Louis Vuitton đóng một cửa hàng sau biểu tình kéo dài ở Hồng Kông
Ngày đăng: 05/02/20
Prada sẽ kéo dài hợp đồng thuê đến tháng 6 năm 2020, trong khi Louis Vuitton đang cố gắng giảm thiểu tác động từ cuộc khủng hoảng Hồng Kông bằng cách đóng cửa hàng tại Trung tâm thương mại Times Square, Vịnh Causeway.
Các cuộc biểu tình rộng rãi và tình trạng bất ổn nói chung ở Hồng Kông đã kéo dài hơn sáu tháng. Ngay cả khi bà Carrie Lam thay đổi dự luật dẫn độ, mọi việc dường như vẫn chưa có hồi kết. Điều này khiến tập đoàn LVMH, gần đây gây chú ý khi mua lại Tiffany & Co., quyết định chấm dứt hoạt động một cửa hàng Louis Vuitton tại trung tâm thương mại Time Square của Hồng Kông.
Với lượng khách du lịch giảm và tránh xa những khu vực bất ổn, các nhà bán lẻ và hoạt động thương mại nói chung đã bị ảnh hưởng. GDP quý 3 năm 2019 của Hồng Kông giảm 3,2% so với quý trước, vốn đã giảm 0,4%, chính thức bước vào tình trạng suy thoái.
Louis Vuitton là thương hiệu xa xỉ đầu tiên phản ứng với sự khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng từ các cuộc biểu tình chống chính phủ đã kìm hãm Hồng Kông, thêm vào đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tàn khốc và đồng nhân dân tệ yếu hơn đã khiến các du khách từ đại lục cũng cắt giảm chi tiêu.
Nguồn tin từ South China Morning Post chia sẻ rằng Louis Vuitton đã đưa ra quyết định đóng cửa hàng trung tâm thương mại Times Square ở trung tâm khu mua sắm Causeway Bay, sau khi chủ sở hữu Wharf Real Estate Investment Corporation (Wharf Reic) từ chối yêu cầu hạ giá thuê trên không gian tầng hai.
Wharf Reic lần đầu tiên tiết lộ dự thảo kế hoạch tái phát triển khu vực này thành văn phòng và khu phức hợp mua sắm rộng 150 nghìn mét vuông vào năm 1987, và tại thời điểm đó vùng này của Wanchai / Causeway Bay được coi là không hấp dẫn. Ngày nay, Quảng trường Thời đại, trung tâm thương mại chiều dọc ở Hồng Kông, được xem là mỏ vàng bất động sản với giá thuê cao nhất thế giới – Louis Vuitton trả khoảng 5 triệu đô la Hồng Kông hàng tháng cho cửa hàng tại đây.
‘’Tôi tin rằng lĩnh vực bán lẻ sẽ tiếp tục phải đối mặt với một thời gian khó khăn trong nửa đầu năm nay, vì tôi vẫn không thể hình dung rằng tình trạng bất ổn xã hội sẽ sớm được giải quyết.’’
Annie Tse Yau On-yee, chủ tịch Hiệp hội quản lý bán lẻ Hồng Kông.
Giá thuê cao nhất thế giới
Việc Wharf Reic từ chối giảm giá cho Louis Vuitton đi ngược lại với những gì các chủ sở hữu và nhà phát triển bất động sản Hồng Kông khác đã làm để giảm bớt áp lực khách hàng của họ. Vào tháng 8 năm ngoái, Prada tuyên bố sẽ ngừng hoạt động của cửa hàng với giá thuê 9 triệu đô la Hồng Kông mỗi tháng tại Plaza 2000 sau khi hợp đồng thuê kết thúc vào tháng 6 năm 2020. Theo Cushman & Wakefield, Russell Street tại Plaza 2000 có giá thuê cao hơn Đại lộ 5 huyền thoại ở New York.
