Trò chuyện cùng Lê Võ Sơn Quân: Chàng trai 8x yêu thích nhuộm tự nhiên
Ngày đăng: 02/03/21
Có bao giờ bạn nghe nói đến kỹ thuật nhuộm tự nhiên (Natural/Eco-dyeing)? Đây là kỹ thuật nhuộm màu vải sợi bằng màu sắc chiết xuất từ hoa lá cây cỏ, khoáng vật,… có trong tự nhiên, đồng thời cũng tạo họa tiết trên vải bằng chính cây lá hoa cỏ đó. Kỹ thuật đã có từ ngàn xưa nhưng dần bị lãng quên dưới lớp bụi thời gian khi màu nhuộm hóa học ra đời.
Màu sắc đa dạng, giá thành rẻ, dễ sử dụng, sản xuất quy mô số lượng lớn – màu nhuộm hóa học dần dần thay thế cho màu nhuộm tự nhiên. Tuy nhiên, ở một số làng nghề truyền thống và cộng đồng thủ công, nhuộm tự nhiên vẫn được gìn giữ và yêu thích. Năm 2018, lần đầu tiên, F.A.C.E – The Fashion Design Academy tổ chức workshop Eco-dyeing với mục đích chia sẻ và phổ biến kỹ thuật này với cộng đồng yêu thời trang và thủ công tại Việt Nam. Từ đó, người viết có dịp gặp gỡ anh Lê Võ Sơn Quân, một chàng trai 8x yêu thích kỹ thuật nhuộm, đồng thời cũng là một trong hai nhà sáng lập của công ty Mộc Nhiên – một công ty chuyên cung cấp vải nhuộm tự nhiên ở Việt Nam.
Từ việc yêu thích hóa học cùng với công việc thủ công, anh Sơn Quân đã tự mày mò và tìm hiểu về kỹ thuật nhuộm tự nhiên từ khi còn trên giảng đường đại học. Sau quá trình tự học, nghiên cứu và thử nghiệm, anh chia sẻ lại kiến thức của mình cho những bạn trẻ yêu thích lĩnh vực này, cũng như đào tạo thế hệ trẻ tiếp theo gắn bó với kỹ thuật nhuộm tự nhiên.
Cùng Style-Republik lắng nghe câu chuyện của chàng trai nhuộm vải từ hoa lá cùng mảnh vườn nhỏ của anh đang xây dựng ở Măng Đen, nơi mà tương lai sẽ có những workshop thú vị cho những ai thích thủ công và muốn tìm về tự nhiên một cách an yên và bình dị nhất!
Chào anh, anh có thể chia sẻ về quá trình anh tìm đến kỹ thuật nhuộm tự nhiên?
Tôi tìm đến kỹ thuật nhuộm tự nhiên từ khi còn trên ghế nhà trường. Lúc học đại học, chuyên ngành của tôi là hóa hữu cơ, đây là một ngành nghiên cứu về cấu trúc, tính chất, thành phần và phản ứng hóa học của những hợp chất và vật liệu hữu cơ. Trong thời gian đó, tôi cũng được học về kỹ thuật nhuộm nhưng là nhuộm bằng thuốc hóa học. Sau khi ra trường, tôi làm về nhuộm vải sợi cho một công ty tại Việt Nam. Trong quá trình làm về nhuộm ở nhà máy, tôi coi quá trình nghiên cứu, thử nghiệm về nhuộm tự nhiên là một niềm vui, một cách để mình cân bằng trong cuộc sống.
Sau đó, tôi tình cờ được biết FACE – The Fashion Design Academy có khóa học Textile Design – Kỹ thuật xử lý trên bề mặt chất liệu được giảng dạy bởi cô Ngô Vũ Nhã Thy. Tôi đã đăng ký học các kỹ thuật trong đó như kỹ thuật thêu ruy băng, kỹ thuật thêu tambour, nhuộm batik… và trong đó có cả kỹ thuật nhuộm tự nhiên. Trong quá trình học, tôi trao đổi nhiều điều với giảng viên và cô là người giới thiệu tôi làm người hướng dẫn cho Workshop Eco-dyeing – Kỹ thuật nhuộm tự nhiên tổ chức vào năm 2018 bởi FACE – The Fashion Design Academy.
Vâng, đó là năm 2018, và giờ đây kỹ thuật nhuộm Eco-dyeing đã phát triển hơn rất nhiều. Cuối năm 2020 vừa qua, tại talkshow The Fashion rob Future, tôi có dịp thấy các mảnh vải nhuộm màu tự nhiên trong cuộc triển lãm các sản phẩm thời trang xanh, được biết đó là những sản phẩm của công ty anh?
