Liệu Streetwear có phải cỗ máy in tiền từ sự bất an?

Ngày đăng: 11/08/20

Trong một tiểu phẩm năm 2018 lấy Supreme làm trọng tâm, diễn viên hài Hasan Minaj đã tự hỏi rằng: “Nếu thiếu đi những món đồ khiến tôi trở nên nổi bật, thì tôi sẽ là gì? Tôi sẽ chỉ là bản thân mình, thật kinh khủng, tôi sẽ có cảm giác bất an và tôi cần những thứ đó để tạo cảm giác là mình đang tốt hơn.”

Chỉ là một vài lời thoại, nhưng Hasan đã khéo léo dẫn suy nghĩ của ta vào cốt lõi tâm lý của một fuccboi (chàng trai hư): Một sự bất an sâu sắc về giá trị của bản thân và luôn mong muốn chứng minh giá trị nào đó cho người khác biết.

Thuật ngữ lâm sàng và văn hóa gọi chung hiện tượng tâm lý này là Narcissism (Ái kỷ).

Narcissism thường bị nhầm lẫn với Egotism (Tự cao) và Selfishness (Ích kỷ) đơn thuần. Mặc dù Narcissism thường chứa đựng cả hai yếu tố trên. Nhưng nó không được thúc đẩy bởi cảm giác tự tôn quá mức (như hai yếu tố kia) mà bởi sự “ghê tởm” bản thân. Điều này dẫn đến sự lo sợ sẽ không được người khác chấp nhận con người mình. “Đó là một tính cách rất bất ổn. Những thứ to lớn, kiêu ngạo, quyền lực bên ngoài tựa như chiếc áo giáp để bảo vệ phần nội tâm yếu ớt. Bởi ở cấp độ tiềm thức, những người ái kỷ nghĩ rằng người khác sẽ thấy họ không giống như tất cả những gì họ thể hiện.” Tiến sĩ Ramani Durvasula, một tác giả sách bán chạy nhất về Ái kỷ và là một chuyên gia trong lĩnh vực này.

Lòng ái kỷ thì không có gì mới, nhưng mức độ mà nó biểu hiện là chưa từng có trong nền văn hóa của chúng ta – Tiến sĩ Ramani gọi đó là căn bệnh của thời đại. Trong cuốn sách bán chạy nhất năm 1979 mang tính dự báo “The Culture of Narcissism”, nhà xã hội học Christopher Lasch đã mổ xẻ thực trạng rằng một loạt các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng đưa tin nhiều hơn về những người nổi tiếng, những hình mẫu ái kỷ có hành vi thể hiện quá mức và dần bị bao biện, bào chữa và giải thích. Ông đổ lỗi rằng sự gia tăng tính ái kỷ là do “sự bội thực hình ảnh” và “sự sùng bái chủ nghĩa tiêu dùng”, cùng những thứ khác. Quay trở lại năm 2020, đối với chúng ra, không có phương tiện nào có thể trở thành động cơ thúc đẩy lòng ái kỷ mạnh mẽ hơn các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram.

Trong một thập kỷ kể từ khi ra mắt, người ta đã nói nhiều hơn về cách Instagram dân chủ hóa truyền thông như thế nào. Nhưng đồng thời, nó cũng đề cao chủ nghĩa Ái kỷ một cách phổ biến, vốn chỉ dành cho tầng lớp nổi tiếng trước đây. Ngày nay, với sự nổi lên của Gen Z, xu hướng này đạt đến một chiều hướng khác trên TikTok. “Mọi người trên ứng dụng đều có một số dạng ái kỷ như vậy”, TikToker Liv Huffman nói với tạp chí Highsnobiety về các ngôi sao của nền tảng: “Bạn phải làm thế nào để đưa mình lên Internet như cách mà bạn muốn nó xuất hiện.”

Bên cạnh các phương tiện truyền thông, lòng ái kỷ còn lan rộng với sự phổ biến của nền văn hóa đại chúng. Nhạc pop đương đại ngập tràn các rapper có lời bài hát chủ yếu nói về việc phô trương tài sản của mình. Những lời bài hát hip-hop thể hiện sự tự hào (có khi thái quá) trong việc đề cao bản thân bằng cách đạt được điều gì đó trong sự thành công của nước Mỹ, điều vốn chỉ thuộc về tầng lớp thống trị người da trắng. Và cũng giống như các thế hệ trước, thanh niên ngày nay tìm cách bắt chước hành vi của các nghệ sĩ, ca sĩ mà họ yêu thích.

