Lụa tơ tằm có thể phân hủy tự nhiên, nhưng nó có phải là loại chất liệu thời trang bền vững?
Ngày đăng: 13/04/21
Khi nhắc đến lụa, chúng ta nghĩ ngay đến lịch sử lâu đời của loại chất liệu thời trang này. Từ thuở xa xưa, lụa là loại chất liệu quý giá mà tầng lớp phổ thông không thể sở hữu, cho đến ngày nay lụa vẫn là một trong những loại chất liệu có giá trị cao trên thế giới. Tuy nhiên, lụa tơ tằm có phải hay không là loại chất liệu thời trang bền vững?
Vì sao nhà thiết kế Stella McCartney bị chỉ trích là đạo đức giả sử dụng tơ lụa? Và nên hay không nên sử lụa tơ lụa trong thời trang?
Lụa được tạo ra như thế nào?
Hầu như ít nhiều trong chúng ta đều biết sự quý giá của tơ lụa trong lịch sử. Thông qua con đường tơ lụa huyền thoại, những người thương nhân đã mang loại tơ lụa của Trung Quốc tới phương Tây. Người phương Tây mê mẩn loại chất liệu này đến nỗi họ sẵn sàng trả số vàng tương ứng với cân nặng của tấm lụa.
Là người Việt Nam, chúng ta sẽ được nghe “thương thay thân phận con tằm/ kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ” hay là “trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa”. Nhưng ít ai biết cụ thể quá trình tạo ra lụa tơ lụa như thế nào, nhất là làm sao để con tằm nhả tơ.
Trước tiên, để có lụa, người nông dân nuôi nhộng tằm và cho chúng ăn lá dâu. Sau tầm 3 tuần tuổi, trải qua 4 tuần lột xác, tằm thích hợp để nhả tơ kết kén. Tằm được đưa vào né, một loại khung làm từ thân cây đay, tằm nhả tơ từ ngoài vào trong, đầu tiên là vài vòng tơ thô bao bọc bên ngoài để định hình tổ kén gọi là áo kén, trong vòng 4 ngày liên tiếp, con tằm xoay cơ thể theo chuyển động hình số 8 khoảng 300 ngàn lần liên tục, nhả thành sợi tơ dài gần 1km, quấn quanh mình tạo thành kén.
Tơ là một loại sợi protein dạng lỏng được tiết ra từ tuyến nước bọt của tằm, khi tiếp xúc với không khí, chất lỏng này đông cứng lại, tạo thành sợi tơ. Đồng thời khi nhả tơ, tằm cũng tiết ra 1 loại chất lỏng khác là sericin, đây như là một loại keo dính chặt hai nhánh tơ mảnh với nhau thành một sợi tơ. Sau khi nhả hết tơ, tằm kiệt sức nằm yên trong kén và biến thành nhộng, lúc này có thể bắt đầu gỡ kén để đem đi ươm tơ.
Để ươm tơ thì đầu tiên cần thả kén vào nước sôi và đảo đều để kén mềm và bong áo kén ra ngoài. Quá trình làm phải tỉ mỉ để có được sợi tơ gọi là tơ thô. Từ sợi tơ thô đó mà người ta dệt lụa. Chất lượng sợi tơ cùng mật độ se mà quyết định chất lượng của vải lụa cũng như độ dày mỏng.
Lụa có hoàn toàn thân thiện với môi trường?
Đặc tính của lụa là thoáng mát và tạo sự thoải mái cho người mặc. Vải lụa bền lâu và có thể phân hủy tự nhiên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là lụa thân thiện tuyệt đối với môi trường.
Theo Treehugger, quá trình trồng cây dâu để nuôi tằm thường dùng khá nhiều nước để tưới tiêu. Bên cạnh đó, quá trình dệt và nhuộm màu có sự xuất hiện của hóa chất, chất thải khi nhuộm vải lụa có thể ảnh hưởng đến nguồn nước chung. Sustainable Apparel Coalition’s Higg Index chỉ ra, quá trình tạo nên tơ lụa có thể ảnh hưởng với môi trường không kém gì vải tổng hợp vì nguyên nhân kể trên, nhất là ở những cơ sở sản xuất không đảm bảo điều kiện.
