Lời khẩn cầu từ chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu
Ngày đăng: 03/04/20
Vừa qua, trên kênh Youtube của Vitas – Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã phát đi “Lời khẩn cầu từ chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, với những tiếng nói đến từ 4 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Bangladesh.”
Trong những thông điệp nêu rõ, đây là thời kì khó khăn nhất hiện nay, đây là lúc cần làm việc cùng nhau. Những lời kêu gọi này được phát đi trong bối cảnh nhiều đơn hàng từ các nước đã bị hủy dù đã được sản xuất xong, khiến cho nhiều doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả lương cho công nhân và tiếp tục hoạt động trong thời gian tới.
Mở đầu, M. Wilson Zhu – Chief Operating Officer Li & Fung nêu lên thực trạng: “Chúng ta đang trải qua một thời kỳ suy sụp không thể đoán trước, chưa từng có tiền lệ, với sự tấn công của virus corona lây nhiễm khắp thế giới, trở thành đại dịch. Chuỗi cung ứng chúng ta đối diện với thách thức tồn tại hay phá sản. Các doanh nghiệp đứng trước tình huống mất toàn bộ nền tảng chúng ta đã cùng nhau xây dựng trong những thập kỷ qua…”
Dr. Rubana Hug – President of Bangladesh Garment Manufacturers and Exporters Association: “Các đối tác thân mến! Chúng ta phải trải qua khó khăn trong thời gian dài, từ năm 2013 tới nay. Tình hình trồi sụt thất thường do đời sống kinh tế bất ổn. Thời điểm này, tất cả chúng ta đều đối diện với khó khăn, các cửa hàng của các bạn bị đóng cửa, nhà máy của chúng tôi ngừng sản xuất, kinh doanh trở về con số 0. Trên tất cả, chúng tôi có 4.1 triệu công nhân sẽ bị đói nếu như chúng ta không giữ cam kết của mình. Lúc này không phải lúc đổ lỗi cho nhau, mà cần làm việc cùng nhau.”
Smriti Irani – Bộ trưởng danh dự Bộ Dệt May Ấn Độ: “Trong nhiều năm, chúng ta đã hưởng thụ sự phát triển của ngành dệt may và lợi ích mang lại cho cuộc sống. Vừa qua, Thủ tướng của chúng tôi đã thông báo về chính sách bảo vệ công nhân của mình. Tôi muốn ngỏ lời với bạn, là chúng ta cùng nhau, để thế giới biết, là chúng ta có thể làm thương mại với lòng trắc ẩn, không đơn thuần vì lợi nhuận. Chớ hủy bất cứ một hợp đồng nào, dù nhỏ nhất, khi đã hoàn thành sản xuất. Việc giao hàng có thể trì hoãn, thời gian thanh toán có thể nới rộng, nhưng chúng ta cần thống nhất tiếp tục làm việc với nhau”.
Ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam phát biểu: “Đây là thời kỳ khó khăn nhất từ trước tới nay đối với ngành Dệt May Việt Nam. Việc hủy, chậm, giãn đơn hàng lan rộng ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn ngành lao động. 100% người lao động dệt may thiếu việc làm. Với hơn 2.8 triệu người lao động trực tiếp trong ngành dệt may, 6 triệu người phụ thuộc vào doanh thu của ngành công nghiệp dệt may, tổng số 9 triệu người ở Việt Nam đang đối mặt với khó khăn, bởi tác động từ việc hủy, giản đơn hàng này, cho dù đã ở điều kiện sống tối thiểu. Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vitas mong rằng vì vấn đề nhân đạo, an sinh xã hội, các đối tác đã đặt hàng, chỉ nên giãn thời gian giao hàng, giảm tối thiểu việc hủy đơn hàng, nhưng cần thanh toán đúng hạn các khoản, đối với hàng hóa đã sản xuất xong, chờ ngày xuất khẩu. Các đối tác hãy hỗ trợ cho các nhà máy ở Việt Nam trang trải một phần chi phí lương cho người lao động…”
Thực hiện: Kiri