Vốn từ sở thích, tuy nhiên vào năm 2019, tôi cùng người thầy của mình, người đã cùng tôi nghiên cứu lâu dài về kỹ thuật này, cùng nhau thành lập một công ty nhỏ, tên là Mộc Nhiên – chuyên sản xuất vải nhuộm tự nhiên theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, vì đặc thù của kỹ thuật, cũng như nguồn nguyên liệu tự nhiên hạn chế phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau như thổ nhưỡng, vùng miền, thời tiết, khí hậu và làm thủ công hoàn toàn, chúng tôi chỉ nhận đơn hàng giới hạn. Vừa rồi, chúng tôi có triển lãm nhỏ trong khuôn khổ sự kiện “FASHION rob MY FUTURE – Thời trang đánh cắp tương lai” theo lời mời của anh Quách Kiến Lân – Công ty vải sợi Bảo Lân.
Năm 2020 có ảnh hưởng nhiều đến Mộc Nhiên và nguồn ra của vải nhuộm tự nhiên?
Chúng tôi cũng có bị ảnh hưởng, tuy nhiên do đặc thù của kỹ thuật này sản phẩm sản xuất số lượng ít nên không ảnh hưởng quá nhiều. Chúng tôi nhận được đơn hàng từ local brand cũng như bên Nhật Bản.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng cũng phát triển theo, một số người tiêu dùng có nhu cầu với sản phẩm thân thiện với môi trường và họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm thời trang bền vững và chất lượng.
Anh nghĩ vải nhuộm tự nhiên có thể tìm được chỗ đứng cho mình trên thị trường hiện nay? Khi mà giá thành sản xuất của sản phẩm thủ công thì không thể nào rẻ được như hàng xuất hàng loạt với màu nhuộm công nghiệp.
Tôi cũng từng nhận được câu hỏi, đó là nhuộm tự nhiên có thể thay thế được nhuộm hóa học hay không? Câu trả lời là không thể, bởi nhuộm tự nhiên còn bị hạn chế bởi nguyên liệu. Và có những loại hoa lá chỉ có theo mùa.
Nhưng tôi nghĩ nó như hai mặt của một bàn tay, nhuộm tự nhiên có thể tồn tại song song với nhuộm hóa học. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng cũng phát triển theo, một số người tiêu dùng có nhu cầu với sản phẩm thân thiện với môi trường và họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm thời trang bền vững và chất lượng. Điều này thúc đẩy nhuộm tự nhiên quay lại và phát triển, vì bạn cũng biết đấy, các sản phẩm nhuộm tự nhiên vốn dĩ là độc bản, là một tác phẩm duy nhất, nên chúng có giá trị cao.
Anh có thể chia sẻ vài điều thú vị về quá trình nghiên cứu kỹ thuật nhuộm Eco-dyeing không? Hầu như ở Việt Nam không có trường lớp dạy về kỹ thuật này nên quá trình thực hành hầu như bản thân mỗi người quan tâm đến kỹ thuật này đều phải tự mình mày mò?
Đúng vậy! Không như Thái Lan, ở nước họ hoàng gia Thái Lan vẫn sử dụng đồ thủ công và có chính sách ưu đãi nên các kỹ thuật thủ công của họ được truyền lại, còn ở Việt Nam thì mình và các bạn khác phải tự mày mò, tự tích lũy kiến thức từ thực tế. À, tôi còn nhớ những lần đầu mình nghiên cứu kỹ thuật này. Có lần cần nhuộm màu vàng từ màu của trái măng cụt, mà măng cụt khi đó khá đắt, tôi mua đến 300 ngàn/ kg chỉ để lấy vỏ trái để nhuộm vải.
Nhuộm tự nhiên rất thú vị, đối với từng loại nguyên liệu khác nhau thì tùy vào thay đổi môi trường pH, chất cầm màu thì đã cho ra màu khác nhau! Ví dụ như nhuộm với tô mộc, ở môi trường kiềm thì cho màu hồng sen, nhưng ở môi trường acid lại cho màu vàng cam, rồi nếu cho phèn sắt thì lại chuyển qua màu tím.
Rồi khi, mình hướng dẫn các bạn thực hành nhuộm Eco-printing thì phụ thuộc vào tính sinh thái của thực vật, như khi dùng lá bạch đàn (khuynh diệp) thì ở mình chỉ ra được màu vàng nếu sử dụng phèn nhôm, màu xanh navy hoặc đen nếu dùng phèn sắt. Trong khi đó, nếu dùng lá từ Úc thì lại cho màu đỏ gạch,…
Thêm nữa, khi bạn nhuộm tự nhiên, trong quá trình làm đến khi sản phẩm hoàn thành, bạn sẽ gửi thấy mùi thơm của thực vật thật dễ chịu có tác dụng làm dịu tinh thần, màu sắc nhuộm ra cũng nhu hơn.
