Maison Martin Margiela Upcycling Haute Couture – “Cuộc đối thoại phức tạp giữa quá khứ, hiện tại và tương lai”

Ngày đăng: 13/07/19

Thời trang tái chế không chỉ là cách mà các nhà thiết kế hay nhà hoạt động vì môi trường “ban tặng” một sinh mệnh mới cho những món quần áo cũ, mà còn có thể là thời trang cao cấp, là Avant-garde, là Eco-Deconstruction và là nghệ thuật đỉnh cao. Các tác phẩm của nhà thời trang Maison Martin Margiela là một ví dụ điển hình nhất của khái niệm Upcycling Haute Couture. Là một đại diện của ngành công nghiệp thời trang hàng đầu và tiên phong trong Haute Couture, suốt gần 30 năm qua, các bộ sưu tập của Maison Martin Margiela sử dụng hàng may mặc, hàng dệt may cũ như một phần nguyên liệu, chất liệu thô để sáng tạo nên những tác phẩm thời trang mới.

Nhưng, đó chính là kỹ thuật Haute Couture với phương pháp Giải Cấu Trúc (Deconstruction), không chỉ là Recycle – tái chế, tái sử dụng như cách hiểu thông thường. Quá trình sáng tạo của đội ngũ thiết kế nhà Margiela không chỉ là tận dụng nguyên liệu và đồ dùng cũ, mà là một chuỗi các kỹ thuật thủ công và tư duy nghệ thuật, thông qua cách biểu đạt của Haute Couture để biến đổi hoàn toàn, trở nên ấn tượng hơn, độc đáo hơn và có giá trị cao hơn.

Maison Martin Margiela Upcycling Haute Couture
Maison Martin Margiela Fashion Show, Fall Winter 1995
Maison Martin Margiela Upcycling Haute Couture
Maison Martin Margiela Fashion Show, Spring Summer 1990

Maison Margiela – trước đây là Maison Martin Margiela, là một nhà thời trang cao cấp của Pháp có trụ sở tại Paris, thành lập năm 1988 bởi nhà thiết kế người Bỉ – Martin Margiela. Trong suốt những năm 1980, nhà sáng lập Martin Margiela cùng với những nhà thiết kế Avant-garde khác trong thời kỳ này được truyền cảm hứng bởi những sáng tạo Deconstruction của nhà thiết kế người Nhật – Rei Kawakubo (nhà sáng lập của Comme des Garcons). Nhà thiết kế Martin Margiela tiếp cận tư duy sáng tạo Deconstruction từ những năm 1980 ngay từ khi còn là một nhà thiết kế tự do tại Milan.

Một sự gây sốc và âm mưu đối với ngành công nghiệp thời trang – Vogue.

Martin Margiela có thể được tôn vinh như một “nhà lãnh đạo cách mạng” chống lại chủ nghĩa tiêu thụ phi mã ở những năm 1980. Buổi trình diễn mùa đông năm 1989 của Maison Martin Margiela đã thu hút khán giả bằng một quảng cáo trong tờ báo miễn phí ở Paris, và kết thúc show diễn là một đội người mẫu mặc những chiếc áo blouse cotton màu trắng như đồng phục của các nhân viên thiết kế của nhà Margiela. Chiếc áo thun lụa màu da in giả hình xăm (nằm trong BST Xuân Hè 1989), chiếc áo vest làm từ đồ sành sứ bị hỏng (thuộc BST Thu Đông 1989), áo vest jacket nổi cầu vai đầu tiên (BST thời trang nữ Xuân Hè 1989), áo len được làm từ tất quân đội (nằm trong BST Xuân Hè 1989),….tất cả đều là những dấu hiệu đầu tiên của cuộc cách mạng tái chế mang tên Margiela – một cuộc cách mạng của cái đẹp bất thường.

