Lady Duff Gordon – Người đầu tiên tổ chức Fashion Show từ thời Edwardian
Ngày đăng: 24/05/17
Lịch sử thời trang không được viết nên chỉ bằng những cá nhân nổi bật nhất, những danh tiếng trường tồn nhất mà còn được đóng góp bởi những ngôi sao đã vụt mất, những ánh nến đã tắt và những con người đã bị lãng quên. Càng ngược về lịch sử thời trang, ta sẽ tìm thấy tính nguồn gốc và nền tảng, có thể là khởi điểm xuất phát của những thành tựu hiển nhiên mà ngày nay nhân loại được thừa hưởng và tiếp nối.
Những cảm hứng Trung Cổ thường tìm kiếm trong giai đoạn phục hưng phù phiếm của thế kỷ XVI – XVIII. Các xu hướng thời trang cổ điển thường gợi về những thập niên 20 – 30 hoặc 60 – 70. Đã có lúc, người ta lãng quên những năm tháng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một bước chuyển tiếp giữa 2 chương dài của lịch sử thời trang hiện đại. Đó là những năm tháng bình lặng của nước Anh trước giai đoạn đen tối của chiến tranh. Đó cũng là thời kỳ hoàng kim của Lucile, sáng lập bởi Lady Duff Gordon – một nhà Couturière cao cấp với danh tiếng quốc tế sớm nhất của nước Anh.
Bối cảnh lịch sử
Người Anh khi nhắc về thời đại Edwardian đôi khi là một sự luyến tiếc, về một thời kỳ nhàn nhã trôi qua bằng những buổi chiều mùa hè kéo dài nhẹ nhàng, những bữa tiệc trà tao nhã giữa vườn hồng và những quý cô yêu kiều phơi nắng dưới ánh mặt trời buổi sớm. Thời kỳ trị vì của vua Edward VII được xem là giai đoạn thừa hưởng thành tựu của thời đại Victorian, khi mà “mặt trời không bao giờ lặn trên nước Anh”, quốc gia này đã vươn đến sự tiến bộ và phát triển trong nghệ thuật, thời trang, phong cách và lối sống.
Đây là khoảng thời gian cuối cùng mà phụ nữ phải mặc những chiếc corset trong cuộc sống hằng ngày. Những bộ váy nặng nề của thế kỷ trước dần lui vào quá khứ, trang phục phụ nữ được nới lỏng và may bằng những chất liệu nhẹ nhàng, mềm mỏng hơn cho một lối sống năng động và linh hoạt hơn. Và những trang sử thời trang rực rỡ của kỷ nguyên Edwardian, chỉ xoay quanh Lucile Ltd. – được sáng lập bởi “Creator of Fashions” Lady Duff Gordon.
Lady Duff Gordon, tự giới thiệu là “Creator of Fashions” – là nhà thiết kế thời trang cao cấp với danh tiếng quốc tế sớm nhất của nước Anh.
Lady Lucy Duff Gordon là ai?
Lady Duff Gordun, hay Lucy Christiana Sutherland (13/6/1863 – 20/4/1935), là con gái đầu tiên của bố mẹ người Canada, sinh ra tại London, lớn lên ở Canada và có một khoảng thời gian thơ ấu sống tại đảo Jersey. Năm 1884, cô kết hôn với một thương gia rượu vang – Jame Stuart Wallace, tuy nhiên ly hôn vào năm 1893.
Trở thành một phụ nữ độc lập với cô con gái nhỏ, Lucy bắt đầu làm việc như một thợ may tại nhà ở 24 phố Old Burlington, hiệu may được đặt tên tiếng Pháp là “Maison Lucile”. Khoảng thời gian 1897 hoặc 1898, cửa hiệu của Lucy chuyển đến số 17 ở quảng trường Hanover. Tháng 5/1901, Lucy kết hôn với một quý tộc người Scotland – Cosmo Edmund Duff Gordon, trở thành Lady Duff Gordon. Khoảng thời gian này, cửa hiệu may mặc của Lucy Duff Gordon chuyển đến 14 phố George và đến năm 1903, bà chính thức thành lập công ty Lucile Ltd. Năm 1904, ngôi nhà thời trang Maison Lucile di chuyển lần cuối đến căn hộ tại số 23 quảng trường Hanover.
