Làn sóng Pop-Punk của thời kỳ Y2K đang quay trở lại mạnh mẽ
Ngày đăng: 26/08/21
Là một trong những xu hướng vô cùng phổ biến trong giới trẻ những năm 2000, pop-punk đang quay trở lại mạnh mẽ trên khắp các phương tiện truyền thông, thời trang và âm nhạc, phim ảnh. Từ hình ảnh xuất hiện trên thảm đỏ của cặp đôi Kourtney Kardashian và Travis Barker của ban nhạc Blink-182, hay Megan Fox và Machine Gun Kelly, chiến thắng của ban nhạc Måneskin tại Eurovision 2021, thành công của bộ phim Cruella, đến sự ảnh hưởng của nó lên các bộ sưu tập thời trang cao cấp của Chanel, Dior, Louis Vuitton, Coach,… các mùa gần đây.
Thời trang của những năm 2000 đang dần được hồi sinh bởi thế hệ khách hàng Gen Z thông qua trào lưu theo đuổi thẩm mỹ tối đa (Maximalism) pha chút hoài cổ. Trong đó, tinh thần punk vượt lên một xu hướng thông thường, trở thành hơi thở của văn hóa giới trẻ và xuất hiện ở khắp nơi thay vì bị bó hẹp trong một nhóm người nhất định.
Thời trang Punk được sinh ra từ ý tưởng về sự nổi loạn và mong muốn được tự chủ của giới thanh thiếu niên. Những năm 1970, Glam Punk nổi lên ở Anh và Mỹ trong thời kỳ mà nhiều người trẻ cảm thấy không hài lòng với các cấu trúc và sự kiện chính trị nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Thái độ và những định kiến của xã hội đè nặng lên thế hệ mới khiến họ chán nản và phải chống cự, nhằm phản ứng với việc chính quyền phủ nhận những đứa trẻ muốn được xã hội coi trọng quan điểm của chúng trên khắp thế giới. Thời trang nghiễm nhiên trở thành cách để người trẻ thể hiện nỗi lo lắng đó, là công cụ phản kháng và là phương tiện để phản đối những quan niệm của xã hội về cách một người phải ăn mặc hoặc cư xử.
Bước vào năm 2021, khi chúng ta vẫn đang trải qua thời kỳ chính trị u ám, tổn thương tinh thần lan rộng và ngán ngẩm với những lời kêu gọi tích cực của chủ nghĩa tích cực, phẫn nộ với các hệ thống bất công và các chuẩn mực lỗi thời vẫn luôn tồn tại. Đó là đặc quyền của lớp thanh thiếu niên khi sống trong giai đoạn thay đổi và tìm kiếm tiếng nói của mình. Nhiều điểm chung trong thời đại của chúng ta với thế hệ trước đã một lần nữa biến thời trang trở thành công cụ thể hiện những suy nghĩ ấy ra trang phục mà chúng ta mặc.
Sự trỗi dậy của pop-punk thời kỳ Y2K (1999-2000s) trong thời trang được dẫn dắt bởi các ca sĩ nhạc pop xoay người trong những chuỗi dây chuyền sáng bóng, khoác vải sọc tartan và dậm chân tại chỗ trong những đôi Dr. Martens. Khi phong cách này được chia sẻ nhanh chóng trên TikTok và phương tiện truyền thông xã hội, và khi các cá nhân tái khám phá chúng theo quan điểm riêng của họ, các yếu tố khác biệt của các thể loại kết hợp với nhau, tạo ra các phong cách mới như cách “E-girl” xuất hiện vào cuối những năm 2010. “E-girls” và “E-boys” đại diện cho phiên bản mới nhất của phong cách emo-mall-goth tích hợp công nghệ và phụ kiện phần cứng của máy móc, chốt và khóa, dây xích to bản, sơn móng tay đen, để tóc mái đã tẩy trắng và kết hợp với kim bấm.
Ca sĩ Willow Smith đang dẫn đầu làn sóng khi bước vào một kỷ nguyên âm nhạc mới của mình với một album toàn nhạc pop-punk, “Lately I Feel Everything” đã được ra mắt vào tháng trước và trở thành bài hát yêu thích của mùa hè. Giai điệu của Willow Smith thường bay bổng giữa R&B, alternative-pop và rock với hai lần làm việc cùng Travis Barker (Blink-182) và sự hợp tác Avril Lavigne, dự án mới nhất của Willow Smith mang đậm chất OGs pop-punk và phong cách thời trang thử nghiệm của cô ấy là một sự tôn kính đối thới văn hóa thời kỳ trước.