Maison Martin Margiela Upcycling Haute Couture
Maison Martin Margiela Fashion Show, Spring Summer 1989
Maison Martin Margiela Upcycling Haute Couture
Trái: Maison Martin Margiela Fashion Show, photographed by Marina Faust, SpringSummer 2001
Maison Martin Margiela Upcycling Haute Couture
Maison Martin Margiela Ceremic Waistcoat (Fall Winter 1989). Photographed by Willy Vanderperre for i-D, 2001

New York Magazine đã miêu tả show thời trang đầu tiên của Maison Martin Margiela khi lần đầu xuất hiện vào năm 1988 rằng “có lẽ giống như các sự kiện nghệ thuật hơn là những chương trình Fashion Opera thường được biết đến của thời trang Paris thập niên 80”. New York Magazine đã viết rằng: “Nhà thiết kế nhanh chóng xác định một diện mạo của Deconstruction. Đó gần như là chủ nghĩa Dada (*1), như thể Marcel Duchamp (*2) đã được tái sinh trong trần kiếp của một nhà thiết kế thời trang, Margiela đã đặt nghi vấn về mọi nguyên lý thời trang và sang trọng”. Tạp chí Vogue cũng ngoa dụ về tư duy sáng tạo của Martin Margiela là một sự “provoked shock and intrigue” (Tạm dịch “gây sốc và âm mưu”) đối với ngành công nghiệp thời trang.

Ngay từ khi xuất hiện, Maison Martin Margiela được chú ý đặc biệt bởi những thiết kế Avant-garde Deconstruction và các chất liệu phi chính thống. Thương hiệu được biết đến là nhà thời trang “thiết kế quần áo từ quần áo”. Đó là sự tái cấu trúc, tái phát minh, tái chế, tái sử dụng hàng may mặc lẫn vải dùng trong trang trí nội thất, cho đến các món đồ cổ hay vật dụng gia đình bị hư hỏng, áp dụng các kỹ thuật may vá, dựng phom, tạo hình thành những món quần áo và phụ kiện mới. Như một sứ mệnh biến đổi đồ dùng cũ, bản chất sáng tạo của Maison Martin Margiela là một sự thách thức khả năng thiết kế, xử lý tính phức tạp cụ thể của một cấu trúc sẵn có bất kỳ. Thông thường, nhiều sản phẩm may mặc được kết hợp để sản xuất ra một thiết kế mới, do đó, các sản phẩm may mặc ban đầu được sử dụng như một nguyên liệu thô và chỉ một số chi tiết nhỏ của cấu trúc ban đầu có thể phục vụ trong việc hình thành cấu trúc mới.

Maison Martin Margiela Upcycling Haute Couture
Backstage at Maison Martin Margiela Fashion Show, Fall Winter 2008
Maison Martin Margiela Upcycling Haute Couture
Trái: Maison Martin Margiela, Elastic Jacket, Spring Summer 2008 Phải: Maison Martin Margiela, Tabi Boots, Spring Summer 1990

Sự thúc đẩy sáng tạo của Maison Martin Margiela là tạo nên những thiết kế mới với cấu trúc mới – ý tưởng mới – giá trị mới, hoàn toàn không chỉ là mục tiêu tái chế ra những sản phẩm có thể được chấp nhận sử dụng thêm lần nữa, và đặc biệt – không có sự rao giảng sáo rỗng về môi trường

… Maison Martin Margiela là nhân chứng thầm lặng của thời gian – Kaat Debo

Các hình thái giải cấu trúc mà Maison Martin Margiela đã thực hiện, điển hình như sử dụng các loại vải lót, tóc giả, túi đựng rau củ hoặc bao bì ny-lông như một loại chất liệu vải thông thường. Chiếc tạp dề bằng da của người bán thịt có thể biến hóa thành một chiếc váy dạ hội quyến rũ, hay một bộ váy Tulle cũ được tái thiết kế thành một chiếc jacket. Người yêu thời trang sẽ chẳng thể ngạc nhiên với sự cải biến kỳ lạ của nhà Margiela như bộ trouser suits làm từ vải bọc nệm ra đời từ năm 1970, áo được may từ những chiếc găng tay bằng da hay quần áo được “nhuộm” từ những viên nước đá có màu sắc và tan chảy.

