoảng 80.000 mảnh gương được đính kết lại với nhau – vị giám đốc sáng tạo của nhà mốt Pháp lừng danh đã đem đến một không gian trình diễn thời trang hoàn mỹ với yếu tố nghệ thuật và giá trị sáng tạo vượt ngưỡng gần như thể Antoni Gaudí đã du hành ngược thời gian cùng “bắt tay” với Jules Hardouin-Mansart để tạo ra công trình này. Tại Versailles, Sảnh Gương của Hardouin-Mansart đã tạo nên một hình ảnh phản chiếu, sự phản quang vô cùng hoàn hảo cho những thiết kế mới nhất cũng như tầm nhìn, cách tiếp cận thời trang của Chiuri được phóng đại và cảm nhận sâu sắc hơn một cách nhiều lần. Bên cạnh đó, “công trình” nghệ thuật tráng gương lần này còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa khác – như thể một hình ảnh ẩn dụ hoàn hảo cho văn hóa chụp ảnh selfie trước gương của giới trẻ đang thịnh hành và tạo nên cơn sốt khắp thế kỷ 21.
Chanel
Nhắc đến Chanel đặc biệt là thời đại của huyền thoại quá cố Karl Lagerfeld, thì chắc chắn không thể không nhắc đến những sân khấu trình diễn, đường băng catwalk được trang trí và xây dựng bằng tất cả trí óc sáng tạo. Nói không ngoa, trong bất kỳ show diễn nào của Karl tại Chanel người thưởng thức sẽ có cơ hội đắm chìm vào một không gian nghệ thuật và trọn vẹn từ thời trang đến các công trình kiến trúc thực thụ. Có lẽ chưa có thứ gì mà Karl chưa dám đem lên sàn diễn của mình! Những tấm gương cũng là dấu ấn cũng được cố nhà thiết kế vĩ đại của chúng ta mang lên đường băng để bổ trợ và hoàn thiện cả show diễn, chẳng hạn Chanel Fall 2005, Chanel Spring 2017 Couture, Chanel Fall 2014 Couture.
Louis Vuitton Fall 2016
Nói không ngoa, nếu nhìn lại những show diễn của Nicolas Ghesquière tại Louis Vuitton có lẽ ông chính là một trong những nhà thiết kế đi trước thời đại. Louis Vuitton Fall 2016 chính là một trong những show diễn thời trang chứng minh được điều đó rõ ràng nhất. Bộ sưu tập Thu Đông 2016 lúc đấy được vị giám đốc sáng tạo đặt ngay trong một không gian tràn ngập những trụ gương được dựng đứng ngổn ngang – lấy cảm hứng từ tác phẩm nghệ thuật Melted Bones của nghệ sĩ người Pháp Justin Morin. Vũ trụ của Nicolas chứa đựng vô vàn sự đối lập – tương lai và cổ điển, vĩnh cửu và phù du, tượng đài và tàn tích, cùng đó là 57 cây trụ được làm từ những tấm gương vỡ. Ánh đèn xanh được phản chiếu và thay đổi liên tục khiến câu chuyện của Nicolas mang đến trong bộ sưu tập lần này càng thêm đặc sắc. Nói đúng hơn, Louis Vuitton Thu Đông 2016, Nicolas Ghesquière đã hoàn thành một chuyến phiêu lưu hấp dẫn qua cả thời gian và kho di sản trường tồn của nhà mốt Pháp, khai quật những dấu tích vinh quang của một nhà sản xuất rương có tầm nhìn xa trông rộng và đúc kết lại những sáng tạo của ngày hôm qua cho thị hiếu của ngày hôm nay. Nicolas đã định nghĩa một nữ anh hùng của thời đại mới và sự thanh lịch bắt nguồn từ sự năng động của cô ấy. Nicolas đã rèn giũa di sản nghìn năm tuổi để minh họa rõ hơn cho hiện tại, trong những thiết kế được kết hợp giữa sự cổ điển không thể chối cãi của LV với sức sống thể thao của một nhà thám hiểm thực thụ.
Thực hiện Huỳnh Trân