Khi sắc đỏ và bản sắc Phương Đông trở thành “nhân vật chính” trong câu chuyện thời trang của các nhà thiết kế Việt
Ngày đăng: 25/04/23
Có lẽ, sắc đỏ luôn là một gam màu quan trọng, một dấu ấn luôn tồn tại trong mỗi lăng kính thời trang của các nhà thiết kế Việt và vào những thời khắc quan trọng nhất, sắc đỏ sẽ được xuất hiện cùng các gửi gắm đặc biệt.
Với ấn tượng của những cái nhìn đầu tiên cũng như nguồn năng lượng dồi dào từ bản chất, màu đỏ luôn gắn liền với những cảm xúc hay trạng thái mạnh mẽ như tức giận, tích cực hay rực rỡ,… Đây cũng là một trong những lý do vì sao sắc đỏ lại thường được dùng như một loại công cụ “gián tiếp” để chúng ta thể hiện cảm xúc hay “miếng mồi” thu hút mọi sự chú ý một cách nhanh nhất.
Tương tự những sắc màu khác, màu đỏ có nhiều ý nghĩa khác nhau tương ứng với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Ở Trung Quốc, màu đỏ đại diện cho sự may mắn, thịnh vượng và đây cũng là màu được dùng phổ biến trong lễ cưới. Ở Tây Ban Nha, những tấm khăn màu đỏ được sử dụng để thu hút những con bò đực trong đấu trường matador. Trong văn hóa Ấn Độ, màu đỏ là màu phổ biến nhất và nó mang nhiều ý nghĩa khác nhau như sự sợ hãi, biểu trưng của ngọn lửa, sự giàu có và quyền lực. Là màu đại diện cho sự may mắn, lòng đam mê, sự khát khao, hạnh phúc và cả sự nguy hiểm, màu đỏ đã, đang và sẽ có sức ảnh hưởng cực lớn, đặc biệt là trong giới thời trang.
Gắn liền với sự quý phái, màu đỏ cùng ấn tượng thị giác vô cùng mạnh mẽ, còn là chìa khóa để các nhà thiết kế/ thương hiệu, các nhà mốt đình đám, đem lên các sàn diễn hay những bộ sưu tập mới để thu hút khách hàng từ lần đầu chiêm ngưỡng. Mạnh mẽ và thú vị, màu đỏ có thể đi sâu vào người cảm nhận mà không cần làm gì cả – không cần phom dáng quá sáng tạo hay chi tiết quá cầu kỳ, chỉ cần có nét chạm đơn giản từ sắc đỏ, dấu ấn thời trang sẽ trở nên quyến rũ và đặc sắc hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đối với văn hóa Phương Đông, màu đỏ lại có một mối quan hệ thân thiết và sâu sắc hơn bao giờ hết. Màu đỏ ở văn hóa phương Đông được xem là biểu trưng cho sự may mắn, hạnh phúc,… và chúng thường được xuất hiện trong những sự kiện hay đồ vật quan trọng cùng những ý nghĩa sâu sắc và thiêng liêng. Đặc biệt ở Việt Nam, màu đỏ còn được phủ kính nền lá cờ Tổ Quốc cùng tượng trưng cho sự nhiệt huyết đối với cách mạng, hay nói cách khác màu đỏ dường như trở thành màu sắc thường xuyên được biểu trưng hóa cho bản sắc dân tộc của người Việt. Từ đây cũng dễ hiểu rằng, sắc đỏ luôn là một gam màu quan trọng, một dấu ấn luôn tồn tại trong mỗi lăng kính thời trang của các nhà thiết kế Việt và vào những thời khắc quan trọng nhất, sắc đỏ sẽ được xuất hiện cùng các gửi gắm đặc biệt tựa như những lần “cắt nghĩa” khác nhau của những nhà thiết kế Việt sau đây!