Ngoài là một nhà thiết kế thời trang cao cấp của nước Anh vào cuối những năm thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, bà Lucy Duff Gordon còn được lịch sử ghi nhận là nhà tiên phong phổ biến những khái niệm tiệm cận với thời trang đương đại. Từ “Mannequin parade” đến quan hệ công chúng trong ngành công nghiệp thời trang, từ tổ chức show thời trang trình diễn “Catwalk runway” cho đến đào tạo những người mẫu thời trang đầu tiên. Khách hàng của Lucile và cá nhân bà Lacy Duff Gordon là những người hoàng gia, giới quý tộc, những phụ nữ thượng lưu, các nghệ sỹ múa, diễn viên kịch, ngôi sao điện ảnh – là những biểu tượng thời trang lộng lẫy và kiều diễm nhất trong thời đại này như vũ công Irene Castle, nữ diễn viên Lily Elsie, vũ công ba lê người Nga Lydia Kyasht, nữ diễn viên Kitty Gordon,…
Được mệnh danh là một người phụ nữ thông minh, tài năng và thức thời. Ở thời điểm Châu Âu tham gia vào chiến tranh gây ảnh hưởng lớn đối với các ngành công nghiệp, Lady Duff Gordon đã “di chuyển” sang Mỹ, mở cửa hàng thời trang cao cấp Lucile tại New York và tìm kiếm những khách hàng mới tại Hollywood. Tuy nhiên, thành công rực rỡ của nhà Couturière Lucile chỉ kéo dài cho đến đầu thập niên 20 vì những ảnh hưởng trong danh tiếng cá nhân và vấn đề quản lý kinh doanh. Từ tháng 9/1922, Lady Duff Gordon ngừng thiết kế cho công ty Lucile. Tuy nhiên hợp tác với công ty Reville Ltd., duy trì một cửa hàng Ready-to-wear và cấp phép tên tuổi cho các đơn vị bán buôn ở Mỹ. Bà cũng trở thành nhà bình luận và phê bình thời trang, cộng tác với các tờ Daily Sketch và Daily Express của London từ năm 1922 đến 1930. Lady Duff Gordon xuất bản hồi ký “Discretions & Indiscretions” vào năm 1932 và qua đời ở tuổi 71.
Sự nghiệp thời trang cao cấp
Maison Lucile bắt đầu tại London, sau đó đã mở rộng sang các thị trường quốc tế ở New York (1910), Paris (1912), Chicago (1915). Lucile là nhà thời trang tiên phong trong việc cấp phép thương hiệu, bà đã hợp tác với chuỗi cửa hàng bách hóa của Mỹ – Sears, Roebuck & Co để khởi động dòng Ready to wear đặt hàng qua thư tín (1916). Bà cũng tham gia thiết kế nội thất cho xe limousines và town cars cho Chalmers Motor Co., về sau còn có Chrysler Corporation (1917).
Lady Duff Gordon là người cho ra đời những chiếc váy xẻ tà (slit skirts), áo hạ cổ sâu, phổ biến những chiếc corset “dễ thở” hơn và quảng cáo đồ lót lingerie quyến rũ. Lady Duff Gordon nổi tiếng nhất bởi những thiết kế đồ lót lingerie, trang phục tea gowns và night gowns.
