Maison Margiela Artisanal Spring 2024 – Quý ngài John Galliano và show diễn thay đổi thế giời thời trang mãi mãi
Ngày đăng: 30/01/24
Paris Haute Couture Spring 2024 ắt hẳn là một tuần lễ không thể quên đối với làng mốt. Bởi lẽ, nó được mở màn bởi thế giới siêu thực của Schiaparelli và kết thúc bằng cái đẹp đến cực đoan của “Hiệp sĩ râu kẽm” John Galliano với show diễn Maison Margiela Artisanal Spring 2024
Vĩ đại, kinh ngạc, khó tin,… đó chính là chuỗi cảm xúc của dàn khách mời tại show diễn cuối cùng Tuần lễ Haute Couture Paris mùa mốt Xuân Hè 2024, khi buổi trình diễn Maison Margiela Artisanal vừa khép màn. Từ các tạp chí danh giá này cho đến các trang báo uy tín, Maison Margiela Artisanal Spring 2024 đều được công nhận là một trong những show diễn đáng xem, thậm chí thay đổi thế giới thời trang mãi mãi. Đó sẽ là một cột mốc vàng son trong tích sử làng mốt, một màn trở lại đầy phong độ mở ra một kỷ nguyên sáng tạo mới. Là một “báu vật” được nhiều bảo tàng nổi tiếng sưu tầm, được nhiều thế hệ sinh viên thiết kế nghiền ngẫm nghiên cứu. Bởi lẽ, nó gợi lại cảm giác hồi hộp, điên cuồng, sợ hãi, rợn người khi xem những show diễn của Thierry Mugler, Alexander McQueen vào cuối thập niên 90 và những năm 2000s, hay của John Galliano khi còn là người “cầm trịch” triều đại sáng tạo tại Dior. Vì là minh chứng chân thật cho sức mạnh của bản chất “storytelling” trong thời trang khi làng mốt đang dần cạn kiệt sự sáng tạo, và là vì khả năng có thể dập tắt “làn sóng” quiet-luxury đang “nắm thóp” mọi bộ sưu tập từ các nhà mốt đình đám.
Xem bài viết này trên Instagram
Với cuộc đổ bộ mạnh mẽ của sự “sang trọng thầm lặng”, từ tuần lễ thời trang này đến tuần lễ khác, từ RTW đến Haute Couture, từ địa phận menswear cho đến womenswear, các show diễn ngày này chỉ đơn thuần là các buổi trình diễn các thiết kế mới, một cuộc diễu hành của các người mẫu na ná nhau với một nét aesthetic tối giản đến ngán ngẩm. Trong lúc các thương hiệu đổ xô làm thương mại, bỏ quên đi tính nghệ thuật, trí tưởng tượng và bộ óc sáng tạo ngoạn mục, quý ngài râu kẽm – John Galliano quyết đi trở lại, cứu rỗi thế giới thời trang, tái sinh bản chất không tưởng, khả năng “storytelling” đang chết mòn chết dần.
John Galliano là một trong những nhà thiết kế vĩ đại, “ông vua” của mọi cuộc tranh cãi trong làng mốt. Với cách diễn giải thời trang không khoan nhượng, cái đẹp từ lăng kính sáng tạo của John thường không được lòng quá nhiều tín đồ, “khó nuốt” đối với những người lần đầu mới tiếp cận. “Thô nhưng thật”, kho di sản của kẻ nghệ sĩ “đáng ghét” này vẫn để lại những giá trị nuôi dưỡng sự mơ mộng và ngoạn mục của địa hạt thời trang. Cách kể chuyện chân thật của John sẽ là “liều thuốc” đánh thức chúng ta để không quá mãi mê với sự hào nhoáng và phi thực tế của thời trang.