Có người cho rằng nhuộm tự nhiên là an toàn và lành tính, nhưng thực tế không phải vậy. Có nhiều loại cây, hoa, lá mình phải thử trên da mới biết có phù hợp với mình không. Vì cơ thể chúng ta đôi khi vẫn dị ứng với một số loài thực vật. Khi hướng dẫn các bạn kỹ thuật nhuộm, tôi vẫn khuyến khích các bạn ghi chép kết quả mỗi lần nhuộm vào một quyển sổ để ghi nhớ. Không phải loại cây nào cũng sử dụng được, ví dụ như có loại lá cây tương tự lá bồ đề, nhìn thì không sao, nhưng khi chạm vào bề mặt lá mới biết trên bề mặt có những gai nhỏ gây ngứa. Và xử lý từng loại thế nào để ra màu sắc ra sao cần nhiều kinh nghiệm từ người nhuộm.
Khi bạn nhuộm tự nhiên, trong quá trình làm đến khi sản phẩm hoàn thành, bạn sẽ gửi thấy mùi thơm của thực vật thật dễ chịu có tác dụng làm dịu tinh thần, màu sắc nhuộm ra cũng nhu hơn.
Trong các workshop, anh tận tình chia sẻ những kiến thức mà mình đã tự nghiên cứu được đến các bạn. Phải mất nhiều năm tích lũy và nghiên cứu những kiến thức này, vì sao anh sẵn sàng chia sẻ chúng?
Tôi, thầy tôi và một số người bạn của tôi có chung một quan niệm rằng chúng tôi chỉ đơn thuần là người có nhiều năm nghiên cứu và thực hành trong lĩnh vực mà các bạn vừa bước vào, nhiều ở đây là nhiều hơn các bạn ấy thôi, chứ tôi vẫn phải học liên tục để biết thế giới đang xoay vần ra sao với ngành công nghiệp sáng tạo này. Tôi chỉ vô tình sinh ra sớm hơn và đi trước các bạn vài bước.
Là người hướng dẫn trong khu vườn nhuộm, mình chia sẻ những kiến thức đã được thu nhặt được đến các bạn để các bạn tự khám phá, còn khám ra được gì và phá được tới đâu là tuỳ vào sự quyết tiến của mỗi bạn. Quyết tiến nghĩa là, bạn chọn con đường này thì chính bạn phải bước, đi nhanh hay đi chậm là phần lớn do chính bạn, hái hoa bắt bướm hay cày xới con đường đi tới đâu gieo hạt tới đó cũng là do bạn. Đã quyết chọn con đường này thì hãy tự mình tiến bước..
Tôi nghĩ việc chia sẻ kiến thức, thay vì bán kiến thức đó để lấy một khoản về tài chính, có thể không giúp tôi có được tiền tài, nhưng giúp tôi có được những điều khác. Trong đó điều quan trọng là sự kết nối với những bạn cũng yêu nhuộm vải và thủ công. Đồng thời, quá trình chia sẻ này giúp tôi củng cố lại và làm giàu thêm kiến thức bao năm qua mình có được. Tôi nghĩ cuộc sống công bằng, mình không có được tiền tài thì cuộc sống sẽ trao cho mình cái khác…
Trong vài năm trở lại đây, tôi chứng kiến sự phát triển của kỹ thuật nhuộm tự nhiên ngay cả ở Việt Nam. Vì sao anh không tiếp tục chọn phát triển ở thành phố mà lại lên kế hoạch sinh sống ở Măng Đen?
Dù là dân kỹ thuật nhưng tính cách của tôi thích sự tự do và thoải mái. Tôi nghĩ làm việc tự do giờ cũng là một xu hướng, chúng ta không nhất thiết phải luôn ở thành phố mới phát triển được phải không? Tôi vẫn đảm nhiệm vai trò kỹ thuật chính của Mộc Nhiên, kiểm tra kết quả từ các bạn mà tôi đã đào tạo. Thêm vào đó, mảnh vườn ở Măng Đen vẫn đang trong quá trình cải tạo, tiếp tục gieo trồng các loài thực vật nhuộm để từ đó nghiên cứu sâu hơn kỹ thuật nhuộm tự nhiên. Tôi còn có ý định mỗi năm một lần tổ chức một workshop nhỏ ở khu vườn của mình ở Măng Đen cho những ai yêu thích kỹ thuật này!
Cám ơn những chia sẻ của anh cùng Style-Republik!
Thực hiện: Hoàng Khôi
Ảnh: NVCC, FACE – The Fashion Design Academy