Hype Culture có vị trí độc tôn để có thể khai thác từ trật tự thế giới ái kỷ bằng cách tạo ra sự khan hiếm “giả tạo” và đánh đồng việc sở hữu những món đồ phiên bản giới hạn với giá trị của bản thân. Phía sau hành vi tiêu dùng của thế hệ mới là sự bất an của lòng ái kỷ, mà những nhân vật tiêu biểu cho nền văn hóa này chính là Donald Trump và Kanye West. Dù đứng đầu thế giới riêng của chính mình, nhưng cả hai đều không hài lòng, luôn khao khát được tán dương và khen ngợi từ người khác. Cả hai đều được sự hỗ trợ từ một lượng vô cùng lớn người hâm mộ, những người sẵn sàng tha thứ cho hành vi sai phạm của họ, tạo điều kiện để họ tiến xa hơn. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà người hâm mộ hip-hop đặc biệt khoan dung với hành vi ái kỷ của các nghệ sĩ, ngay cả khi hành vi đó không đứng đắn hoặc thậm chí là bạo dâm.

Dior X Nike Air Jordan 1
Dior X Nike Air Jordan 1

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, bất chấp nền kinh tế tiến bộ và chất lượng cuộc sống được nâng cao, các cá nhân trong xã hội đương đại ngày càng cảm thấy bất hạnh hơn. Các nghiên cứu khác cho thấy rằng mạng xã hội, cụ thể là Instagram, có tác động tiêu cực đến lòng tự trọng. Điều này bắt nguồn từ cảm giác lo lắng và ghen tị tràn ngập trong suy nghĩ. Nói một cách đơn giản, bạn có thể “khoe mẻ” tất cả những gì bạn muốn, nhưng sẽ luôn có người có độ “hấp dẫn” lớn hơn rất nhiều. Và một khi bạn đã tham gia vào, bản chất của nó khiến bạn khó có thể thoát ra.

“Trong thế giới “hype”, những người ái kỷ thích tự “trang bị” cho mình những đôi sneaker mới nhất hoặc những món đồ streetwear thời thượng nhất, điều đó giúp họ cảm thấy an toàn. Nhưng rồi khoảnh khắc ấy nhanh chóng biến mất, mọi người không còn khen ngợi rằng bạn tuyệt vời, thứ mà đối với người ái kỷ có tác dụng còn mạnh hơn cả ma túy, và họ lại theo đuổi và ngày càng cần nó hơn.” Tiến sĩ Ramani nói. “Trên hết, văn hóa của lòng ái kỷ khiến người ta cảm thấy thiếu thốn khi không sở hữu thứ gì đó.” Tiến sĩ Ramani tiếp tục. “Toàn bộ cách mà thời trang được tiếp thị dựa trên việc nếu bạn không có thứ gì đó mới nhất thì bạn đang là kẻ bị tụt lại.”

Lượt thích không làm bạn hạnh phúc. Không chỉ vậy, có vẻ như những thứ bạn sở hữu cũng chưa chắc làm bạn hài lòng, bằng chứng là việc mua đi bán lại tràn lan trong giới streetwear. Hypebeast dường như không còn là những người có cảm giác hài lòng việc sở hữu một món đồ nào đó của riêng mình, thật sự hiểu giá trị của món đồ và muốn giữ nó thật lâu.

Bản thân văn hóa mua đi bán lại là một sản phẩm của lòng ái kỷ, bởi vì mỗi khi bạn bán một món đồ, đó sẽ là tiền “trợ cấp” để bạn có thể mua món hàng tiếp theo và tạo ra sự ảo tưởng trên mạng xã hội rằng cá nhân đó sở hữu nhiều thứ hơn họ thật sự có. Điều này khiến cho sản phẩm chỉ còn là thứ gì đó trang trí cho một bức ảnh kéo like được khuyến khích bởi Instagram và Stockx.

