V&A’s Kimono: Kyoto to Catwalk – Kỷ nguyên tái sinh của Kimono đã đến rất gần
Ngày đăng: 24/10/19
Guồng quay thời trang luôn xoay chuyển để những xu hướng lên ngôi và tan biến. Thế nhưng Kimono từ xa xưa và đến hiện tại vẫn giữ cho nó một vai trò quan trọng, bất biến trong một thế giới phù phiếm như thế.
Khi bắt đầu chuẩn bị cho cuộc triển lãm thời trang sắp tới của mình, Bảo tàng Victoria and Albert (V&A) đã quyết định rằng đây là lúc ta cần vươn ra khỏi nền văn minh Tây phương để tôn vinh một biểu tượng may đo cao cấp khác. Có nhiều lý do để viện bảo tàng lừng danh này lựa chọn những bộ Kimono vĩnh cửu, thứ đã mang ảnh hưởng của nó bao phủ ngành công nghiệp này hàng thập kỷ – từ Christian Dior Haute Couture Xuân-Hè 2007 dưới thời ông hoàng John Galliano đến thiết kế của Alexander McQueen dành cho Bjork trên album Homogenic.
Kimono đã mang ảnh hưởng của nó bao phủ ngành công nghiệp này hàng thập kỷ – từ Christian Dior Haute Couture Xuân-Hè 2007 dưới thời ông hoàng John Galliano đến thiết kế của Alexander McQueen dành cho Bjork trên album Homogenic.
“Bảo tàng V&A vốn nổi tiếng với các triển lãm thời trang có quy mô rất lớn. Thế nhưng tất cả chỉ xoay quanh tác động của nền văn minh lục địa già lên thời trang.” Anna Jackson, trưởng ban giám tuyển (curator) V&A’s Kimono: Kyoto to Catwalk, chia sẻ. “Triển lãm lần này sẽ cho thấy thời trang đã phát triển như thế nào ở những nơi khác trên thế giới. Biểu tượng đặc sắc trong kho tàng văn hóa Nhật Bản này luôn bị coi là cổ hủ, truyền thống và bảo thủ. Mục tiêu của chúng tôi là phủ định hoàn toàn nhận định đó và chứng minh đây luôn là một trang phục thời trang cao cấp. Ban tổ chức cũng đã nghiên cứu về sự chuyển mình của Kimono, vượt qua các ranh giới địa lý lẫn văn hóa từ thế kỷ 17 và tác động mạnh mẽ đến phong cách ăn mặc toàn cầu.”
Tên gọi Kimono hợp thành bởi hai từ, “Ki” nghĩa là “để mặc” – cụ thể là phần thân trên – và “mono” có nghĩa là “một vật gì đó”. Dù cho hình ảnh bộ quốc phục xứ mặt trời mọc đã thấm đẫm trong lịch sử quốc gia này, nó đang dần được tái sinh bởi chính thế hệ trẻ Nhật Bản, nhờ vào bản chất phi giới tính, hay sự ít tách biệt giới của nó, đã trao cho V&A thêm lý do để tôn vinh di sản vượt thời gian này.
“Những tín đồ của Kimono tại Nhật Bản xem đây như một loại trang phục thú vị và thời thượng, hơn là áp đặt tính truyền thống lên nó một lần nữa.” Jackson nói. “Không chỉ là thứ có thể được phối kết theo nhiều cách, Kimono giống như tấm kim bài chống lại thứ “ thời trang nhanh” và sự đồng hóa của thời trang toàn cầu.”
“Một làn sóng mới của các NTK trong việc sáng tạo ra những sản phẩm may mặc có thể thu hút sự chú ý của giới trẻ,” cô nói thêm. “ Nó như là một loại trang phục thường ngày vô cùng dễ mặc với những hoa văn thú vị, thậm chí là đột phá.”
Đã từng là cách con người chứng tỏ sự giàu sang, địa vị và phong cách của mình từ những năm đầu thế kỷ 18, sự phát triển sung túc đã thôi thúc các thương gia sản xuất nó nhiều hơn, mở ra thời kỳ vàng son của Kimono. Từ màu sắc, hoa văn đến kĩ thuật may đo đã phản ảnh sự giàu có, giới tính, đặc trưng văn hóa và phong cách của người mặc. “Khách hàng yêu cầu các thợ thủ công phải tạo ra những thiết kế có phong cách mới nhất và chạy theo hình ảnh của các diễn viên và geisha – rất giống với các ngôi sao ngày nay.” Jackson giải thích.
Hình ảnh các geisha trong tranh in khắc gỗ Nhật BảnSức ảnh hưởng của Kimono tác động lên nền công nghiệp thời trang Tây phương bắt đầu bộc lộ từ đầu thế kỷ 20, khi mà các thiết kế bó sát hoặc những mẫu đầm chiết eo dần bị thay thế bởi những đường may thẳng, vải suông từ vai rủ xuống. Nó mở ra một giải pháp thay thế mới trong cách cắt may của người Âu châu, hạn chế chạy theo những đường cong nhưng tập trung nhiều vào các mảng và bề mặt trong thiết kế.
Kimono vẫn tiếp tục là vật phẩm đại diện cho một thứ gì đó vừa kỳ lạ, nhưng cũng rất đỗi thân thuộc; vừa truyền thống nhưng cũng mang đậm tinh thần tiên phong của avant-garde.
Theo lời Jackson, Kimono vẫn đang tác động rất lớn đến các NTK ngày hôm nay. Đầy sức sống, luôn thiên biến vạn hóa, thật chẳng có gì bất ngờ khi nó vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong thế giới thời trang. “Đối với một vài người, nguồn cảm hứng đến từ hình ảnh vải phủ dài từ bờ vai.” Cô nói. “Số khác lại thấy chính cách từng thước vải ôm ấp cơ thể hay phần thắt lưng là điểm đặc sắc khơi gợi sự sáng tạo. Kimono vẫn tiếp tục là vật phẩm đại diện cho một thứ gì đó vừa kỳ lạ, nhưng cũng rất đỗi thân thuộc; vừa truyền thống nhưng cũng mang đậm tinh thần tiên phong của avant-garde.”
Chuyển ngữ: Hiếu Lê
Theo Harper’s Bazaar