Tuy nhiên, vải lụa được đảm bảo hơn nếu thông qua chứng nhận của tổ chức Global Organic Textile Standard. Đây là tổ chức thiết lập các yêu cầu về quản lý môi trường, xử lý nước, hóa chất đầu vào, v.v. trong toàn bộ chuỗi cung ứng dệt may.
Vải lụa và vấn đề đạo đức, sự cải tiến trong ngành thời trang
Năm 2015, nhà thiết kế Stella McCartney, người sáng lập thương hiệu thời trang bền vững cùng tên nổi danh toàn cầu bị một trang blog Truth About Fur chỉ trích là đạo đức giả. Lý do là nhà thiết kế được xem là người tiên phong trong ngành thời trang bền vững, đồng thời là một người ăn chay trường, Stella McCartney không sử dụng da và lông thú nhưng lại dùng lụa trong bộ sưu tập thời trang của mình.
Việc lột da lấy lông trâu bò, cáo, chồn, cá sấu, thỏ… là độc ác và tàn nhẫn. Vậy thì việc luộc sống những kén tằm để lấy tơ dệt lụa thì sao?
Mặc dù, lời chỉ trích dành cho Stella McCartney có phần nào đó khắt khe nhưng cũng đã đánh lên hồi chuông vang vọng cho con người về một khía cạnh khác trong thời trang và đưa ra thêm một vấn đề cho ngành công nghiệp này. Liệu có giải pháp nào tốt hơn cho vấn đề này?
Stella McCartney ngày nay vẫn là thương hiệu đi tiên phong trong ngành thời trang bền vững với việc hợp tác với các công ty công nghệ nghiên cứu các loại chất liệu bền vững, như da từ sợi nấm (thay thế cho da thật) hay lụa từ sợi tơ nhện (thay thế cho tơ tằm). Công ty Bolt Threads, đã sử dụng nước, men, đường và DNA của nhện để phát triển một loại vật liệu tương tự về mặt phân tử với tơ nhện. Loại vải này được gọi là Microsilk được tạo ra dai và bền tương tự như tơ tằm.
Các công ty nghiên cứu cũng đã tìm cách để khiến cho việc tạo ra tơ tằm tốt đẹp hơn bằng việc làm sao để bỏ qua công đoạn luộc kén mà vẫn lấy được tơ. Tơ Ahimsa là loại tơ được sản xuất mà không giết tằm. Tuy nhiên, Bombyx đã được con người nuôi dưỡng vì vậy chúng không thể tồn tại lâu một khi chúng nở ra trong kén. Chúng chỉ đơn giản là sống một cuộc đời ngắn ngủi trong điều kiện nuôi nhốt.
Tơ Tussar được làm từ kén được tìm thấy trong các khu rừng thưa nơi có một số loài bướm đêm hoang dã sinh sống. Tuy chất lượng tơ không tốt như tơ tằm do loài sâu bướm ăn nhiều thực vật và lá cây, nhưng con người có thể thu hoạch kén sau khi bướm đã nở và bay đi, hoặc thu hoạch khi còn ấu trùng bên trong. Loại tơ này có sợi ngắn hơn mang màu vàng kim và được yêu thích vì màu sắc đẹp.
Tạm kết
Kỳ thật, so với các mặt hàng dệt khác, tơ tằm chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng, chỉ 0,2% trên thị trường sợi toàn cầu. Cho đến ngày nay nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa vẫn gặp nhiều thách thức và khó khăn do các biến động xã hội. Giá thành của lụa tơ tằm cũng khiến cho nó trở thành sản phẩm không phù hợp với số đông.
Có lẽ, cũng giống như tranh luận bất tận về việc nhân loại ăn chay có thể tốt hơn cho môi trường và khắc phục những ô nhiễm mà ngành nông nghiệp mang lại hay không, thì có nên sử dụng lụa tơ tằm trong thời trang hay không cần phải xem xét theo nhiều khía cạnh, và tùy thuộc vào quan điểm đạo đức của mỗi người. Nhưng chắc chắn lụa tơ tằm không là sản phẩm thuần chay.
Thực hiện: Hoàng Khôi