Kể từ khi bị sa thải khỏi Dior vào năm 2011 ngay cả khi gia nhập vào đại gia đình Maison Margiella với tư cách là Giám đốc sáng tạo vào năm 2014, John khá kín tiếng, quay về vùng an toàn của chính mình. Mặc dù các thiết kế và ý tưởng trình diễn của John Galliano không thiếu tính sáng tạo, nhưng nhà thiết kế xứ Gibratal có lẽ còn quá khiêm tốn. Sau ngần ấy năm im lặng, rời bỏ sàn diễn Haute Couture mộng mơ, thậm chí bị “cancel” bởi nhiều vụ tai tiếng, John Galliano vươn lên như phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn, quay lại với buổi trình diễn Artisanal 2024 với bộ óc sáng tạo vô biên cùng tay nghề không giới hạn.
Từ bối cảnh tổ chức, âm nhạc, thời tiết, kiểu tóc, tuyệt tác trang điểm của Pat McGrath, hình thể của người mẫu cho đến các chuyển động tự do của họ, John Galliano tạo nên một show diễn có mô típ hiếm khi xuất hiện trong bối cảnh thời trang hiện tại. Im ắng trong một thời gian dài, ông dồn hết tâm sức, hết thảy cảm xúc bấy lâu bị ém nhẹm bên trong để kể một câu chuyện thời trang đầy ám ảnh, một câu chuyện chứa đầy những xúc cảm trên đời từ nỗi buồn tha lương đến thú vui nhục dục, thăng hoa đến tuyệt vọng, quyền lực đến mong manh, lãng mạn đến nguy hiểm.
Biết bao thời đại thời trang trôi qua, không ai ngoài John Galliano có thể “hành hạ” làng mốt, mà chẳng ai kêu than. Trong một buổi tối lạnh giá của mùa đông, nhà thiết kế đưa những tên tuổi đình đám trong giới xuống thẳng gầm cầu Pont d’Alexandre III, đi theo những bậc thang tối tăm, ướt đẫm do một cơn mưa cách đó không lâu, bên dòng sông Seine đang thả mình dọc theo lối đi, họ bước qua một cánh cửa bí ẩn, vào một pub đêm kiểu Paris. Không khí bên trong âm u, vẫn còn vấn vương mùi đóng một lớp dày trên mặt bàn, mặt ghế pha chút ẩm mốc đặc trưng. Không gian là nhiều khóm bàn ghế cà phê xiêu vẹo đặt ngổn ngang, những chiếc gương mờ trên vách và một quầy bar tràn ngập chai, ly rỗng ruột. Khi những khách mời đã an vị trên những chiếc ghế mộc cạnh chiếc bàn gỗ, trong ánh đèn vàng kỳ lại, người xem đã chứng kiến một thế giới siêu thực của John Galliano, một thế giới ngầm với những tuyến nhân vật, họ khoác trên người những bộ trang phục may đo cao cấp. Nó là một trải nghiệm chân thật đến khó tin, với độ sáng tạo kinh ngạc chạm ngưỡng, và nó chống lại “bức tường” tiêu chuẩn cứng nhắc đang dẫn dắt thế giới thời trang hiện nay.
Ở miền sáng tạo của John Galliano từ trước cho đến nay vẫn đậm chất sân khấu, dào dạt cảm xúc, điên loạn, chất lịch sử pha chút lãng mạn. Ở Maison Margiela Artisanal Spring 2024, điều đó được tái hiện một cách đầy mạnh mẽ. Theo đoạn ghi chú trước show diễn, bộ sưu tập lần này được bắt đầu từ những bức tranh những năm 1920 và 30 của họa sĩ François Boucher, Toulouse Lautrec, những bức ảnh chân dung của Brassaï, xoay quanh khung cảnh về đêm của các night club lẫn đường phố ở Paris.
Trước khi những tư liệu tham khảo mang tính lịch sử đấy được dệt thêu trên những tuyệt tác quần áo, chúng được John Galliano dẫn dắt trong một đoạn phim ngắn, làm tiền đề cho show diễn. Đó là một chiếc video đen trắng như thể được quay dựng từ nhiều thập kỉ trước, một đoạn phim giật gân về sự tôn sùng vẻ đẹp đau đớn từ chiếc áo corset siết chặt, ham muốn vật chất, quyền lực đến tột cùng. Đoạn phim chiếu trước này còn chính là “tấm gương” phản chiếu cuộc đời của những người ở nơi đây, những nhân vật bí ẩn trong Maison Margiela Artisanal Spring 2024.