Gây ấn tượng với hình ảnh của mình trong mv của bài hát “t r a n s p a r e n t s o u l” được quay bởi Dana Trippe, Willow Smith xuất hiện cùng diện mạo mới, váy họa tiết tartan, quần cargos màu đen với những chiếc túi hộp, giày boots, áo corset của Vivienne Westwood kết hợp với cổ áo đính gai, một bộ bodysuit Chet Lo màu xanh electric blue kết hợp với đôi boots của Robert Wu và các món phụ kiện cài tóc bằng bạc.
Trong bài phỏng vấn với tạp chí Nylon, Willow Smith đã chia sẻ cách cô khai thác nguồn năng lượng mà cô cảm nhận đang hiện hữu trong thế hệ của mình: “Tôi nghĩ rằng mọi người đang chỉ muốn hét lớn, gầm lên và thể hiện bản thân mình. Vì ngay tại thời điểm này, cuộc sống tại Mỹ hay bất kỳ đâu trên trái đất cũng đều rất khó khăn. Chúng ta chỉ đơn giản là muốn có một cuộc sống vui vẻ và cố gắng không cảm thấy như sự diệt vong luôn hiện diện gần kề.”
Willow Smith không phải là người duy nhất làm sống lại tinh thần này, bản thân Lavigne cũng sẽ trở lại với một album mới vào cuối năm nay. Cả hai cũng đã có lần hợp tác trong bài hát “Grow” ngoài album của Willow Smith. Bài hát gợi cho người nghe liên tưởng đến hình ảnh thanh thiếu niên, chủ đề cốt lõi của thể loại nhạc này, cùng với đó là “nỗi đau đang lớn” của tuổi trẻ đầy hoài bão và niềm hy vọng vào tương lai.
Fruits – tạp chí thời trang đường phố mang tính biểu tượng Nhật Bản cũng đã bắt kịp khi gợi nhớ đến văn hóa Hysteric Glamour, được biết đến với trang phục đồ họa mô tả văn hóa nhạc pop của Mỹ, nội dung khiêu dâm, Andy Warhol và cuộc nổi loạn rock-and-roll.
Các đường băng của thời trang cao cấp cũng đang dần chuyển mình với các thiết kế đậm chất punk. Gây ấn tượng tại tuần lễ thời trang cao cấp, bộ sưu tập của Chitose Abe (Sacai) dành cho Jean Paul Gaultier giới thiệu thiết kế kết hợp giữa áo sọc thủy thủ và chiếc váy được đan từ những sợi vải họa tiết tartan. Cùng khoảng thời gian ấy, Chanel đang tích cực làm mới những mẫu tất lưới cá, tua rua, vòng cổ bằng da và áo thun in họa tiết xuống đường băng mùa Cruise 2022 của mình.
Trước đó, nhà Dior đã trình làng các thiết kế họa tiết sọc đen-đỏ và choker da cùng nhiều thiết kế denim cho mùa Xuân-Hè 2018. Đối với mùa Thu-Đông 2020, thương hiệu Monse đã bày tỏ sự kính trọng đối với Phong trào cách mạng phong cách của Anh với denim xé vụn, nhiều thiết kế mang họa tiết tartan và bốt moto R13 rườm rà, trong khi Coach tạo ra một bộ sưu tập đầy ấn tượng khi bắt tay cùng Jean-Michel Basquiat, nghệ sĩ punk nổi tiếng, cùng màn trình diễn trên sàn diễn của Debbi Harry và ban nhạc ga-ra-punk Coathangers.
Trong chiến dịch mới nhất “About Love” của mình, nhà kim hoàn Tiffany&Co. đã giới thiệu hình ảnh cặp đôi biểu tượng Beyoncé và Jay-Z bên cạnh tác phẩm Equals Pi (1982) của Jean-Michel Basquiat. Bức họa có chất liệu acrylic trên vải toan, kích thước 183cmx183cm với nền màu xanh ngọc trùng khớp với gam màu xanh Tiffany huyền thoại của thương hiệu.
Nhiều thương hiệu mới nổi trong thập kỷ này cũng đang sáng tạo với tinh thần punk như tinh thần chủ đạo trong DNA của mình. Cùng với đó là sự phát triển của xu hướng subversive basic trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram, TikTok,…
Chẳng phải bất kỳ nhà thiết kế nào cũng đều xem thời trang là không có giới hạn, kể cả về giới tính, kích thước, biểu hiện giới tính, thái độ chính trị và thách thức hiện tại hay sao? Đó không phải là tinh thần của punk, là điểm chung của thời trang và punk hay sao?
Thực hiện: Hiếu Lê
Tham khảo: Nylon, CR Fashion Book