Mách bạn các phương pháp giúp ‘sold out’ các mặt hàng thời trang
Ngày đăng: 27/08/24
Các nhà bán lẻ và các thương hiệu thường đưa ra lời khuyên cho những người tiêu dùng rằng hãy mua ít hơn, còn họ sẽ cố gắng quản lý hàng tồn kho tốt hơn nhằm tránh lãng phí.
Nhưng thật nản lòng khi thấy họ lại làm điều ngược lại: các cửa hàng vẫn chất đầy hàng tồn kho và những bộ trang phục cũ chưa bán hết được bán với giá sale. Những đợt giảm giá này có thể ‘tàn phá’ các thương hiệu nhỏ bằng cách ăn mòn biên lợi nhuận và bị những áp lực tài chính lên đè nặng lên ‘đôi vai’ của những thương hiệu nhỏ bé ấy.
Khi bước vào một mùa bán buôn mới, điều quan trọng mà chúng ta cần chú ý là phải cố gắng giảm thiểu rủi ro về hàng tồn kho bị buộc phải giảm giá và không bán được. Sau đây là một số chiến thuật giúp các nhà bán lẻ và các thương hiệu quyết định sản phẩm nào có thể giảm giá, các điều khoản có thể thương lượng và xác định mức giảm giá để đảm bảo rằng chiến dịch này hiệu quả.
Hãy bắt đầu với số lượng nhỏ
Chỉ nhận các đơn hàng bạn có thể sản xuất và giao đúng hạn. Các đơn hàng lớn đòi hỏi nhiều tài chính sản xuất hơn và tạo ra nhiều rủi ro hơn về các vấn đề vận chuyển và giao hàng. Thay vì cung cấp quá nhiều sản phẩm cho các cửa hàng và điều có thể dẫn đến việc không bán hết hàng hay làm giảm giá trị của sản phẩm, thì nên duy trì một lượng hàng hóa vừa phải để giữ cho nhu cầu của cửa hàng cao và đảm bảo sản phẩm bán chạy.
Dự đoán mức sản xuất tối thiểu của thương hiệu
Mặt khác, nếu một đơn hàng quá nhỏ để đáp ứng mức sản xuất tối thiểu của bạn thì chúng ta không nên mạo hiểm trong việc đầu tư sản xuất. Nhưng đôi khi, bạn vẫn có thể đi ngược lại với lời khuyên này khi bạn thấy mặt hàng ấy đủ đặc biệt để làm vì nó có thể giúp thương hiệu quảng bá và làm nổi bật các sản phẩm khác trong danh mục của mình.
Và nếu sự hiện diện của thương hiệu đủ mạnh trên các mạng xã hội hay trang web online và các sàn thương mại điện tử, bạn có thể tận dụng các kênh này để bán sản phẩm và đạt được mục tiêu sản xuất mà không cần phụ thuộc hoàn toàn vào các cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên, nếu bạn cần loại bỏ một kiểu dáng sau khi đã có đơn đặt hàng, hãy cho người mua biết ngay và xem liệu họ có thay thế bằng một mặt hàng khác trong dòng sản phẩm của bạn hay không.
Luôn nắm rõ lịch trình sản xuất của bạn
Nếu bạn không chắc chắn về thời gian giao hàng từ xưởng, bạn không nên nhận đơn đặt hàng. Hãy trung thực với khách hàng về thời gian cần thiết để sản xuất và giao hàng và chỉ nên cam kết những gì bạn chắc chắn có thể hoàn thành.
Tìm kiếm sự hợp tác từ các đối tác
Bạn nên tìm kiếm sự hợp tác từ các đối tác bán lẻ và chỉ cung cấp sản phẩm độc quyền hoặc đặc biệt cho những đối tác thực sự hỗ trợ bạn, chẳng hạn như họ hỗ trợ các chiến lược marketing tốt, sản phẩm được đặt ở các vị trí thuận lợi trong cửa hàng, và các điều khoản thanh toán có lợi. Bạn cũng nên làm rõ các điều kiện của thỏa thuận độc quyền và sẵn sàng từ chối nếu nó không phù hợp với lợi ích của doanh nghiệp bạn.