Và rồi cho đến khi ánh sáng từ vầng trăng trong ngày trăng tròn đầu tiên trong năm có thể len lỏi, chiếu rọi rõ ràng ở cuối đường hầm, nhà thiết kế mới chính thức hiện thực hóa những nhân vật từ các tác phẩm mãn nhãn của Brassaï. Những người mẫu chuyển động, bước đi cứng nhắc, gợi nhớ đến những con rối có khớp nối ở quá khứ, hoặc giống như chuyển động giật giật đặc trưng của điện ảnh thời kỳ đầu. Qúa khứ đó thông qua lăng kính sáng tạo vượt ngưỡng của John làm người xem quay về thời điểm mà họ thở hổn hển, mơ mộng, chờ đợi, khao khát sở hữu khi chiêm ngưỡng những tuyệt phẩm đã hao tốn bao công sức của nhà thiết kế.
Tấm vé mời đến show diễn là cuống vé metro, một phương tiện công cộng siêu rẻ cho tầng lớp nghèo, đã đưa người xem ở show diễn quay về cuộc sống của những người thất thế ở thế kỷ trước. Bức tranh sống động của Toulouse Lautrec được xuyên không ngay trước mắt dàn khách mời; đó là những quý cô tóc rối lảo đảo bước qua một quán rượu, tìm lối đi qua ma trận của những chiếc ghế lộn xộn, là những người đàn ông rảo bước trên những tấm ván sàn cũ kỹ, rình rập và đang lén lút bên dưới chiếc áo khoác được kéo che cả mặt.
“Những người vui chơi trong đêm tối đang lang thang dưới ánh trăng dọc theo sông Seine, có gì ẩn dưới dấu vết trên quần áo của họ và có chuyện gì xảy ra được che giấu sau những cửa sổ trong căn nhà tối om của họ.” Quý ngài râu kẽm đã trả lời câu ghi chú của show diễn bằng một bộ phim prologue đang chiếu ngay trên sàn runway, với kịch bản đi theo gót chân của cặp tình nhân đang vụ trộm, của những tên xã hội đen đang rình mò bên bờ sông Seine, của những bước chạy khệnh khạng sau một trận đánh nhau tơi bời, của những dáng vẻ xộc xệch, hở hang y như vừa mới ngoại tình, của những bước chân không vững từ đám người không nhà không cửa, hay của những cặp vũ công nhảy nhót bên bờ sông với chiếc áo khoác bị ánh trăng “nuốt chửng” đang chuẩn bị bước vào quán bar xập xình
Là bậc thầy trong “storytelling”, John Galliano cũng biết cách không để những tình tiết phức tạp của tác phẩm phim làm xao nhãng những đường nét thủ công tinh xảo trong các tuyệt tác quần áo. Maison Margiela Artisanal Spring 2024 thực sự là một lễ kỷ niệm, tôn vinh tính nhân văn, cá tính trong thời trang, một lòng tôn kính dành cho sự sáng tạo thuần túy và kỹ thuật may đo phi thường, tay nghề thủ công ở một đỉnh cao mới. Vì thế, không tự nhiên mà thương hiệu gọi show diễn couture bằng một cái tên khác – “Artisanal”. Được biết, John Galliano và đội ngũ nhà thiết kế tại Maison Margiela đã sử dụng không dưới 15 kỹ thuật khác nhau để tạo ra hàng loạt tuyệt tác quần áo; 8 trong số đó đã được phát minh và sử dụng lần đầu tiên cho bộ sưu tập này. Tất cả đã hao tốn John và các nghệ nhân của mình tận 12 tháng suy nghĩ và 9 tháng để thực hiện, họ đã kết hợp những kỹ thuật truyền thống lẫn công nghệ cao để mở rộng các đường biên giới hạn trong địa hạt couture.