NTK Thủy Nguyễn cùng bộ sưu tập “Ới a ơi à”
Trong kho di sản mà “nữ hoàng” của những tà áo dài Việt” – NTK Thủy Nguyễn để lại cho nền thời trang Việt, có lẽ sắc đỏ luôn là một dấu ấn được nhắc đến xuyên suốt từ những ngày đầu ngôn ngữ thiết kế của nữ nhà thiết kế tài năng này được trình làng giới mộ điệu cho đến tận ngày nay. Bởi lẽ, sắc đỏ là một trong những gam màu mà những tà áo dài hay trang phục truyền thống của Thủy Nguyễn không thể thiếu và cũng bởi lẽ màu đỏ lại thể hiện được đúng bản sắc của văn hóa Á Đông và người phụ nữ Việt quen thuộc trong thế giới thời trang của nhà thiết kế. Ở BST đầu tiên tại chuyến viễn du Fashion Voyage của nhà sáng lập Long Kan, NTK Thủy Nguyễn đã mang đến người thưởng thức một câu chuyện dân gian thú vị, những lời ru của mẹ, những lời tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt, một thời khắc tâm hồn nghệ thuật và sáng tạo của bản thân được hòa quyện cùng tình yêu Việt Nam để tạo ra những tà áo dài trường tồn theo dòng chảy thời gian. Và tất nhiên, ngoài sự đầu tư vào đa dạng loại chất liệu, cách diễn giải phom dáng mộc mạc nhưng không kém phần đương đại cùng những đường cắt chưa từng xuất hiện trước đây, “người phụ nữ của gấm” còn sử dụng sắc đỏ quen thuộc để có thể thể hiện chân thật và chuẩn xác nhất về những tinh túy của văn hóa Á Đông.
NTK Lê Thanh Hòa cùng BST “An”
Là một trong những nhà thiết kế nổi bật nhất trong nền thời trang Việt, Lê Thanh Hòa cũng không ít lần chinh phục làng mốt bằng những nguồn cảm hứng bất tận văn hóa phương Đông cũng như từ truyền thống Việt. Được tổ chức trong không gian cổ kính vào một buổi chiều thu ở phố cổ Hà Nội, “An” có lẽ là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Phủ khắp đường băng và toàn bộ không gian trình diễn bằng một sắc đỏ đầy ấn tượng cộng hưởng với âm hưởng quen thuộc từ hình ảnh những bụi tre Việt vĩ đại của bối cảnh, Lê Thanh Hòa đã khiến người xem “xuýt xoa” vì nét duyên ngầm, yêu kiều và đầy quyền lực của những người phụ nữ Việt. Với vẻ đẹp Á Đông đầy riêng biệt bao trùm cả show diễn, sắc đỏ trong “An” được NTK Lê Thanh Hoa lồng ghép vào nhiều tinh thần khác nhau tương ứng với nhiều sắc thái khác nhau. Đôi khi, sắc đỏ của NTK Lê Thanh Hòa trong “An” thể hiện được vẻ đẹp của những người phụ nữ Việt truyền thống một cách chân thật nhất, đôi khi sắc đỏ phương Đông đấy được gặp gỡ tinh thần phóng khoáng và hiện đại của phương Tây, đôi khi duyên dáng thướt tha cũng có đôi khi trở nên quyền lực và cá tính hơn bao giờ hết.
NTK Nguyễn Hoàng Tú cùng BST “PHOENIX – PHƯỢNG HOÀNG”
NTK Nguyễn Hoàng Tú cũng là một trong những nhà thiết kế gây ấn tượng sâu sắc nhất với làng mốt bằng chính lối kể chuyện khác biệt về văn hóa Việt thông qua ngôn ngữ thiết kế. “PHOENIX – PHƯỢNG HOÀNG” chắc hẳn có lẽ là một trong những “câu chuyện thời trang” về văn hóa Việt của Nguyễn Hoàng Tú mà giới mộ điệu Việt vẫn chưa thể quên! Lấy cảm hứng từ hình ảnh thần thú Phượng Hoàng phục sinh từ tàn tro “tựa bản thân mỗi con người luôn phải trải qua những cuộc ‘tái sinh’ trên chuyến hành trình không ngừng nghỉ kiếm tìm ‘Sự Thật’”, cùng đó là nguồn cảm hứng từ Nam Phương Hoàng hậu, Nguyễn Hoàng Tú khiến làng mốt “gật gù” với hình ảnh phụ nữ Việt Nam đương đại: tinh tế, táo bạo và đượm đầy văn hóa. Tất cả được hiện thực hóa qua lăng kính tiếp cận trẻ trung, ngôn ngữ kiến trúc bất đối xứng, và lối xử lý chất liệu tài tình của nhà thiết kế trẻ. Ngoài hai gam màu cơ bản đen-trắng, “Phoenix” đem đến một gam màu đỏ biết “nói” và biết thể hiện cảm xúc. Vì sao là màu đỏ? Có lẽ, mỗi khi nhắc đến Phượng hoàng chúng ta đều nhớ đến một màu đỏ uy quyền, giống như sự liên kết giữa màu đỏ và văn hóa Á Đông. Sắc đỏ được Nguyễn Hoàng Tú cho đứng một mình như lúc Nam Phương Hoàng hậu trong Hoàng Bào triều Nguyễn; hay khi buộc phải xuất hiện trong chiếc yếm Đào truyền thống của văn hóa Việt; và đôi khi lại tượng trưng cho “Vết Phượng” – hàng chỉ đỏ chạy dọc từ vai xuống thân tạo nên một chuyển động tràn đầy năng lượng cho thiết kế.