Tạo ra các phiên bản giới hạn
Thử nghiệm các kiểu dáng mới hoặc bộ sưu tập capsule với số lượng nhỏ. Nếu sản phẩm đều nhận được phản hồi tích cực, bạn có thể tăng sản lượng sản xuất trong đợt tiếp theo và tận dụng cơ hội đó để phát triển. Việc tạo ra sản phẩm phiên bản giới hạn trong suốt cả năm giúp người mua hài lòng và khách hàng gắn bó để bạn có thể đưa họ trở lại với sản phẩm cốt lõi của mình. Thông thường, các nhà thiết kế chỉ có rất ít vải để tạo ra một sản phẩm chất lượng và cung cấp những sản phẩm này cho người mua dưới dạng độc quyền.
Khuyến khích khách hàng pre-order
Nếu thương hiệu có thể cung cấp đơn đặt hàng trước hoặc tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm thì điều này có thể giúp giảm thiểu rủi ro cho cả nhà sản xuất và nhà bán lẻ. Ngoài ra, thương hiệu còn có thể kiểm soát tốt hơn trong việc sản xuất và bán hàng, đặc biệt là đối với các sản phẩm mới hoặc đặc biệt, trong khi vẫn đảm bảo rằng có đủ hàng tồn kho cho các đơn hàng khác.
Nắm rõ tất cả các điều khoản
Đảm bảo bạn hiểu tất cả các điều khoản thanh toán, vận chuyển, giao hàng và bán hàng và cân nhắc ưu và nhược điểm của các thỏa thuận như dropship và ký gửi. Mỗi doanh nghiệp đều khác nhau và bạn chỉ nên đồng ý với những gì phù hợp với doanh nghiệp của mình.
Cần có chiến lược rõ ràng khi giảm giá
Không nên áp dụng chiến lược giảm giá đối với các mặt hàng chính và sản phẩm cốt lõi. Bạn có thể thương lượng với cửa hàng để lùi ngày bắt đầu giảm giá, nhằm kéo dài thời gian bán sản phẩm với giá gốc, không áp dụng chương trình giảm giá. Nếu hàng hóa vẫn không bán hết, bạn có thể yêu cầu cửa hàng trả lại hàng để bạn có cơ hội bán chúng ở một kênh khác hoặc nơi khác. Điều này giúp bảo vệ lợi nhuận và giá trị sản phẩm của bạn.
Hỗ trợ việc bán hàng bằng nhiều cách khác nhau
Sau khi sản phẩm của bạn được đưa vào cửa hàng, bạn không chỉ nên dựa vào cửa hàng để bán hàng, mà còn cần chủ động hỗ trợ quá trình này. Thương hiệu cần xác nhận sản phẩm đã được giao và bày bán đúng cách, cung cấp thông tin cho nhân viên bán hàng để họ hiểu rõ về sản phẩm, và tích cực quảng bá sản phẩm qua các kênh truyền thông của bạn để tăng cường sự nhận biết và thúc đẩy doanh số.
Đọc thêm: Phát triển cửa hàng có còn quan trọng trong thời buổi người người livestream?
Luôn cập nhật tình hình của sản phẩm
Cập nhật tình hình bán sản phẩm của bạn tại cửa hàng. Nếu sản phẩm bán chạy, bạn có thể đặt xưởng sản xuất thêm, thêm nhiều kích thước khác nhau hay bất kì sản phẩm nào bạn cảm thấy có tiềm năng. Trong trường hợp ngược lại, đối với một sản phẩm không bán được như mong đợi, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp để thúc đẩy doanh số.
Điều này có thể bao gồm tổ chức các sự kiện tại cửa hàng để thu hút khách hàng, khuyến khích nhân viên bán hàng qua các ưu đãi hoặc thưởng, và nếu cần, thay thế những sản phẩm không bán chạy bằng các sản phẩm khác có sức tiêu thụ tốt hơn.
Thực hiện: Mỹ Tâm