John Galliano khiến các nghệ nhân “kêu than” trong cách xử lý vải bằng silicon để tạo hiệu ứng ướt át, trôi nhẹ như trên mặt nước hoặc dãn dài như bị cơn mưa “nuốt chửng”. Những thước vải tuýt ở Maison Margiela sẽ không hút mắt bằng sự sang trọng kiêu kỳ, mà bằng sự chế tác phức tác khó phân tích, khi được xử lý bằng keo, sau đó đun sôi để co lại và tạo khuôn. John Galliano tiếp tục đánh lừa người xem với một chiếc khoác được làm từ ngàn lớp organza và voan được in giống như len dày, sau đó được phủ ngoài bằng vải tuyn. Trong khi đó, những chiếc váy ren đã được tách lớp để trông có vẻ liền mạch. “Đừng trông mặt mà bắt hình dong” có lẽ là tôn chỉ trong “trò chơi khăm” của John Galliano, kể cả những chiếc vòng cổ của búp bê sứ, thực sự được làm từ da đánh bóng. Tất cả là những thủ thuật đáng kinh ngạc, tay nghề thủ công phi thường, mà chúng ta phải ở đó mới có thể chiêm ngưỡng được tất cả.
Trong sự lạnh lẽo, lụp xụp, tối om rời xa khỏi sàn diễn đạt chuẩn của haute couture, sự điên rồ không giới hạn của John Galliano khiến người xem phải căng mắt để tâm đến một mặt sông ảo ảnh được ánh trăng chiếu sáng đang được mô phỏng trên những chiếc váy ren mỏng tang đầy gợi tình. Lớp vải organza mille-feuille bên ngoài khiến những bức tranh chân dung của John biết chuyển động. Độ mỏng của nó khiến bản in trompe l’oeil cơ thể khỏa thên bên dưới trở nên sống động hơn bao giờ hết. John Galliano tôn vinh tính nữ, sự phóng khoáng và tự do thông qua những bộ ngực trần, thậm chí vùng âm hộ không được che chắn, đang e ấp dưới lớp voan, lớp vải ren phức tạp. Lớp da người được thay bằng những vải trơn được nhuộm bằng một chuỗi màu trộn lẫn hư ảo từ xanh lục, xanh lam, vàng, đến hồng. Chúng được pha trộn, chồng chất lên nhau khiến người xem cứ lầm tưởng như bị ánh trắng xóa mờ, bị tẩy do nắng, dính tàn thuốc, dính rượu vang,… mờ mờ ảo ảo như mặt sông khi có ánh đèn chiếu rọi vào.
Cái đẹp được John Galliano tạo ra thường sẽ khiến người nhìn khó chịu vì sự thẳng thắn, tàn bạo và vô cùng cực đoan. Cơ thể của phụ nữ lẫn đàn ông trong Maison Margiela Spring 2024 được nhào nặn và đưa vào khung xương áo corset siết chặt đến nghẹt thở. Đó là những vòng eo siết chặt theo khuôn khổ của những quý bà thời Belle Époque và những tùng váy được độn hông đồ sộ giữa thế kỷ của Christian Dior. Đúng vậy, người xem đã xẹt qua hồi ức của John khi còn là “vua” cai quản nhà mốt Pháp. Nếu chiếc váy giấy báo của Dior từng khuấy động làng mốt suốt nhiều kỷ nguyên, thì chiếc đầm bìa carton ở Maison Margiela là một cú nổ có độ sát thương cao chạm đỉnh. Những chi tiết xếp ly trên giấy, tách sợi được mô phỏng lại với độ chính xác lên đến 100%, khiến người xem phải dừng lại vài giây để chiêm ngưỡng cho kỹ, khiến những chuyên gia, biên tập viên ghi chép thật nhanh. Phần eo “thắt đáy lưng ong” trong New Look huyền thoại của Dior cũng được tìm thấy, nhưng nay đã được gọt đẽo “ngọt” tay tạo ra đường chiết eo đến khó tin. Trong điều kiện thiếu ánh sáng, khách mời không thể nhìn thấy Suzanne von Aichinger, chân dài quen thuộc trên sàn diễn của Galliano vào cuối những năm 1990, ăn mặc như một bức tranh của Giovanni Boldini.