Đặc biệt, những mẫu thiết kế đồ lót phản ánh sự thấu hiểu của Lady Duff Gordon đối với “tâm hồn sâu kín của người phụ nữ”. Bằng niềm đam mê nữ tính và lãng mạn, bà đã thiết kế những chiếc đồ lót lụa trang nhã, voan quyến rũ và ren mỏng manh gợi cảm như tơ nhện. Rời bỏ những chiếc xương corset và khung váy cồng kềnh, đồ lót của Lady Duff Gordon không chỉ phá vỡ sự ràng buột đối với phụ nữ mà còn thỏa mãn những gì mà phụ nữ thầm khao khát.
Những thiết kế đầu tiên của Lucy khi còn là bà James Wallace có thể xem là những bộ quần áo “phá cách”, phần nào phản ánh tính cách của chính bà. Những bộ trang phục “cá tính” mà bà tự may cho chính mình lúc bấy giờ là những chiếc váy nhỏ gọn, chỉ được mặc trong nhà với sự có mặt của gia đình và bạn bè thân thiết. Trong tự truyện Discetes & Indiscretions, Lady Duff Gordon cũng nhìn nhận rằng: “chưa bao giờ thiết kế trang phục cho bất kỳ phụ nữ nào trong những ngày đầu đó cho đến khi tôi thành công…”. Lady Duff Gordon cho rằng trang phục đem lại niềm hạnh phúc cho phụ nữ khi những bộ quần áo đó trở thành một phần tính cách của cô ấy.
Đến khi công việc kinh doanh thời trang của Lucile Ltd. phát triển, Lady Duff Gordon không tìm hiểu được tính cách riêng của mỗi khách hàng. Thi vị và lãng mạn, “Emotional gowns” là cách mà Lady Duff Gordon gọi tên những bộ đầm tea gowns của mình. Thường là những cái tên gợi lên một trạng thái cảm xúc, bày tỏ tâm trạng ảnh hưởng bởi các yếu tố văn học, lịch sử, nền văn hóa xã hội và hay những ý niệm đặc biệt khó hiểu như Farewell Summer (1905), The Moment (1905), The Sighing Sound of Lips, Whitaker Auctions (1911), The Harvest of Sin, The Shadow of Scandal, Why do you hesitate,The Captain’s Whiskers,…
Phong cách sáng tạo của Lady Duff Gordon được biết đến với những thiết kế sang trọng nữ tính, lãng mạn và bay bổng, chủ yếu là các loại chất liệu mềm mỏng, mịn nhẹ; kết hợp với màu sắc trang nhã được lựa chọn bởi thẩm mỹ tinh tế và nhạy bén của cô. Những thiết kế của Lady Duff Gordon mang tính minh họa cho phong cách, lối sống, thẩm mỹ, văn hóa,…cho 2 thập niên đầu của thế kỷ XX.
“Đế chế” thời trang Lucile của Lady Duff Gordon dần bước vào giai đoạn sụp đổ sau khi tái cấu trúc Lucile Ltd. vào năm 1918 – 1919. Đã có những tranh cãi và tấn công bởi giới truyền thông, các khách hàng mất lòng tin vì cho rằng nhiều bộ trang phục của thương hiệu không trực tiếp thiết kế bởi Lady Duff Gordon.
Một số bản phác thảo của Lucile Ltd. được lưu trữ tại bảo tàng Victoria & Albert, cung cấp bằng chứng cho thấy Lucile đã sử dụng ít nhất một họa sĩ minh họa để thể hiện các ý tưởng thiết kế của Lady Duff Gordon. Trong giai đoạn phát triển thương hiệu tại Mỹ, Lucile cần được hỗ trợ nhiều hơn các trợ lý và họa sĩ minh họa.
Nhiều bản vẽ được bà xuất bản trên báo chí, một số có chữ ký của chính bà, hoặc chỉ có chữ ký của họa sĩ minh họa. Mặc dù tất cả các bản vẽ thiết kế đều được nhà thiết kế Duff Gordon theo dõi, ghi chú, hướng dẫn và xét duyệt, điều này cũng gây ra những tổn hại đến danh tiếng của bà. Năm 1917, Lady Duff Gordon vướng vào vụ kiện hợp đồng Wood. Lucy thua kiện, tiếp tục gây ảnh hưởng khá lớn đến tình hình kinh doanh của Lucile. Đến năm 1923, các chi nhánh lần lượt đóng cửa. Riêng chi nhánh tại Paris vẫn tiếp tục duy trì đến năm 1930 dưới sự quản lý của bà và một cựu trợ lý.