Francis Choi Chee Ming, chủ sở hữu của Plaza 2000 đã giảm giá 44% cho người thuê tiếp theo cũng như các cơ hội để phân chia 1400 mét vuông thành các không gian nhỏ cho những người thuê nhỏ hơn. Trong khi đó, Swire Properties, chủ sở hữu của trung tâm thương mại sang trọng Pacific Place ở Admiralty và Hongkong Land, chủ nhân của Landmark luxury mall ở Central cũng có những chính sách giảm giá tương tự.
Plaza 2000 nằm trong khu mua sắm Vịnh Causeway, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 100 cửa hàng trong số 1.087 được báo cáo trong quận đóng cửa vào tháng 8 năm 2019. Trong khi đó, các nhà bán lẻ không thể chịu đựng những tổn thất này lâu dài. Cho đến nay, cơ quan bất động sản Midland IC & I báo cáo gần 500 trong số 7.400 cửa hàng tại bốn khu mua sắm chính của Hồng Kông đã đóng cửa và dự kiến sẽ có thêm 600 cửa hàng bị đóng cửa vào năm 2020.
Đây là cuộc suy thoái đầu tiên của Hồng Kông trong một thập kỷ, và các nhà phân tích như Iris Pang, nhà kinh tế của Trung Quốc tại ngân hàng ING của Hà Lan, tin rằng nó có thể trở nên tồi tệ hơn đối với Hong Kong khi Pang dự báo tổng sản phẩm quốc nội hàng năm sẽ giảm thêm 5,8% vào năm 2020.
“’Triển vọng của doanh số ngành bán lẻ phụ thuộc rất nhiều vào tác động của tình trạng bất ổn xã hội, điều này đã làm suy giảm nghiêm trọng tâm lý của người tiêu dùng’’
– Annie Tse Yau On-yee, chủ tịch Hiệp hội quản lý bán lẻ Hồng Kông.
Khủng hoảng ngày càng sâu sắc
Trong lịch sử, các thương hiệu xa xỉ đã có sự hiện diện đáng kể ở Hồng Kông, chủ yếu để phục vụ thị trường xách tay về Trung Quốc khi thuế khiến việc mua sắm ở đại lục trở nên đắt đỏ hơn. Nền công nghiệp bán lẻ lớn ở đây cũng giúp cho khách du lịch tận dụng giá thấp hơn cho hàng hóa xa xỉ vì Hồng Kông là một cảng miễn phí và không áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Điều quan trọng là lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng tư nhân chiếm khoảng 65% GDP của Hồng Kông.
Theo điều tra dân số và thống kê của Hồng Kông, ngành bán lẻ của thành phố đã giảm từ mức cao nhất vào tháng 1 năm 2019 là 56 tỷ đô la Hồng Kông xuống mức thấp mới khoảng 9 tỷ đô la Hồng Kông vào tháng 10 năm 2019. Lượng khách du lịch giảm cũng ảnh hưởng, giảm từ 7 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 1 tới mức 3 triệu trong tháng 9. Với xu hướng chống Trung Quốc ngày càng tăng, những người nói tiếng Trung và các doanh nghiệp liên kết với Trung Quốc đã liên tục bị tấn công khiến nhiều du khách Trung Quốc đại lục tránh xa, giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách du lịch từ Trung Quốc chiếm tới 70% trong lĩnh vực xa xỉ, với những điều kiện này, không có gì ngạc nhiên khi các thương hiệu như Hugo Boss, Ralph Lauren, Gucci và Moncler đã báo cáo kinh doanh giảm 45% vào cuối quý 3 năm 2019.
Hồng Kông đã bơm hơn 20 tỷ đô la Hồng Kông vào các lĩnh vực vận tải, du lịch và bán lẻ để giảm bớt sự suy thoái, nhưng cho đến nay với nhiều biện pháp cứu trợ dự kiến như thế, ngay cả các nhà phân tích vẫn cho rằng liều thuốc này sẽ không mang lại hiệu quả.
Thực hiện: Vincent Pham