LVMH và sự chững lại của ngành làm đẹp xa xỉ toàn cầu
Ngày đăng: 02/05/25
Sau nhiều quý tăng trưởng liên tục, mảng nước hoa và mỹ phẩm của tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới – LVMH, đã ghi nhận mức sụt giảm trong quý I/2025.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2025 do LVMH công bố, doanh thu của ngành hàng nước hoa và m đạt khoảng 2 tỷ euro, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2024 – đảo chiều so với mức tăng trưởng 2% trong quý IV/2024, cho thấy sự sụt giảm đang lan rộng ngay cả ở những tập đoàn vốn được xem là “miễn nhiễm” với làn sóng suy thoái kinh tế.
Trong bối cảnh ngành hàng xa xỉ đang chịu ảnh hưởng từ lạm phát, chi tiêu tiêu dùng ngày càng thắt chặt và sự thay đổi trong hành vi mua sắm, những số liệu này đã phản ánh sự dịch chuyển thực tế trong thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng.
Nước hoa vẫn là “lá chắn” chủ lực
Nước hoa tiếp tục là điểm sáng hiếm hoi trong danh mục làm đẹp của LVMH. Thương hiệu Christian Dior tiếp tục dẫn đầu với các dòng sản phẩm chủ lực như J’adore, Sauvage, Homme và Bộ sưu tập cao cấp La Collection Privée. Mùi hương mới Bois Talisman vừa ra mắt cũng nhanh chóng được đánh giá cao bởi báo giới và người tiêu dùng, nhờ vào hương gỗ ấm đặc trưng kết hợp với tinh thần couture của Dior.


Ngoài Dior, Guerlain – một trong những thương hiệu nước hoa lâu đời nhất thế giới, vẫn giữ được nhịp tăng trưởng nhờ việc phát triển dòng nước hoa L’Art & La Matière và Aqua Allegoria với các mùi hương mới lấy cảm hứng từ thiên nhiên.
Givenchy cũng ghi điểm với dòng phấn phủ Prisme Libre và son Rouge Interdit. Cả hai đều được làm mới về công thức và bao bì, hướng đến đối tượng khách hàng trẻ, đặc biệt là nhóm tiêu dùng tại châu Á và Bắc Mỹ.
Áp lực từ thị trường toàn cầu
Tổng doanh thu của LVMH trong quý I/2025 đạt 20,7 tỷ euro, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích (theo Reuters, 14/04/2025). Mức sụt giảm này lan rộng trên hầu hết các phân khúc, từ thời trang, đồng hồ, trang sức đến rượu.
Đáng chú ý, khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) giảm mạnh 11%, trong khi thị trường Mỹ giảm 3%, phản ánh rõ xu hướng thắt chặt chi tiêu trên toàn cầu. Theo Vogue Business, lạm phát kéo dài, áp lực kinh tế vĩ mô và tâm lý tiết kiệm sau đại dịch là những yếu tố đang ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi tiêu dùng mặt hàng xa xỉ, đặc biệt là mỹ phẩm và nước hoa.
Định hướng dài hạn
Dù gặp không ít thách thức, LVMH vẫn khẳng định sẽ không thay đổi chiến lược đầu tư lâu dài. Trong báo cáo tài chính, tập đoàn nhấn mạnh tiếp tục tập trung vào đổi mới sản phẩm, mở rộng trải nghiệm tiêu dùng và duy trì chất lượng đối các thương hiệu chủ lực. Đây được xem là hướng đi nhất quán giúp LVMH vượt qua nhiều chu kỳ khủng hoảng trong quá khứ.
Tham khảo: The Business of Fashion
Thực hiện: Amelia