Lady Duff Gordon cho rằng trang phục đem lại niềm hạnh phúc cho phụ nữ khi những bộ quần áo đó trở thành một phần tính cách của cô ấy.
Một điều may mắn đối với thời trang, chính là tài năng và tình yêu của Lady Duff Gordon đã được kế thừa bởi người cháu gái. Được truyền cảm hứng bởi những thiết kế đồ lót của Lady Duff Gordon, Camilla Blois đã hồi sinh thương hiệu Lucile. Ngày nay, thương hiệu Lucile chuyên về đồ lót cao cấp, với phong cách nữ tính và lãng mạn của Lady Duff Gordon.
Xây dựng hình tượng – Thiết kế phục trang
Lady Duff Gordon đã tham gia thiết kế phục trang cho hơn 80 bộ phim. Những năm 1916 (theo tạp chí Motion Picture nhận xét lúc bấy giờ) là rất hiển nhiên khi một nữ diễn viên nổi tiếng tỏa sáng trong bộ váy của Lucile. Bà là một người phụ nữ tận tâm và tinh tế trong công việc. Các bộ phục trang do bà thiết kế, được thực hiện 2 bản sao y trang phục chính, với 2 màu xanh và xám để bảo đảm hiệu quả tốt nhất trong điều kiện ánh sáng khác nhau. Duff Gordon là một trong những nhà thiết kế phục trang trong những năm đầu tiên của điện ảnh.
Duff Gordon đã thiết kế trang phục cho những nữ diễn viên xuất sắc nhất ở thời của bà, bao gồm: Sarah Bernhardt, Lily Langtry, Ellen Terry, và xây dựng hình ảnh cho Lily Elsie. Bà cũng tham gia thiết kế cho Ziegfeld Follies – series các chương trình nghệ thuật giải trí, bắt đầu biểu diễn từ năm 1907 đến 1931. Cùng với Lady Duff Gordon còn có nhà thiết kế Erté và họa sĩ – nhà thiết kế sân khấu Ben Ali Haggin để thực hiện những bộ trang phục biểu diễn cho các nữ diễn viên và vũ công.
Danh tiếng đã từng bị che đậy
Lady Duff Gordon đã có những đóng góp “mở đường” cho lĩnh vực thời trang cao cấp, tư duy kinh doanh thời trang, nghệ thuật trình diễn và quảng bá thương hiệu sáng tạo. Tuy nhiên, lịch sử thời trang đã có phần lảng tránh. Ít ai biết đến những thành tựu lớn mà Lady Duff Gordon đã mang đến, cho đến khi những bộ phim điện ảnh về tàu Titanic ra đời, bà được biết đến là một người phụ nữ giàu có may mắn sống sót sau vụ đắm tàu Titanic.
Năm 1912, Lady Duff Gordon cùng chồng du lịch đến Mỹ để quản lý chi nhánh Lucile Ltd. New York trên con tàu RMS Titanic. Một tháng sau thảm họa đó, các tin tức chỉ trích gay gắt bùng lên tại Mỹ và sau đó là ở Châu Âu. Danh tiếng của Lucile bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi Duff Gordon cùng chồng bị thẩm vấn về trách nhiệm liên quan khi con tàu cứu hộ chở 2 người đã chở hết sức chứa của con tàu, nghi vấn đặt ra là 2 nhân vật giàu có đã bỏ tiền để mua chuộc nhân viên và những người có mặt trên tàu cứu hộ lúc đó.