Liều thuốc giải cho lòng ái kỷ chính là tính nguyên bản (Authenticity), đó là sự ý thức sâu sắc hơn về bản thân, là thứ giúp tính cách của một con người không bị thay đổi liên tục theo xu hướng. Trong các vấn đề cảm nhận, tính nguyên bản mang đến cho con người một cảm giác rõ ràng về phong cách của họ. Tính nguyên bản hình thành theo thời gian thông qua những kinh nghiệm và trải nghiệm, đó là lý do vì sao chúng ta có thể thấy những người yêu thời trang bằng sự “cuồng” hype culture đang có chiều hướng ngày càng trẻ hóa.

Khi các cuộc thảo luận về lợi ích của sức khỏe tâm thần ngày càng nhiều, thì cũng là lúc chúng ta đối mặt với việc chúng ta thật sự là một xã hội kém hạnh phúc, nơi chủ nghĩa ái kỷ chiếm một vị trí lớn lao. Khi sự mong muốn của chúng ra ngày càng lớn, khả năng hình thành các mối quan hệ bền vững, có ý nghĩa với nhau ngày càng suy giảm. Những lời kêu gọi từ thế giới tiêu dùng dành cho thế hệ Millennials như “Hãy sống một cuộc sống tuyệt vời nhất của bạn” lại có gì đó giả dối khi gắn các giá trị của bản thân chúng ta với những món đồ mang nặng mùi vật chất, phù du. Bên dưới những câu chuyện về nguồn cảm hứng, cộng đồng, văn hóa là sự trao đổi, buôn bán, giao dịch mà thông điệp thật sự không phải là “yêu bản thân” mà là “chiều chuộng chính mình”.

Khi dịch COVID-19 bao trùm thế giới, nhiều người dự đoán thị trường sẽ quay về với những giá trị thật hơn, lòng ái kỷ tập thể sẽ được giảm bớt. Trên thực tế, trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Highsnobiety, những độc giả của họ đã thừa nhận không còn quan tâm đến logo và các dấu hiệu đặc trưng như trước nữa, thay vào đó, họ chú trọng đến chủ nghĩa tối giản và quyết định mua hàng dựa trên chất lượng sản phẩm. Hai phần ba trong số những người được hỏi cho rằng bản thân cảm thấy thật tồi tệ khi mua sắm quá mức trong thời điểm hành triệu người đang thắt lưng buộc bụng.

“Chủ nghĩa tư bản sẽ sụp đổ vào ngày mai nếu tất cả mọi người trên hành tinh đều hài lòng với chính họ.” Ramani Durvasula

Tuy nhiên, về lâu dài, đây có thể là một suy nghĩ lạc quan hơn là một sự thay đổi thực sự và chúng ta sẽ tiếp tục thấy những hành vi như thời trước COVID-19 của hype culture. Cách đây chưa đầy 2 tuần, đợt giảm giá mới của Off-White x Jordan đã gây ra một cú nổ lớn. Cửa hàng thời trang streetwear Wish ở Atlanta đã chịu sức ép từ hơn 60.000 lượt truy cập vào trang web của mình trong vòng vài giây đầu tiên sau khi phát hành theo thông báo. Trang web bị sập, các trang web của Nike và Off-White cũng vậy. “Chúng tôi cần một máy chủ có kích thước tương đương với Coca-Cola để xử lý lượng truy cập lớn như vậy”, đại diện của Wish cho biết.

Chúng ta thường nhìn nhận về streetwear dưới góc độ “văn hóa”. Nhưng trong thập kỷ trước, thuật ngữ này đã đi từ việc mô tả các phong trào tiểu văn hóa và các giá trị của chúng để bào chữa cho hành vi của những người tiêu dùng chạy theo xu hướng. Các thương hiệu, nhiều trong số đó, thường hay hô hào về “văn hóa” nhưng không quan tâm đến thực trạng này bởi nó giúp thúc đẩy doanh số và làm giàu cho chính họ. Vấn đề là, những người hạnh phúc thì không có lợi cho hệ thống. Tiến sĩ Ramani tóm tắt một cách ngắn gọn như sau: “Chủ nghĩa tư bản sẽ sụp đổ vào ngày mai nếu tất cả mọi người trên hành tinh đều hài lòng với chính họ.”

Lược dịch: Hiếu Lê
Theo Eugene Rabkin trên Highsnobiety