Một thiết kế độc đáo mà sau này trở thành một biểu tượng mang tính di sản của Maison Martin Margiela phải kể đến Tabi boots (xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1992) lấy cảm hứng từ một dạng tất Tabi chia ngón, có nguồn gốc từ thế kỷ XIII của người Nhật Bản. Mùa Thu Đông 1994, nhà Margiela cho ra mắt BST Barbie, lần đầu tiên giới thiệu concept Replica (bản mô phỏng) bằng cách mô phỏng phóng đại các những bộ quần áo của Barbie theo kích thước người thật. Từ năm 1994 trở đi, quần áo và phụ kiện được thu thập từ khắp nơi trên thế giới tiếp tục được tái sản xuất và truyền tải vào các mùa thời trang như là một phần của khái niệm Replica. Cho đến gần đây, khái niệm Replica vẫn tiếp tục được kế thừa khi Maison Margiela ra mắt dòng nước hoa Replica (2016) gợi nhớ những kí ức mùi hương xưa cũ, áo sơ mi dòng Replica (2017) lấy cảm hứng từ khăn tay vintage của mùa Xuân Hè 2006 hay T-shirt Men’s Ready-to-wear Replica (2017) và Replica sneaker for Him (2017).

Maison Martin Margiela Upcycling Haute Couture
Trái: Maison Martin Margiela Spring Summer 2004 Phải: Maison Martin Margiela Fall Winter 2003

Năm 1993, Harriet Quick (*3) – phóng viên của tạp chí Vogue đã từng nhận xét về thời trang của Maison Martin Margiela là một “cuộc đối thoại phức tạp giữa quá khứ, hiện tại và biểu đạt một tầm nhìn hướng đến tương lai”. Trong quyển sách giới thiệu về triển lãm “Maison Martin Margiela 20” (*4), Kaat Debo – giám đốc của bảo tàng thời trang Antwerp’s ModeMuseum, giải thích rằng các loại chất liệu là yếu tố then chốt trong phương pháp tiếp cận của nhà thiết kế Martin Margiela. Ông cũng nhận xét thêm: “không che giấu quá trình vận động của thời gian, nhưng mang theo vết tích cuộc sống trước đây của các món quần áo và tái sinh thành những mặt hàng mới – Maison Martin Margiela là nhân chứng thầm lặng của thời gian”.

Bên cạnh phương pháp tư duy và thiết kế đậm tính nghệ thuật lập dị, những địa điểm tổ chức show thời trang mà ngài Martin Margiela lựa chọn cũng bất bình thường, có thể hiểu như một cách truyền đạt sự luyến tiếc các giá trị cũ bị lãng quên. Maison Margiela đã từng tổ chức một buổi trình diễn tại ga tàu điện ngầm Paris Saint-Martin (Xuân Hè 1992), một cơ sở bị bỏ hoang trước chiến tranh kể từ năm 1939. Các người mẫu catwalk qua 3 cầu thang được chiếu sáng bởi 1600 ngọn nến sáp ong gắn trên lan can kim loại, trong những bộ trang phục mang cảm hứng thời trang của những năm cuối thập niên 80 đầu 90.

Maison Martin Margiela Upcycling Haute Couture
Maison Martin Margiela Fashion Show tại ga tàu điện ngầm Paris Saint-Martin, Xuân Hè 1992

Maison Martin Margiela trở thành thành viên của Liên Đoàn Haute Couture & Fashion (Chambre Syndicale de la Haute Couture) và giới thiệu BST Haute Couture đầu tiên – được nhà thời trang này gọi tên là BST Artisanal và dùng mã tham chiếu mang số 0, vào mùa Xuân Hè năm 2006. Đến năm 2012, dòng Artisanal Martin Margiela mới chính thức được gọi tên là “Haute Couture” với sự chấp thuận của Liên Đoàn. Mỗi tác phẩm trong BST Artisanal mang dấu ấn đặc trưng và kỹ thuật thủ công Upcycling Haute Couture của riêng Maison Martin Margiela. Bằng cách sử dụng các món đồ cổ xưa, đồ dùng nội thất cũ ở các thập niên trước hoặc thế kỷ trước, các loại nguyên vật liệu bị vứt đi hoặc mất giá trị sử dụng, tất cả được tái chế thông qua tư duy sáng tạo của đội ngũ “áo blouse trắng” của nhà Margiela.