Mặc dù sau này họ đã được giải oan, nhưng cuộc điều tra đã ảnh hưởng nhiều đến uy tín của bà trong thời điểm hiện tại, làm lu mờ những hình tượng và vai trò của bà trong lịch sử thời trang cho đến tận thế kỷ sau. Các bộ phim điện ảnh đã gợi nhắc sự tồn tại của một nhà thiết kế giàu có Lucy Duff Gordon, mặc dù hầu hết các bộ phim, bao gồm cả Titanic (1997) không thực sự miêu tả bà một cách chính xác. Lady Duff Gordon đã được Harriette Johns nhắc đến trong A Night to Remenber (1958) và series phim ngắn Titanic (2012).
Tư duy tiên phong
Ý tưởng thực hiện cuộc diễu hành mannequin (Mannequin parade) của Lady Duff Gordon là tiền thân của trình diễn Catwalk Fashion Show thời hiện đại. Kể từ khi nhà thiết kế Charles Frederick Worth phổ biến trưng bày những bộ quần áo trên mannequins trong những năm 1850s, phụ nữ thích xem những bộ trang phục trên mô hình và người mẫu thật trước khi thực sự lựa chọn chúng. Lady Duff Gordon nhận ra rằng việc trình diễn quần áo trên cơ thể người có tính chuyển động và trực quan, giúp khách hàng hình dung bản thân mình trong bộ váy từ đó kích thích mong muốn sở hữu. Năm 1904, bộ sưu tập mới của Lucile được trình bày trong một chương trình thời trang hoàn chỉnh với sân khấu, đường băng, màn, ánh sáng và âm nhạc.
Ngày nay, “It Girl” có thể được sử dụng như một thuật ngữ, một phong cách, một hình tượng hay một lối sống – mặc dù “định nghĩa” đã có phần khác so với thời đại của hai chị em Lucy Duff Gordon và Elinor Glyn.
Lady Duff Gordon đã quảng cáo cho bộ sưu tập của mình một cách chuyên nghiệp, bà đã thử nghiệm quảng cáo trên báo chí lần đầu tiên vào năm 1897. Ngoài quảng cáo trên một trang trên tạp chí Hearst (1910 – 1922), tin tức thời trang về Lucile còn xuất hiện trên các ấn bản Vogue, Femina, Les Modes, L’art et la Mode, Vanity Fair, The London Magazine, Pearson’s Magazine… Ngoài thiết kế và kinh doanh thời trang, Duff Gordon còn làm việc như một biên tập viên thời trang, viết và tư vấn thời trang cho các tờ báo nổi tiếng lúc bấy giờ như Good Housekeeping (chuyên mục “Her Wardrobe” từ năm 1912-1913), Harper’s Bazaar (chuyên mục “The Last Word in Fashions” từ năm 1913-1921) và các tờ Ladies Home Journal, Hearst từ năm 1910 đến 1921. Tại Anh, cô đã viết một cột tư vấn thời trang “Letters to Dorothy” cho tờ nhật báo London Sketch từ năm 1922-1928.
Năm 1918, bà thiết kế trang phục cho Clara Kimball Young – nữ diễn viên chính trong bộ phim “The Reason Why”, kịch bản được viết dựa trên cuốn tiểu thuyết của Elinor Glyn, em gái của bà Duff Gordon. Và nếu như Lady Duff Gordon định nghĩa “nữ tính” của thời trang giai đoạn 1910s, Elinor Glyn là một nhà sản xuất phim Hollywood – người đã góp phần xây dựng khái niệm “It” và “It Girl” cho nền văn hóa xã hội thượng lưu Anh và Mỹ giai đoạn 1920s. Từ năm 1917, bà Duff Gordon đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ “It” trong chuyên mục thời trang của mình cho tờ Harper’s Bazaar, được kể lại trong tự truyện của bà: “…I saw a very ladylike and well-bred friend of mine in her newest Parisian frock … she felt she was ‘it’ and perfectly happy.”
Bài: Xu