John Galliano khiến những vẻ ngoài rách rưới, bẩn thỉu của những người yếu thế ở xã hội trước trở thành các tuyệt tác khiến làng mốt phải ước ao một lần được chạm vào. Chẳng hạn như những chiếc váy cắt xẻ trong suốt có những nét thêu màu bạc nguệch ngoạc, những bộ đồ lót dày đặc, hoặc những bộ vest nhàu nhĩ. Một trong những kỹ thuật được sử dụng trong bộ sưu tập lần này là “emotion cutting”, đó là cách định hình kiểu dáng trang phục bằng chính những chuyển động tự nhiên, vô thức của cơ thể như một chiếc caban kéo qua đầu trong mưa, ve áo nâng lên để che mặt, kéo quần lên để tránh vũng nước mưa.
John không tự nhiên chọn địa điểm đặc biệt này để tổ chức show diễn Artisanal của Maison Margiela. Ánh sáng độc đáo trong show diễn là thứ khiến những thiết kế mới của John thêm phần xứng đáng khi trở thành những tuyệt tác thay đổi thế giới thời trang mãi mãi. Vì sắc thái của ánh sáng đó ảnh hưởng đến màu sắc của những chiếc váy, bề mặt của nó trông như thế nào và cách nó phản ứng với ánh sáng sẽ cho người nhìn biết được câu chuyện lẫn cuộc đời của người mặc. Ánh sáng mờ ảo, tối tăm đó lẫn các yếu tố xung quanh khác chính là phần hồn của trang phục. Chúng ta đều có thể tách những kiểu dáng mới của John Galliano ra khỏi bối cảnh câu chuyện của chúng, đặt vào một không gian màu trắng xóa thường thấy. Chúng vẫn sẽ là những kỳ công thiết kế không thể tin được. Tuy nhiên, trong bối cảnh được thiết kế riêng, chúng đã trở thành một thứ gì đó rất khác – một giá trị vĩ đại. Đây chính là tài năng trời ban cho John Galliano. Ở mỗi show diễn của mình, thay vì là là người quan sát thụ động, khán giả của John Galliano sẽ hòa mình vào trí tưởng tượng kỳ diệu, giấc mơ sáng tạo phi thương và những câu chuyện không có thật của chính nhà thiết kế. Chúng ta ngửi không khí, cảm nhận vải, và cảm nhận mọi thứ để có đắm chìm lâu hơn vào thế giới hào nhoáng nhưng không kém phần chân thật đó.
Mỗi bộ trang phục đều là một tuyệt tác của trí tưởng tượng và sự khéo léo thủ công, và vào thời khắc nữ diễn viên Gwendoline Christie bước ra sàn diễn trong chiếc váy cao su trong suốt để kết thúc show diễn, Maison Margiela Artisanal Spring 2024 được đẩy lên cao trào, khiến nhiều hàng lệ rơi, nụ cười hé nở, những tràng pháo tay và tiếng hò hét cũng bắt đầu rộn ràng. Mọi người đều thét lên rằng (hoặc trong tâm trí họ đều nghĩ như thế): “Gía như show diễn có thể kéo dài thêm nhiều tiếng đồng hồ nữa”.
Maison Margiela Artisanal Spring 2024 in sâu trong tâm trí người xem về mặt thời trang, hình ảnh, bối cảnh, âm nhạc lẫn kỹ thuật may đo đằng sau; thậm chí, còn là cách mà John Galliano “cứu rỗi” địa đàng thời trang đang bị suy thoái về tính đột phá. Đối với tài năng của John Galliano, Maison Margiela Artisanal Spring, có lẽ thời gian không phải là thứ xa xỉ nhất, mà đó là tài năng. Hãy tưởng tượng trí tưởng tượng của bạn như thế nào mới có thể nghĩ ra những thứ này, để lay động mọi người như thế? Điều đó thật xa xỉ. Và thật xa xỉ để dàn khách mời có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn show diễn ngày hôm đó, để làng mốt có thể chứng kiến sự trở lại đầy phong độ của “Hiệp sĩ râu kẽm”.
Thực hiện Dory
Theo Vogue, WWD, Another Magazine