Artisanal Collection by Maison Margiela

Nhà sáng lập Martin Margiela đã rời đi từ năm 2009, và  “nhà vua” lập dị John Galliano được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc sáng tạo từ năm 2014. Khi John Galliano ngồi vào chiếc ghế giám đốc sáng tạo của Maison Margiela và trình diễn BST Artisanal vào mùa Xuân Hè 2015, đã nhấn mạnh cách tiếp cận Deconstruction và Upcycling Haute Couture đặc trưng của thương hiệu: tác phẩm dệt của kiến trúc sư Frank Lloyd Wright trở thành một chiếc váy cột, tấm thảm Bauhaus năm 1920 trở thành một chiếc opera coat, hay một chiếc váy lụa được cắt từ tấm thảm Le coq của nghệ sỹ người Pháp – Jean Lurcat (Xuân Hè 2013), túi đựng khoai tây biến thành một chiếc váy áo độc đáo (Thu Đông 2015), chiếc áo khoác oversize lật ngược cấu trúc cổ áo và bo áo (Thu Đông 2016), hay trang sức làm từ acrylic giả thành những viên băng đá trong suốt (Xuân Hè 2017).

Maison Martin Margiela Upcycling Haute Couture
Chiếc váy thiết kế từ tấm thảm dệt của kiến trúc sư Frank Lloyd Wright

Chú Thích 

(*1) Một khái niệm/phong trào nghệ thuật Avant-garde ở Châu Âu vào đầu thế kỷ XX.

(*2) Họa sĩ, nhà điều khắc người Pháp + Mỹ, Henri Robert Marcel Duchamp với những tác phẩm gắn liền với khái niệm nghệ thuật Cubism, Conceptual Art và Dada – mặc dù không liên quan trực tiếp với nhóm nghệ sỹ theo đuổi chủ nghĩa Dada. Marcel Duchamp cùng với Pablo Picasso và Henri Martisse, được xem là 3 nghệ sĩ đã giúp định nghĩa sự phát triển mang tính cách mạng trong nghệ thuật tạo hình (Plastic Arts) trong thập niên đầu thế kỷ XX, chịu trách nhiệm tiêu biểu về những phát triển quan trọng trong hội họa và điêu khắc.

(*3) Harriet Quick là một nhà biên tập, tác giả và còn là một nhà báo sở hữu nhiều giải thưởng lớn. Harriet đã làm việc trong lĩnh vực thời trang và thiết kế trong hơn 20 năm qua, từng là giám đốc của mảng thời trang cho British Vogue từ 2000 – 2012, biên tập viên của tạp chí Frank từ 1998 – 2000. Cô là tác giả của các quyển sách: Catwalking: A History of the Fashion Model (xuất bản bởi Hamlyn – 1996), Richard Prince (xuất bản bởi Sadie Coles Gallery – 2003) và đóng góp cho quyển Sample: 100 Fashion Designers (xuất bản bởi Phaidon – 2006). Harriet Quick cũng làm việc như một nhà tư vấn cho Lane Crawford và copywriter cho các thương hiệu hàng đầu như Chanel, Ralph Lauren, Ochre interiors và Manhattan Loft Corporation.

(*4) Chương trình triển lãm Maison Margiela 20th Anniversary (2008) được chủ trì tổ chức bởi bảo tàng thời trang Antwerp’s ModeMuseum (MoMu). Hoạt động triển lãm nhằm giới thiệu thành quả sưu tầm và nghiên cứu lịch sử 20 năm bao gồm các BST, các buổi trình diễn, các tác phẩm nội thất, cuộc đời của nhà thiết kế Martin Margiela cũng như các chiến lược truyền thông và chính sách quản lý của nhà thời trang Margiela.

Ảnh bìa: Người mẫu Sara Grace trong một thiết kế của John Galliano – Maison Margiela Artisanal Collection Xuân Hè 2017. Chụp bởi Nick Knight cho V Magazine số tháng 5/2017.

Thực hiện bài viết: Xu

Nguồn Tham Khảo:

Fashion’s Invisible Man – Nytimes

Margiela by Candlelight in SS92 – Anothermag

Martin Margiela Artisanal Reclaiming Clothing Design – Inhabitat

Martin Margiela One and Only – Thefashioncommentator