NTK Phan Đăng Hoàng cùng BST “MIRAGE”
Dù là một nhà thiết kế trẻ, nhưng NTK Phan Đăng Hoàng đã sớm khiến làng mốt Việt rạng danh khi đánh dấu cột mốc của chính mình trên bản đồ thời trang thế giới như những lần được tham gia Milan Fashion Week hay cuộc gặp gỡ với “bà đầm thép” của làng thời trang – Anna Wintour. Trước khi trở về Việt Nam để thực hiện buổi triển lãm lồng ghép show diễn cho BST Thu Đông 2023, NTK Việt “tuổi trẻ, tài cao” đã cho ra mắt bộ sưu tập này tại Milan Fashion Week mùa giải vừa qua.
Với tựa đề “MIRAGE”, PHAN DANG HOANG FW23 tựa như “chuyến du hành đến vùng đất của những điều không tưởng” và được khai thác từ nguồn cảm hứng về vẻ đẹp siêu thực của thiên nhiên Tây Bắc. BST nổi bật với những lát cắt thủ công từ những kĩ thuật chần bông có từ lâu đời, kết hợp cấu trúc mô phỏng hình dạng trái tim, mang khí chất bản lĩnh luôn rực cháy của con người Tây Bắc với tình yêu thiên nhiên và cuộc sống mãnh liệt. Những đường xoắn và các chi tiết chạy ngang thể hiện địa hình hiểm trở, cuộc sống bấp bênh đầy thách thức của người miền núi. Điểm thu hút của “MIRAGE” còn đến từ chiếc chân váy được dệt thủ công từ những nghệ nhân chuyên dệt chất liệu thổ cẩm. Là một trong những nét đặc trưng của Tây Bắc, hoa đỗ quyên với sắc tím thời thượng được khai thác vào trang phục với hàng nghìn giờ xử lý. Hơi thở nội lực của BST còn thể hiện ở dáng áo top ôm sát với vạt dài ở tay và quần baggy cá tính, hay áo khoác denim oversize cùng quần jeans ống suông cut – out bất đối xứng. Sử dụng cấu trúc tạo form trên nền kỹ thuật draping cầu kỳ. BST là một bức tranh tổng hoà về Tây Bắc với những đường nét, hình khối mạnh mẽ tạo góc nhìn đương đại trong một đề tài đậm chất truyền thống. Với những gam màu sặc sỡ biểu trưng cho vẻ đẹp thiêng liêng của thiên nhiên Việt Nam từ xanh lá, xanh biển, cam, vàng,… và tất nhiên không thể thiếu sắc đỏ vô cùng quyền lực.
Sắc đỏ trong bộ sưu tập mới được Phan Đăng Hoàng sử dụng không chỉ để thể hiện sự vĩ đại của Tây Bắc mà còn như một biểu trưng cho sức mạnh của những người phụ nữ Việt, cụ thể là phụ nữ vùng Tây Bắc với khát khao mãnh liệt giải phóng chính mình qua những hủ tục và định kiến hà khắc.
Thực hiện Huỳnh Trân
Ảnh: Thủy Design House, LE THANH HOA, NGUYEN HOANG TU, Phan Đăng Hoàng, Kyanh Tran