Không còn “hiệu ứng son môi”, ngành công nghiệp làm đẹp phải nỗ lực tự giải cứu
Ngày đăng: 29/11/24
Hiệu ứng son môi (Lipstick Effect) chỉ ra rằng người tiêu dùng thường có xu hướng mua những món xa xỉ phẩm nhỏ như son môi trong thời kỳ suy thoái.
Ý kiến này lần đầu tiên được đưa ra bởi giáo sư kinh tế và xã hội học Juliet Schor trong cuốn sách “Người Mỹ chi tiêu quá mức” năm 1998. Bà cho rằng những phụ nữ đang gặp khó khăn về tài chính mua son môi đắt tiền để giải tỏa áp lực khi phải đối mặt với một tương lai kinh tế bấp bênh, đồng thời khiến người khác trầm trồ bởi những sản phẩm đắt đỏ mà họ sở hữu. Tuy nhiên, gần đây cuộc khủng hoảng của ngành xa xỉ cũng đã thâm nhập vào ngành công nghiệp làm đẹp, sự quan tâm của người tiêu dùng trên toàn cầu với nhu cầu mua sắm đang dần giảm sút.
Cuộc khủng hoảng lan truyền
Chỉ vài tháng trước, các chuyên gia đã ca ngợi ngành công nghiệp mỹ phẩm toàn cầu, vì đã vượt qua kỳ vọng. Bất chấp cuộc khủng hoảng, ngành mỹ phẩm đã đạt được kết quả tốt hơn so với ngành trang phục và các ngành hàng tiêu dùng khác.
Được mô tả là một gã khổng lồ không ngừng phát triển, ngành làm đẹp phát triển với tốc độ ấn tượng đến mức, theo Euromonitor International, dự kiến sẽ đạt 670,8 tỷ USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 9%. Điểm trừ duy nhất trong bức tranh lý tưởng này có vẻ là thị trường Trung Quốc. Vào năm 2023, do các yếu tố như suy thoái kinh tế và người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các thương hiệu địa phương – thị trường Trung Quốc báo cáo mức tăng trưởng khiêm tốn là 5,1%, đạt 58 tỷ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là thách thức duy nhất đối với các công ty làm đẹp. Các báo cáo thu nhập gần đây cho thấy sự chậm lại cũng đang lan sang thị trường Hoa Kỳ và cả Châu Âu.
Các thương hiệu mỹ phẩm không đạt kỳ vọng tăng trưởng
Trong các báo cáo thu nhập quý gần đây của các công ty mỹ phẩm, như Business of Fashion đã lưu ý, một thuật ngữ thường gặp đã được sử dụng để mô tả doanh số bán hàng: “bình thường hóa”, nghĩa là sự chậm lại.
LVMH đã không đạt được ước tính của các nhà phân tích cho thấy sự không mấy khả quan của thị trường xa xỉ. Trong quý 3 năm 2024, bộ phận nước hoa và mỹ phẩm của LVMH đã ghi nhận mức tăng trưởng quý thấp nhất trong năm nay chỉ ở mức 3%, thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng 9% trong cùng kỳ năm ngoái.
L’Oréal báo cáo doanh số bán hàng là 10,28 tỷ euro trong ba tháng kết thúc vào tháng 9, với mức tăng 2,8% về doanh thu và mức tăng 3,4% theo tỷ giá hối đoái cố định, nhưng những con số này không đạt được kỳ vọng. Ví dụ, danh mục mỹ phẩm da liễu của gã khổng lồ của Pháp, bao gồm các thương hiệu như Cerave, La Roche-Posay và Skinceuticals, đã không đạt được ước tính hai chữ số, đạt mức tăng trưởng dưới 1% trong quý. Ngay cả khi kết quả có vẻ khả quan, chúng thường đến do giá bán tăng thay vì tăng trưởng số lượng bán trên toàn cầu, điều này được chỉ ra bởi công ty tư vấn McKinsey.
“Hiệu ứng son môi” đã giảm nhiệt khi mà người tiêu dùng đã không còn cần đến các xa xỉ phẩm để “tạo cảm giác dễ chịu” trong những ngày khó khăn. Khi tài chính cá nhân trở nên căng thẳng, người tiêu dùng đã cắt giảm chi tiêu tùy ý trên tất cả các danh mục và không còn muốn – hoặc có khả năng – chấp nhận tình trạng tăng giá liên tục đối với các loại kem dưỡng, serum, dầu gội, son môi… Lạm phát khiến cho nhiều người phải vật lộn với các hoá đơn, một số quyết định mua đồ cũ hoặc các sản phẩm thay thế với mức giá rẻ hơn.
Các thương hiệu mỹ phẩm sẽ phục hồi như thế nào?
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, cạnh tranh ngày càng cao và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, các thương hiệu thành công là những thương hiệu biết phát triển các chiến lược hiệu quả, cả ngoại tuyến và trực tuyến, đa dạng hóa và đổi mới, đồng thời đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Cần lưu ý cả Thế hệ Alpha, đang nổi lên như một động lực thúc đẩy trong ngành công nghiệp làm đẹp.
E.l.f. Beauty, mặc dù đã tăng giá trong những năm qua, nhưng đã công bố mức tăng trưởng 40% trong quý gần đây nhất nhờ sự hiện diện trên phương tiện truyền thông xã hội và các cải tiến liên tục.
Khi mùa lễ hội đang đến gần, tình hình có thể được cải thiện. Theo dữ liệu từ Circana, một công ty phân tích hành vi người tiêu dùng hàng đầu, số lượng người có ý định mua sắm quà tặng làm đẹp cho mùa Giáng sinh tăng 29% so với năm 2023. Và đặc biệt với Gen Z và Gen Alpha, sở thích của họ chịu ảnh hưởng lớn từ TikTok và họ có thể mua theo trào lưu các sản phẩm viral trên mạng xã hội.
Thực hiện: K.
Theo Nss Mag